Thuyết Nữ quyền

"Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du"

HỘI LUẬN NỮ QUYỀN:

 

"NGUYÊN HÌNH NỮ CHÚA TRÊN NGÀY PHÙ DU"

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

 

Thưa Quý vị và các Bạn!

Phụ nữ là một nửa thế giới. Là...bà ngoại ta, là mẹ, là cô giáo, là bạn gái, chị em gái, là cô hàng xóm, dì Năm bán tạp hóa đầu hẻm, cô Tư bán vé số, bà tổng thống một quốc gia nào đó. Đông đảo và quan trọng như thế, nên phụ nữ bao giờ cũng là một tối đại vấn đề!

Trong đời sống thực, thế kỷ 20 (và 21) là thế kỷ của phụ nữ. Phụ nữ đấu tranh để được vào đại học, vào thế giới lao động và nghề nghiệp. Họ còn đấu tranh cho quyền ứng cử, bầu cử bình đẳng, cho các nhân quyền, dân quyền và sự tôn trọng nhân phẩm người phụ nữ, và, cả cho...nam giới. Bao nhiêu tấm gương sáng ngời của những anh thư liệt nữ, sống mãi với thời gian!

Trên bình diện lý thuyết, hiếm có phân khoa khoa học xã hội và văn hóa học nào  lại thiếu nghiên cứu về Giới (Gender Studies). Lật Oxford English Dictionary (1989) xem thử nhé: khái niệm "Feminism" (thuyết nữ quyền" hay "nữ quyền luận") xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Anh là vào năm 1895. Vậy là, trước thế kỷ 19 chưa có từ này. Hồi đó chỉ có khẩu hiệu: "Women's Rights" ("những Quyền của Phụ nữ"). Còn "Women 's Liberation" ( "Giải phóng Phụ nữ") lại là từ mới có ở Mỹ từ những năm 1960. Vậy, từ "thuyết nữ quyền" trong nhan đề cuộc "Hội Luận" này là để chỉ chung cả lý thuyết lẫn thực tiễn đấu tranh cho quyền của phụ nữ đòi giải phóng hoặc đòi có sự khác biệt.

Các cách tiếp cận lý thuyết cũng ngày càng phong phú, đa dạng từ nhiều quan điểm  khác nhau, từ trường phái Frankfurt đến Foucault, Giddens, Bourdieu, Elias, Luhmann hay từ nhiều truyền thống khác nữa. Hai hướng phát triển đang song hành: một mặt sự hội nhập khu vực và toàn cầu đặt ra nhiều vấn đề về những hình thức bất bình đẳng mới cần được kịp thời nắm bắt và giải quyết bằng lý thuyết. Mặt khác, việc nghiên cứu các lĩnh vực xung đột mới nảy sinh - quá phức hơp và đa tầng - cần sự nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành trên quy mô lớn.

Chân trời nghiên cứu về Giới đang mở rộng. Đồng thời không thể quên rằng, như mọi nghiên cứu khoa học khác, nghiên cứu vể Giới vẫn có thể bị bó hẹp trong khuôn khổ của giảng đường với mọi ràng buộc và thói quen cố hữu. Việc nghiên cứu về Giới, vì thế, không tránh khỏi hai thách thức: mở rộng tư duy đa ngành, đa hệ hình, đồng thời lại phải chyên môn hóa cao độ. Tinh thần văn hóa phản tỉnh và phản biện cần thiết hơn bao giờ hết để chống lại xự xơ cứng, cố thủ trong lý thuyết và luôn tiếp sức sống mới cho lý thuyết nữ quyền, góp phần vào sự tiến bộ của phụ nữ trong thực tế.

Trong tinh thần ấy, chúng tôi hân hạnh mở cuộc "Hội luận" (tưởng tượng!) hôm nay với tám nữ đại biểu tài danh nổi bật của phương Tây từ nửa sau thế kỷ 20 cho đến hiện nay. Xin nhiệt liệt chào mừng quý Bà: Simone de Beauvoir (1908-1986), Betty Friedan (1921-2006), Valerie Salanas (1936-88), Kate Millet (*1934). Luce Irigaray (* 1932), Carol  Gilligan (*1936), Iris Young (*1949) và Judith Butler (*1956)!

 

Thưa Quý Bà! Để khán-thính giả dễ theo dõi cuộc Hội Luận, xin phép đề nghị tiến hành theo kiểu...cổ điển: kính mời Quý Bà lần lượt trình bày quan điểm của mình, và, để thêm sinh động, rất mong Quý Bà trao đổi quan điểm trực tiếp với nhau trong khuôn khổ...thời lượng cho phép! Tuy nhiên, là người Việt, chúng tôi không phải ai cũng am tường bối cảnh và lịch sử vấn đề phụ nữ ở phương Tây. Vì thế, trước khi đi vào phần trình bày quan điểm riêng của từng vị, xin nhờ Bà Butler, người trẻ nhất, vui lòng giới thiệu qua về lịch sử vấn đề, Thay mặt khán thính giả, xin chân thành cám ơn Bà trước!

 

Thưa Bà Butler! Bà làm luận án về Hegel, dạy ở nhiều trường đại học Hoa kỳ. Từ 1994, bà là giáo sư về tu từ học và văn học so sánh ở đại học California. Xin phép hỏi Bà, thuyết nữ quyền, về lịch sử, bắt nguồn từ đâu? Mong Bà nói dễ hiểu, khác với văn phong ...Hegel trong các tác phẩm của Bà!

 

J.B (cười): Vậy là chắc anh bạn đã đọc sách của tôi rồi! Như bạn biết, tôi chuyên về văn học chứ không phải là sử gia. Nhưng, theo yêu cầu, do tôi...không may là người trẻ nhất (cười vui vẻ), tôi cứ mạnh dạn trả lời theo những gì tôi biết thôi.

Thuyết nữ quyền, về lịch sử, đặt cơ sở trên việc phê phán chế độ phụ hệ và các hình thái gia trưởng. Lịch sử của phụ nữ, bị chôn vùi hay làm lu mờ trong chế độ phụ hệ gia trưởng cần phải được làm cho sáng tỏ trở lại. Lịch sử của triết hoc, tôn giáo và chính trị cần được thẩm tra cặn kẽ về những cội rễ phụ quyền gia trưởng của nó. Mặt khác, cần phải "khai quật" trở lại lịch sử của phụ nữ mà trước nay ta không hề được nghe hay được đọc. Công việc cần thiết đầu tiên này lại gặp không ít khó khăn. Lịch sử tự nó đã không đơn giản, huống hồ là lịch sử bị che giấu, vùi lấp, xuyên tạc như lịch sử của phụ nữ. Chân tướng của người phụ nữ trong quá khứ như thế nào? Ở từng nước? Từng vùng văn hóa? Và xét chung trên toàn thế giới? Một công việc khổng lồ, chỉ mới có một ít những thành quả bước đầu. Đáng chú ý là bộ lịch sử về phụ nữ ở phương Tây gồm 5 tập của G.Duby/M.Perrot ("A History of Women in the West", Cambridge/Mass, 1992-94). Còn ở những nơi khác? Người phụ nữ bị chà đạp và hoàn toàn vô quyền, bất lực trong suốt chiều dài lịch sử? Đúng và không! Quyền lực và sự bất lực của hai giới tính đan xen và hòa quyện vào nhau, đó là khó khăn lớn của đề tài này. Phụ nữ không phải hoàn toàn bất lực. Là người vợ và người mẹ, là người tình và kỹ nữ, là nữ chúa hay nhà chỉ huy, người phụ nữ, trong thực tế, không phải không có lúc nắm nhiều quyền lực trong tay. Vẽ nên hình ảnh người phụ nữ đơn thuần trong vai trò của nạn nhân cũng là quá đơn giản hóa. Hình ảnh về quá khứ sẽ quy định chủ trương và hành động trong hiện tại, tùy theo ta đánh giá lịch sử ấy như thế nào. Thuyết nữ quyền trong thế kỷ 20 ít nhiều quay trở về quá khứ, lấy cảm hứng từ những thần thoại nguyên thủy. Hình ảnh "Bà Mẹ Trái Đất", "Mẫu Nghi Thiên Hạ", hay chế độ mẫu hệ được tái-huyền thoại hóa! Vì thế, cần thận trọng "bóc tách" từng mảng, trước hết trong triết học và tôn giáo, nơi bị nghi ngờ ẩn giấu những động cơ của chế độ phụ quyền gia trưởng.

 

Về triết học, cần tìm hiểu ở đâu, thưa Bà?

 

J.B: Thử tìm hiểu Platon, Aristoteles, Rousseau, Hegel, Marx và Nietzsche! 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt