HỘI LUẬN NỮ QUYỀN 2
PHỤ NỮ TRONG TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO TÂY PHƯƠNG (1)
Thưa Bà, hãy lược qua một chút hình ảnh người phụ nữ trong triết học và tôn giáo Tây phương. Nên bắt đầu từ đâu?
J.B: Theo tôi, nên bắt đầu từ Platon. Giống như trong xã hội hiện thực, trong triết học, suốt nhiều thế kỷ, dấu ấn mạnh nhất vẫn là sự phân biệt giữa gia đình và nhà nước, giữa khu vực riêng tư và khu vực công cộng. Phụ nữ thuộc về gia đình. Nam giới thuộc về nhà nước (Hy Lạp cổ đại gọi là thành quốc (polis). Platon thực hiện một bước tiến lịch sử, khi ông phá vỡ mô hình này. Trong Politeia ("Nhà nước"), quyển 5, ông đã xem phụ nữ và nam giới là ngang hàng, bình đẳng. Thực ra, Platon không liên quan đến hình thức sơ kỳ của sự "giải phóng phụ nữ". Vậy lý do ở đâu? Ở hệ luận tự nhiên của triết học của ông về đời sống cộng đồng, trong đó bao hàm hết mọi người, kể cả phụ nữ; không cho phép có cái gì riêng tư nằm bên ngoài cộng đồng. Đây là động cơ lớn, chi phối tư duy xã hội về sau, chẳng hạn nơi Hegel với cái gọi là Sittlichkeit ("đời sống đạo đức" hay "trật tự đạo đức") mà thực chất là toàn bộ đời sống chính trị-xã hội, thoạt nhìn tưởng như chỉ với động cơ muốn "giải phóng phụ nữ"!
Còn Aristoteles thì sao, thưa Bà?
J.B: Aristoteles cũng mạnh mẽ khẳng định rằng phụ nữ - trong thế giới Hy Lạp - không phải là nô lệ. Điều này chỉ xảy ra nơi các bộ tộc "dã man". Ông xem phụ nữ và nam giới là bình đẳng, chỉ có điều, ông chê phụ nữ là thiếu sự quyết đoán thôi! (Chính trị hoc: I.13,1260 a 11). Giống với thực tế xã hội, Aristoteles xem phụ nữ thuộc về gia đình, còn chỉ đàn ông mới có thể trở thành công dân của Polis. Tuy nhiên, khi Aristoteles định nghĩa con người chủ yếu là zoon politikon ("sinh vật chính trị"), thì việc loại trừ người phụ nữ (cũng như nô lệ) ra khỏi đời sống chính trị có nguy cơ đẩy phụ nữ vào cương vị những người không sở hữu trọn vẹn "tính người"!
Tôi nhắc lại, sự lưỡng phân từ thời cổ đại giữa "gia đình-nhà nước", "riêng tư-công cộng" được duy trì ở phương Tây suốt hơn hai nghìn năm. Triết học chính trị của thuyết duy tâm Đức (sự tự trị nơi Kant và sự tự do đạo đức nơi Hegel) cũng phản ánh điều ấy.
Ta quay sang tôn giáo xem sao, thưa Bà!
J.B: Lịch sử tôn giáo gắn liền với chế độ phụ quyền gia trưởng. Trong đạo Do Thái, phụ nữ bị đặt dưới đàn ông. Trong trật tự Sáng tạo, phụ nữ giữ vị trí hạng nhì, bổ sung cho đàn ông (Cựu ước. Sáng thế ký, 2.22). Eva mang một lúc cả hai đặc điểm: cám dỗ và dễ bị cám dỗ! Nàng phải trả giá đắt đến độ bẩt công vì đã tham gia vào "chước cám dỗ và sa đọa vào tội lỗi": chịu đau đớn khi sinh nở và phải phục tùng người đàn ông. "Hắn sẽ là chủ của ngươi!" ( Sáng thế ký, 3,16). Dù sao, trong Cựu ước, người nam và người nữ đều được mang hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là đồng thể và đồng đẳng. Nhưng lại nhấn rất mạnh đến yêu cầu sinh sôi nảy nở. Thế là đàn ông, từ Abraham đến các tên vua chúa sau này, tha hồ có nhiều vợ! Người vợ có thể bị rẫy bỏ dễ dàng; về pháp lý, vợ là sở hữu của chồng. Phụ nữ chỉ có vai trò chính trị trong những trường hợp ngoại lệ. Không có nữ tu sĩ và giáo sĩ; chỉ đôi khi họa hoằn được gọi là nhà tiên tri.
Đến Ki Tô giáo thì có nhiều thay đổi, phải không, thưa Bà?
J.B: Trong Ki Tô giáo vẫn còn lưu giữ truyền thống xem phụ nữ đứng hạng nhì trong trật tự Sáng tạo (1 Cor 11;3, 10). Nhưng mới mẻ là: bên cạnh Eva, có Maria. Nếu Eva gắn liền với tội lỗi và bất hạnh thì Maria là biểu trưng của cứu độ và giải thoát. Là hiện thân của ân sủng, Mẹ Maria báo trước sự cứu độ. Trong Tân Ước, sứ mệnh tự nhiên của phụ nữ vẫn là làm mẹ và làm vợ, tuy nhiên quan hệ giữa hai giới tính được chuyển hóa thành tình yêu (agape, chứ không phải eros). Trật tự gia đình gợi nhớ mô hình Hy Lạp: chồng-vợ; cha mẹ-con cái; ông chủ-nô lệ, khuyên bảo phụ nữ phục tùng chồng tương tự giáo hội phục tùng bề trên (hos to kyrio). Đối lại, chồng yêu thương vợ như Đức Ki Tô yêu thương giáo hội.
Thưa Bà, đối với quan niệm Ki Tô giáo, có phân biệt hay tách rời vai trò chính trị-xã hội và tôn giáo không?
J.B: Có, dù thực tế khá hàm hồ. Trên thế gian, nam và nữ không bình đẳng, nhưng lại bình đẳng trong viễn tượng cứu độ. Trước Thiên Chúa, mọi linh hồn đều bình đẳng. Nam và nữ đều có triển vọng như nhau về cuộc sống đời đời. Chúa Thánh Thần giáng hạ với cả hai! Thêm ảnh hưởng khá hàm hồ từ Thánh Phaolô. Một mặt, trong nhà thờ, vị tông đồ ra lệnh phụ nữ phải im lặng , từ chối hôn nhân vì ngày phán xử đến gần, vừa tuyên bố mọi người đều bình đẳng ngay trên trần gian này: "Dù là người Do Thái hay người Hy Lạp, dù là nô lệ hay người tự do, dù là nam hay là nữ". Hegel rất ca ngợi sứ điệp đẹp đẻ này, và cho rằng ước nguyện tự do và bình đẳng ấy đã trở thành hiện thực trong xã hội hiện đại. Theo Hegel, Cách mạng Pháp và xã hội tư sản hiện đại đã giải quyết được lời tuyên xưng của vị đại tông đồ!
Nhắc đến Hegel, không thể không nhắc đến Locke và Kant, Bà nhỉ!
J.B: Đúng thế, cho tới thời quân chủ chuyên chế, chế độ phụ quyền gia trưởng trở thành chiến lược chính đáng hóa. Tác phẩm Patriarcha (1680) của Robert Filmer biện minh cho chế độ quân chủ chuyên chế từ quyền thống trị của ...Adam trên muôn loài và cả Eva! Lập luận này đã bị John Locke [xem: Giao lưu với John Locke] đả kích kịch liệt. Ngay trong mô hình Aristoteles, quan hệ phụ quyền trong gia đình của chồng với vợ, cha với con cái và nô lệ đã tuyệt nhiên không được trở thành mô hình biện minh trong chính trị. Polis là sự cai trị của những công dân tự do và bình đẳng đối với những công dân tự do và bình đẳng. John Locke thêm: sự thống trị nay không còn dựa trên tự nhiên như Aristoteles, mà - đi vào thời cận đại- dựa trên sự đồng thuận tự do và trên cơ sở khế ước xã hôi hiện đại. Locke và Kant là hai nhà tư tưởng tiêu biểu đem tinh thần tự do, khai phóng vào thế giới hiện đại, vứt bỏ mô hình "nhà nước cha chú". Mô hình ấy, tiếc thay, sẽ lại ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi hay thô lậu: "nhà nước phúc lợi", "nhà nước phụ mẫu" với hình tượng những "quốc phụ" khắp nơi...
Mời Quý Bà dùng trà, trước khi ta đi vào thời cận đại! (Cũng xin phép lưu ý Quý vị và các Bạn: phần giao lưu với Bà Judith Butler trong hai kỳ về "phụ nữ trong triết học và tôn giáo" là hoàn toàn...tưởng tượng, do chúng tôi mượn lời bà, vì thế, không có trong các tác phẩm của bà!).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC