Thuyết Nữ quyền

Sự bóc trần bí mật của sự giải phóng phụ nữ, hay là Louis Morel

SỰ BÓC TRẦN BÍ MẬT CỦA SỰ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ,

 HAY LÀ LU-I-DƠ MÔ-REN

 

KARL MARX (1818-1883)

 


Karl Marx. Gia đình thần thánh, in trong bộ C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn || Bản dịch tiếng Anh: Revelation of the Mystery of the Emancipation of Women, or Louis Morel


 

Nhân dịp Lu-i-dơ Mô-ren bị bắt, Rô-đôn-phơ đã có những lời nghị luận có thể tóm tắt như sau:

"Chủ thường làm hại đầy tớ gái bằng sự lo ngại, bằng sự tấn công bất ngờ hoặc bằng cách lợi dụng những cơ hội khác do bản tính của quan hệ chủ tớ tạo ra. Yđẩy người tớ gái vào vòng bất hạnh, nhục nhã và phạm tội. Luật pháp không đụng gì đến những quan hệ ấy ... Người ta không trừng trị kẻ tội phạm đã thực tế đẩy người thiếu nữ vào chỗ giết con".

Những nghị luận của Rô-đôn-phơ thậm chí cũng không thể mở rộng đến mức đặt bản thân quan hệ chủ tớ trước sự phê phán anh minh của mình. Là một kẻ thống trị nhỏ, Rô-đôn-phơ là một đại vệ sĩ của quan hệ đó. Ông ta càng không hiểu được cái không có tính người của tình trạng chung của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tuyệt đối trung thành với lý luận cũ của mình, ông chỉ tiếc rằng thiếu mất một đạo luật trừng phạt kẻ quyến rũ và kết hợp sự sám hối và chuộc tội với những hình phạt ghê gớm. Rô-đôn-phơ chỉ cần nghiên cứu kỹ sự lập pháp hiện hành của các nước khác của ông ta. Vì quá ư chu đáo - điều mà Blếch-xtơn hết lời ca tụng - nó đã đi tới chỗ gán cho cả người quyến rũ gái điếm cái tội bội tín.

Ông Sê-li-ga đã dạo khúc nhạc hoan nghênh:

"Rô-đôn-phơ". (!) "nghĩ" (!) "như thế đấy" (!). "Vậy giờ đây, hãy so sánh những tư tưởng đó với những ảo tưởng của anh về giải phóng phụ nữ. Trong những tư tưởng đó, người ta hầu như có thể dùng tay sờ thấy sự nghiệp giải phóng, còn các anh thì ngay từ đầu, đã quá thực tế và do đó thường gặp thất bại với những cố gắng không đi đến đâu".

Dù sao chúng ta cũng phải cảm ơn ông Sê-li-ga đã khám phá ra cái bí mật là hầu như có thể dùng tay sờ được một sự nghiệp nào đó trong tư tưởng. Còn như việc ông ta so sánh một cách hết sức buồn cười Rô-đôn-phơ với những người chủ trương giải phóng phụ nữ thì xin bạn đọc hãy đối chiếu những tư tưởng của Rô-đôn-phơ với "những ảo tưởng" dưới đây của Phu-ri-ê:

"Ngoại tình, sự quyến rũ đều đem lại vinh quang cho kẻ quyến rũ và được coi là phong lưu tao nhã ... Nhưng cô gái đáng thương ơi ! Giết con ! Tội lớn biết bao ! Nếu cô coi trọng danh dự của mình thì tất phải thủ tiêu mọi dấu vết ô nhục, mà nếu vì thiên kiến của thế giới này mà cô hy sinh con mình thì cô lại càng bị ô nhục hơn và trở thành vật hy sinh cho thiên kiến của pháp luật ... Đó là cái vòng luẩn quẩn mà toàn bộ cơ cấu của nền văn minh vẽ ra khắp nơi trong sự vận động của nó".

"Cô gái trẻ há chẳng phải là một hàng hoá đem bày ra bán cho ai mua về làm của riêng hoàn toàn của mình hay sao ! ... Cũng như trong văn phạm hai phủ định tạo thành một khẳng định, trong việc buôn bán hôn nhân, hai sự mãi dâm tạo thành ra một đức hạnh".

"Sự phát triển của một thời đại lịch sử bao giờ cũng có thể xác định được bằng bước tiến của phụ nữ tới tự do, vì trong quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, giữa phái khoẻ và phái yếu biểu hiện một cách rõ ràng nhất thắng lợi của tính người đối với thú tính. Trình độ giải phóng của phụ nữ là tiêu chuẩn tự nhiên để đo sự giải phóng phổ biến".

"Làm nhục phụ nữ là nét đặc trưng bản chất của thời văn minh cũng như của thời dã man. Chỉ có điều kiện khác nhau là tội ác mà thời đại dã man phạm dưới hình thức giản đơn, thì thời văn minh lại đem lại cho nó một hình thức tồn tại phức tạp, ám muội, hai mặt, giả nhân giả nghĩa ... Về việc phụ nữ bị hãm vào vòng nô lệ, bản thân nam giới đáng bị trừng phạt hơn ai hết" (Phu-ri-ê)[1].

Đem so sánh sự trình bày tài tình của Phu-ri-ê về vấn đề hôn nhân cũng như những tác phẩm của phái duy vật của chủ nghĩa cộng sản Pháp với những nghị luận của Rô-đôn-phơ thì quả là thừa.

Những đoạn thảm thương nhất của văn học xã hội chủ nghĩa mà nhà tiểu thuyết nhặt ra đã bóc trần "những bí mật" mà sự phê phán có tính phê phán vẫn chưa biết.

 



[1] Marx trích dẫn các tác phẩm sau đây của C. Fourier: "Học thuyết về bốn vận động và về những số phận chung" ("Théorie des quatre mouvements et des destinées générales" - in lần thứ nhất vào năm 1808), "Thế giới mới lao động và xã hội hoá" ("Le nouveau monde industriel et sociétaire" - in lần thứ nhất vào năm 1829) và "Học thuyết về sự thống nhất của thế giới".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt