THUYẾT DUY THỰC THEO LƯƠNG THỨC CỦA SCOTLAND DONALD A. GALLAGHER[1] Nguyễn Thị Minh dịch
Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.
Nguồn gốc. Trường phái siêu hình học Scotland đã được John Witherspoon (1725-1794) du nhập vào Hoa Kỳ, bản thân ông có nguồn gốc Scotland. Các nét đặc trưng của trường phái này đã được Thomas Reid (1710-1796) và Dugald Stewart (1753-1828) ở Scotland phát triển. Reid, người đã giảng dạy nhiều năm tại Aberdeen và Glasgow, dưới danh nghĩa của “Lương thức” (Common Sense), chống lại các học thuyết của Berkeley và Hume, mà các quan điểm cực đoan của họ về bản chất của nhận thức biểu tượng lên đến đỉnh điểm trong thuyết hoài nghi. Quan niệm của Reid về lương thức là hơi mơ hồ và không hoàn toàn nhất quán. Có khi, ông coi lương thức là sức mạnh của nhận thức nói chung, như là cái có ở một con người có năng lực bình thường. Khi khác, ông lại quan niệm nó như là quan năng của lý tính, là nguồn cội của các nguyên tắc, ánh sáng của tự nhiên. Dù sao đi nữa, ông cũng coi đó là sở hữu chung của tất cả mọi người, nhờ đó họ có thể đến với những tri thức thực sự và chắc chắn về các sự vật bên ngoài.
John Witherspoon (1725-1794). Vị thánh thuộc Giáo hội trưởng lão này đã du nhập triết học Scotland đến Mỹ ngay sau khi ông đến đây vào năm 1768. Trong các tác phẩm thần học và triết học của ông (trong đó quan trọng nhất là cái được gọi là Các bài giảng về triết học/Lectures on Philosophy), ông tấn công vào thuyết phi vật chất của các nhà duy tâm như Berkeley là "một nỗ lực hoang dã và lố bịch để giải quyết các nguyên tắc của lương thức bằng lý luận siêu hình học”. Ông cống hiến cho việc trình bày thuyết duy thực (realism) . Vì thế, ông mở đầu uy thế lâu dài của “trường phái Scotland” trong các định chế giáo dục đại học ở Mỹ, đặc biệt là các trung tâm của Giáo hội trưởng lão như đại học Princeton.[2] Trong suốt thế kỷ XIX, các đại diện hàng đầu của trường phái này và những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nó bao gồm James McCosh (1811-1849), cũng có nguồn gốc từ Scotland, Noah Porter (1811-1892), F.Wayland, F.Bowen và L. P. Hickok. Tuy tư tưởng của những nhân vật này chỉ có tính phái sinh, họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển triết học của đất nước.
[1] Giáo sư Triết học Đại học Villanova [2] Xem Noah Porter, “On English and American Philosophy”, phục lục I đến tập 2 của bản dịch tiếng Anh của F. Ueberweg, History of Philosophy, đặc biệt trang 304-403. Chương V-VII của “phác thảo bổ sung” của Potter đưa ra motoj trong những trình bày rõ ràng nhất về trường phái Scotland. Xem thêm Selections from the Scottish Philosophy of Common Sense, chủ biên và giới thiệu bởi G.A. Johnston, M.A. (Chicago: Open Court Publishing Company, 1915). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC