ARISTOTLE SIÊU HÌNH HỌC QUYỂN 1
[980a] [21] Tất cả mọi người, theo lẽ tự nhiên, đều ham muốn sự hiểu biết. Một dấu hiệu cho điều này là sự tôn trọng của chúng ta đối với các giác quan; vì ngoài công dụng của chúng, chúng ta còn quý trọng chúng vì chính bản thân chúng, và nhất là giác quan thị giác. Không chỉ với mục đích hành động, mà ngay cả khi không có hành động nào được dự tính, nói chung, chúng ta thường ưu tiên thị giác hơn tất cả các giác quan khác. Lý do là trong số các giác quan, thị giác giúp chúng ta nhận biết sự vật một cách tốt nhất, và phân biệt được nhiều sự khác nhau. Thế thì, các loài động vật, theo lẽ tự nhiên, được sinh ra đã có sẵn năng lực cảm giác, và từ năng lực này một số loài có được quan năng ghi nhớ, trong khi những loài khác thì không. [980b] [21] Do đó, những loài trước [có trí nhớ] thông minh hơn và có khả năng học hỏi tốt hơn những loài không thể nhớ. Những loài không thể nghe âm thanh (như ong và các loài tương tự) thì thông minh, nhưng không thể học hỏi; chỉ những loài vừa có giác quan này [thính giác] vừa có quan năng ghi nhớ thì mới có thể học hỏi được. Vì thế, các loài vật khác sống bằng những ấn tượng (phantasiais) và trí nhớ (mnēmais), và chỉ có một phần nhỏ kinh nghiệm; nhưng loài người không chỉ thế mà còn sống bằng cả nghệ thuật hay kĩ năng (technē) và suy luận logic (logismois) nữa. Chính từ trí nhớ mà con người có được kinh nghiệm, bởi lẽ việc ghi nhớ nhiều lần về cùng một sự vật cuối cùng cũng tạo ra hiệu quả là một kinh nghiệm đơn nhất.
Aristotle. Aristotle in 23 Volumes, Vols.17, 18, translated by Hugh Tredennick. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1933, 1989. | Bản dịch tiếng Việt: Đinh Hồng Phúc.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC