Siêu hình học

Sự ưu tiên hữu thể học của câu hỏi về Tồn tại

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

 

SỰ ƯU TIÊN HỮU THỂ HỌC CỦA CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI

 

MARTIN HEIDEGGER (1889-1976)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Martin Heidegger. Vật, Xây Ở Suy tư, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Tồn tại và thời gian (dẫn nhập). Bùi Văn Nam Sơn tuyển dịch và chú giải. Nxb. Hồng Đức & Trustbooks. | Phiên bản điện tử trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

 

21

Đặc điểm của câu hỏi về Tồn tại, dưới sự hướng dẫn của cấu trúc hình thức của câu hỏi, đã cho thấy rõ rằng câu hỏi này là câu hỏi đặc biệt, vì để triển khai và thậm chí để giải quyết nó lại cần đến một loạt những xem xét cơ bản. Nhưng, chỗ đặc sắc của câu hỏi về Tồn tại chỉ hoàn toàn sáng tỏ, khi ta vạch rõ được chức năng, ý đồ và động cơ của nó. 

22

Cho tới nay, động lực cho sự cần thiết phải khôi phục lại câu hỏi bắt nguồn từ sự khả kính của nguyên lai của nó, nhưng trước hết là từ việc thiếu một câu trả lời dứt khoát, thậm chí thiếu một cách đặt câu hỏi thích đáng. Nhưng, ai cũng có thể muốn biết đặt câu hỏi này để làm gì. Phải chăng nó vẫn hay chỉ là công việc tư biện vu vơ về những cái phổ quát chung chung nhất - hay chính nó là câu hỏi vừa có tính nguyên tắc nhất, vừa cụ thể nhất?

23

Tồn tại thì bao giờ cũng là Tồn tại của cái tồn tại. Toàn bộ những cái tồn tại, xét về nhiều địa hạt khác nhau, trở thành miếng đất cho việc phơi bày và xác định ranh giới của những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Những địa hạt này, chẳng hạn, lịch sử, tự nhiên, không gian, sự sống, Dasein, ngôn ngữ và v.v. được chủ đề hóa thành những công trình nghiên cứu khoa học tương ứng với những đối tượng ấy. Nghiên cứu khoa học vạch ranh giới và xác định sơ bộ những lĩnh vực nhận thức một cách hồn nhiên và thô thiển. Việc khai triển lĩnh vực trong những cấu trúc cơ bản của nó đã được thực hiện một cách nào đó bởi kinh nghiệm tiền-khoa học và sự lý giải lĩnh vực tồn tại, trong đó bản thân lĩnh vực chuyên môn đã bị giới hạn. Những “khái niệm nền tảng” được hình thành theo cách ấy thoạt đầu vẫn là những manh mối cho việc khám phá cụ thể về lĩnh vực ấy. Bất kể sức nặng của việc nghiên cứu có nằm trong việc xác lập những khái niệm như thế hay không, thì sự tiến bộ thực sự không phải ở trong việc thu thập những kết quả và lưu trữ chúng trong những “sách giáo khoa” cho bằng từ những kiến thức được tăng trưởng đơn thuần mang tính phản ứng như thế, được thúc đẩy để đặt ra những câu hỏi về cấu trúc nền tảng hay về căn tính của mỗi lĩnh vực.

24

 Sự “vận động” đích thực của các ngành khoa học diễn ra trong việc xét lại những khái niệm cơ bản này, một sự xét lại ít hay nhiều triệt để và trong suốt đối với chính mình. Trình độ phát triển của một bộ môn khoa học được xác định bởi năng lực chịu được sự khủng hoảng của những khái niệm cơ bản của nó đến đâu. Trong những sự khủng hoảng nội tại ấy của các ngành khoa học thì mối quan hệ giữa việc tra hỏi tích cực và bản thân lĩnh vực được tra hỏi trải qua sự chao đảo. Ngày nay, trong nhiều bộ môn khoa học khác nhau, xu hướng ngày càng mạnh mẽ là phải đặt lại công việc nghiên cứu trên những cơ sở mới mẻ.

25

Toán học, môn khoa học có vẻ nghiêm ngặt nhất và vững chắc nhất, đang rơi vào “cuộc khủng hoảng nền tảng”. Sự tranh cãi giữa thuyết hình thức và thuyết trực quan tập trung vào việc sở đắc và bảo đảm cách tiếp cận sơ thủy vào những gì được xem là đối tượng thực sự của môn học này. Trong vật lý học, thuyết tương đối đẩy mạnh xu hướng mô tả mối quan hệ nội tại của bản thân giới tự nhiên, đúng như trong “tự thân” nó. Với tư cách là lý thuyết về những điều kiện tiếp cận với bản thân giới tự nhiên, vật lý học ra sức bảo tồn sự bất biến của những quy luật của sự vận động bằng cách xác định mọi sự tương đối, và qua đó, tự đặt mình trước câu hỏi về cấu trúc của lĩnh vực chuyên môn vốn đã mang lại từ trước cho nó, đó là vấn đề về vật chất. Trong môn sinh học trỗi dậy xu hướng tra hỏi trở lại những định nghĩa của thuyết cơ giới và thuyết sức sống về sinh thể hữu cơ và sự sống, và xác định một cách mới mẻ phương cách tồn tại của sinh vật xét như là sinh vật. Trong các ngành lịch sử và nhân văn, ta thấy có sự tăng cường xu hướng muốn vươn tới bản thân hiện thực lịch sử thông qua truyền thống và sự trình bày về truyền thống: lịch sử văn học phải trở thành lịch sử phê phán. Thần học đi tìm một sự lý giải căn nguyên hơn về Tồn tại của con người hướng đến Thượng đế, xuất phát từ ý nghĩa của bản thân đức tin và ở bên trong đức tin. Thần học bắt đầu dần dần hiểu trở lại thức nhận của Martin Luther, rằng hệ tín điều của thần học dựa trên một “cơ sở” không nảy sinh từ việc tra hỏi, trong đó đức tin giữ vị trí hàng đầu, và bộ máy khái niệm của thần học không chỉ bất túc trước hành loạt vấn đề trong thần học mà trái lại, còn che khuất và xuyên tạc chúng.

26

 Những khái niệm nền tảng là những qui định giúp ta thấu hiểu từ trước lĩnh vực nhận thức chuyên môn - làm nền cho mọi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học - và dẫn đạo cho mọi nghiên cứu thực chứng. Chỉ sau khi bản thân lĩnh vực đã được khám phá từ trước theo một cách thức phù hợp, thì những khái niệm này mới được chứng minh và “đặt cơ sở”. Nhưng vì lẽ từng mỗi lĩnh vực này đều nảy sinh từ lĩnh vực của bản thân những cái tồn tại, nên chính sự nghiên cứu sơ bộ đã tạo nên những khái niệm nền tảng không gì khác hơn là lý giải những cái tồn tại này dựa trên “cấu tạo nên tảng”(a) của Tồn tại của chúng. Loại nghiên cứu [hữu thể học] này phải đi trước các khoa học thực chứng; và quả thật nó có thể làm điều ấy. Công trình của Plato và Aristotle là minh chứng cho điều này. Việc đặt nền tảng như thế cho các ngành khoa học là khác cơ bản với thứ “lôgíc” chỉ chạy theo sau, nghiên cứu ngẫu nhiên về cương vị của một ngành khoa học dựa vào “phương pháp” của nó. Trái lại, như đã nói, đặt nền tảng phải là một lôgíc học năng sản(b), theo nghĩa là nó phải đi trước, hay có thể nói, phải nhảy vào một lĩnh vực Tồn tại, lần đầu tiên khám phá cấu tạo nền tảng của nó, để sau đó mới có thể cung cấp những sự dẫn đạo thật minh bạch cho các ngành khoa học thực chứng. Lấy một ví dụ: ý nghĩa hàng đầu về triết học không phải là một lý thuyết về xây dựng khái niệm cho môn sử học hay sử ký(c), cũng không phải là lý thuyết về nhận thức sử học, lại càng không phải là lý thuyết lịch sử như là đối tượng của môn sử học, trái lại, ý nghĩa hàng đầu là sự diễn giải những thực thể lịch sử một cách đích thực về Sử tính(d) của chúng. Tương tự như thế, thành quả tích cực của Phê phán lý tính thuần túy của Kant là ở chỗ đóng góp cho việc tìm ra những gì thuộc về Tự nhiên nói chung, chứ không phải cho một “lý thuyết” về nhận thức. Lôgíc học siêu nghiệm của Kant là một lôgíc học tiên nghiệm cho chủ đề thuộc lĩnh vực Tồn tại gọi là Tự nhiên.

27

Nhưng bản thân một sự tra hỏi như thế - tức nghiên cứu Hữu thể học theo nghĩa rộng nhất, chứ không dựa vào những trào lưu và khuynh hướng hữu thể học nào đó – lại cần đến một manh mối. Nghiên cứu hữu thể học đành là căn nguyên hơn so với nghiên cứu vật thể học(a) của các ngành khoa học thực chúng. Tuy nhiên, nó vẫn cứ ngây thơ và mơ hồ, nếu trong khi tìm hiểu Tồn tại của những cái tồn tại, nó lại không bàn về ý nghĩa của Tồn tại nói chung. Và chính nhiệm vụ xây dựng một môn phả hệ học(b) không mang tính diễn dịch về những phương cách khả hữu khác nhau của Tồn tại lại đòi hỏi ta trước hết phải hiểu “ta thật sự muốn nói gì với từ Tồn tại”.

28

Vì thế, câu hỏi về Tồn tại nhắm đến việc làm rõ những điều kiện tiên nghiệm không chỉ cho khả thể của các ngành khoa học nghiên cứu những cái tồn tại thuộc loại này hoặc loại kia, và, khi làm như thế, ắt đã có một sự hiểu biết về Tồn tại, mà còn làm rõ điều kiện khả thể của bản thân những môn hữu thể học đi trước những môn khoa học vật thể học này và cung cấp nền tảng cho chúng. Về cơ bản, mọi nền hữu thể học, dù sở hữu một hệ thống các phạm trù phong phú và vững chắc đến mấy, vẫn cứ mù quáng và đi ngược lại mục đích của mình, nếu không trước hết làm rõ một cách thỏa đáng ý nghĩa của Tồn tại, và không hiểu việc làm rõ này là trách vụ nền tảng của mình.

29

Nghiên cứu hữu thể học đúng nghĩa phải dành cho câu hỏi về Tồn tại tính ưu tiên hữu thể họcvượt ra khỏi việc đơn thuần tiếp thu trở lại truyền thống đáng kính trọng, và cứ khuyến khích cách đặt vấn đề vẫn còn từ mù như trước nay. Nhưng, sự ưu tiên thật sự khoa học như thế không phải là sự ưu tiên duy nhất.

 



(a) Grundverfassung/basic constitution; (b) produktive Logik; (c) Historie/historiology; (d) Geschichtlichkeit/historicality.

(a) ontisch/ontical/ontic; (b) Genealogie/genealogy.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt