Siêu hình học

Dàn bài của khảo luận

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

CHƯƠNG 2

NHIỆM VỤ KÉP TRONG VIỆC TRIỂN KHAI CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DÀN BÀI NGHIÊN CỨU

-------- o0o -------

 

§ 8

Dàn bài của Khảo luận

 

116

Câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại là câu hỏi phổ quát nhất và trống rỗng nhất. Nhưng, đồng thời trong ấy chứa đựng khả thể của một sự cá thể hóa hay cá nhân hóa sắc bén nhất đối với từng mỗi Dasein. Việc thu hoạch khái niệm nền tảng là sự “Tồn tại” và việc quy định hệ khái niệm cần thiết về mặt hữu thể học cùng với những biến thể tất yếu của nó đòi hỏi phải có một manh mối hướng dẫn cụ thể. Tính “đặc biệt” của việc nghiên cứu không đi ngược lại tính phổ quát của khái niệm “Tồn tại”. Vì ta có thể tiến tới Tồn tại bằng cách diễn giải một cái tồn tại nhất định, đó là diễn giải về Dasein, trong đó sẽ mở ra chân trời cho việc thấu hiểu và có thể lý giải về Tồn tại [nói chung]. Nhưng, bản thân cái tồn tại này [Dasein] là mang “Sử tính” (“geschichtlich”), khiến cho việc soi sáng riêng biệt nhất một cách hữu thể học về cái tồn tại này nhất thiết phải trở thành một sự diễn giải mang tính “lịch sử” (“historische”).

117

Việc triển khai câu hỏi về Tồn tại gắn liền hai nhiệm vụ lại với nhau, tương ứng với việc chia khảo luận thành hai phần:

Phần thứ nhất: Diễn giải Dasein dựa theo thời tính (Zeitlichkeit) và giải thích Thời gian như là chân trời siêu nghiệm cho câu hỏi về Tồn tại.

Phần thứ hai: Đại cương về một cuộc “tháo dỡ” hiện tượng học đối với lịch sử của hữu thể học dựa vào manh mối hướng dẫn của hệ vấn đề về Thời gian tính (Temporalität).

Phần thứ nhất sẽ chia làm ba Mục:

1. Phân tích nền tảng mang tính dự bị về Dasein;

2. Dasein và thời tính;

3. Thời gian và Tồn tại

Phần thứ hai cũng chia thành ba Mục:

1. Học thuyết của Kant về thuyết niệm thức và về Thời gian như là cấp độ đầu tiên cho hệ vấn đề về Thời gian tính

2. Nền tảng hữu thể học của cái “cogito sum” của Descartes và việc tiếp thu hữu thể học trung đại vào trong hệ vấn đề của cái “res cogitans”;

3. Khảo luận của Aristotle về Thời gian như là cách thức phân biệt cơ sở mang tính hiện tượng và những ranh giới của hữu thể học cổ đại.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt