Thuyết Nữ quyền

Sự đa dạng của chủ nghĩa nữ quyền

 

SỰ ĐA DẠNG CỦA NHỮNG CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN

VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀO SỰ BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

JUDITH LORBER

HỒ LIỄU dịch

 


Judith Lorber, sinh năm 1931, là giáo sư hưu giảng các môn Xã hội học và Phụ nữ học tại Trung tâm Tốt nghiệp thuộc Đại học Thành phố New York và Học viện Brooklyn. Bà là nhà lí thuyết nền tảng của kiến thiết xã hội về giới tính và đóng một vai trò then chốt trong việc tạo dựng và chuyển hoá ngành giới tính học. Gần đây bà lên tiếng kêu gọi việc phải phân định thế giới xã hội. Kể từ đầu thập niên 1970 bà đã tích cực hoạt động trong Hiệp hội những nhà Khoa học Xã hội vì Phụ nữ trong xã hội. Bà khai triển và dạy một số những giảng khoá đầu tiên về xã hội học giới tính, phụ nữ học, và lí thuyết nữ quyền tại những trường kể trên nơi bà đã là Điếu hợp viên đầu tiên về Chương trình chứng nhận về Phụ nữ học từ 1988 đến 1991. Năm 1992 – 1993 bà là Chủ tịch phân bộ Tính dục và Giới tính của Hiệp hội Hoa Kì về Tiêu chuẩn và được Tặng thưởng Jessie Bernard năm 1996 “cho công cuộc hàn lâm của bà đã mở rộng những chân trời của xã hội học để bao gồm trọn vẹn vai trò của phụ nữ trong xã hội”.


                                                                                           

Chủ nghĩa nữ quyền là một phong trào xã hội mà mục đích căn bản là sự bình đẳng giữa đàn bà và đàn ông. Ở nhiều thời và nhiều nơi trong quá khứ, người ta từng kiên quyết rằng đàn bà và đàn ông có những khả năng tương tự nhau và đã cố gắng cải thiện địa vị xã hội của tất cả đàn bà, cũng như các địa vị của những đàn ông. Tuy nhiên, như một phong trào có tổ chức, nữ quyền trỗi dậy trong thế kỉ mười chín ở châu Âu và châu Mĩ để đáp ứng những bất bình đẳng lớn lao giữa những vị thế pháp lí của những công dân nữ và nam ở những xứ sở phương Tây đã công nghệ hoá.

Lược sử về chủ nghĩa nữ quyền có tổ chức

Những nhà nữ quyền thuộc đợt sóng thứ nhất của thế kỉ mười chín và đầu thế kỉ hai mươi đã chiến đấu cho những quyền mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên. Thật khó để tin rằng những quyền này đã nằm trong số những quyền từng bị từ khước cho đàn bà thuộc mọi giai cấp xã hội, phạm trù chủng tộc, sắc tộc, và tông giáo – các quyền bỏ phiếu (đầu phiếu), sở hữu tài sản và tư bản, thừa kế, giữ tiền kiếm được, đi học cao đẳng, trở thành một y sĩ chuyên nghiệp được chứng nhận, tranh cãi những vụ án tại toà, và phục vụ trong bồi thẩm đoàn.

Lí thuyết về sự bình đẳng mà những nhà nữ quyền của thế kỉ mười chín đã sử dụng trong cuộc tranh đấu của họ cho những quyền của đàn bà đã xuất phát từ triết học chính trị tự do, vốn cho rằng tất cả đàn ông phải bình đẳng trước luật pháp, rằng không ai nên có những đặc quyền hoặc những quyền đặc biệt. Dĩ nhiên, khi Hoa Kì của châu Mĩ được thành lập, quan niệm về sự bình đẳng đó loại trừ những đàn ông trong vòng nô lệ và những đầy tớ nam theo khế ước, bởi vì họ không phải là những công dân tự do, cũng như tất cả đàn bà, bất kể vị thế xã hội của họ ra sao, bởi vì họ cũng không tự do thực sự. Vị thế pháp lí của họ giống như vị thế pháp lí của trẻ em – lệ thuộc kinh tế và vay mượn vị thế xã hội từ cha hoặc chồng. Trong vở kịch nổi tiếng Ngôi nhà búp bê (A Doll’s House) của Ibsen, Nora nguỵ tạo chữ kí của người cha quá cố vì cô không thể kí một cách pháp lí tên riêng của mình cho khoản vay cô cần để cứu mạng người chồng đau ốm.

Mục đích của nữ quyền đợt sóng thứ nhất là đạt được quyền bình đẳng về pháp lí cho đàn bà, đặc biệt quyền bỏ phiếu, hay đầu phiếu. (Những nhà nữ quyền thường được gọi là những người tranh đấu đầu phiếu/ suffragists). Ở Hoa Kì, đàn bà không được quyền bỏ phiếu mãi tới năm 1919. Nhiều quốc gia ở châu Âu cũng chỉ cho đàn bà quyền bỏ phiếu sau Thế chiến I, để đền đáp cho những nỗ lực của họ trong chiến tranh. Tuy nhiên, đàn bà Pháp không được quyền đầu phiếu mãi tới sau Thế chiến II, khi tướng Charles de Gaulle biết ơn đã cho họ quyền bỏ phiếu vì công sức của họ trong cuộc chiến đấu ngầm chống lại Quốc xã và chính phủ hợp tác của nước Pháp bị chiếm đóng.

Cách mạng Nga trong đầu thế kỉ hai mươi [1917] đã cho đàn bà những quyền bình đẳng, mặc dù những người Bolshevik phê phán chủ nghĩa cá nhân của “nữ quyền tư sản”. Họ nhấn mạnh về công cuộc trong kinh tế tập thể, với việc chăm sóc bà mẹ trước khi sanh và việc chăm sóc trẻ em được nhà nước cung cấp để cho đàn bà có thể vừa làm công nhân vừa làm mẹ.

Quyền đầu phiếu là mục đích chính của sự giải phóng đàn bà trong đợt sóng thứ nhất của nữ quyền ở những xứ sở phương Tây, nhưng những quyền liên quan tới tài sản, thu nhập, giáo dục cao đẳng – tới cuối thế kỉ mười chín, nhiều quyền trong số đó đã được trao – cho đàn bà một cơ may độc lập kinh tế. Những quyền này thiết yếu cho việc nâng cao vị thế của đàn bà đã kết hôn khỏi sự lệ thuộc giống như trẻ con vào ông chồng, và cho những quả phụ và phụ nữ độc thân cách sống tự lực nào đó thay vì như một người bà con nghèo nàn trong căn hộ của cha hoặc anh em hoặc con trai họ. Đàn bà được giải phóng trong nửa đầu thế kỉ hai mươi bao gồm những cô gái đi làm ở xưởng máy độc lập đã làm việc cả ngày và đi khiêu vũ ban đêm, và đàn bà có học thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã có “những hôn nhân kiểu Boston” (là những đồng cư cả đời nhưng không làm hôn thú).

Có một nhánh khác của nữ quyền thế kỉ mười chín không tập trung vào những quyền bình đẳng mà vào quyền “sở hữu” thân thể của một đàn bà và quyền đặt kế hoạch cho những lần thai nghén của chị. Cuộc tranh đấu của những nhà nữ quyền thế kỉ hai mươi cũng gay go tranh đấu trong những xứ sở phương Tây như  cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu, cho những phương tiện hợp pháp để ngừa thai mà đàn bà có thể kiểm soát. Đàn bà không thể tự do để làm mẹ và vợ tốt, đặc biệt là khi họ nghèo, khi họ có đứa con này đến đứa con khác. Nhưng những bác sĩ bị cấm đặt cho đàn bà màng tránh thai hoặc mũ ở xương chậu (những thứ đi trước của vòng tránh thai và thuốc ngừa thai [tới những năm 1960 mới có]). Ở Hoa Kì, thậm chí gửi thông tin về những hiểu biết này qua đường ranh tiểu bang là bất hợp pháp. Việc đàn bà đã kết hôn sử dụng phổ biến biện pháp ngừa thai đã gây lo sợ cho những người theo truyền thống, vì họ thấy trong đó sự suy sụp của gia đình. Những nhà nữ quyền lo sợ rằng đàn ông sẽ khai thác tính dục những người đàn bà không kết hôn nếu họ được bảo vệ không mang thai. Còn đối với chính đàn bà, hậu quả tích cực của trận chiến dài lâu này cho việc tránh thai do đàn bà kiểm soát được hợp pháp hoá đã là sự tự do tính dục lớn hơn trước hôn nhân và việc làm cha mẹ có kế hoạch sau hôn nhân.

Như hiển nhiên ta thấy qua việc nhìn bao quát ngắn gọn này, phong trào nữ quyền đợt sóng thứ nhất có nhiều dị biệt về lí thuyết và chính trị với phong trào nữ quyền kế tục nó. Câu hỏi về những dị biệt giữa đàn ông với đàn bà, và vậy là họ có nên được đối xử bình đẳng (equally) vì họ là sự giống nhau hoặc công bằng (equitably) một cách thiết yếu vì họ dị biệt một cách thiết yếu, hiện vẫn còn được tranh luận. Câu hỏi về nơi nào chính trị nữ quyền nên đặt sự nỗ lực nhất – bầu khí quyển công cộng (công việc và chính phủ) hoặc bầu khí quyển riêng tư (gia đình và tính dục) – vẫn còn đặt ra với chúng ta.

Đợt sóng thứ hai của nữ quyền

Phong trào nữ quyền hiện hành được gọi là đợt sóng thứ hai. Là một phong trào hậu Thế chiến II, nó bắt đầu với sự xuất bản ở Pháp trong năm 1949 cuốn Giới tính thứ hai (Le deuxième sexe/ The Second Sex) của Simone de Beauvoir. Kết toán bao trùm này về vị thế lịch sử và hiện hành của đàn bà trong Thế giới phương Tây lập luận rằng đàn ông thiết lập những tiêu chuẩn và giá trị và rằng đàn bà là Kẻ Khác (Tha Nhân/ the Other), là những người thiếu những phẩm chất mà những kẻ thống trị phô bày. Đàn ông là những kẻ hành động, đàn bà là những kẻ phản ứng. Vì vậy đàn ông là giới tính thứ nhất, đàn bà luôn là giới tính thứ hai. De Beauvoir kiên quyết rằng sự thống trị của đàn ông và sự tuân phục của đàn bà không phải là một hiện tượng sinh học mà là sự sáng tạo của xã hội:

"Người ta không sinh ra làm đàn bà mà đúng hơn trở thành đàn bà...; chính toàn thể nền văn minh đã sản sinh ra tạo vật này... cái được mô tả như nữ tính". (theo bản Anh ngữ năm 1953, trang 267)[1]

Mặc dù cuốn Giới tính thứ hai được đọc một cách rộng rãi, đợt sóng nữ quyền thứ hai không thành hình như một phong trào chính trị có tổ chức mãi cho đến thập niên 1960, khi những người trẻ tuổi công khai phê phán nhiều phương diện của xã hội phương Tây. Trong những năm từ đó, chủ nghĩa nữ quyền đã đóng góp nhiều vào sự thay đổi xã hội bằng cách tập trung chú ý vào những cách tiếp tục trong đó đàn bà vẫn bị thất thế về mặt xã hội hơn là đàn ông, bằng cách phân tích những áp chế tính dục mà đàn bà phải gánh chịu, và bằng cách đề nghị những giải pháp liên cá nhân cũng như về chính trị và pháp lí. Tuy nhiên, quan điểm nữ quyền về điều khiến đàn bà và đàn ông bất bình đẳng ngày nay ít thống nhất so với trong nữ quyền đợt sóng thứ nhất, và có vô vàn giải pháp nữ quyền cho bất bình đẳng giới. Nếu những tiếng nói nữ quyền dường như mang tính phần mảnh nhiều hơn ở thế kỉ mười chín, nó là kết quả của một sự hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc của bất bình đẳng giới. Nó cũng là hiệu ứng mâu thuẫn của sự thành công không đều. Những nhà nữ quyền ngày nay là thành viên của các tập đoàn, giới đại học, hoặc chính phủ, là những luật sư hoặc bác sĩ hoặc nghệ sĩ và giới cầm bút được tôn kính, nhận thức tốt về những hạn chế do những địa vị của họ, vốn có những trần nhà bằng kiếng (glass ceilings) và sự quấy rối tính dục. Nhưng quan điểm của họ thì khác với quan điểm của những phê bình nữ quyền chống cơ chế cấp tiến hơn, là những người tố giác sự áp chế tính dục được định chế hoá và sự hạ giá bao trùm về đàn bà.

Mặc dù phần lớn phong trào nữ quyền của thế kỉ hai mươi đã xảy ra trong những xứ sở công nghiệp hoá, nhưng vẫn có những cuộc tranh đấu thiết yếu và quan trọng về tài nguyên cho những cô gái và đàn bà ở những xứ sở châu Phi và Nam và Trung Mĩ. Khi những xứ sở ở châu Phi, châu Á, và Trung và Nam Mĩ thoát ra khỏi sự kiềm chế thực dân sau Thế chiến II và thiết lập những chính phủ độc lập, họ, cũng, cho những công dân đàn bà của mình quyền bỏ phiếu. Nhờ các phong trào đàn bà mạnh mẽ, nhiều trong những quốc gia mới đã viết ra sự bình quyền cho đàn bà vào trong những hiến pháp của họ, và một số nơi thậm chí còn đặt định sự đại diện chính trị có bảo đảm. Rwanda, một nền dân chủ mới, trong năm 2004 có 48,8% đàn bà trong hạ viện và 30% trong thượng viện. Tương phản lại, Hoa kì có 60 người đàn bà (14,5%) trong Viện Dân biểu và 14 người đàn bà (trong số 100 người) trong Thượng nghị viện.

Ở mút kia của cán cân chính trị, trong những xứ sở Hồi giáo, đàn bà tới nay vẫn không thể bỏ phiếu, vẫn không được rời bỏ xứ sở nếu không có sự cho phép của chồng, hoặc không được lái xe hơi. Ở Trung Đông, đàn bà và đàn ông đã tranh đấu để hoà giải những quyền của đàn bà với những giáo luật truyền thống của Hồi giáo và Do thái giáo. Ở châu Á, những vấn đề nghèo khó và quá đông dân, mặc dù chúng tác động hơn một cách trái ngược lên đàn bà và những cô gái, cần những phương thuốc chữa trị tác động lên mọi người. Những phong trào chính trị của đàn bà trong những xứ sở này hẳn không được gọi là “mang tính nữ quyền”, tuy vậy chúng vẫn dựa trên cơ sở giới tính.

Xa hơn dòng chủ lưu là những chủ nghĩa nữ quyền thách thức “điều mọi người đều biết” về tính dục (sex), dục tính (sexuality), và giới tính (gender) – sự song hành và đối nghịch của nữ và nam, đồng tính và dị tính, đàn bà và đàn ông. Chúng lập luận rằng có rất nhiều tính dục, dục tính và giới tính, và nhiều cách để biểu lộ nam tính và nữ tính. Một số trong những lí thuyết nữ quyền này bây giờ đang được gọi là đợt sóng thứ ba của nữ quyền. Nếu những ý tưởng này dường như xa lắc hoặc lạ lẫm, hãy nhớ rằng vào lúc khởi đầu của đợt sóng thứ hai, khi những nhà nữ quyền sử dụng “anh hoặc chị” (he or she) cho từ “anh” chủng loại (the generic “he”), “Ms.” (cô hoặc bà) thay thế cho “Miss” (Cô) hoặc “Mrs.” (Bà), và “những người làm việc toàn thời gian ở nhà” thay cho “nội trợ”, họ bị gọi là những kẻ gây rối. Thay đổi xã hội sẽ không diễn ra nếu không có sự chạm trán, và điều quan trọng là biết điều những nhà nữ quyền đang lên tiếng mà không được nghe thấy trong những phương tiện truyền thông đại chúng họ đang nói về bất bình đẳng giới và nó có thể bị bài trừ như thế nào.

Bất bình đẳng giới

Mục đích của nữ quyền như một phong trào chính trị là làm cho đàn bà và đàn ông bình đẳng hơn về pháp lí, xã hội và văn hoá. Bất bình đẳng giới mang nhiều dạng thức khác nhau, tuỳ theo cấu trúc kinh tế và sự tổ chức xã hội của một xã hội đặc thù và tuỳ theo văn hoá của bất cứ nhóm đặc thù nào bên trong xã hội đó. Mặc dù chúng ta nói về bất bình đẳng giới, nhưng thường là đàn bà, bị kém thế so với đàn ông ở tình thế tương tự vậy.

Đàn bà thường nhận được tiền lương thấp hơn cho công việc giống vậy hoặc tương đương, và họ thường xuyên bị ngăn chặn trong những cơ may thăng tiến, đặc biệt là tới những địa vị cao nhất. Thường có một sự thiếu cân bằng trong số lượng việc nội trợ và chăm sóc trẻ mà một người vợ làm so với chồng mình, thậm chí khi cả hai cùng sử dụng lượng thời gian lớn bằng nhau trong công việc được trả tiền bên ngoài tổ ấm. Khi những người chuyên nghiệp đàn bà đối chọi với đàn ông cùng hiệu suất có thể so sánh được, đàn ông vẫn được thừa nhận lớn lao hơn cho công việc của họ và leo thang nghề nghiệp mau hơn. Trên một nền tảng tổng thể, bất bình đẳng giới có nghĩa rằng công việc thường được đàn bà làm nhất, như là dạy con trẻ và nuôi dưỡng chúng, được trả lương ít hơn các công việc đàn ông thường làm nhất, như là xây dựng và khai mỏ.

Bất bình đẳng giới có thể cũng mang dạng thức là những cô gái được sự giáo dục ít hơn các chàng trai thuộc cùng tầng lớp xã hội. Gần hai phần ba người mù chữ của thế giới là đàn bà, nhưng ở những xã hội phương Tây, khoảng cách giới tính trong việc giáo dục đang khép gần ở tất cả bậc học. Trong nhiều xứ sở, đàn ông được ưu tiên hơn đàn bà trong việc phân phối những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Việc sử dụng biện pháp ngừa thai lên cao trong những xứ sở công nghiệp, nhưng trong những xứ sở đang phát triển, rắc rối trong việc sinh con vẫn là một nguyên nhân hàng đầu của cái chết cho những phụ nữ trẻ. Bệnh AIDS thậm chí còn làm tử vong đàn bà kinh khủng hơn so với đàn ông trên toàn cầu, vì nguy cơ của đàn bà về việc lây nhiễm với HIV trong tính dục không được bảo vệ thì cao hơn từ hai tới bốn lần so với đàn ông. Trong tháng Năm năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hiệp quốc (World Health Organization, viết tắt là WHO) đã báo cáo rằng cho đến cuối năm 2003 khoảng bốn mươi triệu người đang sống với HIV/ AIDS, và trong đó hơn một nửa là đàn bà. Chính trị tính dục ảnh hưởng việc lan truyền của HIV/ AIDS. Nhiều phụ nữ mắc HIV/ AIDS bị lây bệnh qua sự khai thác tính dục, hoặc qua những người chồng có lắm bạn chơi tính dục nhưng lại từ chối sử dụng bao cao su.

Sự khai thác và bạo hành tính dục đối với đàn bà cũng là một phần của bất bình đẳng giới trong nhiều cung cách khác. Trong chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa dân tộc, đàn bà thuộc một nhóm chủng tộc sắc tộc thường bị đàn ông của nhóm chủng tộc sắc tộc đối lập cưỡng hiếp như một vũ khí chủ ý của việc làm xấu hổ và làm nhục. Trong nhà, đàn nhà dễ bị đánh đập, cưỡng hiếp, và giết chết – thường bởi chồng hoặc bạn trai họ, và đặc biệt là khi họ cố rời bỏ một mối quan hệ bị lạm dụng. Thân thể của các cô gái và đàn bà bị sử dụng trong công việc tính dục – dâm thư và mại dâm. Họ bị phô bày trong phim ảnh, truyền hình, và quảng cáo trong những văn hoá phương Tây. Trong một số văn hoá châu Phi và Trung Đông những bộ phận sinh dục của họ bị cắt xẻo theo nghi lễ và thân thể họ bị phủ kín từ đầu tới ngón chân nhân danh sự trinh khiết. Họ có thể bị cưỡng bức để sinh con mà họ không muốn hoặc phải phá thai hoặc bị triệt sản ngược với ý chí của họ. Trong một số xứ sở có nạn nhân mãn, những bé gái sơ sinh thì thường bị bỏ rơi trong các cô nhi viện nhiều hơn so với các bé trai sơ sinh. Trong những xứ sở khác, nếu giới tính của bào thai có thể được xác định, hễ bé gái là bị nạo phá.

Bất bình đẳng giới cũng có thể bất lợi cho đàn ông. Trong nhiều xứ sở, chỉ đàn ông là phục vụ trong lực lượng quân đội, và trong hầu hết những xứ sở chỉ đàn ông bị gửi vào trong những cuộc giao tranh trực tiếp. Hầu hết là đàn ông làm công việc nguy hiểm hơn, như là cứu hoả và cảnh sát. Mặc dầu đàn bà đã từng tham chiến trong chiến tranh và đang gia nhập vào những lực lượng cảnh sát và những sở cứu hoả, những sự sắp xếp giới tính của hầu hết các xã hội đều cho rằng đàn bà sẽ làm công việc về sinh đẻ và chăm sóc con trẻ trong khi đàn ông sẽ làm công việc bảo vệ và hỗ trợ họ về mặt kinh tế.

Sự phân công lao động theo giới tính này được bắt rễ trong sự sống còn của những nhóm nhỏ sống ở mức độ tự túc, nơi những em bé được cho bú và thức ăn cho những đứa trẻ lớn hơn và người lớn đạt được bằng hái lượm và săn bắt. Những người chăm sóc trẻ (hầu hết là đàn bà) thu lượm trái cây và rau cỏ và săn bắt những con thú nhỏ, trong khi em bé được địu theo và những đứa con lớn hơn là người phụ giúp. Những kẻ không chăm sóc con trẻ (hầu hết là đàn ông, nhưng cũng có cả đàn bà chưa kết hôn) có thể đi xa trong việc đuổi theo những con thú lớn – là công việc nguy hiểm hơn. Kẻ săn bắt trở về với thịt và da thú thì rất được tán thưởng, nhưng nếu cuộc săn không thành công, họ vẫn có cái gì đó để ăn khi họ trở về mái lều, nhờ vào sự hái lượm đáng trông cậy hơn của những kẻ chăm sóc trẻ.

Hầu hết đàn bà trong những xứ sở công nghiệp và hậu công nghiệp không trải đời mình để sanh đẻ và chăm sóc con cái, và hầu hết đàn bà trên toàn thế giới làm những công việc được trả lương và không được trả lương để cung cấp thực phẩm, quần áo, và nơi trú ẩn cho gia đình họ, thậm chí ngay cả khi họ đang chăm sóc con trẻ. Những dạng thức hiện đại của bất bình đẳng giới không phải là một sự trao đổi bổ túc về những trách nhiệm nhưng là một hệ thống tinh vi, trong đó như bản báo cáo của Liên hiệp Quốc trong năm 1980 ước tính rằng, đàn bà làm hai phần ba công việc của thế giới, nhận 10% thu nhập của thế giới, và sở hữu 1% tài sản của thế giới. Khoảng cách giới tính trong công việc được trả lương đang được thu hẹp dần, nhưng đàn bà vẫn làm hầu hết công việc trong nhà và chăm sóc trẻ, và cùng lúc làm lao động nông nghiệp, điều hành kinh doanh nhỏ, và làm số lớn công việc được trả lương đặt cơ sở tại nhà, tất cả những việc đó đều là lao động lương thấp.

Những thiết chế chủ yếu về xã hội và văn hoá đều chống đỡ cho hệ thống về bất bình đẳng giới này. Những tông giáo hợp thức hoá những sự sắp xếp xã hội sản sinh ra sự bất bình đẳng, biện minh rằng chúng là đúng và phải lẽ. Luật pháp chống đỡ tình trạng hiện hành và cũng thường khiến không thể chấn chỉnh những hậu quả – truy tố những ông chồng vì đánh đập vợ, hoặc bạn trai vì cưỡng hiếp bạn gái mình. Trong các ngành nghệ thuật, những sản phẩm của đàn bà thì quá thường bị làm ngơ đến nỗi chúng gần như vô hình, điều này dẫn tới việc Virginia Woolf kết luận rằng Vô danh thị (Anonymous) hẳn phải là một phụ nữ. Những khoa học bị kết tội là đặt những câu hỏi thiên vị và làm ngơ những điều tìm thấy mà không hỗ trợ những niềm tin theo quy ước về những khác biệt giới tính.

Ngoại trừ những xứ sở Bắc Âu, vốn có sự tham gia của đàn bà trong chính phủ lớn nhất và những luật lệ và những chính sách nhà nước bình đẳng giới nhất, hầu hết những chính phủ đều do đàn ông thống trị xã hội điều hành, và chính sách của họ phản ánh những quyền lợi của chính họ. Trong mọi giai đoạn thay đổi, bao gồm những giai đoạn chuyển biến cách mạng, những quyền lợi của đàn ông, chứ không phải của đàn bà, đã thắng thế, và nhiều đàn ông, nhưng ít đàn bà, đã được hưởng lợi từ những chính sách xã hội tiến bộ. Bình đẳng và công lí cho tất cả thường chỉ có nghĩa cho đàn ông. Đàn bà chưa bao giờ có cuộc cách mạng của họ vì cấu trúc giới tính như một thiết chế xã hội chẳng bao giờ bị thách thức một cách nghiêm túc. Vì vậy, tất cả đàn ông đều hưởng lợi từ “cổ tức chế độ phụ quyền” – công việc không được trả lương của đàn bà trong sự duy trì tổ ấm và nuôi dưỡng con cái; công việc được trả lương thấp của đàn bà phục vụ những bệnh viện, trường học, và vô vàn những chốn làm việc khác; và sự vun bồi và chăm sóc cảm xúc của đàn bà.

Điểm chính mà những chủ nghĩa nữ quyền gần đây từng nhấn mạnh về bất bình đẳng giới là rằng nó không phải là vấn đề cá nhân, nhưng bị ăn sâu vào cấu trúc của những xã hội. Bất bình đẳng giới được xây dựng thành tổ chức về hôn nhân và gia đình, công việc và kinh tế, chính trị, những tông giáo, những nghệ thuật, và những sản phẩm văn hoá khác và chính ngôn ngữ chúng ta nói. Vì vậy, làm cho đàn bà và đàn ông bình đẳng cần thiết những giải pháp xã hội chứ không phải cá nhân. Những giải pháp đã được đặt khung thành chính trị nữ quyền. Chúng hiện xuất từ những lí thuyết nữ quyền về cái sản sinh bất bình đẳng giới.

Những lí thuyết nữ quyền

Bức chân dung phía trên về một thế giới bất bình đẳng giới là một tổng kết về công việc của những thế hệ những nhà nghiên cứu và các học giả nữ quyền. Những lí thuyết nữ quyền được khai triển để giải thích những lí do cho sự bất bình đẳng giới bao trùm này. Những nhà nữ quyền không hài lòng với sự giải thích rằng điều đó là tự nhiên, Chúa đã ban cho, hoặc cần thiết vì đàn bà mang thai và sinh con còn đàn ông thì không. Với sự khai phá sâu hơn vào trong sự bao trùm của bất bình đẳng giới, những nhà nữ quyền đã sản sinh những quan điểm đa phức hơn về giới tính, tính dục, và dục tính. Mặc dầu có sự trùm lấp đáng kể giữa các từ này, vẫn là hữu ích khi ta tách biệt những khái niệm về giới tính, tính dục, và dục tính để minh hoạ sự phân định giới tính đã biến cải thân thể và hành vi tính dục như thế nào. Bài này sử dụng những định nghĩa và từ vựng sau đây:

Giới tính (Gender): một vị thế xã hội, một chỉ danh pháp lí, và một căn cước nhân thân. Qua những tiến trình xã hội của sự phân định giới tính, những sự phân chia giới tính và những quy củ đi kèm của chúng và những mong đợi về vai trò gắn liền trong những thiết chế xã hội chính yếu của xã hội, như là kinh tế, gia đình, nhà nước, văn hoá, tông giáo, và luật pháp – trật tự xã hội theo giới tính. Những từ đàn bà (woman) và đàn ông (man) được sử dụng khi quy chiếu về giới tính.

Tính dục (Sex): một sự giao thoa đa phức của những chủng tử, môi trường, và hành vi, với những hiệu quả hồi dưỡng giữa những thân thể và xã hội. Những từ nam (male), nữ (female), và trung tính (intersex) được sử dụng khi quy chiếu về tính dục.

Dục tính (Sexuality): dục vọng tham luyến, dính líu cảm xúc, và giả tưởng, như đã diễn ra trong một sự đa dạng của những quan hệ thân thiết dài hạn và ngắn hạn. Những từ đồng tính (homosexuality)dị tính (heterosexuality) và lưỡng tính (bisexuality) được sử dụng khi quy chiếu về dục tính.

Những lí thuyết nữ quyền gần đây đã phân tích sự giao thoa đa phức của tính dục, dục tính, và giới tính. Những lí thuyết này nói về những giới tính, những tính dục, và những dục tính. Những cặp “đối lập” trong mỗi trường hợp – đàn bà và đàn ông, nữ và nam, đồng tính và dị tính – đã trở thành đa phương. Vì nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sinh lí học nữ và nam đã được sản sinh và duy trì do cả hai nội tiết nữ và nam, những lí thuyết mới biện luận rằng tính dục nhiều phần là một trường liên tục hơn một sự phân li bén nhọn. Tương tự như thế, những nghiên cứu về định hướng tính dục đã chỉ ra rằng cả đồng tính và dị tính đều không phải luôn luôn cố định suốt đời, và rằng lưỡng tính, trong những cảm xúc và trong những quan hệ tính dục, là phổ biến.

Hiện tượng chuyển giới tính (transgendering) làm phức tạp hơn sự giao thoa của tính dục, dục tính, và giới tính. Chuyển giới tính bao gồm chuyển y phục (transvestism) – sống trong một giới tính khác với giới tính được chỉ định lúc sinh ra nhưng không biến cải thân thể bằng giải phẫu – và chuyển dục tính (transsexuality) – chuyển hoá thân thể bằng giải phẫu và nội tiết để thay đổi giới tính. Mục đích của nhiều người chuyển giới là “thông qua” như một người có giới tính “bình thường”, một mục đích cần thiết để giải quyết những vấn đề của đời sống hàng ngày, nhưng không phải mục đích xáo trộn trật tự xã hội theo giới tính. Những người bẻ giới tính triệt để đôi khi tự nhận là “những người bóng” (queers), không tuyên xưng căn cước là đàn ông hay đàn bà, dị tính hay đồng tính. Những người bóng công khai lật nhào giới tính nhị phân và những phạm trù tính dục thông qua những hoà trộn cố tình của họ về quần áo, trang điểm, trang sức, kiểu tóc, hành vi, tên gọi, và việc sử dụng ngôn ngữ. Bằng cách không kiến thiết giới tính và dục tính trong những cung cách được mong đợi, họ làm hiển hiện, theo từ ngữ của Judith Butler, tính trình diễn (performativity) theo đó toàn bộ trật tự giới tính tuỳ thuộc. Họ giễu nhại và giỡn chơi với giới tính, xé rào những quy củ, những trông mong, và hành vi giới tính.

Nhiều nhà khoa học xã hội nữ quyền bây giờ thích nói về những giới tính hơn, vì những vị thế xã hội của đàn ông và đàn bà, những căn cước nhân nhân, và những cơ may của đời sống bị cột chặt một cách rắc rối vào những nhóm chủng tộc, sắc tộc, và tông giáo, giai cấp xã hội, nền tảng gia đình, và nơi cư trú của họ. Tuy thế, những nhóm người khác nhau rất xa này phải phù hợp vào hai và chỉ hai giới tính được thừa nhận về mặt xã hội trong những xã hội phương Tây – “đàn ông” và “đàn bà”. Những thành viên của hai phạm trù vị thế chính yếu này được giả thiết là khác nhau, và những thành viên của cùng phạm trù được giả thiết là có những tương tự thiết yếu. Công việc và những vai trò gia đình, cũng gần như mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội đều được xây dựng trên hai sự phân chia chính yếu về con người. Sự phân định giới tính này sản sinh ra trật tự xã hội theo giới tính (gendered social order). Bất bình đẳng giới cũng được xây dựng vào trong cấu trúc của trật tự xã hội theo giới tính vì hai vị thế – đàn bà và đàn ông – được đối đãi khác nhau và có những cơ may đời sống khác nhau một cách ý nghĩa. Những tiến trình xã hội này đã xảy ra và tiếp tục hoạt động như thế nào và tại sao còn là chủ đề của những lí thuyết nữ quyền. Ta phải làm gì với chúng là mục tiêu của chính trị nữ quyền.

Chính trị nữ quyền

Chính trị nữ quyền không chỉ quy chiếu về đấu trường của chính phủ hoặc luật pháp; nó có thể là những sự phản đối chạm trán, như là những cuộc biểu tình mang tên là Đòi lại Đêm (Take Back the Night), hoặc làm việc thông qua những tổ chức với một nền tảng rộng lớn, như là Tổ chức Toàn quốc về Phụ nữ (National Organization of Women/ viết tắt là NOW) và Tổ chức Toàn quốc cho Đàn ông chống kì thị với phụ nữ (National Organization for Men against Sexism/ viết tắt là NOMAS). Nó có thể là những trung tâm dịch vụ, như là nơi tạm trú của những đàn bà bị đánh đập, và những hoạt động phục vụ, như là những buổi nói chuyện về tính nhạy cảm giới tính và chống cưỡng bức cho nam sinh viên.

Hoạt động xã hội nữ quyền trong lối xóm hoặc ở cơ sở có khuynh hướng tập trung vào đàn bà và quan tâm tới những vấn đề địa phương, trong khi những tổ chức chính phủ xuyên quốc gia (non-governmental organizations/ viết tắt là NGOs) và những cơ cấu và cơ quan điều hành quốc gia và quốc tế là những địa điểm cho hoạt động chính trị đặt cơ sở trên sự đa dạng. Một số nhà nữ quyền đã tuyệt vọng khi những phong trào của phụ nữ tan rã vì chính trị căn cước dựa trên chủng tộc, sắc tộc, tông giáo, và quốc gia. Quan điểm “những miền biên cương” cống hiến khả tính về những viễn kiến mới và chính trị mới dựa trên những kết đoàn và những liên minh toàn sắc tộc, xuyên chủng tộc, và chuyển giới.

Thay đổi những cách giới thiệu về ngôn ngữ và truyền thông để tháo gỡ những miệt thị về kì thị tính dục xem khinh đàn ông cũng như đàn bà đều là chính trị nữ quyền. Những cách chữa trị khác cho việc chấn chỉnh bất bình đẳng giới, như là sáng tạo văn hoá và tri thức từ một quan điểm của đàn bà, xem ra không có vẻ mang tính chính trị, nhưng đối với những nhà nữ quyền, chúng mang tính chính trị sâu sắc vì chủ đích của họ là thay đổi cung cách người ta nhìn vào thế giới.

Nữ quyền và trật tự xã hội theo giới tính

Thành tựu về lí thuyết chủ yếu của nữ quyền đợt sóng thứ hai đã làm hiển hiện cấu trúc, những sự thực hành, và những bất bình đẳng của trật tự xã hội theo giới tính. Nó đưa giới tính vượt qua những thuộc tính và căn cước cá nhân và chỉ ra rằng giới tính, giống như giai cấp xã hội và những phạm trù chủng tộc, bị áp đặt hơn là phát triển từ những cá nhân. Sự phân định giới tính phân chia cõi xã hội thành hai tập hợp người bổ túc cho nhau nhưng bất bình đăngt – là “đàn bà” và “đàn ông”. Sự lưỡng phân này ban cho một vị thế pháp lí, xã hội và nhân thân nó lấn lướt những khác biệt của cá nhân và đan bện với những vị thế xã hội chủ yếu khác – sự phân loại chủng tộc, phân nhóm sắc tộc, giai cấp kinh tế, tuổi tác, tông giáo, và định hướng tính dục. Mặc dù chúng ta diễn ra những quy củ và những mong đợi thuộc giới tính thường xuyên trong những tương tác với kẻ khác, sự thôi thúc của giới tính mang tính cấu trúc (structural) trong việc nó sắp đặt những tiến trình và những hành xử của những phân bộ chủ yếu trong một xã hội – công việc, gia đình, chính trị, luật pháp, giáo dục, y tế, quân đội, tông giáo, và văn hoá. Giới tính là một hệ thống về quyền lực trong đó nó ban đặc quyền cho một số nhóm người và gây thất thế cho những nhóm khác đồng bộ với những hệ thống quyền lực khác (những phạm trù chủng tộc, sắc tộc, giai cấp xã hội, và định hướng tính dục).

Giới tính hoặt động cùng lúc và tức thời để ban cho những cá nhân cái vị thế và những căn cước và để hình thành hành vi hàng ngày của họ, và cũng như một nhân tố tạo nghĩa trong những quan hệ mặt đối mặt và những hành xử trong tổ chức. Mỗi bình diện lại hỗ trợ và duy trì các bình diện khác, nhưng – và đây là khía cạnh then chốt của giới tính – những hiệu quả của giới tính tác động từ trên xuống. Những quy củ và những mong đợi theo giới tính định dạng cho những hành xử của người ta trong nơi làm việc, trong gia đình, đoàn thể và những quan hệ mật thiết, và trong việc tạo ra những căn cước và những sự tự thẩm định cá nhân. Sự đồng bộ giới tính của các dân tộc hỗ trợ cho những hành xử theo giới tính; sự đa phức và phản thường giới tính (deviance, còn dịch là biến thái) của các dân tộc thách thức nó.

Tuy nhiên, trật tự xã hội theo giới tính thì rất đề kháng với thách thức cá nhân. Quyền lực của nó mạnh mẽ đến nỗi mà người ta hành động trong những cung cách theo giới tính dựa trên địa vị của họ bên trong cấu trúc giới tính mà không suy tư hoặc chất vấn gì cả. Chúng ta “làm giới tính” và tham gia vào việc xây dựng của nó một khi chúng ta đã học cách an vị như một thành viên của một trật tự xã hội theo giới tính. Những hành xử theo giới tính của chúng ta xây dựng và duy trì trật tự xã hội theo giới tính. Những sự hành xử của chúng ta cũng thay đổi nó. Khi trật tự xã hội thay đổi, và khi chúng ta tham gia vào những định chế và những tổ chức xã hội khác nhau suốt đời, hành vi theo giới tính của chúng ta cũng thay đổi.

Về mặt chính trị, những loại chủ nghĩa nữ quyền chủ yếu đã đối đầu với trật tự xã hội theo giới tính một cách khác nhau.

  • Những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính/ Gender reform feminisms (tự do, chủ nghĩa Marx, xã hội chủ nghĩa, hậu thuộc địa) – muốn thanh lọc trật tự xã hội theo giới tính khởi những hành xử kì thị chống đàn bà.
  • Những chủ nghĩa nữ quyền đề kháng giới tính/ Gender resistance feminisms (triệt để, đồng tính nữ, phân tâm học, lập trường) – muốn những tiếng nói và viễn kiến của đàn bà tái định hình trật tự xã hội theo giới tính.
  • Những chủ nghĩa nữ quyền nổi dậy giới tính/ Gender rebellion feminisms (những nghiên cứu nữ quyền, đa văn hoá về đàn ông, lí thuyết kiến thiết xã hội, hậu hiện đại, đợt sóng thứ ba) – muốn tháo rời trật tự xã hội theo giới tính bằng cách nhân lên những giới tính hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn.

Những sự kế tục trong chủ nghĩa nữ quyền đợt sóng thứ hai

Những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tính đặt nền tảng về lí thuyết cho nữ quyền đợt sóng thứ hai bằng cách làm hiển hiện những hạ tầng cấu trúc về trật tự xã hội theo giới tính. Chính trị của họ về quân bình giới tính thì thực tiễn và có lẽ là đường lối tốt nhất để chấn chỉnh bất bình đẳng giới ở thời điểm hiện tại. Tranh đấu cho vị thế pháp lí bình đẳng và sự đại diện chính trị cho đàn bà và đàn ông, và cho sự tự chủ cho đàn bà trong việc làm những chọn lựa về sinh sản, tính dục, và hôn nhân, vẫn chưa đạt được thắng lợi trong hầu hết những xứ sở trên thế giới. Sự cách biệt giới tính ở nơi làm việc và việc trả lương thấp cho công việc của đàn bà vẫn trùm khắp trong tất cả những loại kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu bóc lột đàn bà và đàn ông nghèo khó như lao động rẻ tiền, và việc tái cấu trúc kinh tế trong những nền kinh tế công nghiệp hoá và hậu công nghiệp đã thu hẹp những tiện ích về dịch vụ xã hội đối với các bà mẹ và trẻ em. Những vấn đề kinh tế này là một đấu trường khác cho chính trị giới tính nữ quyền.

Mặc dù chính trị của những chủ nghĩa nữ quyền cải cách giới tràn lan vào chính trị cho mọi cá nhân kém thế, những trận chiến của những chủ nghĩa nữ quyền đề kháng giới tính là riêng cho đàn bà. Đấu tranh để bảo vệ thân thể đàn bà chống lại những lần mang thai và triệt sản ngoài ý muốn, những nạo phá thai nhi gái, cắt xẻo bộ phận sinh dục, cưỡng hiếp, đánh đập, và hạ sát đã là một cuộc tranh đấu khổng lồ và chẳng bao giờ kết thúc. Sự toàn vẹn tính dục của đàn bà và con gái cần sự bảo vệ khỏi việc bán dâm cưỡng bách, khỏi công việc tính dục bóc lột trong những sản phẩm dâm ô và hộp đêm, và những hôn nhân không tình yêu. Cả đàn bà và đàn ông đồng tính cần có thể sống thoát khỏi sự kì thị và những tấn công bạo lực, nhưng nhiều đồng tính nữ cũng muốn có không gian vật lí và những cộng đồng văn hoá riêng của mình, nơi đó họ có thể sống thoát khỏi sự quấy rối tính dục và sự thống trị của đàn ông, nuôi nấng những cuộc tình và tình bạn của họ, và sản sinh những cuốn sách, âm nhạc, hội hoạ, và kịch nghệ phản ánh những cung cách khác biệt của họ về suy nghĩ và cảm xúc. Những nhà nữ quyền Lập trường biện luận rằng những kinh nghiệm và tầm nhìn chuyên biệt về đời sống của đàn bà phải được bao gồm trong sản phẩm của tri thức, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chỉ thêm những chủ đề phụ nữ vào những thiết kế về nghiên cứu là không đủ; những vấn đề phải được đặt ra câu hỏi từ một viễn kiến nữ quyền phê phán, dữ liệu phải bao gồm những tiếng nói của đàn bà, và việc phân tích phải phản ánh những quan điểm của những người bị gạt sang bên lề và bị câm tiếng.

Nhắm vào tầm quan trọng của địa vị xã hội và những lập trường chuyên biệt, những chủ nghĩa nữ quyền nổi dậy giới tính phá nổ những phạm trù về đàn bà và đàn ông thành mọi loại đa phức. Những chủ nghĩa nữ quyền đa văn hoá, đa chủng tộc, và đa sắc tộc là thành phần của một phong trào chính trị mạnh mẽ để chấn chỉnh sự kì thị về pháp lí và xã hội trong quá khứ và hiện tại với những nhóm kém thế trong rất nhiều xã hội và để bảo tồn những văn hoá của họ.

Những nghiên cứu nữ quyền về đàn ông đã phân tích những khía cạnh chủng tộc sắc tộc và giai cấp xã hội của nam tính và sự giao thoa giữa quyền lực và đặc quyền, giữa vô quyền và bạo động. Chúng đã mô tả những đẳng cấp của đàn ông trong một xã hội và những cung cách mà đám đàn ông kém lợi thế vẫn giữ sự kiểm soát phụ quyền trên đàn bà trong nhóm vị thế của họ.

Lí thuyết về kiến thiết xã hội, những chủ nghĩa nữ quyền hậu hiện đại và thuộc đợt sóng thứ ba chỉ vừa mới bắt đầu chuyển dịch sự phá bình ổn trật tự xã hội của chúng thành chính trị hoặc thực tiễn. Sự phá phân định giới tính cần phải được chuyển dịch vào trong tương tác hàng ngày, như thế cũng có thể đủ tính chất cách mạng. Nhưng để làm tròn tiềm năng chính trị của họ, những chủ nghĩa nữ quyền nổi dậy cần nêu rõ điều gì chính xác phải được làm trong mọi định chế và tổ chức của một xã hội – gia đình, nơi làm việc, chính phủ, các ngành nghệ thuật, tông giáo, luật pháp, và vân vân – để đảm bảo sự tham gia và cơ hội bình đẳng cho mọi người trong mọi nhóm. Những nhà nữ quyền nổi dậy giới tính đã nói rằng có những tiếng nói đa phức trong thế giới này; bây giờ họ phải hình dung ra cách nào để đảm bảo rằng mọi tiếng nói có thể được nghe thấy trong sự sản xuất về tri thức và văn hoá và trong những hệ thống quyền lực của những xã hội.

 

Gợi ý về đọc thêm – tổng quan và lịch sử

  • Bem, Sandra Lipsitz. 1993. Lenses of Gender: Transforming the Debate on Sexual Inequality. New Haven, CT: Yale University Press.
  • Bernard, Jessie. 1981. The Female World. New York: Free Press.
  • Butler, Judith. 1990. Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity. (10th Anniversary Edition, 1999). New York: Routledge.
  • Butler, Judith. 1993. Bodies That Matter: On the Discursive Limits of “Sex.” New York: Routledge.
  • Butler, Judith. 2004. Undoing Gender. New York: Routledge.
  • Chafetz, Janet Saltzman, and Anthony Gary Dworkin. 1986. Female Revolt: Women’s Movements in World and Historical Perspective. Totowa, NJ: Rowman & Allanheld.
  • Clough, Patricia Ticineto. 1994. Feminist Thought: Desire, Power, and Academic Discourse. Cambridge, MA: Blackwell.
  • Collins, Patricia Hill. [1990] 2000. Black Feminist Thought: Knowledge, Consciousness, and the Politics of Empowerment, 2nd ed. New York: Routledge.
  • Connell, R. W. 1987. Gender and Power. Stanford, CA: Stanford University Press.
  • Connell, R. W. 1995. Masculinities. Berkeley: University of California Press.
  • Cott, Nancy F. 1987. The Grounding of Modern Feminism. New Haven, CT: Yale University Press.
  • de Beauvoir, Simone. [1949] 1953. The Second Sex. Translated by H. M. Parshley. New York: Knopf.
  • De Lauretis, Teresa. 1987. Technologies of Gender. Bloomington: Indiana University Press.
  • Epstein, Cynthia Fuchs. 1988. Deceptive Distinctions: Sex, Gender and the Social Order. New Haven, CT: Yale University Press.
  • Evans, Judith. 1995. Feminist Theory Today: An Introduction to Second-Wave Feminism. Thousand Oaks, CA: Sage.
  • Evans, Sara M. 2002. “Re-viewing the Second Wave.” Feminist Studies 28:259–267.
  • Fausto-Sterling, Anne. 2000. Sexing the Body: Gender Politics and the Construction of Sexuality. New York: Basic Books.
  • Ferree, Myra Marx, Judith Lorber, and Beth B. Hess, eds. 1999. Revisioning Gender. Thousand Oaks, CA: Sage.
  • Firestone, Shulamith. 1970. The Dialectic of Sex: The Case for Feminist Revolution. New York: William Morrow.
  • Ginzberg, Lori D. 2002. “Re-viewing the First Wave.” Feminist Studies 28:419–434.
  • Gordon, Linda. 1990. Woman’s Body, Woman’s Right: Birth Control in America. Rev. ed. Baltimore, MD: Penguin.
  • Harrison, Wendy Cealey, and John Hood-Williams. 2002. Beyond Sex and Gender. Thousand Oaks, CA: Sage.
  • hooks, bell. [1984] 2000. Feminist Theory: From Margin to Center. Boston: South End Press.
  • Hrdy, Sarah Blaffer. 1999. Mother Nature: A History of Mothers, Infants, and Natural Selection. New York: Pantheon.
  • Hull, Gloria T., Patricia Bell Scott, and Barbara Smith, eds. 1982. All the Women Are White, All the Blacks Are Men, But Some of Us Are Brave: Black Women’s Studies. New York: Feminist Press.
  • Jackson, Robert Max. 1998. Destined for Equality: The Inevitable Rise of Women’s Status. Cambridge, MA: Harvard University Press.
  • Jaggar, Alison M. 1983. Feminist Politics and Human Nature. Totowa, NJ: Roman & Allanheld.
  • Joseph, Gloria I., and Jill lewis, eds. 1981. Common Differences: Conflicts in Black and White Feminist Perspectives. Garden City, NY: Doubleday Anchor.
  • Kessler, Suzanne J., and Wendy McKenna. 1978. Gender: An Ethnomethodological Approach. Chicago: University of Chicago Press.
  • Kraditor, Aileen S. 1981. The Ideas of the Woman Suffrage Movement1890–1920. New York: W. W. Norton.
  • Lerner, Gerda. 1986. The Creation of Patriarchy. New York: Oxford University Press.
  • Lorber, Judith. 1994. Paradoxes of Gender. New Haven, CT: Yale University Press.
  • Lorber, Judith. 2005. Breaking the Bowls: Degendering and Feminist Change. New York: W. W. Norton.
  • Marks, Elaine, and Isabelle de Courtivron, eds. 1981. New French Feminisms. New York: Schocken.
  • McCann, Carole R., and Seung-Kyung Kim, eds. 2002. Feminist Theory Reader: Local and Global Perspectives. New York: Routledge.
  • Mernissi, Fatima. 1987. Beyond the Veil: Male-Female Dynamics in Muslim Society. Bloomington: Indiana University Press.
  • Millett, Kate. 1970. Sexual Politics. Garden City, NY: Doubleday.
  • Moi, Toril. 1985. Sexual/Textual Politics: Feminist Literary Theory. New York: Methuen.
  • Oakley, Ann. 2002. Gender on Planet Earth. New York: The New Press.
  • Richards, Amy, and Jennifer Baumgardner. 2000. Manifesta: Young Women, Feminism, and the Future. New York: Farrar, Straus, and Giroux.
  • Riley, Denise. 1988. Am I That Name? Feminism and the Category of Women in History. Minneapolis: University of Minnesota Press.
  • Rossi, Alice S., ed. 1973. The Feminist Papers: From Adams to de Beauvoir. New York: Columbia University Press.
  • Rowbotham, Sheila. 1973. Women’s Consciousness, Man’s World. New York: Penguin.
  • Rowbotham, Sheila. 1974. Woman, Resistance and Revolution: A History of Women and Revolution in the Modern World. New York: Vintage.
  • Rowbotham, Sheila. 1976. Hidden from History: Rediscovering Women in History from the 17th Century to the Present. New York: Vintage.
  • Rowbotham, Sheila. 1989. The Past Is Before Us: Feminism in Action Since the 1960s. Boston: Beacon Press.
  • Sanday, Peggy Reeves. 1981. Female Power and Male Dominance: On the Origins of Sexual Inequality. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
  • Scott, Joan Wallach. 1988. Gender and the Politics of History. New York: Columbia University Press.
  • Showalter, Elaine, ed. 1985. The New Feminist Criticism: Essays on Women, Literature, and Theory. New York: Pantheon.
  • Smith, Barbara. [1983] 2000. Home Girls: A Black Feminist Anthology. New York: Kitchen Table, Women of Color Press.
  • Snitow, Ann, Christine Stansell, and Sharon Thompson, eds. 1983. Power of Desire: The Politics of Sexuality. New York: Monthly Review Press.
  • Stites, Richard. [1978] 1990. The Women’s Liberation Movement in Russia: Feminism, Nihilism, and Bolshevism, 1860–1930. Princeton, NJ: Princeton University Press.
  • Thompson, Becky. 2002. “Multiracial Feminism: Recasting the Chronology of Second Wave Feminism.” Feminist Studies 28:337–355.
  • Tong, Rosemarie. 1989. Feminist Thought: A Comprehensive Introduction. Boulder, CO: Westview Press.
  • Warhol, Robyn R., and Diane Price Herndl, eds. 1991. Feminisms: An Anthology of Literary Theory and Criticism. New Brunswick, NJ: Rutgers University Press.
  • Whittle, Stephen. 2002. Respect and Equality: Transsexual and Transgender Rights. London: Cavendish Publishing.
  • Wing, Adrien Katherine, ed. 2000. Global Critical Race Feminism: An International Reader. New York: New York University Press.
  • Woolf, Virginia. 1929 [1957]. A Room of One’s Own. New York: Harcourt, Brace & World.

HỒ LIỄU dịch


Nguồn: Trích Phần Một cuốn “Bất bình đẳng giới: những lí thuyết và chính trị nữ quyền”, biên tập lần 3, Judith Lorber, Ấn quán Đại học Oxford, 2005. Bản dịch tiếng Việt do dịch giả gửi cho triethoc.edu.vn.


[1]  "One is not born, but rather becomes, a woman...; it is civilization as a whole that produces this creature... which is described as feminine". (1953, 267)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

K. Pham - 10:45 31/08/2017
Great summary! Thankful for translation^O^
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt