KHÁI NIỆM
Đ. P. GORKI
§4. NHỮNG KHÁI NIỆM ĐƠN NHẤT, NHỮNG KHÁI NIỆM CHUNG VÀ NHỮNG KHÁI NIỆM TẬP HỢP
Về mặt ngoại diên, tất cả những khái niệm được chia thành những khái niệm đơn nhất và những khái niệm chung. Những khái niệm đơn nhất là những khái niệm mà ngoại diên chỉ chứa một sự vật. Thí dụ về những khái niệm đơn nhất có thể là những khái niệm sau: « Điện Cremlanh Matxcơva », « Tác giả bộ tiểu thuyết Sông đông êm đềm », «Trận chiến đấu ở Xtalingrat » v.v... Những khái niệm chung là những khái niệm mà ngoại diên chứa ít nhất là hai sự vật. Thí dụ về những khái niệm chung có thể là những khái niệm sau: «họa sĩ», « người cải tiến sản xuất », « các khoa học », « những tác phẩm của Gôgôn ». Trong số những khái niệm đơn nhất phải tách riêng ra những khái niệm tập hợp. Những khái niệm tập hợp là những khái niệm mà trong đó nhóm các sự vật đồng nhất được xem như một chỉnh thể duy nhất. Thí dụ về những khái niệm tập hợp có thể là những khái niệm sau: « chòm sao Đại hùng tinh », « rừng Izomailôpxeơ », « đội bóng đá Đinamô trung ương » v.v... Nội hàm của khái niệm tập hợp quan hệ với toàn bộ những đơn vị đồng nhất như là quan hệ với một chỉnh thể. Chẳng hạn, khi nói "chòm sao Đại hùng tinh" là nói tập hợp nhất định của các vì sao chứ không phải nói về từng ngôi sao tạo thành chòm sao này. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học cùng những từ và cụm từ như nhau trong văn cảnh khác nhau có thể biểu thị một sự vật tương ứng với một khái niệm tập hợp (khi nhóm các sự vật đồng nhất được xem như một chỉnh thể) và biểu thị một lớp sự vật trọn vẹn (tức là biểu thị khái niệm chung). Chúng ta hãy xét hai câu sau: « Trong học kỳ này lớp ta đứng hàng đầu trong trường về kết quả học tập » (1) « Trong học kỳ này lớp ta không có một điểm xấu nào » (2) Trong câu (1) từ « lớp ta » thể hiện khái niệm tập hợp: dấu hiệu « Trong học kỳ này đứng đầu trong trường về kết quả học tập » không thuộc về từng học sinh của lớp này mà thuộc về cả lớp. Trong câu (2) từ « lớp ta » không biểu thị khái niệm tập hợp mà biểu thị khái niệm chung, vì dấu hiệu «trong học kỳ này không có một điềm xấu nào » thuộc về mỗi học sinh của lớp này. Do đó, phải phân biệt hai ý nghĩa của đại từ « tất cả ». Từ « tất cả » có thể được dùng theo nghĩa « mỗi một » và theo nghĩa “toàn thể). Chúng ta hãy xét hai câu: « Tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội » (1) « Tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa chiếm hơn 1/3 dân số trên thế giới » (2) Trong câu (1) từ « tất cả » được dùng theo nghĩa « mỗi một » và vì thế cụm từ « các nước trong phe xã hội chủ nghĩa » biểu thị khái niệm chung. Trong câu (2) từ « tất cả» được dùng theo nghĩa «toàn thể» và vì thế ở đây cụm từ «các nước trong phe xã hội chủ nghĩa » biểu thị khái niệm tập hợp. Khi một tổ hợp (một lớp) nhất định được tạo thành từ những sự vật tương ứng với những khái niệm tập hợp thì chúng ta sẽ có khái niệm chung. Chẳng hạn, từ các đội bóng đá riêng biệt có thể tạo thành một lớp các đội bóng đá. Thí dụ, trong câu « Tất cả các đội bóng đá đều có một thủ thành », cụm từ « các đội bóng đá » biểu thị khái niệm chung. Điều này là rõ ràng, vì dấu hiệu « có một thủ thành » thuộc về mỗi đội bóng đá, (từ « tất cả » ở đây được dùng theo nghĩa « mỗi một »).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC