Nhận thức luận | Khoa học luận

Nghĩ về thường kiến như thế nào

 

NGHĨ VỀ THƯỜNG KIẾN NHƯ THẾ NÀO

1

2

3

4

5

6

 7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MORTIMER J. ADLER (1902-2001)

MAI SƠN dịch

 

Mortimer J. Adler.  Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viên Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 12-22. | Phiên bản đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Mai Sơn.


 

Hôm nay chúng ta bắt đầu bàn luận về Thường kiến. Và như các Ý niệm lớn khác mà chúng ta sẽ bàn luận, ý niệm này được suy xét tốt nhất trong tương quan với cái đối lập của nó. Giống như chúng ta sẽ suy xét về công việc trong tương quan với sinh hoạt lúc rảnh hay tình yêu trong tương quan với ham muốn, chúng ta cũng sẽ suy xét thường kiến trong tương quan với tri thức.

Lloyd Luckman: Thưa Tiến sĩ Adler, tôi có thể chắc chắn nói rằng tri thức là một Ý niệm lớn và do đó có lẽ sự suy xét về thường kiến trong mối liên hệ với tri thức sẽ có tầm quan trọng rất to lớn, nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi khá bất ngờ thấy ông chọn “thường kiến” như một Ý niệm lớn. Ông có thể làm rõ hơn một chút được không? Ông có cách nào giúp tôi hiểu cái này thật nhanh và ngắn gọn trước khi ông tiếp tục không?

Mortimer Adler: À, có lẽ, Lloyd ạ, cách dễ nhất và ngắn gọn nhất để làm điều đó là thuật lại lịch sử sự thảo luận về thường kiến trong tư tưởng Tây phương, sự phát triển của ý niệm đó trong bản thân truyền thống Tây phương.

 

Phải chăng mọi sự đều là thường kiến?

Để tôi trả lời bạn theo hai đề mục, thứ nhất, ý nghĩa lý thuyết của thường kiến và thứ hai là ý nghĩa thực hành của nó.

Tôi sẽ bắt đầu với ý nghĩa lý thuyết. Vấn đề lớn về sự phân biệt giữa tính chắc chắn và tính cái nhiên/tính xác suất (probability) được kết nối với sự phân biệt giữa tri thức và thường kiến. Khi con người cố gắng đánh giá sự thiện hay giá trị của thường kiến, tức yếu tố khiến cho ý kiến này tốt hơn ý kiến khác, họ phát triển lý thuyết về tính xác suất. Và nhân tiện tôi nói thêm, lý thuyết này đã có những ứng dụng đầu tiên trong các trò chơi may rủi, trong cờ bạc nơi mà người chơi đặt cược vào ý kiến của mình.

Rồi tôi nghĩ chúng ta phải nhớ rằng thường kiến là vũ khí rất lợi hại của kẻ hoài nghi. Kẻ hoài nghi là kẻ tuyên bố rằng chúng ta không biết cái gì cả, hoặc biết không nhiều lắm, rằng chúng ta chỉ có những thường kiến. Thực vậy, nguyên tắc thứ nhất của thuyết hoài nghi nói rằng mọi sự chỉ là vấn đề thường kiến. Kẻ hoài nghi thường đi đến chỗ cực đoan khi nói rằng ý kiến này cũng tốt như ý kiến khác, rằng không có cách nào để làm cho ý kiến này đáng ưa thích hơn ý kiến kia, rằng mọi ý kiến đều là tương đối, chủ quan, mỗi ý kiến chỉ là một vấn đề sở thích.

Và nữa, thường kiến được kết nối với vấn đề lý thuyết lớn về sự đồng thuận và bất đồng giữa mọi người, sự xung đột và khác biệt của họ về hầu hết mọi câu hỏi nền tảng. Và bất kỳ ai đối diện với hiện tượng bất đồng này của mọi người hẳn phải quan tâm suy xét bản chất của thường kiến và các nguyên nhân khiến mọi người giữ chặt ý kiến của mình.

Lloyd Luckman: À, ông nói đó là vấn đề lý thuyết, nhưng nó cũng là vấn đề thực hành, phải không ạ? Trong thực tế, tôi nghĩ nó là một trong những vấn đề thực hành quan trọng mà xã hội chúng ta đối mặt ngày nay; tôi gọi đó là vấn đề sự tuân thủ đối lại với sự bất đồng. Tôi chợt nhớ một nhận xét của Tổng thống Eisenhower rằng chúng ta không được lẫn lộn sự bất đồng trung thành với sự lật đổ bất trung thành, bởi vì những ý kiến bất đồng của các công dân trung thành trong nền dân chủ là mạch sống của nó.

Mortimer Adler: Đúng như vậy, và tôi nghĩ nó cho chúng ta thấy tại sao thường kiến là ý niệm có tầm quan trọng lớn lao đối với tất cả chúng ta ngày nay.

Bây giờ cho phép tôi nói thêm một chút về ý nghĩa thực hành của ý niệm này, tức thường kiến. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều công nhận, mà không thắc mắc, ý nghĩa hệ trọng của tự do bàn luận và sự tranh luận liên tục của công chúng về các vấn đề chung để chúng ta có thể đạt tới ý kiến chung đúng đắn nhất về những vấn đề liên quan đến tất cả chúng ta. Trong thời đại của chúng ta chữ đầy tranh cãi đã trở thành một từ quở trách, một từ xúc phạm. Và bản thân sự tranh cãi đã gần như trở thành một việc ô danh. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thời gian để thấy vì sao tất cả chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải tranh cãi hay ít ra vui vẻ với sự tranh cãi.

Một phương diện thực hành khác của thường kiến được kết nối với toàn bộ câu chuyện về quy tắc đa số. Quy tắc đa số là một trong những nguyên tắc của nền dân chủ. Và nếu chúng ta hiểu cái gì đúng về dân chủ, chúng ta phải hiểu tại sao chọn ý kiến của số đông lại là đúng. Và chúng ta cũng phải biết làm thế nào để bảo vệ cái gì đúng đắn trong ý kiến của số ít.

Cho tới lúc này tôi đã nhấn mạnh ý nghĩa chính trị của thường kiến. Nhưng nó không chỉ có vậy. Ngày nay thường kiến có tầm quan trọng lớn nhất trong công việc và trong công nghiệp. Hầu hết những tập đoàn khổng lồ, chế tạo hay bán hàng, đều dựa rất nhiều vào lời khuyên của các nhà tư vấn quan hệ công chúng hay các chuyên gia quảng cáo. Quan hệ công chúng và quảng cáo là hai tác nhân tạo ra ý kiến, tạo ra những ý kiến có lợi cho khách hàng của họ. Bạn biết đó, có thời người đứng đầu một tập đoàn lớn sẽ không cải tổ mà không có lời khuyên của nhà tư vấn tập đoàn. Còn bây giờ hầu hết những ông chủ tập đoàn sẽ không nói lời nào mà không có lời khuyên của nhà tư vấn về quan hệ công chúng.

Lloyd Luckman: Ừm, thưa Tiến sĩ Adler, tôi phải thừa nhận rằng ông đã trả lời những điều tôi thắc mắc khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thường kiến. Và giờ thì tôi thỏa mãn thấy rằng nó là một ý niệm quan trọng không chỉ về mặt lý thuyết mà còn về mặt thực hành. Thực vậy, ông đã cho thấy nó rất can hệ, tôi không hiểu làm cách nào chúng ta có thì giờ để thậm chí thảo luận qua loa về đề tài quan trọng này.

Mortimer Adler: Chúng ta có bốn chương trình trong đó có chương trình cho chủ đề này, và nếu chúng ta không thể đề cập hết mọi vấn đề đáng quan tâm thì ít ra chúng ta cũng có thể đụng đến những điểm quan trọng nhất. Và để tôi nói cho ông biết tôi sẽ làm thế nào để tiến hành bốn buổi thảo luận về thường kiến. Hôm nay tôi muốn bàn chủ yếu về những đặc điểm của thường kiến đối chiếu với tri thức, và buổi tới ta sẽ đi sâu hơn một chút vào sự dị biệt giữa biết và phát biểu ý kiến, để chúng ta có thể xử lý vấn đề những giới hạn, đường phân ranh giữa tri thức với thường kiến hay thường kiến với tri thức. Và sau đó trong buổi kế tiếp tôi muốn xử lý vấn đề tầm quan trọng của thường kiến trong cuộc sống của cá nhân và sinh hoạt xã hội, và đặc biệt là xử lý những vấn đề như thường kiến trong tương quan với tự do con người và các định chế của chính quyền. Và sau cùng tôi muốn quay lại với vấn đề về tình trạng tranh cãi và tầm quan trọng của tranh cãi trong cuộc sống của chúng ta và việc duy trì sự bàn luận tự do có ý nghĩa gì với chúng ta để có thể đóng góp vào tính đúng đắn của các thường kiến mà chúng ta sống theo đó.

Bây giờ tôi muốn bắt đầu ngay với những đặc tính của thường kiến đối sánh với tri thức. Tôi muốn làm rõ một số điểm, nhưng một hai điểm đầu tiên tôi muốn trình bày là tương quan của chân lý với tri thức lẫn thường kiến, hay để nhìn ra sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến xét về phương diện chân lý. Nhưng để làm điều đó các bạn và tôi phải có cùng nhận thức về chân lý. Chúng ta ít ra phải có sự đồng thuận về ý nghĩa khi nói một phát biểu nào đó là đúng thực.

Nên tôi muốn đề xuất rằng ở đây chúng ta sẽ theo định nghĩa rõ ràng này: Một phát biểu là đúng thực nếu nó nói rằng cái gì vốn có thì có, hay nếu nó nói rằng cái gì vốn không có thì không có; và một phát biểu là sai nếu nó nói rằng cái gì vốn không có, thì có, hay cái gì vốn có, thì không có. Tôi nghĩ bất kỳ ai từng nói dối – và ai chưa từng? – đều hiểu điều này có nghĩa gì: nói thay vì nói không có hay nói không có thay vì nói có.

      

Thường kiến và tri thức

Liên quan đến định nghĩa về chân lý này, cho phép tôi nói về tri thức và thường kiến. Tri thức hệ tại ở chỗ có chân lý và (bạn) biết rằng bạn có nó, bởi vì bạn biết tại sao điều bạn nghĩ là đúng thì đúng. Trong khi đó thường kiến hệ tại ở chỗ không chắc rằng bạn có chân lý, không chắc điều bạn nói là đúng hay sai. Và ngay cả khi điều bạn nói ngẫu nhiên lại đúng, thì bạn cũng không chắc bởi vì bạn không biết tại sao nó đúng. Tôi nghĩ điều này giải thích sự khác biệt mà tất cả chúng ta cảm nhận theo cách chúng ta dùng từ ngữ khi nói, “Tôi biết cái đó,” hay một người nói, “Tôi không biết thế; tôi chỉ nghĩ thế,” nghĩa là tôi có ý kiến như thế, chứ tôi không biết nó.

Trong cách thức xét xử trước mặt các thẩm phán trong các tòa án của chúng ta có một quy tắc nổi tiếng gọi là quy tắc thường kiến. Quy tắc thường kiến nói rằng một nhân chứng đưa ra lời chứng phải khai báo những gì họ thấy hoặc những gì họ nghe được. Họ không được khai báo những gì họ nghĩ đã xảy ra, bởi vì đó sẽ là đưa ra một ý kiến, chứ không phải tri thức nhờ quan sát.

Bây giờ chủ điểm ở đây, chủ điểm mà mọi người đều biết, mọi người đều quen thuộc với nó, nhưng có lẽ các bạn chưa bao giờ nghĩ về nó theo kiểu này trước đây, là thực tế đơn giản rằng thường kiến có thể đúng hoặc sai sự thực. Thường kiến có thể đúng lý hoặc không. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thừa nhận điều đó. Nhưng hãy nghĩ thêm một chút, tri thức không thể sai sự thực, tri thức không thể không hợp lý. Nếu điều gì đó là tri thức, thì nó không thể là tri thức sai hoặc tri thức bất hợp lý.

Lloyd Luckman: Giờ thì thực tình tôi không hiểu làm thế nào mà ai đó có thể bất đồng với điều ấy, thưa Tiến sĩ Adler. Và qua những gì ông nói tôi hiểu rằng kẻ hoài nghi, vốn cho rằng không có cái gì gọi là tri thức, sẽ phải nhận rằng nếu có tri thức, nó sẽ đúng như ông mô tả và định nghĩa ở đây. Vậy thì chủ điểm mà ông vừa trình bày, thì sao? Nó là tri thức hay thường kiến?

Mortimer Adler: À, nếu bạn đúng, và tôi hoàn toàn nghĩ rằng bạn đúng, thì không ai có thể bất đồng với cách phân biệt tri thức và thường kiến này. Và nếu đúng như vậy, thì nó là cái gì đó chúng ta biết chứ không chỉ cái gì đó chúng ta có ý kiến.

Nhân tiện, ông Luckman vừa giới thiệu một tiêu chí khác để phân biệt tri thức và thường kiến. Tiêu chí đó là có hay không một điều gì đó được đồng ý một cách phổ biến, hay có lẽ tôi nên nói có hay không một điều gì đó phải được đồng ý một cách phổ biến, bởi vì đôi khi các ý kiến được đồng ý một cách phổ biến. Nhưng vấn đề ở đây là, mọi người có buộc phải đồng ý với ý kiến này không? Nếu mọi người buộc phải đồng ý, thì đó không phải là ý kiến mà là tri thức.

Lloyd này, bây giờ tôi hy vọng quay lại với vấn đề này một lúc để tôi phát triển ba hay bốn tiêu chí khác nhằm phân biệt giữa tri thức và thường kiến. Trong thực tế, tôi có thêm bốn tiêu chí khác muốn trình bày với ông. Đầu tiên là tiêu chí liên quan đến nghi ngờ và tin tưởng. Nghi ngờ và tin tưởng chỉ liên quan đến thường kiến, không bao giờ liên quan đến tri thức.

Cho phép tôi minh họa điều này bằng cách đưa ra hai ví dụ đơn giản, một về tri thức và một về thường kiến. Hai cộng hai bằng bốn. Tôi biết điều này và tôi hiểu điều đó. Tôi không nghi ngờ điều đó và tôi thậm chí không thể nói cho hợp thức rằng tôi tin điều đó. Từ “tin” không đúng ở đây. Tôi không tin rằng hai cộng hai bằng bốn; tôi biết điều đó. “Tin” là một từ quá yếu cho chân lý hai cộng hai bằng bốn này. Nhưng nếu tôi chuyển từ phát biểu đó qua phát biểu này, “Những người đàn ông lịch sự thích các cô tóc vàng,” thì ở đây tôi có một điều gì đó mà tôi không biết và tôi chắc sẽ không muốn nói rằng tôi hiểu. Một số người nghi ngờ điều đó; một số tin điều đó; không ai biết điều đó; không ai hiểu điều đó.

Có lẽ tôi nên cho ông một ví dụ tốt hơn và có lẽ hơi kém hiển nhiên về tri thức và thường kiến để làm rõ điểm này. Đây là một phát biểu của tri thức, rằng luôn có một tình trạng chiến tranh, hoặc chiến tranh lạnh hoặc chiến tranh kịch liệt giữa các quốc gia có chủ quyền. Bất kỳ ai suy nghĩ trong một lát đều sẽ thấy rằng điều này đúng và rằng mọi người hiểu điều đó là đúng. Nhưng trái lại, đây là một phát biểu khác về chiến tranh vốn chỉ là một thường kiến. Thường kiến đó nói là sẽ có một Chiến tranh Thế giới khác, một cuộc chiến nóng bỏng hay nhiều bom đạn trong vòng 25 năm tới. Không ai biết điều đó. Nhiều lắm nó chỉ là một dự đoán khả hữu. Một vài người có thể tin điều đó và một số khác có thể nghi ngờ điều đó, nhưng nó không phải là một phát biểu tri thức.

Có lẽ tôi sẽ cho bạn thêm một ví dụ nữa về sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến liên quan đến nghi ngờ và tin tưởng. Ở đây tôi có mấy con xúc xắc. Và khi tôi đổ những con xúc xắc này tôi chỉ có thể nói rằng theo ý kiến của tôi chúng sẽ hiện ra một con số nào đó. Tôi không biết điều đó. Tôi có thể đặt cược vào nó, nhưng chắc chắn tôi không biết con số nào sẽ xuất hiện. Bây giờ trong túi tôi có một bộ xúc xắc đã đổ chì nặng một mặt[1]. Những con xúc xắc này sẽ chỉ hiện ra bảy hay mười một điểm. Và khi tôi đổ những con xúc xắc này, tôi không nghi ngờ gì, không một chút nghi ngờ, rằng mỗi một lần được đổ xuống chúng sẽ hiện ra hoặc bảy hoặc mười một điểm. Đó là điều tôi biết, chứ không nghi ngờ hay tin tưởng.

 

Quyền với thường kiến của chúng ta

Về những vấn đề thường kiến chúng ta nói rằng mọi người có quyền đối với ý kiến của mình. Hay tôi nói tôi có quyền có ý kiến về đề tài đó, nhưng không ai từng nói thế này về sự tri thức. Tôi không nói tôi có quyền đối với tri thức của riêng tôi về đề tài này. Tôi có thể nói tôi có quyền được biết một điều gì đó, nhưng tôi không bao giờ có thể dùng cụm từ của riêng tôi trong diễn đạt “Tôi có quyền đối với tri thức của riêng tôi.”

Quyền có ý kiến về một đề tài hay quyền có ý kiến của riêng tôi về một đề tài, theo tôi, là một trong những quyền dân sự cơ bản của chúng ta. Nó là một quyền về tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng mà ngày nay lúc nào chúng ta cũng nói đến. Trong thế giới hiện đại quyền này là quyền tôi nghĩ có lẽ bị tranh cãi hơn bất kỳ quyền nào khác mà chúng ta có.

Lloyd Luckman: Thưa Tiến sĩ Adler, cho tôi một phút. Tôi không muốn ông rời bỏ điểm này quá nhanh bởi vì nếu tôi nghe đúng những gì ông nói, thì ông đã chỉ ra rằng chúng ta có tự do tư tưởng chỉ về những vấn đề thường kiến. Bây giờ khi ông nói về tự do tín ngưỡng, tự do này thường ứng với những niềm tin tôn giáo, ít ra là trong suy tưởng của tôi. Và nếu vậy tôi có thể suy diễn từ những gì ông đang nói rằng mọi niềm tin tôn giáo chỉ là vấn đề thường kiến phải không?

Mortimer Adler: Đó là một câu hỏi khó, Lloyd à. Và tôi không muốn cố gắng trả lời hôm nay. Tuy nhiên, có lẽ tôi có thể quay lại câu hỏi đó và câu hỏi khác có liên quan với những gì ông nói trong lần tới khi chúng ta đi sâu hơn một chút vào sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến và vạch ra đường phân giới giữa phạm vi của tri thức và phạm vi của thường kiến để xem tôn giáo rơi vào chỗ nào. Lần tới nếu tôi không làm vậy, hãy nhắc tôi.

Lloyd Luckman: Vâng.

Mortimer Adler: Giờ tôi xin nói tiếp về điểm chính thứ ba hay là tiêu chí phân biệt hay sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến. Chúng ta nói rằng các vấn đề thường kiến dễ gây xung đột, rằng chúng ta quen với sự xung đột ý kiến, sự đa dạng của ý kiến về nhiều đề tài. Nhưng khi chúng ta đối phó với bất kỳ đề tài nào mà chúng ta có hiểu biết về nó, chúng ta không nói đến sự xung đột của hiểu biết. Chúng ta không nói có sự xung đột của các hiểu biết về đề tài này như khi chúng ta nói có sự xung đột ý kiến về điểm này. Bởi vì chính bản chất của đối tượng mà chúng ta đang có ý kiến về nó mới dễ gây xung đột và điều đó không đúng với những sự việc mà chúng ta biết.

Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta quen với sự xung đột ý kiến như thể quen với không khí chúng ta thở. Tôi sẽ cho ông chỉ hai ví dụ thôi. Bất kỳ ai vốn có thể nhớ một cuộc bầu cử toàn quốc hay cuộc bầu cử địa phương đều chứng kiến một cuộc xung đột cơ bản giữa các ý kiến của người dân về các ứng cử viên hay các vấn đề khác. Nhưng hãy để tôi cho ông một ví dụ thậm chí quen thuộc hơn về sự chú ý kiên tâm về xung đột ý kiến. Báo chí của chúng ta đầy những xung đột đó mỗi ngày: đó là chuyện thăm dò ý kiến công chúng. Những cuộc thăm dò ý kiến này cho chúng ta biết tình trạng tổng quát của ý kiến công chúng là gì, và cho chúng ta thấy những bất đồng vốn hiện diện trong rất nhiều vấn đề.

Ý nghĩa của sự xung đột ý kiến mà chúng ta biết quá rõ là, về những vấn đề thường kiến, những người biết lý lẽ có thể bất đồng với nhau mà vẫn hoàn toàn hợp lý như thường. Đây là điều rất quan trọng cần nhớ vì thường kiến là vậy. Chắc chắn là nơi nào có xung đột ý kiến thì thường ở đó những người hiểu lý lẽ có thể bất đồng và, tuy bất đồng, họ vẫn hoàn toàn hợp lý.

Giờ đến điểm thứ tư về sự phân biệt giữa tri thức và thường kiến. Và chỗ này sẽ đòi hỏi các bạn chú ý đến thực tế rằng tất cả chúng ta đều biết chỉ khi tôn trọng ý kiến của nhau chúng ta mới có thể nói về tìm kiếm một sự đồng thuận. Thực vậy, chúng ta nói sự đồng thuận ý kiến. Hay chúng ta nói về một ý kiến đa số khác với ý kiến thiểu số. Hay chúng ta nói về ý kiến chuyên gia khác với ý kiến không chuyên môn. Nhưng hãy lưu ý chúng ta không bao giờ nói đến đồng thuận tri thức. Chúng ta không bao giờ nói tri thức đa số khác với tri thức thiểu số. Chúng ta không bao giờ nói tri thức chuyên gia khác với tri thức không chuyên môn. Một lần nữa, tôi nghĩ đây là một khía cạnh chủ yếu của thường kiến vốn phân biệt rành mạch nó với tri thức.       

Và tôi muốn nói với các bạn về một quy tắc mà Aristotélēs phát triển cho mọi luận cứ liên quan đến các vấn đề và các thường kiến nơi một sự đồng thuận ý kiến có thể đạt được. Tôi sẽ đọc cho bạn nghe một đoạn của Aristotélēs. Quy tắc của Aristotélēs như sau; ông nói, “Trong các luận cứ xử lý vấn đề thường kiến,” tôi trích, “chúng ta nên đặt suy luận trên những ý kiến của mọi người. Hay nếu không phải của mọi người, thì ít ra cũng là những ý kiến của hầu hết những người đàn ông. Hay nếu không phải của hầu hết những người đàn ông, thì ít ra cũng là của những người vợ của họ. Và trong trường hợp sau cùng này, nếu chúng ta dựa suy luận trên những người vợ, thì chúng ta nên tìm cách dựa ý kiến hay các luận cứ trên các ý kiến của tất cả các bà vợ hay nếu không của tất cả các bà vợ thì cũng của những người thông thạo nhất trong số họ hay ít ra là của những người nổi tiếng nhất.” Đó là một lời khuyên khá thận trọng.

Trong vấn đề đồng thuận ý kiến này, chúng ta ít khi có sự nhất trí hoàn toàn, tuy thỉnh thoảng có trường hợp hiếm hoi sự đồng thuận ý kiến sẽ tiến tới sự nhất trí hoàn toàn. Để tôi cho bạn hai minh họa về hiện tượng hiếm hoi này – một sự đồng thuận ý kiến công chúng tiến gần tới sự nhất trí hoàn toàn. Các bạn hẳn còn nhớ những buổi liên hoan hoành tráng từng diễn ra dưới chế độ Phát xít ở nước Đức. Những đám đông tụ tập lên đến hàng ngàn người, tất cả hướng mặt về phía Hitler đồng thanh thét vang, “Sieg heil! Sieg heil! Sieg heil!” [Chúng ta chiến thắng!] Nghe giống như sự nhất trí đồng thuận ý kiến.

Có cái gì giống như thế xảy ra ở nước Mỹ không? Ừm, các bạn đã xem những trận bóng chày và khi Babe Ruth hay một cầu thủ nào đó giống như Babe Ruth có cú đánh home run,[2] thế là ở các khán đài mọi người đứng dậy hướng về anh ta vỗ tay hoan hô, đó là sự đồng thuận ý kiến gần như là nhất trí.

Tôi nghĩ những gì chúng ta học hỏi hôm nay chủ yếu là tất cả chúng ta hiểu được sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến. Xin lưu ý rằng tôi nói tất cả chúng ta hiểu sự dị biệt này để các bạn biết sự dị biệt là gì. Tôi nghĩ điều chúng ta vừa học được là chính sự nắm bắt của chúng ta về sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến thì không phải là thường kiến. Nó không giống như thường kiến. Nó là một điều gì đó chúng ta biết và hiểu. Và tôi nghĩ lý do tại sao tất cả chúng ta đều công nhận điều này là ở chỗ, sự dị biệt là một điều gì đó chúng ta hiểu theo năm tiêu chuẩn hoặc nhiều hơn, mỗi tiêu chuẩn đều rõ ràng như đã quen thuộc với chúng ta. Những tiêu chuẩn như thường kiến hoặc đúng hoặc sai sự thực, hoặc đúng lý hoặc không đúng lý, và thường kiến dễ ngờ hay dễ tin, hoặc thường kiến là một điều gì đó mà người ta nói, tôi có quyền đối với ý kiến của tôi. Hay, tôi có quyền có ý kiến về đề tài đó, hay ý kiến là điều gì đó mà những người biết lý lẽ có thể bất đồng nhưng vẫn hoàn toàn hợp lý, rằng ý kiến là điều gì đó luôn có khả năng gây ra xung đột giữa mọi người, sự bất đồng, sự đa tạp về quan điểm của từng người. Hay ý kiến là điều gì đó mà chúng ta tìm đồng thuận về nó, rằng trong trường hợp này, việc đếm đầu người là quan trọng. Nó hàm nghĩa một cái gì đó để đếm đầu người [xem mọi người nghĩ sao về nó].

Không có tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn này áp dụng được cho tri thức, như nó áp dụng cho thường kiến. Chúng ta biết sự phân biệt theo cách đó. Nhưng mặc dù chúng ta biết sự dị biệt, và tôi thực sự nghĩ chúng ta biết rõ sự dị biệt này, giữa tri thức và thường kiến, nhưng vẫn có nhiều điều về đề tài này mà chúng ta không dễ dàng biết rõ như vậy.

 

Những câu hỏi cần được trả lời về thường kiến

Lloyd Luckman: Vâng, tôi tò mò muốn biết vài điều như thế.

Mortimer Adler: À, để tôi nghĩ xem tôi có thể nêu lên dưới hình thức các câu hỏi không. Ví dụ, câu hỏi chợt đến trong đầu tôi là câu hỏi về loại sự vật gì chúng ta có thể có tri thức so với loại đồ vật, sự vật mà chúng ta chỉ có thể hình thành những thường kiến về chúng thôi? Về điểm này Plátōn nêu rõ lập trường rằng chỉ với những sự vật vốn thường hằng hay vĩnh cửu, chỉ những sự vật vốn không thay đổi, thế giới của sự tồn tại cố định, ta mới có thể có tri thức; trong khi đó, về toàn thể thế giới đang tuôn chảy, thế giới đang biến dịch, thì nhiều nhất chúng ta có thể có là ý kiến, ý kiến có thể dao động. Aristotélēs không đồng ý điều này. Aristotélēs cho rằng có thể có tri thức về thế giới vật lý cũng như về thế giới của những ý niệm vĩnh cửu.

Một câu hỏi khác mà chúng ta có lúc phải xem xét tới là câu hỏi về sự dị biệt tâm lý học giữa việc biết và việc nêu ý kiến. Các tiến trình suy nghĩ có thể trông giống nhau trong cả hai trường hợp. Chúng ta đưa ra những phán đoán, chúng ta suy diễn, chúng ta suy luận, tuy vậy vẫn có một sự dị biệt tâm lý học sâu sắc giữa hành động biết và hành động nêu ý kiến. Đó là một vấn đề khác cần đi sâu.

Và một câu hỏi nữa là liệu chúng ta có thể có tri thức và ý kiến về cùng một sự việc không. Liệu một người có thể nắm giữ trong cùng một lúc một điều gì đó – một trạng thái tâm trí vốn là hiểu biết về một cái gì và đồng thời tự thấy mình đang nắm giữ chỉ một ý kiến về điều đó không? Để tôi thay đổi câu hỏi đó một chút. Liệu một người có thể biết điều gì đó mà người khác chỉ có ý kiến về nó không? Liệu có thể có hai cá nhân, một người có tri thức và người kia có thường kiến, về cùng một điểm không?

Câu hỏi thứ tư đáng để xem xét, thực vậy, tôi nghĩ tôi sẽ nói nó là câu hỏi 64 ngàn đô,[3] Chúng ta có bao nhiêu tri thức? Trong chừng mực nào những sự vật mà chúng ta cho rằng chúng ta biết thực sự là những sự vật chúng ta biết so với những sự vật chúng ta chỉ có thường kiến?

Sōkrátēs, chắc ông nhớ, cho rằng chỉ có Thượng Đế mới biết; rằng nhìn chung con người không có điều gì khá hơn thường kiến. Và ông nói thêm rằng biết điều này là khôn ngoan.

Lloyd Luckman: Tôi bất ngờ khi nghe một điều mâu thuẫn như thế, thưa Tiến sĩ Adler. Ông sẽ không nói như vậy chứ?

Mortimer Adler: Tôi nghĩ nó có vẻ mâu thuẫn trừ phi ông tôn trọng dữ kiện rằng ở đây Sōkrátēs đang nói mỉa mai. Ông không yên trí với chủ nghĩa hoài nghi cạn cợt. Ý định của ông là tiếp tục đào sâu tìm hiểu. Thực vậy, chính những câu hỏi mà tôi vừa đề cập ở đây là những câu hỏi mà bản thân ông ấy theo đuổi và tôi hy vọng kỳ tới chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu.

Kỳ tới tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được một nhận thức sâu sắc hơn về sự dị biệt giữa tri thức và thường kiến. Tôi tin đề tài này lôi cuốn các bạn và tôi hy vọng các bạn sẽ cùng tôi bàn tiếp về ý niệm Thường kiến.

 



[1] Làm cho nặng thêm vào một mặt nào đó của con xúc xắc để khi đổ ra, mặt nặng hơn nằm dưới và con số của mặt đối diện luôn luôn được lật lên. Đây là trò gian lận.

[2] cú đánh cho phép người đánh chạy quanh ghi điểm mà khỏi phải dừng lại.

[3] Câu hỏi 64 ngàn đô (The $64,000 Question) là một chương trình đố vui trên đài CBS từ 1955 đến 1958, với mức thưởng cao nhất là 64.000 đô.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt