Triết học xã hội

Tính công bằng của luật

 

TÍNH CÔNG BẰNG CỦA LUẬT

1

2

3

4

5

6

 7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MORTIMER J. ADLER (1902-2001)

PHẠM VIÊM PHƯƠNG dịch

 


Mortimer J. Adler.  Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn. Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch. Nes Education & Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 374-384. | Phiên bản bài viết này đăng triethoc.edu.vn đã được sự cho phép của dịch giả Phạm Viêm Phương.


 

 

Hôm nay chúng ta sẽ xem xét công bằng trong mối liên quan với luật. Tôi chắc các bạn cũng nhận ra rằng chúng ta không thể bao quát toàn bộ vấn đề công bằng. Thế nhưng, mặc dù chúng ta sẽ chỉ xem xét công bằng trong mối liên quan với luật, với việc áp dụng luật, việc soạn thảo luật, và công bằng trong chính bản chất của luật, việc cố gắng trả lời câu hỏi chung, công bằng là gì, thì vẫn rất hữu ích.

Hầu hết mọi người đều tránh câu hỏi đó, giống như họ tránh né câu hỏi Chân lý là gì vậy. Giống như Phongxiô Philatô [Latinh, Pontius Pilatus], họ nghĩ họ không có thời gian chờ đợi câu trả lời. Nhưng Philatô đã sai cũng như tất cả những ai nghĩ rằng thật khó trả lời những câu hỏi như Công lý là gì, Chân lý là gì. Không có câu hỏi nào trong số đó là câu hỏi khó; câu hỏi khó là, “Điều gì là đúng trong trường hợp cụ thể này?”, “Tuyên bố này là đúng hay sai?”, “Luật này công bằng hay bất công?” Đó là những câu hỏi khó. Còn với câu hỏi, “Công bằng là gì?” tôi nghĩ chúng ta có thể trả lời nhanh chóng.

Câu trả lời nổi tiếng nhất cho câu hỏi Công bằng là gì đã được đưa ra bởi một hoàng đế La Mã hoặc bởi những người đã viết một cuốn sách cho ông ta. Hoàng đế ấy là Justinianus. Tôi có sẵn ở đây cuốn The Institutes of Justinian [dịch từ Institutiones Justiniani - Các bình luận luật học của Justinianus], cuốn sách mà Justinianus yêu cầu những nhà luật học lớn của Roma biên soạn. Nó được cho là một tổng tập luật pháp La Mã. Bản dịch quen thuộc cho câu mở đầu của Quyển I là, “Công bằng là ý chí nghiêm túc và liên tục nhằm đưa đến cho mỗi người những gì họ đáng được hưởng.” Tôi muốn sửa bản dịch này cho tốt hơn một chút: “Công bằng là ý chí bất biến và liên tục nhằm đem lại cho mỗi người những gì thuộc về họ.”

Đó có phải là định nghĩa về công bằng không? Chỉ một phần thôi, phần kia của định nghĩa về công bằng là xét theo nguyên tắc bình đẳng. Công bằng nằm trong việc đối xử bình đẳng với những người đồng đẳng và đối xử với những người không đồng đẳng tương xứng với mức độ bất bình đẳng của họ.

Tôi nghĩ, mọi người đều hiểu rằng chắc chắn hầu hết các bậc cha mẹ đều làm như thế trong quan hệ với con cái của họ và hầu hết trẻ em đều làm thế trong mối quan hệ với cha mẹ của chúng. Ví dụ, trong một gia đình có hai đứa con, ta thấy hết sức rõ ràng rằng – có phải không? – nếu một đứa làm điều gì đó và bị phạt theo cách nào đó, thì tính công bằng đòi hỏi rằng nếu đứa kia làm điều tương tự, nó sẽ bị trừng phạt y hệt như vậy. Và nếu cha mẹ không cư xử như vậy, đứa bé đó lập tức gào lên phản đối sự bất công. Hoặc loại công bằng khác trong gia đình là cho phép một đứa thức muộn hơn đứa kia nếu đứa này lớn tuổi hơn đứa kia, hoặc nếu hai đứa con ở hai độ tuổi khác nhau thì khi cho tiền tiêu vặt, đứa nhỏ hơn sẽ nhận khoản tiền nhỏ hơn, và đứa lớn hơn sẽ nhận một khoản lớn hơn. Đây là kiểu công bằng cho phép hai kẻ bất đồng đẳng hưởng điều gì đó tương ứng với sự bất đồng đẳng của chúng. Bạn hiểu ngụ ý của tôi khi nói rằng theo nghĩa cơ bản này, mọi người đều biết công bằng là gì mà. Chắc chắn, mọi đứa trẻ cũng biết công bằng là gì.

Lloyd Luckman: Bây giờ tôi sẽ đồng ý rằng trẻ em hiểu công bằng là ra sao theo như ông giải thích. Và tôi chắc chắn rằng một số người lớn cũng hiểu vậy, nhất là những người lớn chưa học qua đại học và chưa được nghe các giáo sư nói rằng ta không thể hiểu công bằng là gì hoặc định nghĩa nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ ông sẽ đồng ý với tôi rằng mối quan hệ giữa công bằng với luật pháp không phải là vấn đề đơn giản. Đó là một câu hỏi rất khó và nó khiến tôi nhớ lại, mà ông cũng có thể nhớ luôn, câu hỏi mà chúng ta nhận được của bà Nino Gutadarro.

Mortimer Adler: Phải, tôi nhớ chứ Lloyd.

Lloyd Luckman: Bà ấy ở Palo Alto và gởi cho ông câu hỏi sau, “Làm thế nào mà ai đó có thể nói rằng luật pháp là công bằng? Theo cách nghĩ của tôi, luật pháp xấu hoặc không công bằng có thể hiện hữu và được tạo ra, do đó tôi cho rằng luật nên được đo lường qua tính công bằng. Quan điểm của ông về câu hỏi này thì sao?”

Mortimer Adler: Quan điểm của tôi, thưa bà Gutadarro, cũng giống như của bà, cụ thể là, luật nên được đo lường qua tính công bằng, chứ không phải luật là công bằng. Nhưng tôi buộc phải nói với bà rằng những người khác không đồng ý với điều này. Có một quan điểm ngược lại, hoàn toàn ngược với quan điểm của bà với tôi đây.

Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách đối mặt với vấn đề cơ bản này về mối quan hệ giữa luật với tính công bằng. Trước tiên, hãy xem xét quan điểm cho rằng luật là công bằng hoặc luật là thước đo sự công bằng. Đây là quan điểm của những người coi luật là biểu hiện của ý chí tối cao hoặc cho rằng luật là điều làm hài lòng quân vương hay kẻ cai trị và không có liên quan gì với luật tự nhiên.

Theo quan điểm này, luật là thước đo công bằng trong hành vi của con người. Hành vi của con người là công bằng hoặc bất công tùy theo chúng phù hợp thế nào với luật lệ tại một xứ sở cụ thể. Và theo quan điểm này, những việc sai trái mà con người ta thực hiện được gọi, như luật sư nói, là mala – tôi dùng thuật ngữ Latinh, mala prohibita, hoặc những việc sai trái vốn bị coi là sai trái chỉ vì luật cấm làm những việc ấy. Như vậy, theo quan điểm này, giết người cũng giống như lái xe ở phía bên trái của con đường. Giết người là sai vì có luật cấm giết người. Lái xe ở phía bên trái con đường là sai bởi vì có luật cấm lái xe ở phía bên trái con đường. Và nếu không có luật cấm giết người và không có luật cấm lái xe theo lề bên trái của con đường thì hai việc ấy chẳng hề sai trái. Cả hai đều là những việc sai trái trên cùng một bình diện, những việc bị coi là sai trái do một số quốc gia nào đó cấm đoán chúng như một vấn đề pháp luật.

Bây giờ quan điểm ngược lại là cái tôi chọn và cũng là cái mà tôi nghĩ bà cũng chọn, thưa bà Gutadarro, cũng như những người khác, tất cả những ai, ví dụ, nghĩ rằng luật được căn cứ vào lý trí và rốt cuộc nó bắt nguồn từ luật tự nhiên. Những người theo quan điểm này nghĩ rằng công bằng thì cao hơn luật và là thước đo của luật và do công bằng đo lường luật, nên luật có thể trở thành công bằng hoặc bất công. Một số luật phù hợp với các nguyên tắc công bằng và một số luật thì không và chúng là những luật bất công.

Nói cách khác, quan điểm thứ hai này thêm điều gì đó vào toàn cảnh. Nó nói rằng có sự công bằng cao hơn luật và chính nguyên tắc về công bằng sẽ xác định luật nào là công bằng và luật nào là bất công. Và do việc bổ sung này, điều gì đó trong toàn cảnh đã bị thay đổi. Hãy cho tôi thêm một thuật ngữ Latinh mala per se, nó có nghĩa là, không là sai trái chỉ vì bị luật cấm, mà nó sai trái trong tự thân nó. Theo quan điểm thứ hai này, có hai loại hành vi sai trái. Những việc như lái xe ở bên trái con đường, bị coi là hành vi sai trái vì luật cấm làm việc đó và những việc khác như giết người không chỉ là sai trái do luật cấm, mà nó sai trái tự bản chất, sai trái theo chính bản chất của tính công bằng.

Hơn nữa, theo hai quan điểm này về luật trong mối quan hệ với công bằng, quan điểm thứ nhất phủ nhận các quyền tự nhiên. Mọi quyền con người là các quyền luật định, do các nhà nước chuẩn cấp và có thể bị nhà nước lấy đi. Nhưng theo quan điểm thứ hai, quan điểm cho rằng công bằng là thước đo của luật, bên cạnh các quyền luật định ta có những quyền tự nhiên cố hữu và bất khả chuyển nhượng.

Trong buổi nay tôi muốn đi tới quan điểm thứ hai, quan điểm cho rằng công bằng là tiêu chuẩn hay thước đo của luật và xác định luật nào là công bằng và luật nào bất công. Và trong khi phân tích, tôi muốn đi qua ba mối quan hệ khác nhau. Tôi muốn đầu tiên xem xét công bằng trong việc áp dụng luật, việc thực thi luật bởi các tòa án; thứ hai, ta sẽ xem xét công bằng trong việc soạn thảo luật; và thứ ba, ta sẽ xem xét công bằng trong chính bản chất, chính nội dung, của các bộ luật.

Công bằng trong việc áp dụng luật

Hãy để tôi bắt đầu bằng cách xem xét công bằng trong việc áp dụng luật, vì tòa án quyết định các vụ tố tụng và áp dụng luật cho các trường hợp cụ thể. Công bằng là gì? Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết công bằng là gì trong mối quan hệ này; công bằng nằm trong sự sòng phẳng [không thiên vị] và bình đẳng, đối xử với mọi cá nhân như nhau, không trọng ai hơn ai, không thiên vị nhóm, không thừa nhận các giai cấp đặc quyền trước pháp luật. Tất cả các bạn đều nhớ dòng chữ được khắc vào đá trên nóc Tòa án Tối cao Mỹ. Nó nói rằng, “Công bằng đồng đều theo luật.” Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đến trước pháp luật như những người bình đẳng, để được đối xử bình đẳng. Đấy là công bằng trong việc thực thi luật.

Một cách khác để nhớ điều này là hình dung lại bức tượng của thần công lý, của thần công lý mù cầm thanh kiếm và cây cân. Bức tượng nổi tiếng này cho thấy cái cân, thanh kiếm, và tấm vải bịt mắt của thần công lý. Cho phép tôi nói ngắn gọn về ba biểu tượng đó. Cái cân trong tay thần công lý đại diện hoặc tượng trưng cho nguyên tắc bình đẳng hoặc cân bằng. Thanh kiếm đại diện cho lực cưỡng chế của luật trong việc thực thi sự công bằng. Và tấm khăn bịt mắt thần công lý là quan trọng nhất; vì tấm khăn bịt mắt đại diện cho sự bất thiên vị của công bằng pháp lý, việc đối xử với mọi người như nhau. Chính sự bất thiên vị của công bằng này mang lại cho chúng ta nguyên tắc rằng không ai được là quan tòa trong vụ tố tụng của chính mình; bởi vì không ai có thể vô tư trong vụ kiện cáo của chính mình, không ai có thể “mù” khi thực thi công lý trong vụ kiện của chính mình.

Công bằng trong việc soạn thảo luật

Bây giờ ta hãy đi tới điểm thứ hai mà chúng ta muốn thảo luận, công bằng trong việc soạn thảo luật. Và nguyên tắc ở đây là, luật được soạn thảo một cách công bằng nếu nó được tạo ra bởi đúng người, đúng cách, và đúng mục đích. Đâu là mục đích đúng của việc soạn luật? Lợi ích chung, không phải tư lợi của bất kỳ người nào. Ai là người đúng thực cho việc soạn thảo luật? Chúng tôi đã trả lời điều đó trước đây: hoặc toàn dân hoặc những người đại diện của họ được lập ra một cách thích đáng. Nói cách khác, để soạn ra luật một cách đúng thực, nó phải được thực hiện bởi bộ phận thẩm quyền được lập ra một cách thích đáng. Và luật sẽ được soạn ra một cách đúng thực như thế nào? Ấy là khi nó được thực hiện theo quy trình pháp lý chuẩn mực hoặc trong khuôn khổ thẩm quyền và quyền hạn được hiến pháp trao cho người soạn luật. Theo nghĩa này, bạn có thể thấy rằng ít nhất trong chính quyền của nước Mỹ chúng ta, và bất kỳ chính quyền hợp hiến nào khác, tính hợp hiến của một đạo luật gần giống như nói tới tính công bằng của một đạo luật. Nó được soạn thảo đúng cách nếu nó được làm ra một cách hợp hiến. Nếu vi hiến, nó là một luật gần như phi pháp hoặc một luật bất công.

Nhân tiện, Lloyd, điều này làm tôi nhớ đến một câu hỏi rất hay về điểm này, tôi nghĩ đó là câu của ông Willard Knott, phải không?

Lloyd Luckman: Vâng, mình có câu đó. Nhưng câu đó rất dài. Ông có muốn tôi chỉ đọc những phần mà tôi nghĩ có liên quan đến điểm ông đang trình bày không?

Mortimer Adler: Làm vậy đi. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp chúng ta đáng kể.

Lloyd Luckman: Vâng, ông Willard M. Knott viết thư và bắt đầu bằng cách nói, “Theo tôi hiểu những gì ông nói thì luật pháp là quy ước cư xử của con người, có lực cưỡng chế vốn được xác lập vì lợi ích chung của đa số người dân hoặc bởi các đại diện được chuẩn nhận đúng cách của họ.” Và tôi nghĩ đó là định nghĩa của ông.

Mortimer Adler: Phải, đúng thế.

Lloyd Luckman: “Nhưng có vẻ như với tôi,” ông Knott viết tiếp, “theo định nghĩa này mà không được chuẩn nhận, thì các luật Jim Crow[1] của các bang miền Nam hồi đó là hoàn toàn phù hợp. Người da trắng chiếm đa số và những luật này là sự thể hiện trực tiếp những cái mà họ cảm thấy phục vụ cho lợi ích chung.” Và trước khi ông trả lời điểm này, ông Knott còn đề nghị rằng ta cần xem xét một điều gì đó khác, cụ thể là các quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của con người. Và ông ấy nói, “Có những quyền theo nghĩa tuyệt đối vốn không thể bị thay thế bằng phiếu bầu hoặc bằng vũ lực. Nếu một luật bắt nguồn từ bất kỳ nỗ lực nào nhằm hủy bỏ các quyền này hoặc vi phạm chúng, thì bản thân luật đó sẽ trở nên bất công mặc dù nó có thể đã được thông qua bởi đa số phiếu bầu.” Bổ sung vào nhận xét này, ông ta nói, “Tôi cảm thấy rằng khái niệm về quyền con người tuyệt đối áp đặt những hạn chế đối với luật do con người làm ra là một trong những bí quyết cơ bản cho sự thành công của thử nghiệm kiểu Mỹ mặc dù chúng ta không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc này như lẽ ra nên làm.”

Và đó là điều tôi muốn ông xem xét vào lúc này.

Mortimer Adler: Cho phép tôi đính chính với ông chỉ ở một điểm thôi, ông Knott ạ. Trong định nghĩa về luật, chúng ta đã nói về luật do toàn dân hoặc đại diện của họ soạn ra. Không có tham chiếu nào như vậy đối với quy tắc đa số. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thưa ông Knott, tôi thấy có vẻ ông đang dựa trên một cơ sở rất vững chắc. Một đạo luật có thể được soạn thảo đúng trình tự, bởi đúng người và theo đúng cách. Nếu quy tắc đa số lại là cách thức để các đại biểu hoặc đại diện hoạt động, thì đó là cách thức đúng; nó là cách thức hợp hiến. Và một luật như vậy, mặc dù được soạn thảo hợp hiến, vẫn có thể, như ông chỉ ra, bất công trong thực chất vì nó vi phạm một số quyền thực sự tự nhiên, cố hữu, hoặc bất khả chuyển nhượng. Tất nhiên, trong trường hợp đó, thưa ông Knott, nếu nó vi phạm một quyền tự nhiên, luật sẽ không phục vụ lợi ích chung. Khi nó chống lại các quyền tự nhiên của con người, khi nó không phù hợp với công bằng tự nhiên, luật cũng sẽ đi ngược lại lợi ích chung.

Công bằng trong thực chất của luật

Dường như với tôi, Lloyd à, câu hỏi của ông Knott đã dẫn chúng ta đến chủ điểm cuối cùng về công bằng của luật, ấy là các tiêu chuẩn để chúng ta xác định xem luật ấy là công bằng hoặc bất công về thực chất. Tuy nhiên, trước khi đi đến điểm cuối cùng đó, tôi muốn quay trở lại với điều tôi đã nói hồi nãy, khi bàn về việc áp dụng luật. Chúng ta đã nói rằng luật phải được áp dụng một cách công bằng và không thiên vị cho các trường hợp. Nhưng có một vấn đề trong việc áp dụng luật mà tôi muốn nói nhưng lúc nãy lại quên mất.

Ta có vấn đề về công lý. Người ta thường nói rằng tính công bằng nghiêm ngặt trong việc áp dụng pháp luật, tức áp dụng luật một cách nghiêm ngặt cứng nhắc cho vụ việc, có thể đi tới sự bất công lớn hơn so với việc đừng áp dụng luật gì cả. Vấn đề là ở chỗ đôi khi các luật tổng quát lại không đúng như nhau cho mọi trường hợp. Và điều quan trọng là phân biệt trường hợp này với trường hợp đó. Và đôi khi, như người ta thường nói, đem lại công bằng bằng cách không áp dụng luật cho vụ án.

Phát biểu nổi tiếng nhất về điều này, xin nói thêm, một phát biểu mà mọi luật sư đều biết và mọi sinh viên theo môn này đều nghiên cứu, thì nằm trong Ethics của Aristotélēs, trong quyển bàn về công bằng, chương nổi tiếng về bình đẳng, trong đó Aristotélēs nói, “điều hợp tình hợp lý thì chính đáng, nhưng không chính đáng về mặt pháp lý mà tựa như một sự điều chỉnh trong công bằng pháp lý. Lý do,” ông nói, “là ở chỗ mọi luật đều phổ quát. Nhưng với một số việc ta không thể đưa ra một phát biểu phổ quát mà lại luôn đúng. Trong những trường hợp đó, ta cần phải phát biểu một cách phổ quát nhưng không thể làm như vậy một cách chính xác, luật thì xét tới các trường hợp thông thường, mặc dù nó không phải là không biết đến khả năng phạm lỗi. Vì vậy, khi luật phát biểu một cách phổ quát và các trường hợp phát sinh từ đó vốn không được bao hàm trong phát biểu phổ quát, thì lúc đó,” Aristotélēs nói, “ở chỗ nào mà nhà lập pháp không dự trù sẵn được cho ta và đã phạm lỗi sai do quá đơn giản hóa vấn đề, ta hoàn toàn đúng khi sửa chữa chỗ khiếm khuyết đó, nghĩa là, phát biểu những gì mà chính nhà lập pháp hẳn sẽ nói nếu ông có mặt trước trường hợp này. Ông ta hẳn sẽ sắp đặt luật theo cách đó nếu ông ta biết được tình huống đó. Từ đó ta thấy,” Aristotélēs nói, “điều hợp tình hợp lý thì chính đáng và tốt hơn tính công bằng chỉ theo một kiểu, không tốt hơn công bằng tuyệt đối, nhưng tốt hơn so với lỗi sai vốn phát sinh từ sự tuyệt đối trong việc áp dụng công lý trong trường hợp này. Đây là bản chất của sự hợp tình hợp lý, một sự điều chỉnh luật ở chỗ nó bị khiếm khuyết vì tính tổng quát của nó.”

Bây giờ hãy để tôi nối tiếp một lần nữa ở nơi ông Knott đã dẫn chúng ta tới, vấn đề công bằng trong chính thực chất của luật pháp. Ở đây tiêu chuẩn có hai khía cạnh. Thứ nhất, có một tiêu chuẩn về tính bất thiên vị ngay trong cách diễn đạt luật và trong cách trình bày diễn giải luật. Thứ hai, tiêu chuẩn về các quyền tự nhiên yêu cầu rằng luật phải phù hợp với quyền tự nhiên.

Hãy để tôi minh họa cho tiêu chuẩn đầu tiên. Ta hãy tạm giả sử rằng các luật hình sự của chúng ta đã trừng phạt những tội nhẹ một cách khắc nghiệt hơn và lại nương tay với những tội nghiêm trọng hơn. Hoặc giả sử rằng hai tội phạm, một tội trong đó thì nhẹ và một tội rất nặng và nghiêm trọng, nhưng cả hai đều bị trừng phạt như nhau. Mọi người, tôi nghĩ, sẽ nhận ra sự bất công của một luật như vậy trong nội dung. Nó chỉ công bằng khi những hình phạt tương xứng được tuyên cho các tội với độ nặng nhẹ khác nhau.

Hoặc ta hãy xem xét một lát vấn đề thuế khóa, luật thuế thu nhập. Luật thuế thu nhập lũy tiến mà chúng ta coi là công bằng hơn thuế thu nhập cố định đồng nhất bởi vì chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những người có tài sản lớn hơn thì có điều kiện sống tốt hơn và phải có khả năng đóng thuế cao hơn những người có thu nhập thấp hơn. Vì vậy, sự cân đối lũy tiến của thuế, của số tiền nộp thuế cân đối với khối tài sản được chúng ta xem là một quy định hợp pháp, công bằng. Hoặc hãy xem vấn đề quân dịch. Ở đây chúng ta coi là bình đẳng, bình đẳng đơn giản, khi mọi thanh niên ở độ tuổi nào đó sẽ được đối xử như nhau trước yêu cầu mà đất nước đặt ra với họ trong việc phục vụ quân đội.

Đấy là những ví dụ về phân phối theo tỷ lệ tương xứng các phần thưởng và hình phạt hoặc sự phân phối cân xứng các gánh nặng. Kiểu phân phối gánh nặng này, đồng đều hoặc tương xứng, là cần thiết nếu ta muốn luật pháp công bằng trong chính thực chất của nó.

Bây giờ tới nguyên tắc kia, tức tiêu chuẩn đo lường tính công bằng của luật, là do các quyền tự nhiên đem lại. Khi vi phạm các quyền tự nhiên vốn có, luật trở nên bất công. Ví dụ, các luật được ông Knott nhắc tới, luật Jim Crow ở miền Nam, vi phạm quyền tự nhiên của mọi người về sự bình đẳng trong đối xử quanh vấn đề chuyên chở công cộng. Nó vi phạm quyền tự nhiên của mọi người rằng họ phải được đối xử như một con người, như nhân vị, có phẩm giá giống như mọi người khác. Vì vậy, vào thời điểm mà luật pháp cho phép chế độ nô lệ, những luật ấy là bất công vì chúng vi phạm các quyền tự nhiên rằng mọi người đều phải được đối xử như một người tự do. Và trước khi một số tu chính án được thông qua về quyền bầu cử ở đất nước này, khi có một tình trạng đầu phiếu hạn chế, khi phụ nữ, chẳng hạn, bị tước quyền đầu phiếu, quy định pháp lý đó là bất công. Đôi khi trong quá khứ khi công đoàn bị luật cấm đoán hoặc việc thương lượng tập thể bị coi là bất hợp pháp, những luật đó là bất công bởi vì công nhân có quyền, quyền tự nhiên, được liên kết trong việc theo đuổi các hoạt động lao động và thương lượng tập thể. Những quyền tự nhiên này chính là yếu tố xác định sự bất công của các quy định trước đây đối với các hành vi như thế của người lao động.

Việc cải thiện luật

Trong chừng mực Hiến pháp Mỹ của chúng ta chấp nhận sự tồn tại của các quyền tự nhiên gần như là nền tảng của hiến pháp, trong chừng mực mà Hiến pháp của chúng ta, qua Luật Dân quyền, thực sự khẳng định một số trong những quyền tự nhiên này, nên sẽ thật đúng khi nói rằng một đạo luật vi phạm quyền tự nhiên sẽ là một đạo luật vi hiến. Trong trường hợp này, tính vi hiến của đạo luật sẽ gần như đồng nghĩa với sự bất công của nó. Nhưng sẽ thật là sai lầm khi để cho điều đó dẫn bạn tới chỗ giả định rằng tính hợp hiến của một đạo luật và tính công bằng của nó là một và giống nhau. Lý do khiến điều đó có thể là một sai lầm là ở chỗ chính hiến pháp cũng có thể bất công. Rốt cuộc, chúng cũng là luật của con người thôi. Và các hiến pháp có thể bất công, như Hiến pháp của chúng ta, Hiến pháp Mỹ, đã mang tính bất công trước khi có những tu chính án Nội chiến[2]. Hoặc cho đến thời điểm có tu chính án về quyền bầu cử của phụ nữ khi một nửa dân số, những người xứng đáng được đối xử như công dân, mới lần đầu tiên được quyền bỏ phiếu và nhận được vị thế chính đáng như những công dân trọn vẹn trong nền dân chủ.

Điều này, tất nhiên, đặt ra toàn bộ câu hỏi về sự thay đổi và cải thiện trong luật. Nó đặt ra vấn đề làm thế nào để luật, hiến pháp, hay các luật thực định khác của con người dần dần trở nên những biểu hiện ngày càng tốt hơn cho tính công bằng qua việc trở nên ngày càng phù hợp với toàn bộ các quyền tự nhiên và các nguyên tắc của công bằng tự nhiên.

Lloyd Luckman: Vấn đề mà ông đang nêu lên, chỉ ra sự tiến bộ của các luật lệ và sự phù hợp tốt hơn của chúng với công lý gợi lên trong tôi một câu hỏi khác vốn được ông Ernest Slauge ở Burlingame nêu ra cho ông. Và ông Slauge hỏi, trước tiên, liệu có tồn tại các quyền con người thực sự phổ quát, cố hữu, và tự nhiên mà từ đó ta có thể phát triển một hệ thống luật thực định chính đáng và nhất quán hay không, hoặc phải chăng các quyền này lúc nào cũng tùy tiện và chỉ tiện lợi trong xã hội nào thừa nhận chúng.

Mortimer Adler: Tôi buộc phải lặp lại, thưa ông Slauge, rằng có hai quan điểm ở đây, hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Một số người cho rằng mọi quyền đều là quyền pháp định, rằng mọi quyền mà con người có được đều do nhà nước chuẩn cấp cho họ theo luật của nó. Và nhà nước có đủ tư cách tước đi những quyền này; tựa như họ chuẩn cấp chúng được thì họ có thể tước chúng đi. Quan điểm ngược lại khẳng định rằng có các quyền tự nhiên, các quyền không thể chuyển nhượng, rằng ngay từ đầu nó không hề do nhà nước chuẩn cấp và cũng không thể bị nhà nước tước đi. Theo quan điểm này, nhà nước là chính đáng nhất khi luật của nó thừa nhận mọi quyền tự nhiên. Và nhà nước sẽ là bất công khi luật của nó vi phạm các quyền tự nhiên.

Nhưng ta không được giả định rằng tại bất kỳ thời điểm nào, chúng ta đều có kiến ​​thức hoàn hảo về các quyền tự nhiên. Có thời điểm, ví dụ, người ta không nghĩ rằng chế độ nô lệ đã vi phạm quyền tự nhiên. Bây giờ thì chúng ta biết rằng chế độ nô lệ thực sự vi phạm quyền tự nhiên. Có thời kỳ người ta chưa biết gì về các quyền lao động. Bây giờ chúng ta biết rằng lao động có những quyền tự nhiên nhất định mà luật pháp không được vi phạm.

Tôi nói điều này đặt ra toàn bộ câu hỏi mà chiều nay chúng ta không thể đi sâu hơn nữa để tìm hiểu thêm sự tăng trưởng trong hiểu biết của chúng ta về các quyền tự nhiên, một tiến trình tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục cho đến tận thế.

Chiều nay, như tôi thấy, chúng ta đã nêu ra nhiều câu hỏi khó mà chúng tôi không thể trả lời đầy đủ, và chúng ta thậm chí không có thời gian để chạm đến một số câu hỏi quan trọng và khó giải đáp, như câu hỏi của ông Mooney mà tôi có ở đây. Ông Mooney hỏi chúng ta nên làm gì trong việc tuân thủ một đạo luật được tạo ra một cách hợp lý theo nghĩa là nó được soạn thảo bởi các nhà chức trách theo luật định, nhưng bất công về thực chất, vì vi phạm một quyền tự nhiên nào đó. Liệu công dân có được biện minh khi không tuân theo nó hay công dân nên tuân theo nó?

Điều này khiến tôi phải nói điều gì đó mà tôi muốn nói với tất cả các bạn trong nhiều tuần rồi, tôi hy vọng rằng không ai cho rằng những cuộc thảo luận ngắn ngủi, nửa tiếng của chương trình The Great Ideas làm được nhiều hơn mức cưỡi ngựa xem hoa. Tôi phải thú nhận với bạn rằng tôi luôn cảm thấy ít nhiều không hài lòng vào cuối mỗi chương trình nửa giờ này. Và thành thật mà nói, tôi hy vọng bạn cũng cảm thấy không hài lòng vì đó là cách cảm nhận đúng. Đó là loại cảm giác kêu gọi thảo luận ngày càng nhiều hơn về Những ý niệm lớn, về những điều cơ bản mà chúng ta không thể giải quyết được trọn vẹn trong một khoảng thời gian ngắn.

Hôm nay, ví dụ, chúng ta đã phải tiếp xúc với hai ý niệm lớn bên cạnh ý niệm lớn về pháp luật: ý niệm về Công bằng và ý niệm về Quyền, nhất là các quyền tự nhiên. Và cả hai ý niệm này thực sự xứng đáng có cả một loạt buổi thảo luận dành cho chúng.

 



[1] Các luật Jim Crow: Các luật cấp bang và địa phương áp đặt phân cách theo chủng tộc tại mọi cơ sở vật chất công cộng (phương tiện chuyên chở công cộng, trường công lập, nhà hàng, nhà vệ sinh…) tại các bang miền nam nước Mỹ. Các luật này ra đời từ cuối thế kỷ XIX và tồn tại đến tận năm 1965. Tên gọi Jim Crow xuất phát từ tiết mục ca múa “Jump Jim Crow” được trình diễn bởi một nghệ sĩ da trắng hóa trang thành người da đen.

[2] tức các tu chính án 13, 14, và 15, được thông qua trong khoảng 1865-1879, năm năm sau Nội chiến, nhằm tái thiết nước Mỹ và bảo đảm quyền tự do cho toàn dân, trong đó có cựu nô lệ và con cháu của họ.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt