Triết học Mỹ

Triết học Mỹ: Dẫn luận

TRIẾT HỌC MỸ: DẪN LUẬN

DONALD A. GALLAGHER(*)

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


Jonathan Edwards (1703-1758)

 

Jonathan Edwards, một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Mỹ, thấy được rằng việc Tân Thế giới được phát hiện ra khoảng cùng thời với Phong trào cải cách tôn giáo là một điềm lành báo một cơ hội huy hoàng cho canh tân do Đấng Quan phòng ban cho loài người.[1]

Một học giả Công giáo của thế kỉ 20 có thể có quan niệm cho rằng sự xuất hiện của Mỹ như một “đồn điền” của châu Âu một thời gian ngắn sau khoảng đứt gãy của sự thống nhất thời Trung đại giải thích nhiều điều về sự phát triển của nó về sau. Cho dù người ta đánh giá như thế nào, trong một thời gian dài các học giả Mỹ cũng đã suy nghĩ về mối quan hệ của văn hóa Mỹ với những tiền thân của nó ở châu Âu cũng như với sự phức tạp của đời sống và xã hội xung quanh nó. Triết học Mỹ, mặc dù là một sự bổ sung tương đối gần đây cho di sản triết học phương Tây, đã đạt đến giai đoạn trưởng thành và độc lập và đã có một số đóng góp đáng chú ý. Là quan trọng cho các sinh viên Mỹ khi hiểu một điều gì đó về sự phát triển của tư duy triết học ở Mỹ nếu họ muốn hiểu và tham gia một cách thông minh vào đời sống của chính đất nước mình, và cũng quan trọng tương đương cho họ khi hiểu một điều gì đó về mối quan hệ giữa tư duy của Mỹ và truyền thống của phương Tây. Vì các lý do này, là phù hợp khi thêm một mục về sự phát triển của tư tưởng triết học Mỹ trong cuốn Lịch sử triết học này.[2]

Ban đầu, người ta bị thôi thúc phải hỏi liệu có một cái được gọi là “triết học Mỹ” hay không. Hay, về vấn đề này, “triết học Đức” hay “triết học Pháp” hay thậm chí triết học “châu Âu” hay “phương Đông” là gì? Về dữ kiện lịch sử, khó mà tìm được bất kì khác biệt cốt yếu nào trong triết học giữa quốc gia này với quốc gia khác, thậm chí từ lục địa này với lục địa khác. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn minh đều có phần đóng góp chung của những nhà duy tâm, nhà duy thực, nhà duy nghiệm, nhà hoài nghi và nhà duy lý của nó. Điều quan trọng là một sự nhấn mạnh hay thái độ nhất định phân biệt các truyền thống triết học. Thuyết duy tâm đã đóng một vai trò quan trọng, như ta sẽ thấy, trong lịch sử tư tưởng Mỹ, đến mức sẽ là sai lạc khi nói rằng chủ nghĩa tự nhiên hay thuyết duy nghiệm mới triết học Mỹ điển hình, như là cái mốt ngày nay. Nhưng có một điều nhấn mạnh nhất định, một mối quan tâm về đạo đức với một xu hướng thực hành xử lý như thế nào đó với các vấn đề, mà người ta đã thấy ở các nhà tư tưởng Mỹ, các nhà duy tâm cũng như những người theo thuyết dụng hành. Chính là thái độ này, bất chấp những khác biệt căn bản về học thuyết, ở các nhân vật như Jonathan Edwards, Ralph Waldo Emerson, Josiah Royce, William James, và John Dewey, cho thấy một nét giống nhau không thể nhầm lẫn trong họ. Họ là những nhà tư tưởng của Mỹ, và xét như là những nhà tư tưởng Mỹ, họ chia sẻ một thuyết duy tâm đạo đức nhất định và một nhãn quan thực hành nhất định. Chính sự thống nhất về tinh thần, đạo đức này, chứ không phải sự thống nhất về học thuyết, mới có thể được xem là tiêu biểu của “triết học Mỹ”.

Tất nhiên, ở đây ta không thể, dù chỉ là bắt đầu, tường trình các phân nhánh của tư tưởng triết học ở Mỹ và các mối liên quan qua lại của chúng với các tư tưởng văn học, kinh tế, chính trị, luật pháp và tôn giáo ở Mỹ và châu Âu. Mục tiêu của chúng tôi trong các chương tiếp theo thì khiêm tốn hơn nhiều.Đó là mang đến một miêu tả ngắn gọn về các triết gia cùng các trào lưu nổi bật trong tư tưởng triết học Mỹ. Trong chương đầu, chúng tôi xem xét thời kì hình thành và miêu tả các nguồn gốc của triết học Mỹ cùng các khuynh hướng của thế kỉ 18. Trong chương 2 , chúng tôi xem xét các trường phái và sự phát triển chính từ thế kỉ 19 cho đến thời nội chiến. “Thời kì trưởng thành” của triết học Mỹ vào cuối thế kỉ 19, được minh họa rõ nhất bởi thành tựu của Peirce, Royce, James, Dewey, và Santayana, được bàn trong chương 3. Cuối cùng, các phong trào và xu hướng tư tưởng quan trọng nhất của giai đoạn gần đây, từ khoảng năm 1920 đến hiện tại, được đề cập trong chương cuối cùng.



(*) Giáo sư Triết học Đại  học Villanova

[1] Xem H.W.Schneider, The Puritan Mind (New York: Henry Holt and Company, 1950), p.32.

[2] Cho dù tác giả của phần này không chia sẻ mọi diễn giải của giáo sư Hirschberger về lịch sử triết học, ông vui mừng vì được cộng tác , với tư cách một người hợp tác trong xuất bản phẩm ở Mỹ, với một học giả mà ông vô cùng kính trọng vì học vấn uyên bác và sự khách quan trong đánh giá.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt