HYPATIA XỨ ALEXANDRIA CUỘC ĐỜI VÀ CÁI CHẾT CỦA MỘT NỮ TRIẾT GIA
Hypatia xứ Alexandria là một nhà tư tưởng kiệt xuất nhưng lại phải chịu một cái kết bi thảm. Là một trong những trí thức nữ nổi bật nhất thời cổ đại, điều gì ở bà đã khiến nhiều người lo ngại đến vậy?
Hypatia xứ Alexandria là một trong những nữ triết gia xuất sắc nhất thời cổ đại. Bà đặc biệt tài năng về toán học và từng giảng dạy cho nhiều nhân vật quan trọng từ khắp Đế chế La Mã. Tuy nhiên, Hypatia sống trong một thời kỳ mà Giáo hội đang dần nắm quyền lực, và chẳng mấy chốc bà trở thành mục tiêu của một nhóm chiến binh Cơ Đốc cực đoan. Là một nhân vật quan trọng và có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng của mình, Hypatia sớm bị cuốn vào một cuộc xung đột u ám giữa vị giám mục Cơ Đốc tham vọng và chính quyền thế tục địa phương. Kết cục của sự đối đầu này là một bi kịch. Hypatia xứ alexandria là ai, và bà đã giảng dạy những gì? Hypatia sinh khoảng năm 355 tại Alexandria, một thành phố nổi tiếng với trí tuệ và học thuật. Theo các nguồn tư liệu, Hypatia có một trí tuệ xuất chúng và tài năng đặc biệt về toán học. Bà được nuôi dưỡng bởi cha mình, Theon, một nhà toán học và triết gia nổi tiếng. Bà đã làm việc cùng cha trong nhiều năm, nhưng một trong những nguồn chính cho rằng khi trưởng thành, bà đã vượt xa cha mình về khả năng. Thật không may, giống như nhiều nhà văn khác từ thế giới cổ đại, phần lớn tác phẩm của bà đã bị thất lạc theo thời gian, khiến việc tái dựng lại những gì bà có thể đã viết trở nên khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một số tác phẩm của bà bao gồm các bài bình luận về những nhà tư tưởng quan trọng, chẳng hạn như Arithmetica của Diophantus, Almagest của Ptolemy, và công trình về cấu trúc hình nón của Apollonius. Đặc biệt, tác phẩm của Diophantus rất tiên tiến, được xem là tiền thân sớm của đại số Ả Rập sau này. Tên của Hypatia cũng xuất hiện nhiều lần liên quan đến thiên văn học. Một bức thư thậm chí đề cập rằng bà đã dạy một học trò của mình cách thiết kế một astrolabe – một công cụ dùng để nghiên cứu bầu trời. Về các giảng dạy triết học, chúng ta không biết chính xác nội dung, nhưng biết rằng bà thuộc trường phái Tân Platon, một trào lưu triết học thống trị trong thời kỳ cổ đại muộn. Trường phái này coi việc nghiên cứu toán học là một hoạt động trí tuệ quan trọng, giúp con người tiến gần hơn đến sự thần thánh. Các nhà Tân Platon kết hợp nhiều triết học cổ đại thành một truyền thống duy nhất, nhấn mạnh một Thượng Đế bao trùm – gọi là Đấng Một (Nguyên lý đầu tiên), có thể được trải nghiệm thông qua sự chiêm nghiệm sâu sắc. Sau khi Hypatia qua đời, Alexandria trở thành một trung tâm nổi tiếng với các triết gia Tân Platon, và xu hướng này dường như được khởi nguồn từ chính bà. Khi trưởng thành, Hypatia đã điều hành trường học của riêng mình, nơi bà giảng dạy cho những học trò xuất sắc và thông minh nhất từ khắp đế chế. Các giáo viên ở các trung tâm trí tuệ lớn như Alexandria thường cạnh tranh để thu hút học trò từ tầng lớp quý tộc của La Mã, những người thường theo học triết học trước khi bắt đầu sự nghiệp. Hypatia xứ Alexandria là một trong những giáo viên được kính trọng và danh giá bậc nhất. Bà được học trò ngưỡng mộ và là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng địa phương, thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng công khai. Khi Hypatia bắt đầu giảng dạy vào cuối thế kỷ 4, nhiều người không thấy có mâu thuẫn giữa việc nghiên cứu triết học cổ điển và việc là một tín đồ Kitô giáo, và ít nhất một số học trò của Hypatia cũng là người Kitô. Một trong những học trò quan trọng nhất của Hypatia, Synesius, sau này trở thành một giám mục tại thành phố Ptolemais gần đó. Ông tiếp tục viết các tác phẩm thần bí suốt phần đời còn lại, trong đó hòa trộn một cách thoải mái giữa triết học ngoại giáo và các tư tưởng Kitô. May mắn cho các nhà sử học, 156 lá thư do Synesius viết đã được bảo tồn, và một số trong đó được gửi trực tiếp cho Hypatia. Trong các bức thư của mình, Synesius làm rõ rằng Hypatia và nhóm học trò của bà, gồm cả những người ngoại giáo và Kitô giáo, vẫn duy trì tình bạn bền chặt và giữ liên lạc với nhau suốt đời. Tuy nhiên, dù Hypatia có được sự ủng hộ của tầng lớp tinh hoa trong thành phố, bao gồm cả người ngoại giáo và Kitô giáo, một nhóm ngày càng lớn các phần tử tôn giáo cực đoan bắt đầu không tán thành trường học của bà. Những phần tử này sắp được huy động bởi một Giám mục Kitô giáo tàn nhẫn. Giáo hội hiếu chiến: cuộc bức hại dưới tay “thánh” Cyril xứ Alexandria Hypatia không cảm nhận được tác động đầy đủ của cuộc xáo trộn tôn giáo trong thành phố cho đến khi Giám mục già Alexandria, Theophilus, qua đời vào năm 413. Ông được kế nhiệm bởi một nhà thuyết giáo cực đoan hơn nhiều, Giám mục Cyril, người mà cuộc bầu cử bị vấy bẩn bởi những mánh khóe chính trị và sự kích động từ đám đông địa phương. Cyril sau này được phong thánh và là một Tiến sĩ của Giáo hội, nhưng ông dường như là một nhân vật cực kỳ khó chịu. Sau khi được bầu, Cyril quyết tâm sử dụng các phần tử cực đoan trong cộng đồng của mình để gây rối và giành quyền lực chính trị cho bản thân. Alexandria có một dân số Kitô giáo rất lớn, nhưng cũng cực kỳ đa văn hóa. Vị Giám mục mới đã nhanh chóng khai thác định kiến của người Kitô để tăng cường uy tín. Ông bắt đầu bằng cách nhắm vào giáo phái Novatian, một nhóm Kitô giáo không chính thống lớn tại Alexandria, đẩy họ ra khỏi các nhà thờ của họ. Không lâu sau, ông chuyển sang mục tiêu lớn hơn: cộng đồng người Do Thái khổng lồ và lâu đời hàng thế kỷ ở Alexandria. Một trong những tay sai của Cyril bị buộc tội gây rối trong một đám đông người Do Thái tại Alexandria, và ngay lập tức bị Tổng trấn La Mã, Orestes, bắt giữ và xử tử. Sự việc này khơi mào cho một mối thù giữa hai người. Orestes, giống như nhiều nhà quý tộc địa phương khác, là một người bạn thân thiết của Hypatia, điều này về sau đã gây rắc rối nghiêm trọng cho bà. Mặc dù Orestes cố gắng khôi phục trật tự trong thành phố, tình hình nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Sau khi một nhóm người Do Thái tấn công bạo lực một số người Kitô địa phương, Cyril đã thành công trong việc trục xuất toàn bộ người Do Thái ra khỏi Alexandria với sự giúp đỡ của một đám đông phẫn nộ, hoàn toàn làm suy yếu quyền lực của Tổng trấn La Mã đang tức giận. Mặc dù Orestes đã viết thư lên hoàng đế để than phiền về vị Giám mục rắc rối, dường như ông không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Những người ủng hộ bạo lực nhất của Cyril bao gồm các tu sĩ cực đoan từ Nitrian, một vùng sa mạc ở Ai Cập, và nhóm parabolani Kitô, những người vốn dĩ được giao nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân và giúp đỡ cộng đồng, nhưng lại có xu hướng gây khủng bố dân cư địa phương nhiều hơn. Mối thù của Orestes với Giám mục Cyril không mang lại lợi ích gì cho ông. Chẳng bao lâu sau, một số tu sĩ của Cyril đã tấn công Orestes trên đường phố, ném đá vào đầu ông và buộc tội ông là kẻ ngoại giáo và thờ thần tượng. Người ném đá, một tu sĩ tên Ammonius, sau đó bị bắt giữ và giết chết, khiến Cyril tuyên bố ông ta là một vị tử đạo. Khi tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang nguy hiểm, Cyril và đám đông của ông chuyển sự chú ý sang bạn của Orestes, Hypatia. Cái chết của Hypatia xứ Alexandria Cái chết của Hypatia không đơn thuần là một xung đột tôn giáo, mà là một cuộc chiến quyền lực giữa các nhân vật quyền thế đối lập. Lúc này, Hypatia đã lớn tuổi, khoảng 60 khi qua đời, nhưng bà vẫn bị xem là một mối đe dọa trong mắt Cyril. Bà không chỉ có mối liên hệ với Tổng trấn Orestes, mà còn được người dân yêu mến một cách đặc biệt. Một nguồn tài liệu kể lại rằng Cyril tức giận khi thấy đám đông tụ tập để lắng nghe Hypatia diễn thuyết, và ông quyết tâm phá hủy danh tiếng của bà. Trong một sự kiện dự báo trước cho cách phụ nữ bị đối xử trong xã hội Kitô châu Âu thời Trung Cổ và xa hơn, tri thức và ảnh hưởng của Hypatia nhanh chóng bị gán cho là tà thuật. Lời đồn này sau đó được các sử gia thời Trung đại lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Một sử gia thế kỷ 7, John of Nikiu, viết: “Vào thời đó, ở Alexandria xuất hiện một nữ triết gia ngoại giáo tên là Hypatia, và bà luôn đắm mình trong ma thuật, các dụng cụ thiên văn và nhạc cụ. Bà đã quyến rũ nhiều người bằng mưu kế của quỷ Satan. Và Tổng trấn thành phố [Orestes] đã rất kính trọng bà; bởi vì bà đã mê hoặc ông bằng tà thuật của mình.” (The Chronicle, LXXXIV.87-88, 100-103) Liệu lời đồn này có bắt nguồn từ chính Cyril hay không thì chúng ta không thể chắc chắn, nhưng không lâu sau, những người ủng hộ Cyril bắt đầu lan truyền rằng quyền lực của Hypatia đối với người dân là do bà sử dụng tà thuật. Đối với một số tín đồ Kitô vào thời điểm đó, đây là một cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng. Ví dụ, trong Kinh Thánh có viết: “Ngươi không được để cho một mụ phù thủy nào sống.” (Exodus 22:18) và: “Kẻ nào, dù là đàn ông hay phụ nữ làm đồng cốt hay bói khoa chắc chắn sẽ bị xử tử. Chúng sẽ bị ném đá cho đến chết. Máu của chúng sẽ đổ lên mình chúng.” (Lê-vi Ký 20:27) Chẳng bao lâu sau, một nhóm tín đồ Kitô cực đoan, do một người đọc Kinh Thánh trong nhà thờ tên Peter lãnh đạo, đã quyết định hiểu những câu Kinh Thánh này theo nghĩa đen. Đám đông đã tìm thấy Hypatia trên đường phố Alexandria, kéo bà ra khỏi cỗ xe của mình. Bà bị lột trần, đánh đập và ném đá đến chết bằng các mảnh ngói, trong một hành động bạo lực kinh hoàng. Sau đó, thi thể bị biến dạng của bà bị thiêu đốt một cách không thương tiếc. Cái chết kinh hoàng của Hypatia khiến bà trở thành một vị tử đạo trong mắt nhiều người — cả ngoại giáo lẫn Kitô giáo. Hypatia xứ Alexandria trong huyền thoại và hư cấu Trong thời hiện đại, Hypatia xứ Alexandria đã trở thành một biểu tượng nữ quyền và một biểu tượng phản đối Kitô giáo. Tuy nhiên, vì những gì bà đại diện cho nhiều người, những chi tiết phức tạp về cuộc đời và thời đại của bà thường bị lãng quên. Đến thế kỷ 18, câu chuyện của bà được các triết gia thời Khai Minh như Voltaire đón nhận nồng nhiệt, khi họ ngày càng bác bỏ tôn giáo Kitô. Sang thế kỷ 19, cuốn tiểu thuyết bán chạy Hypatia của Charles Kingsley – một người chống Công giáo – đã sử dụng hình ảnh Hypatia như một biểu tượng lên án những hành động sai trái nghiêm trọng của Giáo hội Kitô. Trong các ví dụ hiện đại hơn, Hypatia thường được sử dụng làm biểu tượng cho lý trí thế tục. Miêu tả nổi tiếng nhất về Hypatia đến từ bộ phim bom tấn Agora năm 2009, do Alejandro Amenábar đạo diễn, với sự tham gia của nữ diễn viên tài năng Rachel Weisz. Bộ phim đã điều chỉnh các sự kiện trong cuộc đời của Hypatia để tạo nên một câu chuyện giải trí, nhưng cũng được ghi nhận vì vừa là một bộ phim hấp dẫn vừa hiếm hoi tái hiện thời kỳ cuối của lịch sử La Mã trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, câu chuyện của phim đã biến Hypatia thành một anh hùng hiện đại theo cách bà không phải. Trong một phân cảnh, một thành viên hội đồng Alexandria tuyên bố rằng họ không nên nghe theo nữ triết gia “lắm lời” này vì “bà không tin vào bất cứ điều gì.” Trên thực tế, là một nhà triết học Tân Platon, Hypatia chắc chắn có niềm tin tâm linh sâu sắc. Mục tiêu của các triết gia Tân Platon thời kỳ cuối La Mã là đạt đến sự hợp nhất với Thượng Đế thông qua chiêm nghiệm triết học và nỗ lực trí tuệ. Đối với Hypatia, lý tính và tôn giáo không thể tách rời. Hypatia trở thành nạn nhân của một xu hướng ngày càng đáng lo ngại: một nhánh cực đoan và thiếu khoan dung của Kitô giáo, xu hướng này về sau trở nên nổi bật trong suốt thời kỳ Trung đại. Tuy nhiên, bối cảnh tôn giáo thời Hypatia vẫn còn khá phức tạp Hypatia cuối cùng đã bị sát hại vì bà là một người phụ nữ quyền lực, một nhà tư tưởng, và vì bà đã cản đường một kẻ khát khao quyền lực – một người sẵn sàng lợi dụng đám đông thù hận được kích động bởi mê tín dị đoan. Minh Cường dịch
Nguồn: Alice Bennett (2021). Hypatia of Alexandria: the life and death of a female philosopher. The Collector.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC