Triết học xã hội

Việc hình thành luật

 

VIỆC HÌNH THÀNH LUẬT

1

2

3

4

5

6

 7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MORTIMER J. ADLER (1902-2001)

PHẠM VIÊM PHƯƠNG dịch

 


Mortimer J. Adler.  Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 374-384. | Phiên bản bài viết này đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Phạm Viêm Phương.


 

 

Hôm nay chúng ta sẽ nghĩ về vấn đề luật của con người được tạo ra như thế nào. Và, tất nhiên, chúng ta chỉ có thể thảo luận về cách thức con người tạo ra luật với những thứ luật nằm trong quyền hạn tạo tác của con người. Như chúng ta đã thấy tuần trước, không phải mọi thứ luật mà chi phối con người đều thuộc loại này. Một số luật không do con người tạo ra mà được họ phát hiện: luật tự nhiên, được phát hiện bởi con người khi họ khảo sát bản chất của chính mình. Một số luật được con người tiếp nhận, như luật thần thánh họ nhận được qua mặc khải của Thượng Đế.

Hai buổi thảo luận trước của chúng ta về luật có quan hệ trực tiếp tới vấn đề của ngày hôm nay. Việc chúng ta xem xét cách thức con người làm ra luật chắc chắn chịu ảnh hưởng của hai quan điểm trái ngược nhau về luật của con người, một bên là, liệu luật có dựa trên lý trí hay không, và bên kia, hoặc nó bị áp đặt bởi ý chí của những người có quyền thực thi pháp luật. Cuộc khảo sát của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi hai quan điểm này về mối liên quan giữa luật của con người, tức luật thực định, với luật tự nhiên – quan điểm cho rằng luật thực định ít nhiều cũng bắt nguồn từ luật tự nhiên chống lại quan điểm rằng luật thực định không liên quan đến luật tự nhiên (quan điểm của những người hoặc phủ nhận rằng thực sự có một luật tự nhiên hoặc nhất định rằng nếu có một luật tự nhiên thì nó không có liên quan gì đến việc tạo ra luật thực định).

Các câu hỏi mà chúng tôi nhận được sau hai buổi thảo luận trước có thể rất hữu ích cho việc bắt đầu buổi thảo luận hôm nay. Lloyd, ông đọc giùm một hoặc hai câu hỏi mà tụi mình đã chọn cho buổi nay được không?

 

Lý do chúng ta cần luật

Lloyd Luckman: Vâng, xét theo thực tế rằng ông sẽ xem xét việc tạo ra các luật của con người, nên tôi nghĩ câu hỏi thích hợp nhất là câu của Frank Milligan ở phố Baker của San Francisco. Và ông ấy viết, “Dĩ nhiên, đây là lý thuyết thuần túy, nhưng nếu Mười điều răn được mọi người tôn trọng và tuân thủ, liệu ta có cần thêm luật nào không?” Tôi thấy ông Milligan chỉ yêu cầu ông nói cho chúng tôi biết tại sao con người làm luật, trước khi ông luận giải chuyện luật được làm ra như thế nào.

Mortimer Adler: Thưa ông Milligan, câu hỏi “tại sao” chắc chắn xuất hiện trước câu hỏi “như thế nào”. Nhưng như tôi thấy, ông Milligan, chính câu hỏi của ông lại chứa sẵn một phần của câu trả lời. Đó là những gì chứa trong từ “nếu” mà ông dùng. Nếu mọi người tôn trọng và tuân thủ luật thần thánh. Điều đó giống như nói rằng nếu mọi người đều là thánh. Nó giống như nói, như chúng ta đã thấy khi thảo luận về chính quyền, nếu mọi người đều là thiên thần, thì không có chính quyền nào là cần thiết. Nhưng Alexander Hamilton biết rằng mọi người không phải là thiên thần và tôi chắc chắn ông cũng biết, ông Milligan à, rằng sự giả định rằng mọi người đều là thánh, rằng mọi người đều tuân theo luật thần thánh một cách hoàn hảo, là một giả định trái ngược với thực tế. Và bởi vì đó là một giả định trái với thực tế nên ông có lý do cho luật của con người: luật của con người là cần thiết bởi vì mọi người không tuân thủ hoặc tôn trọng luật thần thánh.

Cũng xin nói thêm, đó là câu trả lời mà một nhà thần học vĩ đại đã đưa ra khi chính ông ta đặt ra câu hỏi tại sao thật có ích khi con người đặt khung luật lệ dựa theo thực tế rằng Thiên Chúa đã ban Mười điều răn cho con người. Trong một câu hỏi được diễn đạt theo cách đó, liệu có ích gì không khi luật pháp được con người khuôn định, Aquino nói, “Vì một số người bị cho là suy đồi và dễ rơi vào thói xấu và không dễ dàng cải huấn bằng lời nói, nên họ cần được kềm hãm khỏi thói xấu bằng vũ lực và sự sợ hãi để ít nhất họ có thể tự giữ mình không làm điều xấu và để cho người khác được yên ổn. Và bản thân họ, khi sống quen theo cách này, có thể dần có khả năng tự nguyện làm những việc mà cho đến nay họ vẫn làm vì sợ hãi và do đó trở nên có đạo đức.”

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Trên thực tế, đó không phải là lý do sâu xa hay sâu xa nhất cho nhu cầu cần có luật con người. Có một lý do sâu xa hơn. Cho dù ông có thể giả sử rằng mọi người đều hoàn toàn tuân thủ Mười điều răn của luật thần thánh, thì vẫn có nhu cầu về luật của con người. Để xem tôi có thể cho ông thấy vấn đề này theo hai cách không, ông Milligan. Đầu tiên, chúng ta hãy lấy điều răn “Ngươi chớ trộm cắp.” Người ta trộm cắp theo nhiều cách. Có nhiều hình thức trộm cắp. Chúng có phải là trộm cắp như nhau không? Có vụ trộm cắp nghiêm trọng nhiều và trộm cắp nghiêm trọng ít hơn phải không? Tất cả có nên bị trừng phạt giống nhau không? Những câu hỏi thuộc loại này được trả lời bằng luật của con người, chứ không phải bằng luật thần thánh.

Rồi hãy nghĩ về thực tế này, ông Milligan: luật thần thánh – và, thực ra, cả luật tự nhiên – không dự trù các điều lệ giao thông, không có các quy định giao thông. Và tôi chắc chắn dù đi bộ hay lái xe hơi ông vẫn nhận ra nhu cầu sâu xa cần có luật giao thông. Đây là một lý do khác giải thích sự tiện dụng của luật con người bên cạnh luật thần thánh hay luật tự nhiên, cho dù mọi người đều tuân thủ cả hai.

Lloyd Luckman: Này, Tiến sĩ Adler, nếu ông có thể tạm rời cuộc thảo luận về câu hỏi của ông Milligan để quay lại với cuộc thảo luận hồi hai tuần trước khi ông nói rằng Thẩm phán Holmes đã có một quan điểm về bản chất của luật vốn đồng ý với quan điểm của Ulpian, cụ thể là, bất cứ điều gì làm vui lòng quân vương đều có sức mạnh của pháp luật. Hay nói cách khác, luật là biểu hiện của quyền lực hơn là lý trí. Tôi nghĩ rằng lập luận này hay bữa thảo luận đó có thể đã khơi ra câu hỏi sau của ông Pat Frane. Ông Frane là đại diện đặc biệt của Sở Tư pháp California có văn phòng ngay tại San Francisco đây. Và ông Pat Frane muốn ông bình luận về nhận xét của Oliver Wendell Holmes rằng luật không phải là luận lý mà là kinh nghiệm.

Mortimer Adler: Ông Frane, theo tôi nhớ chính xác thì Thẩm phán Holmes nói rằng, “Đời sống của luật pháp không có tính luận lý; nó là kinh nghiệm,” điều đó nhắc tôi nhớ tới một phát biểu khác của Thẩm phán Holmes, vốn cho rằng trong nghiên cứu luật, một trang lịch sử có giá trị bằng cả một cuốn luận lý học.

Cả hai nhận xét này đều đúng một phần nào đó, vì chắc chắn sự phát triển của luật không phải là công trình thuần túy của lý trí. Nó phát triển từ kinh nghiệm xã hội của chúng ta, nó được hoàn thiện bởi những nỗ lực của chúng ta nhằm sống chung với nhau một cách thành công và hiệu quả, và quả thực rằng để hiểu được các chi tiết cụ thể của luật như nó hiện nay, chúng ta phải nhìn vào lịch sử; luận lý thuần túy sẽ không giải thích được luật. Cho đến đây thì Thẩm phán Holmes nói đúng. Nhưng tôi nghĩ ông ta có thể sai nếu ông ta có ý muốn nói rằng luận lý, tức khía cạnh thuần lý của luật pháp, hoàn toàn không liên quan đến thực chất của nó.

Bây giờ cả hai câu hỏi này, của ông Milligan và của ông Frane, dẫn chúng ta tới ngay trọng tâm của cuộc thảo luận hôm nay. Và tôi nghĩ rằng chúng sẽ được trả lời đầy đủ hơn khi chúng ta xem xét việc tạo ra luật con người. Do đó, Lloyd à, ông tạm hoãn các câu hỏi khác cho đến khi chúng ta đi xa hơn một chút được không?

Bây giờ chúng ta hãy xem xét lại nền tảng cho cuộc thảo luận hôm nay, bằng cách nhắc lại với nhau hai quan điểm về bản chất của luật con người và về hai quan điểm về chuyện luật thực định có liên quan thế nào với luật tự nhiên. Trước hết, ta có luật đạo đức tự nhiên. Và sau đó có hai quan điểm về luật thực định: quan điểm xem luật thực định là có nền tảng hợp lý trong luật tự nhiên và quan điểm xem luật thực định là không có liên quan đến luật đạo đức tự nhiên, mà chỉ đơn giản là do ý chí quyết định và cưỡng bách thi hành.

Luật tự nhiên không là gì cả mà chỉ là một biểu hiện của chính lý trí. Ở thái cực kia, luật thực định, nhìn từ quan điểm thực định, chỉ đơn giản là một cái gì đó do ý chí áp đặt và không có liên quan đến lý trí. Tuy nhiên, luật thực định, khi nó được xem là đặt nền tảng hợp lý trong luật tự nhiên, được coi là một cái gì đó, tuy căn cứ vào lý trí, vẫn phải được thiết lập bởi ý chí.

Luật đạo đức tự nhiên bao gồm các nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn về công bằng. Ở cực đối lập, luật thực định – được một nhà thực định xem chỉ như một cái gì đó do ý chí quyết định và cưỡng bách thi hành – sẽ không bị coi là công bằng hoặc bất công mà chỉ là có lợi ít hay nhiều thôi. Trong khi đó, luật thực định, nhìn từ quan điểm của luật tự nhiên như một cái gì đó căn cứ vào luật tự nhiên, thì vừa công bằng ít hoặc nhiều vừa có lợi ít hay nhiều luôn.

Cách thức luật dẫn ta tới tuân thủ

Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét ba điều này theo cách chúng ràng buộc hoặc đòi hỏi sự vâng lời của con người. Luật đạo đức tự nhiên chỉ ràng buộc con người qua lương tâm. Ở cực đối lập, luật thực định, theo một quan điểm thuần túy thực định chỉ ràng buộc bằng lực cưỡng chế thôi. Nhưng nếu bạn nhìn vào luật thực định không theo cách cực đoan đó mà như một cái gì đó được căn cứ một cách hợp lý vào luật tự nhiên, bạn sẽ thấy rằng nó ràng buộc bằng cả lương tâm cũng như bằng lực cưỡng chế.

Bây giờ tôi muốn nêu thêm ba bình luận nữa. Trước hết, bạn có thể thấy rằng quan điểm “tự nhiên” về luật thực định như một điều gì đó khác biệt với luật tự nhiên, mặc dù có điều gì đó được căn cứ vào đó, đã đặt nó vào giữa luật tự nhiên ở cực bên này và luật thực định, xem xét một cách thuần túy thực định, ở cực bên kia. Một mình luật tự nhiên, được xem theo cách “tự nhiên chủ nghĩa”, chỉ ràng buộc qua lương tâm. Luật thực định, được nhìn từ góc độ thực định chủ nghĩa, ràng buộc chỉ bằng một mình lực cưỡng chế thôi. Luật thực định, được xem ít nhiều bắt nguồn từ luật tự nhiên, ràng buộc bằng cả hai cách. Giống như luật tự nhiên, nó ràng buộc bằng lương tâm. Và nó cũng giống luật thực định, chỉ ràng buộc bằng lực cưỡng chế thôi.

Bình luận thứ hai của tôi là, tôi có thể đã cho bạn một ấn tượng sai lạc vào tuần trước khi tôi so sánh luật thực định với luật tự nhiên. Vì trong so sánh đó, tôi đã sử dụng một khái niệm về luật thực định vốn coi nó như một cái gì đó bắt nguồn từ luật tự nhiên. Một sự tương phản sắc nét hơn giữa luật thực định và luật tự nhiên được đưa ra từ quan điểm thực định, vốn nhìn luật thực định như một cái gì đó không liên quan đến, không có nối kết gì với luật tự nhiên.

Lloyd Luckman: Bây giờ những gì ông vừa nói, Tiến sĩ Adler, tôi nghĩ, giải thích được cho câu hỏi sau đây mà chúng ta nhận được từ Cha Frank J. Buckley, Dòng Tên, của trường Dự bị Đại học Bellerman tại San Jose. Cha Buckley hỏi ông, “Làm thế nào nhà nước có thể ban hành các luật thực định mà không ràng buộc qua lương tâm? Nếu chính bản chất của luật liên quan đến lợi ích chung thì tôi thấy có vẻ như qua sự kết nối của nó với lợi ích chung mỗi luật đều ràng buộc qua lương tâm.”

Mortimer Adler: Nó tùy thuộc vào Cha chọn quan điểm nào về luật thực định, Cha Buckley ạ. Tôi đoán là cha chọn quan điểm mà tôi gọi là lập trường trung dung, vốn xem luật thực định như được bắt nguồn từ luật tự nhiên. Và nếu cha chọn quan điểm đó, vậy là cha nghĩ về luật thực định như được hướng tới lợi ích chung và ràng buộc bằng cả lương tâm lẫn lực cưỡng chế. Nhưng ở quan điểm ngược lại vốn là quan điểm mà cha không xét tới lúc này, quan điểm xem luật thực định không liên quan gì với luật tự nhiên, các luật chỉ ràng buộc bằng lực cưỡng chế vì chúng có sức mạnh của pháp luật cho dù chúng có hướng tới lợi ích chung hay không, có công bằng hay không.

Nhận xét thứ ba của tôi về nền tảng mà chúng ta vừa bàn đến là: trên quan điểm thực định cực đoan về luật thực định, ta không có vấn đề gì về cách làm ra luật của con người; điều kiện duy nhất cần thiết cho việc làm ra luật của con người là sức mạnh để thực thi chúng. Chỉ trên quan điểm kia vốn xem luật thực định, luật do con người làm ra, là ít nhiều bắt nguồn từ luật tự nhiên thì chúng ta mới phải đối mặt với câu hỏi, Nó bắt nguồn từ luật tự nhiên như thế nào? Làm thế nào trong việc làm ra luật của con người mà những quy tắc ấy lại bắt nguồn từ các nguyên tắc của luật tự nhiên? Đó là câu hỏi mà tôi sẽ cố gắng trả lời.

Luật thực định bắt nguồn từ luật tự nhiên như thế nào?

Và khi tôi bắt đầu trả lời câu hỏi này, tôi muốn cảm thấy rằng tất cả các bạn chia sẻ với tôi một giả định nào đó ít nhất là vì các mục đích của cuộc thảo luận này. Tôi muốn tất cả các bạn đồng ý với tôi giả định rằng tuyên bố truyền thống về nguyên tắc đầu tiên của luật tự nhiên, châm ngôn đầu tiên của lý do thực tế là một tuyên bố chính xác về nó. Đôi khi nó được phát biểu là “Tìm kiếm cái tốt và tránh cái xấu.” Hoặc đôi khi là, “Hãy làm việc tốt, không làm hại ai, đưa về cho mỗi người những gì họ đáng hưởng, những gì thuộc về họ, của riêng họ.”

Câu hỏi đặt ra là, các quy tắc ứng xử khác được rút ra từ nguyên tắc đầu tiên này, quy tắc ứng xử khái quát nhất này, như thế nào? Câu trả lời có vẻ là: theo hai cách. Thứ nhất, bằng suy diễn; thứ hai, bằng xác định. Hãy để tôi minh họa hai cách này. Bất kỳ người nào biết suy nghĩ, khi xem xét mệnh lệnh, “Đừng làm hại ai,” chắc chắn có thể kết luận rằng mình không nên ăn cắp những gì thuộc về người khác hoặc không nên giết người khác, đoạt mạng sống của người ta. Kết luận rằng giết người là sai hoặc ăn cắp là sai là một kết luận mà bất kỳ ai cũng có thể rút được cho mình. Đó là một suy luận đơn giản của lý trí từ nguyên tắc đầu tiên này, “Đừng làm hại ai hoặc để người ta sở hữu những gì thuộc về họ.” Và những quy tắc như, “Đừng giết người, đừng ăn cắp của người,” do đó thường được gọi là các giới luật thứ cấp của luật tự nhiên.

Làm thế nào để chúng ta đi xa hơn điều đó? Làm thế nào để chúng ta đi xa hơn những giới luật thứ cấp này? Không phải bằng cách suy luận. Theo nghĩa này, Oliver Wendell Holmes đã đúng; luận lý sẽ không làm điều đó, nhưng bằng xác định, bằng cách làm cho những giới luật thứ cấp như “Chớ giết người, chớ trộm cắp,” mang tính xác định hơn nhiều.

Để giải thích thêm về điều này, tôi sẽ dẫn ra đây bộ luật hình sự California. Trong bộ luật hình sự của California, chúng ta tìm thấy một loạt các mục xử lý các loại trộm cắp khác nhau. Ví dụ, cướp là một loại trộm cắp. Nó không giống như đột nhập ban ngày hoặc lẻn trộm ban đêm. Nó cũng không giống như giả mạo và làm đồ giả. Những việc này cũng không giống như ăn cắp hoặc ăn trộm, cả trộm cắp vặt hoặc trộm cắp lớn. Và những việc đó lại còn khác với biển thủ và tống tiền và các giao dịch gian lận hoặc lừa gạt. Luật hình sự California định nghĩa cả một lô một lốc những loại trộm cắp cụ thể khác nhau. Và qua việc định nghĩa các loại trộm cắp khác nhau này, nó bổ sung các xác định cho quy tắc của luật tự nhiên vốn bảo rằng “Chớ trộm cắp.”

Ta hãy cùng xem một phần của bộ luật này. Hãy xem phần nói về ăn cướp. Khi xem phần này, để tôi đọc cho bạn nghe định nghĩa về ăn cướp do luật hình sự đưa ra. Nó nói, “Tội cướp được xác định. Cướp là hành vi tước lấy tài sản cá nhân thuộc sở hữu của người khác, từ bản thân người đó hoặc trước sự hiện diện trực tiếp của người đó và ngược lại ý muốn của người đó, được thực hiện bằng vũ lực hoặc sự tán đồng.”

Đó là điều mà luật do con người làm ra bổ sung vào luật tự nhiên. Và nếu bây giờ bạn xem đoạn còn lại của phần đó – hãy quay lại bộ luật đó một lúc và xem đoạn còn lại của phần nói về tội cướp; nó bao gồm đoạn in chữ thường mà tôi sẽ đọc cho các bạn nghe. Phần đầu tiên là hành vi cướp được định nghĩa và sau đó nó nói tiếp về các mức độ cướp, loại hình sợ hãi vốn có thể là một yếu tố trong vụ cướp, và hình phạt cho tội cướp. Trong thực tế, nếu tôi mở bộ luật và đọc những phần đó cho các bạn nghe, các bạn sẽ thấy rằng ta có tội cướp cấp độ một và cấp độ hai tùy theo có sử dụng vũ khí chết người trong khi tiến hành cướp hoặc làm việc trộm cắp hay không. Nếu không sử dụng vũ khí, bạn có tội cướp cấp độ hai. Và hình phạt được định nghĩa hoặc xác định theo đó. “Tội cướp”, luật nói, “có thể bị phạt giam giữ trong nhà tù tiểu bang như sau: cướp ở cấp độ một không dưới năm năm, ở cấp độ hai không dưới một năm.”

Nói cách khác, những gì bạn thấy từ ví dụ này là việc xác định các loại trộm cắp rồi đến việc xác định các phương thức trừng phạt cụ thể cho các loại trộm cắp khác nhau này. Hai loại xác định trên là cách thức mà luật con người bổ sung một cái gì đó vào luật tự nhiên và cũng là cách thức mà luật con người được rút ra từ luật tự nhiên.

Luật tự nhiên ra lệnh, luật thực định định nghĩa

Xin lưu ý một điều khác. Luật hình sự không nói với bất cứ ai rằng, “Đừng trộm cắp.” Nó chỉ định nghĩa các loại trộm cắp và gắn cho mỗi loại trộm cắp một độ nghiêm trọng cụ thể hoặc một mức độ trừng phạt. Điều đó rất quan trọng bởi vì ta thấy cứ như luật hình sự để lại trong lương tâm của con người một hiểu biết về thực tế rằng anh ta không nên ăn cắp. Luật tự nhiên bảo, “Đừng trộm cắp.” Còn luật hình sự chỉ định nghĩa các loại trộm cắp và xác định các mức hình phạt cụ thể cho từng loại trộm cắp khác nhau.

Những gì tôi vừa trình bày với các bạn về vấn đề trộm cắp thì cũng đúng với mọi khía cạnh khác của luật thực định. Nếu bây giờ – tuy không có thời gian để đi vào chi tiết – tôi chuyển sang luật về tội sát nhân, bạn có thể thấy rằng điều răn của luật tự nhiên, “Chớ giết người,” cũng được chia nhỏ thành một loạt các định nghĩa về tội giết người cấp độ một, giết người cấp độ hai, và nhiều loại tội sát nhân khác nhau, và tất cả những loại đó lại được phân biệt với giết người hợp pháp hoặc giết người có thể miễn thứ, giết người trong tình tiết giảm nhẹ.

Và không chỉ luật hình sự mới làm điều này. Ví dụ, hãy xem hệ thống luật hợp đồng, một bộ phận lớn trong luật dân sự. Toàn bộ phận luật dân sự chi phối các hợp đồng giữa cá nhân và công ty bao gồm những xác định cho một nguyên tắc của luật tự nhiên, nguyên tắc mà bạn hiểu là “Hãy giữ lời hứa, nếu bạn không giữ lời hứa của mình, những người tin cậy vào đó, những người khác dựa vào đó, sẽ bị thiệt hại.” Luật dân sự về hợp đồng bao gồm việc xác định trong các điều kiện nào thì ta có thể tin cậy vào hợp đồng. Hợp đồng được soạn thảo thế nào? Các hình phạt cho việc phá vỡ hợp đồng là gì? Tất cả những điều đó là một tập hợp các xác định cho nguyên tắc đơn giản “Hãy giữ lời hứa”, vốn là một nguyên tắc của luật tự nhiên.

Tôi nghĩ qua các ví dụ này các bạn có thể thấy rằng các nguyên tắc của luật tự nhiên giống như các nguyên lý phổ quát bất biến nằm bên dưới mọi xác định cụ thể của các hệ thống luật khác nhau của luật dân sự; vì luật của California thì khác về một số khía cạnh so với luật của 47 khu vực tài phán khác ở Mỹ và so với các khu vực tài phán nước ngoài. Và tôi cũng nghĩ rằng bạn có thể thấy điều này trả lời như thế nào cho một câu hỏi được nêu ra – tôi nhớ là tuần trước, phải không Lloyd, bởi bà Lucille McGovern, khi bà hỏi về mối quan hệ giữa đạo đức với pháp luật. Bà ấy hỏi, “Nội dung đạo đức của luật pháp là gì?”

Và câu trả lời cho câu hỏi đó, bà McGovern, tôi nghĩ bây giờ tôi có thể làm rõ hơn so với tuần trước; vì nội dung đạo đức của pháp luật xuất phát từ những nguyên tắc của luật tự nhiên vốn nằm trong các xác định do luật thực định đưa ra. Các xác định do luật thực định đưa ra là những điều mà tự chúng rất vô tư, trung lập. Các bang khác nhau có thể xác định ăn trộm là gì, ăn cướp là gì, làm giả là gì, biển thủ là gì, và quy định khối lượng hình phạt khác nhau cho các tội ấy. Khi ta đánh giá cái gì đó theo mức độ hiệu quả của nó thì điều đó không phải là đạo đức; nó chỉ mang tính thực tế hoặc tiện lợi thôi. Nhưng việc cướp bóc hoặc trộm cắp thì nên bị cấm và ăn trộm nên bị trừng phạt và các cấp độ trộm cắp khác nhau sẽ bị trừng phạt tương ứng với độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội hoặc mức nặng nhẹ của hành vi phạm tội, đây là một phần của công lý, đây là khía cạnh đạo đức của luật thực định.

Lloyd Luckman: Tôi có một câu hỏi ngay đây, Tiến sĩ Adler. Còn về những chuyện như luật giao thông chẳng hạn, thì sao? Trên đời này thì cái gì thực sự là đúng hay sai trong việc lái xe ở phía tay phải của con đường hoặc ở phía bên trái của nó? Làm thế nào mà các quy tắc như vậy, như luật giao thông, lại là những xác định cho các nguyên tắc đạo đức cơ bản, tôi nghĩ câu hỏi của tôi là vậy?

Mortimer Adler: Đúng vậy, Lloyd, thực tế và thực chất không có gì là đúng hay sai trong các quy tắc giao thông cả. Hơn nữa, chắc chắn đã có và hiện tại vẫn có những xã hội nguyên thủy mà ở đó không có bất kỳ quy định giao thông nào cả. Điều đó rất nên ghi nhớ bởi vì mặc dù vẫn có những xã hội nguyên thủy ở đó không có quy tắc giao thông gì cả, nhưng có lẽ không có, và chưa bao giờ có, xã hội nào trên thế giới ngày nay, dù nguyên thủy hay văn minh, mà lại không có quy định nào đó về việc giết người, quy định nào đó về việc trộm cắp.

Như vậy, ông thấy các quy tắc giao thông là một loại khác hẳn. Chúng không nhất thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngẫu nhiên như một xã hội phức tạp có giao thông ô tô và đô thị rộng lớn, quy định giao thông trong những trường hợp này được dựa vào lý trí và có mối liên hệ nào đó với lợi ích chung. Bởi vì chắc chắn rằng quy tắc đầu tiên của luật tự nhiên yêu cầu chúng ta làm bất cứ điều gì cần phải làm vì an toàn và an ninh và phúc lợi và bình yên của cộng đồng. Và trong một xã hội như của chúng ta đây, quy định giao thông là không thể thiếu đối với sự an toàn và an ninh của cả cộng đồng. Do đó tôi có thể trả lời, Lloyd ạ, bằng cách nói rằng mặc dù việc pháp luật yêu cầu dòng giao thông phải theo lề bên phải hoặc bên trái thì chẳng có ảnh hưởng gì, điều đó là trung tính, nhưng dòng giao thông phải được điều tiết theo cách này hay cách khác và giao thông cần được tổ chức và điều tiết theo một số cách thức xác định rõ ràng thì lại vô cùng quan trọng đối vớt tất cả chúng ta.

Nguồn gốc của thẩm quyền pháp định

Lloyd Luckman: Tôi nhất trí điều đó.

Mortimer Adler: Cuối cùng, tôi muốn chuyển sang một vấn đề còn sót lại mà chúng ta có thời gian để thảo luận quanh việc tạo ra luật. Nó liên quan đến nguồn gốc của quyền lực hoặc thẩm quyền lập pháp. Bất cứ ai, như tôi đã chỉ ra trước đây, cũng có thể kết luận rằng giết người là sai hoặc ăn cắp là sai dựa theo suy luận của chính mình từ nguyên tắc đầu tiên của luật tự nhiên. Nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra những xác định về tính chất của hành vi cướp bóc và trộm cắp hoặc việc các quy tắc giao thông thì phải như thế nào. Vậy thẩm quyền và quyền hạn để đưa ra các quy định như vậy, những quy tắc xác định như vậy của pháp luật, từ đâu mà ra? Câu trả lời là nó đến từ toàn thể dân chúng hoặc từ những đại biểu hoặc đại diện của dân chúng.

Bây giờ có hai loại luật do toàn dân làm ra. Loại đầu tiên là tập quán, những phong tục lâu đời của dân chúng vốn có sức mạnh của pháp luật và thậm chí đôi khi có thể bãi bỏ luật hoặc mang lại những thay đổi trong luật. Và loại luật thứ hai do toàn dân làm ra là cái mà chúng ta gọi là luật hiến pháp, luật chính của xứ sở mà trên thực tế đã thiết lập, tạo ra, và hạn chế quyền lập pháp và thực thi luật pháp.

Tất cả các bạn, tôi chắc chắn, đều nhớ hai giai đoạn tuyệt vời trong lịch sử Anh và Mỹ. Giới quý tộc Anh, những vị quý tộc cao nhất của nước Anh, ép được Vua John ban hành một hiến chương về những quyền cơ bản của họ liên quan đến việc xét xử và trừng phạt và cách thức soạn thảo luật lệ. Đó là Đại hiến chương [Magna Carta], được ban hành vào năm 1215. Nhiều thế kỷ sau ở Philadelphia, các đại biểu tập hợp tại Hội nghị Lập hiến của chúng ta đã soạn thảo Hiến pháp Mỹ năm 1787, sau đó được giao cho nhân dân phê chuẩn. Bạn có thể thấy luật như thế là do toàn dân làm ra. Họ phải phê chuẩn các luật này. Họ là cử tri. Và những luật lệ chủ yếu như vậy làm nền tảng cho quyền làm ra luật của các nhà lập pháp, quyền áp dụng luật của thẩm phán, và quyền thực thi luật của viên chức hành pháp.

Theo cách hiểu này về cách thức làm ra luật, một đạo luật chỉ là một luật trên danh nghĩa, nếu nó không đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, nó chỉ là một luật trên danh nghĩa nếu nó không bắt nguồn từ luật tự nhiên theo một trong hai cách, hoặc như luật về tội sát nhân hoặc trộm cắp bắt nguồn từ luật tự nhiên, hoặc như các quy định giao thông. Và thứ hai, nó chỉ là luật trên danh nghĩa nếu nó không được soạn thảo ra theo đúng cách hoặc bởi toàn dân hoặc bởi các đại diện của dân, có thẩm quyền được cấu thành một cách thích hợp.

Điểm quan trọng nhất tôi có thể nêu ra là, điều kiện thứ hai tự nó không đảm bảo sự công bằng của luật, vì ý chí của khối đa số vẫn thường có thể sai lạc như ý chí của một kẻ chuyên chế hay bạo chúa. Do đó chúng ta phải đối mặt với câu hỏi mà chúng ta sẽ xem xét vào tuần tới, Vị thế cuối cùng của công bằng trong luật pháp là gì? Điều gì sẽ xác định lúc nào thì luật không chỉ được soạn thảo đúng cách mà còn công bằng trong nội dung? Và tôi hy vọng chúng ta có thể dành trọn buổi thảo luận cuối cùng của chúng ta về luật pháp vào tuần tới cho vấn đề này. Chúng ta không những sẽ xem xét những câu hỏi chính về tính công bằng của luật, mà còn tìm hiểu mối quan hệ của công lý và công bằng và cách thức cải thiện luật pháp, cách từng bước tạo ra một sự hoàn thiện cho luật pháp theo hướng ngày càng công bằng hơn.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt