CÁC LOẠI LUẬT
MORTIMER J. ADLER (1902-2001) PHẠM VIÊM PHƯƠNG dịch
Mortimer J. Adler. Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 364-373. | Phiên bản bài viết này đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Phạm Viêm Phương.
Chiều nay chúng ta tiếp tục suy nghĩ về luật như một Ý niệm lớn. Tôi muốn nhắc bạn về những gì chúng ta đã học được tuần trước liên quan đến các yếu tố trong quan niệm hàng ngày của chúng ta về luật. Chúng ta thấy rằng luật bao gồm các quy tắc ứng xử mà con người có thể tuân theo hoặc không tuân theo. Chúng ta thường hiểu rằng luật được soạn ra bởi những người phụ trách điều hành cộng đồng, rằng theo nghĩa nào đó chính quyền là nguồn gốc của luật. Và khi hiểu khái quát về luật chúng ta có thể nghĩ về luật là tốt hoặc xấu, công bằng hoặc bất công. Và chúng ta thậm chí còn xem xét khả năng rằng đôi khi ta có cách biện minh nào đó cho việc không tuân thủ luật. Hình ảnh quen thuộc của luật pháp mà tất cả chúng ta thường có trong tâm trí là một cái gì đó kiểu như luật của San Francisco hoặc luật của California hoặc luật của New York hoặc của nước Mỹ hoặc Anh. Và khi hình dung về luật chúng ta đi đến hai suy xét khác. Chúng ta cho rằng luật thay đổi theo thời gian. Chúng ta nghĩ rằng luật ở mỗi xứ, mỗi nơi trên thế giới lại mỗi khác nhau. Bây giờ tôi muốn trình bày cho các bạn những điểm chính trong cuộc thảo luận hôm nay bằng cách đặt ra ba hoặc bốn câu hỏi. Đầu tiên, có các loại luật khác nhau không? Và khi nói tới các loại luật khác nhau, tôi không hàm ý về sự khác biệt trong nội dung, ví dụ, như luật giao thông khác với luật kiểm soát bán rượu hoặc luật dân sự khác với luật hình sự; tôi muốn nói tới khác biệt cơ bản trong cách thức soạn ra những luật đó hoặc cách thức chúng chi phối hành vi của con người. Câu hỏi thứ hai của tôi là, nếu có nhiều loại luật khác nhau, các loại luật khác nhau ấy giống nhau thế nào ở khía cạnh chúng cùng là luật và chúng khác nhau ra sao? Và loại luật nào là loại luật quen thuộc, chẳng hạn như luật California? Cuối cùng, những loại luật khác nhau này có liên quan gì với nhau không? Chúng có bao giờ mâu thuẫn với nhau không? Bây giờ, Lloyd, tôi chợt thấy rằng để làm cho những vấn đề tôi vừa nêu ra được cụ thể hơn, rõ ràng hơn một chút, ông làm ơn đọc một số câu hỏi mà chúng ta đã nhận được về các loại luật. Theo tôi nhớ, Lloyd à, những từ hoặc cụm từ được sử dụng chính là thứ cho thấy các khán giả của chúng ta đã nghĩ đến các loại luật khác nhau. Tại sao ông không đọc lại hết những câu hỏi ấy để tôi ghi chú lại, rồi tôi có thể trả lời tất cả ngay lập tức? Lloyd Luckman: Ông nói rất đúng, Tiến sĩ Adler, và tôi đã xếp sẵn mấy câu hỏi đó ở đây bởi vì chúng khiến ta nhận ra rằng ta có nhiều loại luật. Đó là những câu hỏi thẳng thắn, ngắn và gọn, đi thẳng vào vấn đề. Mortimer Adler: Tốt quá. Lloyd Luckman: Câu hỏi đầu tiên là của bà M.F. Pritchard ở San Francisco và bà ấy hỏi, “Luật bất thành văn có ý nghĩa gì? Luật bất thành văn có phải là luật theo cùng nghĩa với các luật thành văn của California không?” Và câu hỏi tiếp theo là của ông Peter Raven ở San Francisco, và ông ấy nhắc lại rằng hồi tuần trước ông có nói rằng luật được soạn thảo bởi chính phủ hoặc một cơ quan công quyền và do đó được thực thi bởi cùng cơ quan đó. Và ông ấy hỏi ông, “Vậy thì ai sẽ làm luật quốc tế và ai thi hành nó?” Và câu hỏi thứ ba là của ông Samuel Ziglar ở West Lake. Câu này hơi dài và trước hết nó xác định rằng, “Bản Tuyên ngôn Độc lập nói về luật của tự nhiên và luật của Thượng đế của thiên nhiên. Phải chăng điều này có nghĩa là,” ông Ziglar nói, “luật của tự nhiên và luật thần thánh là giống nhau? Tôi cũng muốn biết có phải các luật tự nhiên mà nhà khoa học phát hiện được, ví dụ, các định luật chuyển động của Newton, chính là hàm ý của các luật sư khi họ nói về luật tự nhiên hay không?” Mortimer Adler: Đấy là những câu hỏi rất hay, Lloyd ạ. Để xem tôi có thể trả lời một cách ngắn gọn nhất không, để phần thảo luận của chúng ta sẽ trả lời đầy đủ hơn. Lloyd Luckman: Đúng thế. Mortimer Adler: Thưa bà Pritchard, luật bất thành văn thì không giống với luật của California. Hầu hết mọi người, khi nói tới luật bất thành văn, đều muốn nói tới luật tự nhiên, mặc dù đôi khi họ hiểu luật bất thành văn là phong tục nhưng có hiệu lực pháp luật; và lúc đó thì luật bất thành văn rất giống luật của California. Luật quốc tế, thưa ông Raven, được chia thành hai phần: tổng quát và đặc biệt. Khi nói tới luật quốc tế đặc biệt chúng ta muốn nói tới các hiệp định, thỏa thuận, hoặc hiệp ước giữa các quốc gia có chủ quyền. Và khi những luật này bị vi phạm, chúng thường được thực thi bằng chiến tranh và chỉ chiến tranh thôi. Ngược lại, hàm nghĩa của luật quốc tế tổng quát bao gồm các nguyên tắc và quy ước chung của luật tự nhiên. Không có cơ quan công quyền nào soạn ra các luật này và cũng không có tổ chức nào thực thi chúng. Và cũng tương tự, khi chúng bị vi phạm, chiến tranh là phương thuốc duy nhất.
Luật của con người và luật thần thánh Cuối cùng, thưa ông Ziglar, luật của tự nhiên không giống hệt với luật thần thánh theo mọi nghĩa. Trong một nghĩa nào đó thì chúng giống nhau, theo nghĩa khác thì chúng lại khác. Chúng ta sẽ thấy điều này ngay, cái ý nghĩa mà theo đó luật thần thánh không phải lúc nào cũng giống với luật tự nhiên, loại luật được nhắc đến trong Tuyên ngôn khi những Tổ phụ lập quốc nói đến luật của Thượng đế của thiên nhiên. Hơn nữa, hàm ý của các luật sư khi nhắc tới luật tự nhiên, thưa ông Ziglar, thì khác với hàm ý của nhà khoa học khi họ nói tới quy luật tự nhiên. Ví dụ, khi luật sư nói tới luật tự nhiên, ông ta không có ý bàn tới các định luật chuyển động của Newton. Bây giờ tôi hy vọng rằng ba điểm mà tôi vừa trình bày ngắn gọn để trả lời cho câu hỏi của các bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiếp tục thảo luận về các loại luật. Và tôi muốn trình bày hai cách phân biệt các loại luật khác nhau. Cách đầu tiên là xét theo nguồn gốc của luật và đối tượng của luật. Ai làm ra luật và ai tuân thủ nó? Ai phải chấp nhận các quy tắc của nó? Ở đây sự phân biệt chính yếu, cơ bản là giữa Thượng đế với con người và nó được coi là nguồn gốc của luật. Môsê tiếp nhận luật, luật thần thánh, Mười điều răn, trên núi Sinai là biểu tượng của luật được thần thánh mặc khải. Thượng viện Mỹ, một cơ quan lập pháp, tiêu biểu cho luật nhân tạo, hoàn toàn khác với luật thần thánh. Một bộ phận luật, luật thần thánh, do Thượng đế vạch ra. Bộ phận luật kia, luật con người, do con người soạn thảo. Nhưng tôi vừa nói lúc nãy rằng luật, các loại luật, có thể được phân biệt theo nguồn gốc của chúng hoặc theo đối tượng của chúng, những người tuân theo chúng. Trước tiên, ta hãy xét luật thần thánh; và ở đó tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rằng có sự phân biệt ba mặt trong các đối tượng của luật thần thánh. Luật thần thánh, hoặc ít nhất là một phần của nó, là thứ được mặc khải một cách thiêng liêng cho con người. Con người là đối tượng duy nhất của luật này, chỉ có con người mới tiếp nhận được một luật như Mười điều răn từ Chúa Trời. Phần thứ hai của luật thần thánh, như các nhà thần học cho chúng ta biết, là phần tồn tại trong chính bản chất của sự vật. Khi Chúa Trời tạo ra mọi sự, Ngài đã tạo ra chính những luật về bản chất của chúng. Và đây là ý nghĩa mà theo đó chúng ta nói về luật của Thượng đế của thiên nhiên và những luật này, luật trong mọi thứ khác ngoài con người, khác với con người, vốn có trong chúng qua chính việc sáng tạo ra chúng, là những luật mà nhà khoa học phát hiện ra khi khám phá các định luật về tính chất của chúng hoặc quy luật hoạt động của chúng. Và ta còn có phần thứ ba của luật thần thánh, phần đó đặc biệt hiện diện trong con người trong sự ra đời của họ bởi vì Thượng đế tạo ra con người, nhà thần học nói với chúng ta, như một sinh vật có ý chí tự do và độ nhạy cảm đạo đức. Đây là luật đạo đức của bản chất con người. Nó thường được gọi là luật đạo đức tự nhiên và nó khác với quy luật của những vật chất vô tri hoặc luật của những vật thể sống khác. Như tôi nói đây là ba phần của luật thần thánh và trong ba phần này, hai phần giống nhau và một phần khác với hai phần kia, bởi vì các định luật chi phối những vật thể vô tri giác thì chúng không thể không tuân theo; trong khi con người có thể không tuân theo loại luật thần thánh vốn được mặc khải cho họ và loại luật thần thánh vốn có sẵn trong bản chất của họ. Bây giờ chúng ta hãy xem qua luật con người, luật do con người tạo ra, và hỏi ai là người chịu sự điều chỉnh của chúng. Ở đây chúng ta lại có thể nghĩ về sự phân chia ba mặt. Tính chất song song rõ nhất với sự phân chia ba mặt của luật thần thánh là ở chỗ con người phải chịu tác động của luật con người. Con người đặt ra luật cho con người y như Thượng đế đặt ra luật cho con người vậy. Con người có đặt ra luật cho bất cứ thứ gì khác trong vũ trụ ngoài con người không? Khi nghĩ về điều này, các bạn nghĩ đến hai thứ khác. Bạn nghĩ đến động vật được thuần hóa. Theo một nghĩa nào đó, chẳng phải con người áp đặt luật lệ, quy tắc của họ cho động vật thuần hóa vốn được sử dụng cho lao động hoặc cho giải trí, bằng cách huấn luyện động vật, bằng cách truyền các quy tắc của con người vào chúng dưới dạng những thói quen và trừng phạt chúng khi chúng không tuân lệnh hay sao? Theo nghĩa này, con người có một cách điều khiển động vật theo luật. Và khi con người tạo ra các thứ, phát minh ra những thứ như máy móc, chẳng phải họ đã cài đặt vào những vật thể này các quy tắc kỹ thuật của con người, sao cho máy móc tuân thủ mà không vi phạm, không cưỡng lại các quy tắc kỹ thuật mà con người đã cấy sẵn trong chính cấu trúc của các vật thể ấy sao? Đầu tiên chúng ta phân biệt luật theo nguồn gốc của nó, Thượng đế và con người là các chủ thể đặt ra luật. Và chúng ta nói về luật thần thánh và luật con người. Rồi sau đó mổ xẻ luật thần thánh, nhưng khi xét xem ai là đối tượng của luật đó, chúng ta thấy một cách phân chia ba mặt. Con người phải chịu tác động của luật thần thánh khi tiếp nhận luật do Thượng đế mặc khải. Con người cũng chịu tác động của luật thần thánh khi ngay trong bản chất họ đã có sẵn những quy tắc đạo đức rồi. Và con người cũng như tất cả mọi sinh vật trần gian khác đều phải tuân theo luật thần thánh khi có những bản chất được tạo dựng mà trong đó có luật hiện diện. Bây giờ chúng ta hãy xét luật con người và tìm hiểu xem ai chịu tác động của luật con người. Ta lại thấy con người phải chịu tác động của luật con người do tiếp nhận luật đó khi nó được một cơ quan lập pháp hoặc chính phủ ban hành. Và động vật thuần hóa chịu tác động của luật con người do các quy tắc của con người huấn luyện cho chúng. Và điểm thứ ba, những cỗ máy mà con người xây dựng cũng chịu tác động của luật con người do có các quy tắc kỹ thuật của con người được cài đặt sẵn trong chúng. Bây giờ hãy quay sang sự phân biệt thứ hai. Và lần này chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến những luật tác động đến con người, chứ không phải luật con người theo ý nghĩa nguồn gốc của chúng là gì, mà là luật con người theo nghĩa rằng con người phải chịu tác động của chúng ở mọi nơi. Và những luật đều nằm trong cùng loại theo nghĩa này vì chúng ta sẽ hỏi, Liệu có nhiều loại luật khác nhau của con người không? Trong tất cả các luật tác động đến con người chúng ta có thể phân biệt chi tiết hơn không? Ta hãy quay lại với câu hỏi của bà Pritchard đi Lloyd. Tôi thấy dường như sự khác biệt thông thường đối với luật con người theo chỗ chúng là luật thành văn hoặc bất thành văn thì không thỏa đáng vì luật bất thành văn, như tôi đã nói với bà Pritchard lúc nãy, luật bất thành văn đại diện cho một số điều. Đôi khi nó có nghĩa là luật tập tục của miền đất đó, những thứ có sức mạnh của luật vì chúng là những phong tục được thiết lập lâu đời; chúng không được viết ra. Trong thời kỳ khác, theo một nghĩa khác về luật do thẩm phán tạo ra trong truyền thống luật Anh-Mỹ, thông luật, tương phản với luật thành văn, thì được gọi là luật bất thành văn. Và còn có ý nghĩa thứ ba của luật bất thành văn, trong đó luật bất thành văn có nghĩa là luật cao hơn, không phải do con người hay cộng đồng con người tạo ra, cũng không phải do các thẩm phán hay dựa vào phong tục theo bất kỳ nghĩa nào.
Luật thực định và luật tự nhiên Một sự phân biệt sâu hơn cho mọi luật con người là điều tôi sẽ nói cho bạn nghe theo những khía cạnh sau: Sự phân biệt chủ yếu là, các luật chi phối con người là do con người tạo ra hay do con người khám phá ra? Tôi sẽ đưa ra ba nhận xét sơ bộ trước khi khai triển cách phân biệt này. Thứ nhất, liệu các luật mà chúng ta đang nói đến là được soạn thảo hay phát hiện ra, hay chúng là những quy tắc ứng xử mà mọi người có thể tuân theo hoặc không tuân theo. Điểm thứ hai, mặc dù tôi có thể nói một số luật là thuộc loại được phát hiện, chứ không phải được soạn ra, tôi cũng không bỏ công thắc mắc xem chúng có phải là do Thiên Chúa tạo ra hay không. Người ta có thể bảo rằng những luật này được phát hiện mà không cần nhắc đến người tạo ra chúng. Có lẽ chúng không được tạo ra gì cả. Có lẽ chúng đơn giản tồn tại trong chính bản chất của sự vật, vì vậy lúc này chúng ta không đi vào khía cạnh thần học trong cuộc thảo luận của chúng ta. Và ở điểm thứ ba, tôi phải đối mặt với vấn đề chúng được khám phá ra sao. Có phải những luật vốn là quy tắc ứng xử thì được phát hiện ra theo cùng một cách mà Newton, nhà khoa học vĩ đại, phát hiện ra các định luật chuyển động không? Và ở đó chúng ta sẽ thấy rằng một phần câu trả lời là có và một phần câu trả lời là không. Bây giờ tôi muốn cung cấp cho bạn hai cái tên vốn chuyển tải sự phân biệt giữa loại luật được con người phát hiện và loại luật do con người tạo ra. Tôi muốn sử dụng hai cụm từ “tự nhiên” và “thực định”. Tôi muốn gọi những định luật mà con người khám phá là “luật tự nhiên” và luật pháp do con người tạo ra là “luật thực định”. Và cụm từ “thực định” chỉ có nghĩa là con người định ra những luật đó. Họ không chỉ nghĩ ra chúng; họ phải xác lập hoặc định ra chúng với thẩm quyền nào đó. Và ví dụ tốt nhất cho hàm ý của ta khi nói tới luật thực định là loại luật của California hoặc các quy định của San Francisco. Và việc những luật này là thành văn, do thẩm phán đặt ra, hay dựa theo phong tục, đều không quan trọng. Ngược lại, khi bàn đến luật tự nhiên, người ta phải rất cẩn thận để không hiểu nhầm sang quy luật tự nhiên. Nói tới luật tự nhiên, tôi không có ý chỉ quy luật tự nhiên của nhà khoa học. Đối với nhà khoa học, các quy luật tự nhiên, các định luật chuyển động như của Newton, không phải là loại luật mà bất cứ ai cũng có thể không tuân theo. Tôi đang nói về luật tự nhiên theo nghĩa của luật sư. Và nghĩa của luật sư về luật tự nhiên, các luật tự nhiên mà con người khám phá được, là muốn nói đến các luật mà ta có thể không tuân theo, các luật có thể vi phạm. Bởi vì chúng là quy tắc ứng xử và có thể bị người ta không tuân theo, chúng ta thường nói về luật tự nhiên này như loại luật đạo đức tự nhiên để chúng ta không nhầm lẫn ý nghĩa này của luật tự nhiên với quy luật tự nhiên mà các nhà khoa học nhắc tới khi họ khám phá ra các nguyên tắc lớn kiểm soát hành động hoặc hành vi tự nhiên. Lloyd Luckman: Tiến sĩ Adler này? Mortimer Adler: Gì vậy Lloyd? Lloyd Luckman: Việc ông nói tới “luật đạo đức tự nhiên” khiến tôi nghĩ ngay tới một câu hỏi mà mình nhận được. Đó là câu hỏi của bà Lucille McGovern ở nam San Francisco. Đơn giản lắm, bà ấy hỏi, ông giải thích giùm mối quan hệ giữa luật và đạo đức được không? Mortimer Adler: Đó là một câu hỏi đơn giản và rất hay. Tôi không trả lời ngay được, thưa bà McGovern, ngoại trừ việc nói rằng chỉ khi nào chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa luật đạo đức tự nhiên và luật thực định thì ta mới trả lời được về mối quan hệ này. Bởi vì tôi nghĩ rằng qua câu hỏi này bà muốn đặt vấn đề là, Có nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn nào để xác định luật là tốt hay xấu, công bằng hoặc bất công không? Và tôi nghĩ bà sẽ nhận ra trước khi chúng ta kết thúc chiều nay rằng câu trả lời về mối quan hệ giữa luật thực định, tức các luật chúng ta soạn ra ở các bang, các cơ quan công quyền hoặc cơ quan lập pháp, với luật đạo đức tự nhiên. Nên lát nữa tôi sẽ trả lời câu này, thậm chí còn rõ ràng hơn trong cuộc thảo luận vào tuần tới. Bây giờ, nếu được, cho phép tôi quay trở lại với luật đạo đức tự nhiên vốn là một trong hai nhánh chính của các quy tắc hoặc luật mà con người phải chịu chi phối và đặt ra câu hỏi thực sự khó trả lời. Chúng ta khám phá ra luật đạo đức tự nhiên như thế nào? Làm thế nào để chúng ta khám phá ra những cái “tất phải” vốn kiểm soát hành vi của chúng ta và ít nhiều đã bắt rễ ngay trong bản chất của chúng ta? Hồi nãy tôi có nói rằng chúng ta không phát hiện ra những cái “tất phải”, tức những quy tắc ứng xử cơ bản này, theo cách thức Newton phát hiện ra các định luật chuyển động. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng lý trí của mình, chúng ta quan sát theo một nghĩa để làm điều đó, nhưng chúng ta quan sát chính mình. Chính nhờ sự tự vấn của lý trí về chính nó hoặc tự vấn về tiến trình tự vấn của chúng ta mà chúng ta khám phá ra những cái “tất phải”. Mọi người đều hiểu điều này; bạn nhìn vào bên trong bản thân mình, bạn làm cho lương tâm của chính bạn hoạt động, bạn kích hoạt ý thức của mình về đúng và sai. Và bạn nghĩ ra điều gì khi bạn khảo sát bản thân theo cách này, khi bạn làm cho lương tâm của bạn hoạt động hoặc cảm được nhận thức về đúng và sai? Bạn đi tới các quy tắc chung xem như quy tắc vàng: Làm cho những người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Hoặc những điều đôi khi được mô tả như nguyên tắc đầu tiên của tất cả các định luật đạo đức tự nhiên, cụ thể là: Làm điều tốt, không hại ai, và đem lại cho mỗi người những cái thuộc về họ, những cái họ đáng hưởng. Và nếu bạn đặt hai quy tắc này trước mặt, bạn sẽ sớm, đơn giản bằng cách suy nghĩ, có thể khám phá một loạt các quy tắc ứng xử cơ bản khác. Việc bảo người ta đừng ăn cắp có nghĩa là gì, nếu không phải nói rằng ăn cắp nghĩa là bạn đang lấy những gì không phải của mình? Bảo rằng bạn đừng giết người có nghĩa là gì, nếu không phải nói rằng giết người là làm hại ai đó? Và quy tắc là: Ngươi chớ hại người. Vì vậy, người ta chỉ đơn giản nhìn vào trong bản thân mình và tìm thấy trong ý thức của mình về cái đúng và cái sai và trong lương tâm của mình các quy tắc cơ bản mà bằng cách nào đó đã được cấy sẵn trong tâm hồn hoặc bản chất của mỗi người. Nếu so sánh luật thực định, như luật của California, với luật đạo đức tự nhiên, chúng ta sẽ thấy một số điều. Luật thực định được xây dựng bởi lý trí và được thiết lập bởi ý chí của nhà lập pháp. Nó được soạn thảo và ban hành bởi một cơ quan thẩm quyền được hình thành đúng cách, chẳng hạn như cơ quan lập pháp hoặc cơ quan công quyền. Nó chỉ có thể học được bằng trí nhớ. Không có cách nào khác để hiểu luật pháp là gì ngoại trừ bằng cách ghi nhớ nó, khắc ghi nó vào trí nhớ. Và nó ràng buộc bằng lực cưỡng chế, bằng đe dọa trừng phạt; cũng như việc ràng buộc con người qua lương tâm, nó ràng buộc một số người chỉ bằng lực cưỡng chế và không hề qua lương tâm. Nếu chúng ta chuyển sang luật đạo đức tự nhiên và so sánh nó ở bốn điểm này, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy rằng luật đạo đức tự nhiên được phát hiện bởi lý trí, không có yếu tố ý chí nào trong nó cả. Và bằng tự vấn, nó có thể được phát hiện và giảng dạy được bởi bất kỳ người nào, không phải bởi một cơ quan được thành lập đúng cách. Bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu nó bằng cách tra vấn hợp lý, và nó chỉ ràng buộc qua lương tâm chứ không phải bằng lực cưỡng chế.
Luật thực định có thể xung đột với luật cao hơn Phần lớn nội dung của luật thực định là trung lập về mặt đạo đức, ở đây ý tôi muốn nói rằng có nhiều quy tắc của luật thực định như điều lệ giao thông, như quy tắc cấp phép bán rượu, như nhiều quy tắc về hợp đồng hoặc tài sản, chúng đều không tốt cũng không xấu, nhưng chỉ đơn thuần là những luật vì sự thuận tiện, nêu rõ các việc phải được làm như thế nào và bản thân chúng không đúng hay sai. Và các quy tắc của luật thực định có thể là những quy tắc tốt hay xấu, công bằng hoặc bất công, tiện lợi hoặc không tiện lợi. Và chúng chắc chắn có thể được thay đổi và cải thiện và đó là lý do tại sao thỉnh thoảng và ở chỗ này chỗ nọ chúng lại thường thay đổi như vậy. Ngược lại, trong trường hợp của luật đạo đức tự nhiên không thể có bất kỳ phần nào trong nội dung của nó mà lại trung lập về mặt đạo đức. Bởi vì nếu được phát biểu chân thực, mọi quy tắc đạo đức đều là đúng hoặc công bằng. Không một phần nào của luật đạo đức tự nhiên là thuần túy tiện lợi. Và mặc dù kiến thức và sự hiểu biết về luật đạo đức, luật đạo đức tự nhiên, có thể được cải thiện trong chính nó ngoài tầm biết và hiểu của chúng ta, nó vẫn là phổ quát và bất biến; nó không thay đổi theo thời gian hay nơi chốn bởi vì nó nằm ngay trong bản chất con người. Và ở bất cứ nơi nào con người vẫn như thế thì luật đạo đức tự nhiên vẫn như vậy. Lloyd này, tôi nhớ từ đầu tôi đã đặt bốn câu hỏi. Ông thấy tôi đã trả lời hết chưa, dù chỉ ngắn gọn? Lloyd Luckman: À, tôi có thể nói rằng ông đã trả lời xong, ít nhất là cho ba câu, ông đã trả lời theo cách nào đó, nhưng tôi nghĩ ông vẫn phải trả lời tiếp cho một trong bốn câu đó. Để tôi tóm tắt lại. Ví dụ, ông đã cho chúng tôi thấy rằng có nhiều loại luật khác nhau, như luật thần thánh và luật con người và trong luật con người, ta có luật thực định và luật tự nhiên. Bây giờ sự phân biệt đó thì rõ ràng và tôi nghĩ chúng ta cũng hiểu được thực tế rằng luật con người là loại luật, vốn như luật thực định được soạn thảo và ban hành rồi thi hành, chẳng hạn như bang California có thể thực thi luật. Mortimer Adler: Phải. Lloyd Luckman: Rồi ông cũng trình bày rất rõ rằng một điểm chung của luật là ở chỗ, có một quy tắc ứng xử mà tất cả mọi người buộc phải tuân thủ. Mortimer Adler: Tôi đã cố gắng cho thấy các loại luật này khác nhau như thế nào xét theo nguồn gốc của chúng hoặc đối tượng điều chỉnh của chúng. Nhưng câu hỏi mà tôi chưa trả lời là gì vậy Lloyd? Lloyd Luckman: À, ghi chú của tôi cho thấy ông chưa trình bày các luật này liên quan với nhau như thế nào, nhất là các loại luật khác nhau này và việc chúng có tiếp xúc với nhau hay không. Mortimer Adler: Ồ, vâng. Để xem tôi dành được vài phút cuối giờ để bàn về điểm này không. Chúng thực sự đi tới xung đột. Trong thực tế, các trường hợp kinh điển là những trường hợp trong đó con người không tuân theo luật bởi vì luật của nhà nước mâu thuẫn với luật cao hơn. Trong thế giới cổ đại đã có một bi kịch, Bi kịch Antigóne. Hãy để tôi đọc cho bạn nghe một đoạn thoại trong bi kịch đó. Antigóne đã không tuân theo luật của nhà vua, Creon. Cô đã chôn anh trai mình vốn là kẻ phản quốc. Và Creon, nhà vua, đã ban hành một sắc lệnh rằng những kẻ phản quốc sẽ không được chôn cất. Và cô ấy nói, “Không làm như vậy, không chôn cất anh trai tôi thì sẽ vi phạm các luật bất thành văn của thượng giới vốn không của hôm nay hay hôm qua mà từ mọi thời đại.” Mọi vị tử đạo tôn giáo vĩ đại của lịch sử, mọi nhà cải cách chính trị vĩ đại, những người như Thoreau ở Mỹ hay Gandhi ở Ấn Độ, hay những người không tuân thủ luật của nhà nước vì họ tuân theo luật cao hơn, họ viện dẫn một luật cao hơn, luật lương tâm của họ hoặc luật của Thượng đế. Điều này đặt ra vấn đề về luật tốt và luật xấu, luật công bằng và bất công. Hãy nghe phát biểu mà tôi sắp nêu ra đây. Nếu luật nhân tạo là xấu vì chúng vi phạm luật cao hơn, luật của Thượng đế hoặc luật tự nhiên, vậy ta không suy ra được rằng luật nhân tạo là tốt khi chúng hài hòa, dựa trên, ít nhiều xuất phát từ luật cao hơn, luật của Thượng đế hay luật tự nhiên hay sao? Phát biểu tôi vừa nêu ra có giải quyết được vấn đề không? Nó giải quyết vấn đề luật tốt và luật xấu, luật công bằng và bất công đối với những người chấp nhận sự tồn tại của một luật cao hơn và nghĩ rằng luật thực định của nhà nước nên ít nhiều có liên quan với nó và bắt nguồn từ nó. Nhưng với những người phủ nhận một luật cao hơn, đối với những người cho rằng không có luật thần thánh hoặc không có luật đạo đức tự nhiên thì nó chưa giải quyết được vấn đề. Và đối với họ vẫn còn đó vấn đề của những gì khiến cho một luật trở thành tốt và xấu, những gì làm cho một luật công bằng hoặc bất công. Bây giờ đây là vấn đề trọng tâm trong triết học về luật, vấn đề về luật tự nhiên, luật đạo đức tự nhiên tương phản với luật thực định của nhà nước. Và tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể xử lý vấn đề trọng tâm này trong hai tuần tới khi chúng ta lần lượt xem xét việc tạo ra luật và tính công bằng của luật.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC