Thuyết Nữ quyền

Tống Nho với phụ nữ

TỐNG NHO VỚI PHỤ NỮ

PHAN KHÔI (1887-1959)*

 

Cái luật cấm cải giá là bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế trừ đi là phải.

 

Tôi mới đọc một tờ báo Tàu, thấy kể một chuyện rất thương tâm, chuyện người đàn bà thủ tiết.

Trần Hòa, người thuộc về tỉnh Quảng Đông, lúc ngoài 20 tuổi, có cưới một người vợ cũng trạc tuổi ấy, ở gần làng mình. Trong khi cưới, vì người vợ đương có bịnh nên chưa làm lễ động phòng. Hòa nhà nghèo, định bề nào lấy vợ rồi cũng kiếm phương đi làm ăn. Vừa khi đó thì có người rủ anh va qua An Nam. Phải biết lúc bấy giờ, cách nay hơn 30 năm, sự giao thông còn khó, Hòa sợ lỗi dịp tiện nên không đợi nhập phòng với vợ mà xuống tàu đi liền. Sang bên nầy, Hòa ở tại Rạch Giá, ban đầu làm công rồi sau mở tiệm buôn bán, có lấy vợ An Nam, đẻ ra một bầy con. Hòa ở Nam kỳ hơn 30 năm, thỉnh thoảng cũng có gởi thơ và tiền về cho vợ; năm nay Hòa tròm trèm 60 tuổi mới bắt đầu về cố hương hôm tháng tư đây.

Khi Hòa về đến nhà, vợ hay tin trước, đóng cửa không cho vào. Bà già mà còn con gái ấy ở trong nhà mắng nhiếc chồng mình thậm tệ, rồi vùng khóc lên, khóc tức khóc tối, bằng non bằng nước, làm cho xóm giềng nghe ngỏ. Ai nấy chạy đến khuyên giải, và chính mình Trần Hòa cũng kể lể sự tình và xin tha tội, khi ấy vợ Hòa mới chịu mở cửa cho vào.

Tôi đọc qua câu chuyện ấy thì liền nghĩ ra như vầy: Hai việc ẩm thực và nam nữ, dầu thánh hiền đời xưa cũng phải chịu nó là tánh trời sanh[1]. Đã là tánh trời thì khó mà bỏ bớt một cái nào. Nhưng có khi vì cực chẳng đã quá mà phải bỏ bớt, thì người ta thà bỏ bớt cái sau, nghĩa là chịu khuây khoa cái tình chăn gối đi, để kiếm hột cơm bỏ vô miệng đặng có nuôi sự sống; ấy là như cái ca Trần Hòa đó. Phải chi Hòa sang An Nam cũng chịu thiệt đi một cái tánh trời ấy như vợ anh ta ở bển, thì tôi chỉ thấy mà thương hại luôn cho cả hai người thôi, chớ không có tức. Cái nầy, Hòa ở Rạch Giá, lấy vợ, đẻ một đống con; còn vợ anh ta ở nhà, cắn răng chịu đựng thống khổ già nửa đời người, bỏ quá cái tuổi xuân xanh trôi theo giòng nước chảy, đến nay rụng răng bạc tóc rồi mới thấy nhau thì đã muộn! Bởi đó tôi phải vì nhân đạo mà căm tức, tức cho sự bất bình đẳng giữa loài người!

Không nên chấp Trần Hòa. Một mình Hòa có đâu dám làm việc sát nhân, việc ăn thịt người như thế. Phải truy nguyên đến những người cho phép Hòa làm việc ấy kia.

Một chút chuyện đó mà nó quan hệ đến nhiều chuyện khác từ xưa đến nay. Nó sanh ra bởi cái chế độ tông pháp, cái chế độ đại gia đình, lễ giáo của thánh hiền, kinh tế của xã hội, cùng những cái hoàn cảnh khác nữa. Nhưng trong đó, cái ảnh hưởng trực tiếp thứ nhứt, là chịu của Tống nho, tức là cái luật cấm đàn bà cải giá, mà tôi chỉ trích ra trong bài nầy.

Vả việc như việc vợ Trần Hòa đó, ở xứ ta cũng còn có nhiều lắm, nhứt là ở Trung Bắc kỳ. Hay là, xứ ta tuy không có việc như vậy mà phụ nữ ta vẫn còn chịu sự thiệt thòi giống như vậy bởi cái học thuyết của Tống nho, thì tôi cũng còn có đất trống đặng mà viết bài nầy, chẳng đến nỗi không đau mà rên đâu vậy.

Trong bài Lại nói về tam cang với ngũ luân ở Phụ nữ tân văn số 89, tôi có nói rằng: Trong cái vòng đạo đức luân lý, tôi muốn lấy Khổng Mạnh làm thầy, mà đồng thời tôi cũng muốn phế truất Hán nho và Tống nho.

Tôi nói thế, không phải nói bậy đâu. Hán nho, như cái thuyết tam cang của họ mà tôi đã bác đi trong mấy bài trước đó, đáng phế truất là dường nào. Tống nho lại còn nhiều điều không hiệp với Khổng Mạnh mà làm hại cho ta hơn nữa, tức như cái luật cấm cải giá, là bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, ta nên phế trừ đi là phải.

Nói Tống nho, không phải nói tràn lan hết thảy đâu; khi nào nói như vậy, người ta thường chỉ vào phái Trình tử, Châu tử, tức gọi là phái đạo học hoặc lý học. Tôi nói đây cũng vậy, chỉ vào một bọn nho giả, từ Trình Hy về sau, mà chuyên trọng về một phương diện họ đối với phụ nữ thế nào.

Các nho giả nhà Tống trước Trình Hy, đối với phụ nữ, có ý rất khoan thứ, nghĩa là không bắt buộc họ phải thủ tiết, chịu thiệt thòi cả đời. Như Phạm Trọng Yêm (sanh năm 989), có lập ra cái nghĩa trang, trong tờ khoán ước có trích ra một phần ruộng để giúp cho đàn bà cải giá, còn đàn ông tái thú lại không giúp. Ông có con trai là Phạm Thuân Hựu chết non, để lại một người vợ góa; sau đó, học trò ông là Vương Đào góa vợ, ông bèn đem người dâu của mình mà gả cho. Vả lại, mẹ ông Phạm Trọng Yêm trước kia cũng cải giá cho một người họ Chu, ông theo mẹ về ở với cha ghẻ, đổi họ tên là Chu Thuyết, đến sau đỗ đạt rồi ông mới lại theo họ Phạm. Phạm Trọng Yêm là bậc danh hiền buổi Tống sơ, một nhân vật lớn trong lịch sử, mà cũng không hề cho sự cải giá là phi lễ, không hề bắt đàn bà góa thủ tiết; cho đến mẹ ông cải giá, ông cũng chẳng hề lấy làm sỉ nhục gì.

Ngoài ra như Hồ Viện (sanh năm 993), Âu Dương Tu (sanh năm 1007), Tư Mã Quang (sanh năm 1019), theo sách vở của họ để lại, mỗi người đều có tỏ ra cái quan niệm đối với phụ nữ; tuy vẫn giữ một cái quan niệm trọng nam khinh nữ như mấy đời trước, nhưng chưa hề chủ trương áp chế phụ nữ quá tay. Đến như Vương An Thạch (sanh năm 1021) thì lại dễ dãi lắm. Con trai ông là Vương Phang, có tánh khùng khùng, cưới vợ hơn một năm, đẻ được đứa con trai; Phang nói đứa con không giống mình, hăm he đòi giết đi, rồi nó sợ quá mà đau và chết. Phang lại còn đánh vợ hằng ngày. Ông Vương An Thạch biết con mình khùng, dâu mình vô tội, nếu như ly dị đi thì lại e cho nàng phải mang tiếng, bèn đem gả cho người khác, cũng trong đám môn hạ ông.

Con trai đương sống mà làm cha lại đem vợ nó gả đi, chuyện ấy, ở về sau nầy, thuê bạc vạn cũng không ai dám làm. Nhưng Vương An Thạch từng làm như vậy, cho biết xã hội bấy giờ chưa bắt buộc đàn bà phải thủ tiết cho quá, không ai lấy việc đó làm đáng phi nghị, cho nên họ Vương mới dạn tay.

Vậy mà đến Trình Hy (sanh năm 1033), thì ông chủ trương một cách nghiêm khốc quá, ông cấm tiệt đàn bà không được cải giá, chẳng hề dung chế một chút nào.

Trong sách Cận tư lục có một đoạn vấn đáp rằng:

Có kẻ hỏi: Theo lẽ, hình như không nên lấy đàn bà góa, thế nào?

Y Xuyên tiên sanh (tức Trình Hy) đáp rằng: Phải! Phàm lấy vợ, để sánh với mình; nếu lấy người đàn bà thất tiết để sánh với mình, thì mình cũng là thất tiết.

Lại hỏi: Người đàn bà ở góa mà bần cùng không cậy nhờ ai được thì có nên tái giá không?

Đáp rằng: Chỉ có người đời sau (đối với đời xưa) sợ chết đói mới có cái thuyết ấy. Song le, chết đói là sự rất nhỏ, còn thất tiết là sự rất lớn![2]

Theo lời Trình tử đó thì đàn bà chết chồng dầu có nghèo nàn đến đỗi chết đói đi nữa cũng ở vậy mà chịu chết, chớ không được lấy chồng khác. Nếu lấy chồng khác thì là thất tiết. Mà thất tiết là tội lớn lắm không phải vừa.

Không đợi Trình tử biểu, đàn bà góa cũng có khi không chịu lấy chồng. ấy là người nào đã có con đông, hoặc cảnh nhà sung túc, hoặc hầu trở về già, thì họ ở vậy sướng hòng chết, cần gì lấy chồng nữa? Tôi lại đã thấy một người góa mới ngoài 20 tuổi, chỉ có một mụn con gái, nhà tuy sung túc mà gặp bà gia cay nghiệt, song người ấy vẫn ở vậy, vì nói rằng khó mà kiếm được một người chồng bằng người chồng trước của mình. Tôi tưởng, nếu cấm cải giá mà lấy những điều như trên đây làm điều kiện, thì cũng là sự hiệp với nhân tình, người đời có thể tuân theo.

Cái nầy Trình tử không thèm hỏi đến kẻ góa bụa đó ở vào cái địa vị nào, gặp cái cảnh ngộ ra sao, mà nhứt luật không cho cải giá, thì thật là bất cận nhân tình quá thể. Người lập ra cái luật ấy chẳng có gì khác hơn là muốn thỏa cái lòng ích kỷ của đàn ông, cố ý mà bóc lột hết thảy quyền lợi đàn bà.

Trong đoạn sách đó, nguyên văn dùng chữ cư sương (??) chỉ nghĩa đàn bà chết chồng. Hạng đàn bà ấy, Trình tử không cho cải giá; nhưng chưa biết đối với đàn bà bị chồng để thì Trình tử chủ trương thế nào. Tuy vậy, cứ do cái ý không cho đàn ông lấy đàn bà thất tiết suy ra, thì hình như cũng cấm luôn kẻ bị chồng để lại lấy chồng thì phải.

Theo lẽ công bình, nếu đàn bà bị chồng để, không được cải giá thì đàn ông cũng đừng nên để vợ. Vậy mà Trình tử lại cho phép đàn ông để vợ. Trong sách Tánh lý đại toàn chép rằng:

Có kẻ hỏi: Vợ, có thể để không? Trình tử đáp rằng: Vợ chẳng hiền, thì để đi có hại gì đâu? Như Tử Tư xưa cũng từng để vợ. Tục đời nay lại cho sự để vợ là nết xấu, bèn không dám làm; chớ người đời xưa chẳng hề như vậy![3]

Cứ như lời đó thì tục đời bấy giờ còn trung hậu: đàn ông cho sự để vợ là xấu mà không dám làm, ấy là còn biết tôn trọng quyền lợi đàn bà. Trình tử lại xúi đàn ông để vợ theo đời xưa, thế chẳng hóa ra dạy cho người đời ở bạc hay sao?

Đàn bà không có phép tái giá, đàn ông lại được phép để vợ, như vậy, theo danh từ luân lý học đời nay, kêu bằng "nhị trùng đạo đức" (double morale). Nghĩa là, cùng là người ở trong một xã hội, dưới quyền thống trị một luân lý, mà có hai thứ luật buộc cho hai bên khoan nghiêm khác nhau. Trong cái nhị trùng đạo đức ấy thấy ra sự bất bình đẳng và sự vô nhân đạo. Vô nhân đạo, là vì đàn ông không coi đàn bà là người như mình, cho nên không chịu đãi một cách bình đẳng với mình.

Đàn ông để vợ hoặc chết vợ rồi có nên lấy vợ nữa không? Trình tử nói không nên. Chỗ nầy thấy như Trình tử chủ trương có công đạo một chút, song xét kỹ ra thì sự chủ trương ấy gần như là phỉnh gạt đàn bà, làm cho tôi nghĩ tới mà lấy làm xấu hổ.

Cũng trong Tánh lý đại toàn, có một đoạn như vầy: "Có kẻ hỏi: Có phải hết thảy sự cưới vợ lần nữa đều bất hiệp lý không? Đáp rằng (cũng Trình tử đáp): Từ hàng đại phu nhẫn lên, không có lẽ cưới vợ lần nữa. Phàm người ta, lúc làm vợ chồng với nhau, há có hẹn rằng khi có một người chết trước thì người kia sẽ cưới vợ hay lấy chồng lần nữa đâu? Chỉ hẹn làm vợ chồng trọn đời mà thôi. Song từ hàng đại phu nhẫn xuống, có kẻ vì cực chẳng đã mà tái thú, ấy chỉ vì để phụng dưỡng cha mẹ hoặc coi việc nhà. Còn như từ đại phu nhẫn lên, đã có tân, phi để coi sóc việc tế tự, bởi vậy không cho phép tái thú"[4].

Bên Tàu cũng như bên ta, chẳng là theo cái chế độ đa thê. Theo lễ thì hàng các quan còn phải buộc cho cưới nhiều vợ nữa. Trình tử không cho phép tái thú đó, chỉ là từ đại phu nhẫn lên mà thôi. Mà bọn nầy đều có phi, tân (vợ bé) cả đống rồi, họ không cưới vợ nữa cũng chẳng chịu thiệt chút nào. Đến như từ đại phu nhẫn xuống, thì Trình tử lấy cớ phụng dưỡng cha mẹ, coi sóc việc nhà mà cho phép họ tái thú.

Cha chả! mới nghe cái câu người ta lúc lấy vợ chồng, há có hẹn rằng khi một người chết trước thì người kia sẽ cưới vợ hay lấy chồng lần nữa đâu? Chỉ hẹn làm vợ chồng trọn đời mà thôi - khi mới nghe câu ấy, ai chẳng cho Trình tử là một người chủ trương công đạo? Có ngờ đâu lúc nghe hết câu chuyện, thì thấy ra đàn ông không được phép tái thú mà cũng quá cha tái thú, chỉ có đàn bà chịu thiệt một bề, cho nên tôi nói rằng phỉnh gạt đàn bà! Mình ỷ khôn ngoan mạnh mẽ hơn đàn bà mà ăn hiếp họ, còn phỉnh gạt họ nữa, nên tôi thấy mà lấy làm xấu hổ.

Sự cấm cải giá đó, tôi kêu bằng luật không phải là luật thiệt đâu. Nó không phải là luật trong pháp luật, mà là luật trong luân lý; luật trong luân lý thì cái hiệu lực (effet) lại còn mạnh muốn lấn hơn pháp luật nữa vậy.

Trên kia đã nói sự nầy là bất cận nhân tình. Phải, nó trái với mười cái lòng kẻ góa bụa đến mười một! Theo sách chép thì chính người cháu gái kêu ông Trình Hy bằng cậu và người cháu dâu của ông cũng đều cải giá hết, chớ đừng nói ai. Vậy mà sự chủ trương của ông về sau trở thành ra luật, ấy là nhờ thế lực nhà vua vậy.

Từ nhà Minh sấp sau, các triều vua đều tôn sùng cái học của Tống nho, lại còn theo mà khuyến khích sự thủ tiết nữa, bởi vậy đàn bà ham hư danh mà thủ tiết, lâu rồi thành ra phong khí, đến nỗi có kẻ vị hôn thê mà cũng dám chết theo vị hôn phu. Cho đến ngày nay, người Tàu đã cải cách cả pháp luật và luân lý rồi, mà vợ Trần Hòa còn bị cái phong khí ấy bắt phải ở ba chục năm như người đã chết.

Xứ ta cũng chịu ảnh hưởng cái luật ấy không ít. Vì nó mà trong xã hội đã xảy ra nhiều chuyện không tốt, nói đến rất thương tâm.

Tôi lấy làm lạ, cái kêu bằng cái tiết đó, không phải tánh trời sanh, thì sao lại đem nó để càn lên trên cái do tánh trời sanh? Tôi thì cứ giữ mực quê quê thiệt thiệt, căn cứ ở câu thực sắc thiên tánh của Mạnh Tử mà nói rằng: Hễ đàn ông chết vợ thì lấy vợ khác, đàn bà chết chồng thì lấy chồng khác. Còn như cặp vợ chồng nào có cái ái tình đặc biệt, một người chết đi, một người đành ở vậy, cái thì tùy ý họ, xã hội không ép buộc gì. Đến như, nói cái thứ hai của tánh trời, gặp lúc đáng bỏ phải bỏ, thì, đã cấm đàn bà cải giá, xin cũng cấm đàn ông tái thú luôn.

Trong phụ nữ ta có nhiều người chồng chết, ở trong cái cảnh ngộ rất đáng thương, buồn rầu đủ một trăm thứ, vậy mà nói đến chuyện cải giá, sợ mang tiếng, nhứt định không thì không. Có người bóp bụng cắn răng cũng giữ được trót đời; nhưng có người khôn ba năm dại một giờ, thành ra mang cái xấu lại còn hơn cải giá. Lại thường thấy bà góa nào có máu mặt thì bọn điêu thoa trong làng trong họ lập mưu mà vu hãm cho, để mong đoạt lấy gia tài. Những sự đó đều là chịu ảnh hưởng của cái luật cấm cải giá mà ra; vậy thì nó chỉ làm hại cho phong hóa thì có, chớ có bổ ích gì đâu? Bởi vậy ta nên phế trừ cái luật ấy đi; từ rày về sau, trong óc chúng ta - cả đàn bà và đàn ông Việt Nam - đừng có cái quan niệm ấy nữa.

Sở dĩ Tống nho có sự ngang ngược nầy là gốc ở cái học của họ. Bên Tàu từ xưa, thánh hiền nói nhân, nói nghĩa, nói lễ, nói gì thì nói, chớ chưa hề có ai nói lý bao giờ. Đến Tống nho mới bắt đầu lập cái lý lên làm nền cho sự học của họ, nên mới gọi là lý học. Đại khái họ nói, lý, ấy là cái của Trời cho mà đủ trong lòng mọi người[5]; người ta cứ theo lý ấy mà làm thì là thiện, là quân tử; còn trái lại, là ác, là tiểu nhân. Nhưng họ quên lửng đi rằng cái lý là cái không thể thấy được, biết thế nào là lý, rồi đó họ lấy cái ý kiến riêng của một người mà họ cho là[6] lý cũng nên. Do cớ ấy Trình Hy mới dám nói sự chết đói là nhỏ, sự thất tiết là lớn, vì ông ấy coi điều đó là lý vậy.

Các nho giả nhà Thanh có nhiều người chỉ trích cái lý học của Tống nho không còn một chỗ da mẹ đẻ, đến nỗi họ cho cái lý ấy là đồ sát nhân, đồ ăn thịt người. Về vấn đề nầy, có dịp tôi sẽ nói đến.

Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 95 (13.8.1931)

Cải chánh

Trong bài Tống nho với phụ nữ của tôi đăng số trước có dẫn câu sách Thực sắc tánh dã mà đã vô ý chua lầm. Câu ấy tuy ở trong sách Mạnh Tử mà là lời Cáo tử nói chớ không phải lời Mạnh Tử nói.

Tuy vậy, Mạnh Tử hình như cũng đã thừa nhận câu ấy là phải. Vì Cáo tử nói: Thực sắc tánh dã; nhân nội dã, nghĩa ngoại dã"; mà Mạnh Tử chỉ bẻ câu "nhân nội nghĩa ngoại mà thôi, còn câu thực sắc tánh dã thì không hề nói tới. Không nói tới, ta có thể cho là đã thừa nhận.

Ở thiên Tận tâm Mạnh Tử có nói: Hình sắc thiên tánh; lại nói tiếp: duy thánh nhân nhiên hậu khả dĩ tiễn hình. Cứ như ý câu nầy thì càng tin được rằng Mạnh Tử đã thừa nhận lời của Cáo tử trên kia rồi vậy.

P.K.
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 96 (20.8.1931)


Nguồn: Báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 96 (20.8.1931). Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr



* Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông cũng là chủ bút tờ Phụ nữ tân văn xuất bản tại Sài Gòn

[1] Mạnh Tử nói rằng : thực, sắc, tánh dã. Thực tức là ẩm thực; sắc tức là nam nữ. Nghĩa là : Việc ăn uống và việc đàn ông đàn bà lại nhau, đều là tánh tự nhiên của người ta. Nói tánh tự nhiên hoặc nói tánh trời sanh cũng chỉ có một nghĩa

[2] Cận tư lục: "Hoặc vấn : Sương phụ, ư lý, dĩ bất tựa bất khả thủ, như hà ? Y Xuyên tiên sinh viết : Nhiên phàm thủ dĩ phối thân dã, nhược thủ thất tiết giả dĩ phối thân, thị kỷ thất lễ dã. Hựu vấn: Nhân hoặc cư sương bần cùng vô thác giả, khả tái giá phủ ? Viết: Chỉ thị hậu thế phạ nga tử cố hữu thị thuyết, nhiên ngã tử sự cự tiểu, thất tiết lễ sự cự đại". (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm)

[3] Tính lý đại toàn hữu vân : "Vấn : Thê khả xuất hồ ? Trình tử viết : Thê bất hiền xuất chi hà hại ? Như Tử Tư diệc thường xuất thê. Kim thế tục nãi dĩ xuất thê vi xú hành, trục (giục) bất cản vi; cổ nhân bất như thử". (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm)

[4] Tính lý đại toàn hựu vân: "Vấn: Tái thú giai bất hợp lý phủ? Viết: Đại phu dĩ thượng, vô tái thú lý; phàm nhân vi phu phụ thời, khải hữu nhất nhân tiên tử, nhất nhân tái thú, nhất nhân tái giá chi ước? Chỉ ước chung thân phụ dã. Đản mục đại phu dĩ hạ, hữu bất đắc kỷ tái thú, cái duyên phụng công cô hoặc chủ nội sự nhĩ. Như đại phu dĩ thượng, mục hữu tần phi khả dĩ cộng tự lễ, sở dĩ bất hứa tái thú dã" (nguyên chú chữ Hán, ở đây ghi phiên âm)

[5] Chu tử viết : "Lý đắc ư thiên nhi cụ ư nhân tâm" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm)

[6] Chỗ này bản gốc là: "…một người họ mà cho là…"; ở đây ngờ là có lỗi in nên tạm sửa là : "…một người mà họ cho là…"

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt