SUY NGHĨ VỀ LUẬT
MORTIMER J. ADLER (1902-2001) PHẠM VIÊM PHƯƠNG dịch
Mortimer J. Adler. Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 354-363. | Phiên bản bài viết này đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Phạm Viêm Phương.
Hôm nay chúng ta bắt đầu thảo luận về những lực. Nhằm tránh mọi hiểu lầm, để tôi nói ngay rằng vừa đây chắc bạn nghĩ bạn đã nghe tôi nói “lực,” nhưng thực ra tôi nói là luật. Đề tài cho buổi thảo luận hôm nay là luật, không phải lực.[1] Tôi sinh ra tại Manhattan, nơi không may rất gần với Brooklyn. Khi lần đầu tiên đến Trường Đại học Chicago và bắt đầu giảng dạy triết lý về luật, tôi đã nhận thấy ánh nhìn bối rối trên gương mặt của những sinh viên của mình trong vài tháng đầu. Nhiều em trong số ấy nghĩ rằng họ ngồi nhầm lớp. Họ dần hiểu ra rằng nó đơn giản chỉ là một lỗi phát âm của tôi, rằng tôi thật sự dạy triết lý về luật, không phải triết lý về lực. Để tôi bắt đầu cuộc thảo luận về luật bằng cách nhanh chóng kéo sự chú ý của bạn hướng đến những dữ kiện hiển nhiên về ý nghĩa và tầm quan trọng của luật trong suy nghĩ và trong cuộc sống thực tế của chúng ta. Trong suy nghĩ của chúng ta, ý niệm về luật gắn kết chặt chẽ với những khái niệm cơ bản khác, với những khái niệm như công bằng và tự do, chính phủ và hòa bình. Lấy ví dụ, trên mặt tiền trụ sở Tòa án tối cao có một cụm từ mà ai ai cũng biết rõ: “Công bằng đồng đều theo luật”. Về tự do, chúng ta đều biết rằng sự đối lập cơ bản là giữa “tự do thoát khỏi luật” với “phát triển của tự do trong khuôn khổ luật”. Như bạn có thể nhớ trong cuộc thảo luận của chúng ta về chính quyền, ba chức năng lớn của chính quyền đều liên quan đến luật: (1) tạo ra luật, (2) áp dụng luật cho các trường hợp cụ thể, (3) và thi hành luật. Có lẽ một mối liên quan không thể làm rõ ngay ở đây được là mối liên quan giữa luật và hòa bình. Để tôi làm rõ mối liên quan này bằng cách đọc cho các bạn hai phát biểu về luật, một của triết gia chính trị Ý vĩ đại Niccolò Machiavelli, câu còn lại là của triết gia chính trị Anh John Locke. Machiavelli nói, “Có hai cách để tranh luận: một bằng luật, một bằng vũ lực. Phương pháp thứ nhất phù hợp cho con người, cách thứ hai cho loài vật.” Và hơn một thế kỷ sau, John Locke, nhắc lại mệnh đề đầu tiên, đã nói, “Có hai kiểu tranh luận giữa con người với nhau: một do luật kiểm soát, một do vũ lực.” Và để bình luận cho điều này ông ấy nói “Khi chúng ta kiểm soát những tranh luận hay khác biệt bằng luật, đây là điều mà chúng ta gọi là ‘hòa bình’ ngự trị. Nhưng khi chúng ta kiểm soát những khác biệt hay những tranh luận của chúng ta bằng vũ lực, khi đó chúng ta có chiến tranh.” Và ông ấy nói tiếp: “Nơi kết thúc của một người dàn xếp vấn đề bằng luật, cũng luôn là nơi khởi đầu của người giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Sự ngự trị của luật là sự ngự trị của hòa bình; sự vắng bóng luật nghĩa là chiến tranh.” Giờ đây một cách khác để nắm bắt nhanh chóng tầm quan trọng của luật trong đời sống con người là ghi nhớ rằng luật là một trong ba ngành học vĩ đại. Luật, y học, và thầy tế của Thượng đế là đại diện cho ba ngành nghề cổ xưa và quan trọng nhất mà con người đã tham gia. Có một cách thứ ba nữa để ghi nhớ hay giữ trong tâm trí chúng ta về tầm quan trọng và ý nghĩa của luật trong đời sống của chúng ta. Đây là nhận thức chung về hàm ý của chúng ta mỗi khi chúng ta nghĩ về bất cứ điều gì là hợp pháp ở một bên và phi pháp ở bên kia. Để tôi trình bày nhanh điều này. Sự đối lập trong tâm trí chúng ta giữa hợp pháp và phi pháp là sự đối lập giữa một bên là trật tự và bên kia là hỗn loạn. Điều gì hợp pháp thì có trật tự; cái phi pháp là cái hỗn loạn. Nó là một sự đối lập giữa cái đúng ở một bên và sai ở bên kia. Hợp pháp là cái đúng; phi pháp là cái sai. Và nói chung chúng ta có nhận thức sâu sắc rằng sự hợp pháp thể hiện lý trí trong đời sống của chúng ta, trong khi cái phi pháp thể hiện uy quyền thiếu kiểm soát hay sự thống trị của sức mạnh. Bây giờ nếu tôi chuyển những lý lẽ xa xôi này sang cảm nhận hay ý thức hàng ngày của bạn về luật pháp, tác động của chúng đến cuộc sống của các bạn cũng như cuộc sống của tôi hàng ngày, tôi nghĩ mình có thể nói rằng nhận thức phổ biến nhất của chúng ta về luật là hình ảnh pháp luật trong hình dạng và sắc phục của một cảnh sát. Chúng ta thường gọi một vị cảnh sát bước đi trên phố là “pháp luật.” Chúng ta nói, “Pháp luật đang đến kìa.” Và với hình ảnh về một sĩ quan cảnh sát như một biểu tượng của luật pháp, là hình ảnh này hay khác mà chúng ta hình dung trong tâm trí về hậu quả theo sau những vi phạm pháp luật. Thật không may nếu chúng ta cho phép bộ luật hình sự chiếm vị trí trung tâm trong tâm trí chúng ta. Chúng ta không nên đánh đồng luật với luật hình sự và với bắt bớ, tố tụng, và kết án, và hình phạt cho tội phạm. Tuy nhiên dù luật hình sự quan trọng đến mức nào, nó thật sự chỉ là một phần đóng góp nhỏ của luật vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc quản lý kinh doanh của chúng ta, sự điều tiết công việc gia đình và doanh nghiệp, việc bảo vệ tài sản, các quyền, và tự do của chúng ta. Bên cạnh luật hình sự còn có luật dân sự.
Luật là gì? Lloyd Luckman: Tiến sĩ Adler, một trong những khán giả có gởi thư cho chúng ta, ông Charles J. Croddy, ở San Francisco, đồng ý với ông về tầm quan trọng của luật trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ông ấy nói, giống như ông, rằng luật pháp dường như tham dự vào mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta. Nhưng ông ấy có một số câu hỏi muốn được ông trả lời. Lấy ví dụ, trước tiên ông ấy hỏi, “Luật là gì? Có phải mọi thứ đang diễn ra đều chịu chi phối của luật? Có phải mọi điều luật đều phải được tuân thủ không?” Và câu hỏi kết thúc của ông ấy, “Người ta có thể chọn lựa tuân thủ hay không tuân thủ các luật hay không?” Mortimer Adler: Vậy là đủ cho chúng ta bắt đầu, Lloyd. Thực tế, câu hỏi đầu tiên, thưa ông Croddy, “Luật là gì?” sẽ phải mất chút thời gian, dù trong quá trình trả lời nó, tôi hy vọng có thể rọi chút ánh sáng vào những câu hỏi khác của ông. Tôi hy vọng rằng, như tôi bắt đầu đây, cả ba câu hỏi rất cơ bản mà ông đã nêu có thể được trả lời. Để tôi bắt đầu với câu hỏi đầu tiên, “Luật là gì?” Tôi nghĩ ở đây có ba điều trong hiểu biết căn bản của chúng ta về luật. Ba điều ấy là: (i) luật luôn là một tuyên bố tổng quát, (ii) nó là một quy tắc, (3) nó là loại quy tắc dùng làm công cụ cho việc cai quản một cộng đồng. Một quyết định cụ thể không phải là một điều luật vì nó không mang tính tổng quát. Một “định luật” hoặc điều khái quát hóa khoa học không phải là một điều luật bởi vì nó không phải là một quy tắc ứng xử. Và các quy tắc không phải là các điều luật nếu chúng là những quy tắc về kỹ thuật. Bởi vì các quy tắc là những điều luật theo nghĩa của chúng ta chỉ khi chúng là công cụ cho việc quản lý cộng đồng con người. Để tôi giải thích đầy đủ thêm một chút về ba điểm này. Trước tiên chúng ta nói về tính tổng quát. Lấy ví dụ, lời tuyên bố “Bao diêm này ở đây và giờ nó rơi xuống bàn viết,” không phải là một điều luật. Nó là một tuyên bố về một sự việc cụ thể. Một điều luật phải là một tuyên bố tổng quát. Nó phải áp dụng được cho mọi sự vật thuộc một loại nhất định và cho mọi hành động có thể có của một loại nào đó. Lấy ví dụ, tương phản với tuyên bố tôi vừa nêu, lời tuyên bố “tất cả các vật thể trong bầu khí quyển của trái đất có xu hướng rơi xuống mặt đất mọi lúc và mọi nơi,” là một định luật khoa học. Đó là một định luật quen thuộc mà các bạn biết dưới tên gọi định luật trọng lực. Nhưng định luật trọng lực, dù được gọi các nhà khoa học gọi là [quy] luật, thì nó vẫn không là luật theo nghĩa mà chúng ta đang nói đến chiều nay. Nó không phải là một quy tắc của luật. Trong hàng ngàn điều luật chứa đựng trong các quyển sách trên giá sách của thư viện luật, không có một luật nào như luật trọng lực. Điều luật trong các sách luật là tập hợp tất cả những quy tắc ứng xử. Để tôi giải thích điểm khác nhau giữa một định luật như luật trọng lực, vốn là một khái quát hóa khoa học, và các điều luật hiện hữu trong các sách luật, vốn là các quy tắc ứng xử. Từ “luật” phân chia thành hai loại tuyên bố khái quát: phát biểu khái quát mang tính mô tả và phát biểu khái quát mang tính chỉ thị. Phát biểu khái quát mang tính mô tả được gọi là luật chính là những khái quát hóa khoa học. Chúng là những tuyên bố mô tả cách hoạt động phản ứng của mọi thứ trong thực tế. Và những tuyên bố dạng này không thể bất tuân; chúng là những luật bất khả xâm phạm của tự nhiên. Như Immanuael Kant nói ở đây, “Chúng ta có luật trong lãnh vực thiên nhiên vật lý, trong phạm vi của những thứ bị ràng buộc bởi tính tất yếu.” Nhưng nếu chúng ta quay sang luật trong một nghĩa khác, luật như mang tính chỉ thị, lúc đó chúng ta đi đến một thứ hoàn toàn khác với các tuyên bố khoa học. Đây là những quy tắc pháp lý khi chúng là những điều luật mang tính chỉ thị. Chúng không tuyên bố mọi thứ phải hoạt động ra sao mà là người ta nên cư xử thế nào. Và những quy tắc này có thể bất tuân; chúng là những quy tắc ứng xử có thể vi phạm, có khả năng bị vi phạm. Và ở đây chúng ta có luật không phải trong lãnh vực của tính tất yếu nhưng trong lãnh vực của tự do, của tự do của con người. Đây là một sự phân biệt nền tảng giữa hai ý nghĩa cơ bản của luật và trong cuộc thảo luận này chúng ta chỉ quan tâm tới luật như các quy tắc thôi. Ông thấy đó, ông Croddy, có một ý nghĩa trong đó luật chi phối mọi thứ, nhưng những luật chi phối mọi thứ lại có hai loại. Tất cả những thứ ngoài con người đều bị chi phối bởi loại luật mang tính mô tả, những khái quát hóa khoa học mà các nhà vật lý và hóa học và những nhà bác học khác khám phá ra; trong khi con người ngoài việc bị chi phối bởi các định luật đó còn chịu sự chi phối của các quy tắc luật được tạo ra trong xã hội. Nhưng những quy tắc để hướng dẫn hoặc chỉ đạo loài người, có phải tất cả đều là luật không? Câu trả lời cho nó là không. Có rất nhiều quy tắc trong đời sống con người không phải là luật. Lấy ví dụ, tất cả quy tắc kỹ thuật, quy tắc về nấu nướng, quy tắc lái xe, và nhiều quy tắc chi phối các hoạt động cụ thể trong đời sống hàng ngày, chúng không phải là luật. Tại sao chúng không phải là luật? Bởi vì chúng không là những quy tắc liên quan đến việc điều hành một cộng đồng. Khi nói đến quy tắc pháp lý như để phân biệt với quy tắc kỹ thuật hoặc các quy tắc hoạt động khác, chúng ta ngụ ý tới những quy tắc vốn là công cụ trong việc điều hành một cộng đồng. Tôi nghĩ điều đó giải thích tại sao chúng ta sử dụng cụm từ “luật và trật tự.” Bởi vì luật là nguyên tắc của trật tự trong một xã hội. Và chúng ta nói vậy với hàm ý gì? Chúng ta có ý nói rằng nó thật sự khiến một số đông trở thành một khối, một cộng đồng, một phần tử đơn nhất. Các bạn đều biết cụm từ trên mọi đồng tiền cắc mà chúng ta sử dụng, e pluribus unum, biến nhiều thành một. Vâng, ta không thể biến nhiều thành một mà không có luật; vì luật là yếu tố điều tiết ứng xử của các cá nhân theo một cách thức để họ có thể chung sống với nhau và hành động cùng nhau. Luật có thể tạo ra hành động phối hợp của vô số người vì một lợi ích chung hơn là vì lợi ích cá nhân của họ.
Hai quan điểm về luật Đến đây là ổn. Chúng ta hiểu rằng luật là những quy tắc chung giúp điều hành cộng đồng con người. Mọi sinh viên luật, mọi triết gia về luật đều có xu hướng đồng ý với điều này. Nhưng một khi chúng ta đi xa hơn điểm này, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Chúng ta gặp một trong những khác biệt nền tảng nhất trong triết lý về luật, trong suy nghĩ của con người về luật. Để tôi trình bày với các bạn điều khác biệt cơ bản này, xung đột cơ bản về luật dưới dạng hai lý thuyết, hai lý thuyết khác biệt và đối lập hoàn toàn về bản chất của luật. Tôi sẽ bắt đầu với quan điểm về luật của Tommaso d’Aquino ở thế kỷ XIII. Nó được Aristotélēs chủ trương từ thế kỷ V trCN. Nó được sự ủng hộ của John Locke, nhà triết học chính trị Anh vĩ đại, và những tổ phụ lập quốc của chúng ta ở thế kỷ XVIII. Quan điểm này có thể được nêu theo cách sau: “Luật là một quy tắc được tạo ra vì lợi ích chung của cộng đồng, căn cứ vào lý trí, được thiết lập bởi ý chí của một nhà cầm quyền được thành lập hợp lệ và có sức mạnh cưỡng chế.” Hãy để tôi bình luận về tuyên bố đó. Một điều luật không là một điều luật nếu nó không vì lợi ích chung mà chỉ là cái gì đó phục vụ cho nhu cầu của một cá nhân. Một điều luật không thể được tạo ra từ bất cứ ai, thậm chí bởi người có quyền thực thi nó; nó phải được tạo ra bởi một thẩm quyền được thành lập hợp lệ, hoặc bởi toàn dân hoặc bởi những người đại diện cho họ và với sự đồng thuận của họ. Không có một thẩm quyền như thế thì luật chỉ là luật trên danh nghĩa, nếu không thì nó chỉ là một biểu hiện của vũ lực. Nhưng luật, dù không phải là biểu hiện của vũ lực, vẫn không thể thiếu vũ lực. Bởi vì thiếu đi lực cưỡng chế một quy tắc pháp luật sẽ chỉ là lời khuyên hay cố vấn, vì để có hiệu lực như một đạo luật trong việc điều hành cộng đồng con người, luật ấy phải ràng buộc được kẻ xấu cũng như người tốt. Và luật ràng buộc người tốt thông qua thẩm quyền và lý lẽ của lương tâm. Nhưng với kẻ xấu luật phải ràng buộc bằng cách áp dụng sức mạnh cưỡng chế và bởi nỗi sợ bị trừng phạt của họ. Giờ hãy nhớ rằng, trong trường hợp với người tốt thì luật có sức mạnh ràng buộc bằng cách ràng buộc họ trong lương tâm vì thẩm quyền của nó và cơ sở dựa trên lý lẽ của nó. Trong trường hợp của kẻ xấu, họ chỉ bị ràng buộc bởi nỗi sợ bị trừng phạt. Lý thuyết ngược lại về luật đầu tiên được nêu ra bởi nhà luật học La Mã vĩ đại Ulpianus, tại thời kỳ của những vị hoàng đế La Mã tàn bạo nhất. Và theo Ulpianus, tuyên bố về bản chất của luật là như sau, một tuyên bố ấn tượng từ một góc nhìn đối lập: “Điều gì làm hài lòng quân vương thì có sức mạnh của luật.” Bạn có thể thay thế “quân vương” bằng “chính phủ”, hoặc “đảng” và “quyền lực.” Điều gì làm hài lòng quân vương thì có sức mạnh của luật. Nó không cần phục vụ lợi ích chung. Nó có thể phục vụ lợi ích của người quyền lực nhất, của quân vương, nhà độc tài, hay đảng cầm quyền. Nó không cần dựa trên lý lẽ. Nó có thể là một quy tắc bị áp đặt bởi ý chí của một bậc quân vương hay bất cứ ai có quyền lực thực thi một quy tắc. Quân vương không cần có thẩm quyền từ sự đồng thuận hay như một đại diện của nhân dân. Ông ta có thể đoạt lấy quyền lực như một bạo chúa thường làm. Lúc đó luật chỉ đơn thuần là biểu hiện cho quyền lực của y, một biểu hiện của vũ lực. Và do đó, những luật như thế ràng buộc người dân theo một cách và chỉ một cách duy nhất, bằng sức mạnh cưỡng chế, bằng nỗi sợ bị trừng phạt mà chúng gợi lên. Và trong chừng mực có liên quan tới thái độ của họ đối với luật, nó xóa đi sự phân biệt giữa những cá nhân tốt và xấu trước tác động của luật. Giờ đây quan điểm này về luật không chỉ được Ulpianus hô hào. Sau này nó còn nhận được sự ca ngợi của triết gia Anh lừng danh Thomas Hobbes, người biện hộ vĩ đại cho chế độ quân chủ chuyên chế ở Anh. Và gần đây hơn tại Mỹ nó được Oliver Wendell Holmes tán thành. Để tôi đọc cho các bạn nghe hai phát biểu thể hiện điều này, một của Hobbes và một của Holmes. Hobbes, người xem luật là một mệnh lệnh – và mệnh lệnh là một biểu hiện của ý chí, chứ không phải của lý trí – nói rằng, “Tất cả luật thành văn và bất thành văn đều có thẩm quyền và sức mạnh từ ý chí của nhà cầm quyền. Như vậy không có luật nào bất công, vì luật được tạo ra bởi quyền lực tối cao và tất cả những gì thực hiện bởi quyền lực ấy đều được biện minh.” Thẩm phán Holmes trong một diễn văn nổi tiếng mà ông trình bày cho khoa luật Harvard đã nói, “Điều gì cấu thành luật? Bạn sẽ tìm được vài tác giả bảo bạn rằng đó là một hệ thống của lý lẽ, rằng nó là một suy luận từ những nguyên tắc đạo đức hay nhiều điều khác, nhưng nếu chúng ta theo quan điểm từ những người bạn xấu của chúng ta, chúng ta sẽ thấy hắn không một chút quan tâm đến châm ngôn về suy luận. Tất cả những gì hắn muốn biết là những việc tòa án có thể làm trong thực tế.” Sau đó Holmes tiếp tục nói với mình, “Không chỉ với kẻ xấu, những dự báo về những việc tòa án có thể làm trong thực tế, và không hề phô trương hơn, chính là điều tôi gọi là luật.” Tóm tắt quan điểm về luật của Aristotélēs, Aquino, Locke, của tất cả các tổ phụ lập quốc của chúng ta, và của nhiều người khác trong toàn bộ lịch sử tư duy của loài người về bản chất của luật, suy nghĩ mà chúng ta gọi là luật học: luật là điều gì đó được căn cứ trên lý trí và được thiết lập bởi ý chí. Bởi vì nó được căn cứ trên lý trí và thiết lập bởi ý chí, nên nó là điều kết hợp quyền lực và sức mạnh cưỡng chế. Và bởi vì nó kết hợp quyền lực và sức mạnh cưỡng chế, nên nó ràng buộc con người bằng cả lương tâm và qua nỗi sợ hãi bị trừng phạt. Nó ràng buộc người tốt bằng lương tâm của họ và ràng buộc kẻ xấu thông qua sự sợ hãi. Luật như vậy rõ ràng được chúng ta xem là một điều hợp lý. Đó là luật được xem là luật hợp lý. Hình ảnh ngược lại về luật là quan điểm trong thế giới cổ đại của những người như Ulpianus, và trong thời đại của chúng ta, trong thế giới hiện đại, với triết gia Anh vĩ đại Thomas Hobbes hay Thẩm phán Holmes. Luật là điều gì đó do ý chí áp đặt, không dựa trên lý trí, mà bị ý chí áp đặt nghiêm khắc. Do nó bị áp đặt bởi ý chí và một mình ý chí, nó là điều gì đó chỉ có sức mạnh và không có thẩm quyền nào ngoại trừ thẩm quyền của chính sức mạnh ấy. Và nó chỉ ràng buộc thông qua một mình nỗi sợ hãi, không qua lương tâm. Đây là kiểu chúng ta gọi là luật độc đoán. Để tôi nhấn mạnh điều này. Khi luật có thẩm quyền thì đó là luật hợp lý; khi luật bị áp đặt bởi ý chí thì đó là độc đoán. Ý nghĩa của tình trạng bị ý chí áp đặt chính là ý nghĩa của luật độc đoán. Lloyd Luckman: Tôi nghĩ rằng, Tiến sĩ Adler, tóm tắt của ông trực tiếp dẫn đến câu hỏi mà ông sẽ nhớ là mình nhận được của ông Allen J. Flores. Mortimer Adler: Đúng, tôi nhớ câu ấy. Đó là một câu hỏi hay. Lloyd Luckman: Ông ấy ở Richmond và ông ấy viết cho ông như sau. Trước tiên ông ấy nhắc đến lập luận cũ cho rằng luật được tạo ra vì lợi ích của kẻ mạnh. Và điều này được tuyên bố lần đầu tiên, hay ít nhất được tuyên bố rất sớm, bởi Thrasýmachos trong Politeia [Cộng hòa] của Plátōn. Mortimer Adler: Đúng. Lloyd Luckman: Ông Flores tiếp tục nói, “Nếu là như vậy, rằng luật được tạo ra vì lợi ích của kẻ mạnh, người dân trong một nền dân chủ có căn cứ gì để nói rằng hình thức chính quyền của họ là ưu việt hơn bất kỳ hình thức chính phủ nào khác?” Mortimer Adler: Đây chính là chủ điểm, ông Flores, về mâu thuẫn căn bản quanh bản chất của luật giữa hai lý thuyết mà tôi vừa nêu ra với các bạn. Quan điểm của Thrasýmachos trong Politeia của Plátōn về bản chất thì giống với quan điểm của Ulpianus hay của Thomas Hobbes hay của Thẩm phán Holmes, hay của bất cứ ai vốn cho rằng luật như một biểu hiện của sức mạnh, không phải của điều đúng. Trên lập trường đó, trên quan điểm đó, các luật dân chủ như ông thể hiện trong câu hỏi thì cũng không tốt hơn luật độc tài hay luật của nhà chuyên chế. Và dân chủ như một hình thức chính quyền thì cũng không tốt hơn nền chuyên chế. Trong thực tế, ông Flores, theo quan điểm đó, mọi chính quyền đều là độc tài. Nhưng nếu chúng ta chọn quan điểm đối lập mà tôi mô tả là của Aristotélēs, Aquino, Locke, các tổ phụ lập quốc của chúng ta, và nhiều người khác, lúc đó luật là điều không phải được tạo ra vì lợi ích của kẻ mạnh, mà vì lợi ích chung. Và hơn thế nữa, như John Locke nói, nó cũng phải được tạo ra “với sự đồng thuận của người bị trị” hay như Aquino nói, “bởi đại diện của họ.” Theo quan điểm này, dân chủ tốt hơn nhiều so với chuyên quyền. Theo quan điểm này, tôi nghĩ tôi có thể cho các bạn thấy vì sao dân chủ là hình thức tốt nhất của chính quyền, một hình thức chính quyền cực kỳ công bằng. Bây giờ, Lloyd, vấn đề cơ bản về luật mà chúng ta đã xem xét chiều nay sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề cơ bản khác, như vấn đề tính công bằng của luật hay sự phân biệt giữa luật tốt và luật xấu. Và nó cũng dẫn đến những câu hỏi như câu của ông Croddy được đưa ra lúc đầu buổi chiều nay về việc liệu bất tuân luật có bao giờ là chính đáng và trong trường hợp nào thì sự bất tuân luật được biện minh. Những người ủng hộ những quan điểm đối lập nhau về bản chất của luật có xu hướng đưa ra câu trả lời trái ngược cho những vấn đề và câu hỏi này. Lấy ví dụ, theo quan điểm cho rằng bất cứ điều gì làm hài lòng bậc quân vương đều có sức mạnh của luật pháp, ở đó không có tiêu chuẩn nào để đo lường tính công bằng của luật. Như Thomas Hobbes, trong đoạn mà tôi đọc cho các bạn nghe, có nói, “Nếu luật pháp đến từ quyền lực tuyệt đối của bậc quân vương thì bạn không thể nói về một thứ luật bất công; luật pháp là tiêu chuẩn của công bằng và công bằng không thể đo lường luật tốt và phân biệt giữa luật tốt với luật xấu.” Để giải quyết những vấn đề này, không chỉ vấn đề này trong buổi chiều nay về bản chất của luật mà trong đó chúng ta gặp phải những quan điểm đối lập hoàn toàn, mà còn có những vấn đề khác về công bằng hay mặt tốt và mặt xấu của luật và câu hỏi rất khó về việc liệu bất tuân luật có bao giờ là chính đáng hay không, tôi nghĩ chúng ta phải xem xét một số điểm. Chúng ta phải xem xét những loại luật khác nhau. Có phải loại luật chúng ta thảo luận chiều nay, luật của bang, luật của California, luật của chính quyền liên bang, là loại luật duy nhất chi phối con người, là quy tắc ứng xử, là công cụ để điều hành một cộng đồng con người hay còn có những loại khác? Và ngoài việc xem xét các loại luật khác nhau, chúng ta cần tự hỏi những câu như luật pháp được tạo ra như thế nào. Điều gì đã tham gia vào việc tạo ra luật? Và từ đó, chúng ta phải có khả năng đi từ đó đến câu hỏi cuối cùng và là câu hỏi tối hậu nhất trong tất cả các câu hỏi đối với chúng ta – và tôi nghĩ cũng đối với bất kỳ ai – câu hỏi về tính công bằng của luật. Theo tiêu chuẩn nào thì luật được coi là tốt hay xấu, công bằng hay bất công, có lợi hay không có lợi? Hay, ta có bao giờ có thể nói, như một số người vẫn nghĩ, rằng ta không thể bàn về tính công bằng của luật, vì luật là nguồn gốc của công bằng và chẳng phải công bằng là thước đo cho tính chất tốt hoặc xấu trong luật sao? Đấy là những vấn đề mà chúng tôi mong muốn đặt ra và thảo luận trong vài tuần tới. Trong thực tế, thứ tự thảo luận của chúng ta sẽ là, tuần tới, các loại luật, rồi đến phần thảo luận về việc làm ra luật, và sau cùng, trong phần thứ tư của cuộc thảo luận, ta xem xét tính công bằng của luật. [1] Tác giả dùng hai từ gần đồng âm, lore và law, chúng tôi dịch ép như trên do không tìm ra cặp từ đồng âm tương đương. |
||||||||||||||||
Ý KIẾN BẠN ĐỌC