Siêu hình học

Sự ưu tiên vật thể học của câu hỏi về Tồn tại

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

§ 4

SỰ ƯU TIÊN VẬT THỂ HỌC CỦA CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI

 

MARTIN HEIDEGGER (1889-1976)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Martin Heidegger. Vật, Xây Ở Suy tư, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Tồn tại và thời gian (dẫn nhập). Bùi Văn Nam Sơn tuyển dịch và chú giải. Nxb. Hồng Đức & Trustbooks. | Phiên bản điện tử trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

30

Ta có thể định nghĩa khoa học nói chung là toàn bộ mối quan hệ có cơ sở của những mệnh đề đúng. Định nghĩa này vừa không hoàn chỉnh, vừa không chạm đến được ý nghĩa của khoa học. Là cách hành xử của con người, các khoa học là loại Tồn tại của cái tồn tại này (con người). Về thuật ngữ, ta gọi cái tồn tại này là Dasein. Nhưng nghiên cứu khoa học không phải là loại tồn tại duy nhất và gần gũi nhất có thể có của Dasein. Hơn nữa, bản thân Dasein có chỗ đặc sắc so với mọi cái tồn tại khác. Trước mắt, cần tạm thời làm cho chỗ đặc sắc này trở nên khả kiến.

31

Dasein là một cái tồn tại không chỉ có-đó trong số muôn vàn những cái tồn tại khác. Đúng hơn, về mặt vật thể học, nó đặc sắc ở chỗ nó quan tâm đến bản thân sự Tồn tại này trong sự tồn tại của mình. Trong sự tồn tại của mình, Dasein có mối quan hệ với Tồn tại là điều thuộc về cấu tạo nền tảng trong Tồn tại của Dasein. Và điều này lại nói lên rằng: Dasein thấu hiểu chính mình bằng cách nào đó và một cách minh nhiên trong chừng mực nào đó trong sự Tồn tại của mình. Đặc điểm riêng có của Dasein là cùng với và thông qua Tồn tại của mình, Tồn tại này được khám phá ra cho chính DaseinBản thân việc thấu hiểu Tồn tại là một tính quy định hay đặc điểm của DaseinChỗ đặc sắc về vật thể học của Dasein là ở chỗ nó tồn tại [một cách] hữu thể học.

32

Tồn-tại-[một cách] hữu-thể-học ở đây chưa nói lên việc: xây dựng và phát triển nền hữu thể học. Vì thế, nếu ta muốn dành riêng danh hiệu “Hữu thể học” cho sự tra hỏi minh nhiên một cách lý thuyết về Tồn tại của cái tồn tại, thì “Tồn-tại [một cách]hữu-thể-học vừa nói của Dasein có thể gọi là tiền-hữu thể học. Song, điều này không có nghĩa là tồn-tại-vật-thể-học một cách đơn giản, mà là tồn tại trong phương thức của một sự thấu hiểu về Tồn tại.

33

Ta gọi bản thân sự Tồn tại mà Dasein có thể hành xử với nó và lúc nào cũng hành xử một cách nào đó là sự Hiện hữu (Existenz/Existence). Và vì lẽ quy định bản chất của Dasein không thể tiến hành bằng cách liệt kê cái Là-gì của một đối tượng, trái lại ở chỗ mỗi Dasein phải tồn tại chính sự Tồn tại của riêng mình, nên danh hiệu “Dasein” được lựa chọn cho cái tồn tại này, một thuật ngữ thuần túy biểu thị sự Tồn tại của Dasein

34

Dasein luôn thấu hiểu chính mình từ sự hiện hữu của mình, nói lên khả thể của chính mình:  chính mình hoặc không là chính mình. Dasein hoặc tự mình lựa chọn những khả thể này, hoặc để mình bị rơi vào đó hoặc đã từng lớn lên từ đó. Nắm lấy hoặc bỏ lỡ sự hiện hữu là tùy bản thân mỗi Daseinquyết định lấy. Câu hỏi về sự hiện hữu chỉ sáng tỏ thông qua bản thân việc hiện hữu. Việc thấu hiểu chính mình theo cách này được gọi là việc thấu hiểu một cách “hiện sinhCâu hỏi về sự hiện hữu là “công việc” vật thể học của Dasein. Nó không cần đến sự thông suốt lý thuyết về cấu trúc hữu thể học của sự hiện hữu. Câu hỏi về cấu trúc này nhắm đến việc tháo rời hay phân tích những gì cấu tạo nên sự hiện hữu. Ta gọi mối quan hệ của những cấu trúc này là tính phổ sinh (Existenzialität/ “existentiality”). Phân tích pháp về nó không mang tính cách của việc thấu hiểu một cách hiện sinh, mà một cách phổ sinh. Trách vụ của phân tích pháp phổ sinh về Dasein - xét về khả thể lẫn sự tất yếu - được vạch ra từ trước trong cấu tạo vật thể học của Dasein.

35

Trong chừng mực sự hiện hữu là tính cách quy định của Dasein, thì phân tích pháp hữu thể học về Dasein luôn đòi hỏi rằng tính phổ sinh cần được xem xét trước đã. Ta hiểu “tính phổ sinh” là cấu tạo Tồn tại của những cái tồn tại đang hiện hữu [tức Dasein]. Nhưng trong ý niệm về một sự cấu tạo như thế của Tồn tại đã bao hàm ý niệm về Tồn tại nói chung. Cho nên, ngay cả khả thể của việc thực hiện phân tích pháp về Dasein cũng gắn liền với việc làm rõ từ trước câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại nói chung.

36

Các ngành khoa học là cách thức Tồn tại, trong đó Dasein hành xử với những cái tồn tại không nhất thiết phải là bản thân mình. Nhưng điều sau đây thuộc về bản chất của Dasein: đó là, tồn tại trongthế giới. Do đó, việc Dasein hiểu về Tồn tại cũng sơ thủy như việc hiểu về “thế giới” và về Tồn tại của những gì có thể tiếp cận được ở bên trong thế giới. Như thế, mỗi khi các nền hữu thể học lấy những cái tồn tại không phải là Dasein làm chủ đề nghiên cứu, chúng đều có cơ sở và động lực trong cấu trúc vật thể học của chính Dasein, trong đó vốn bao hàm đặc điểm của việc thấu hiểu tiền-hữu thể học về Tồn tại.

37

Vì lý do đó, Hữu thể học nền tảng (Fundamentalontologie/fundamental ontology) - từ đó mọi nền hữu thể học khác mới có thể bắt nguồn - phải được tìm thấy ở trong phân tích pháp về Dasein.

38

Theo đó, Dasein có một sự ưu tiên nhiều mặt hơn những cái tồn tại khác. Ưu tiên thứ nhất mang tính vật thể họcDasein được xác định trong Tồn tại của nó bằng sự hiện hữu. Ưu tiên thứ hai mang tính bản thể học: Dasein tồn tại [một cách] hữu thể học nơi chính mình do sự quy định của nó là sự hiện hữu. Nhưng thuộc về Dasein một cách đồng căn nguyên – xét như bộ phận cấu thành của việc hiểu về sự hiên hữu – còn có điều này nữa: thấu hiểu sự Tồn tại của mọi cái tồn tại không mang tính cách của Dasein. Vì thế, Dasein có thêm sự ưu tiên thứ ba như là điều kiện khả thể vật thể học lẫn hữu thể học cho mọi nền hữu thể học khác. Như vậy, hơn hẳn mọi cái tồn tại khác, Dasein chứng tỏ là nơi cần được tra hỏi đầu tiên về mặt hữu thể học.

39

Nhưng những gốc rễ của phân tích pháp phổ sinh, về phần mình, kỳ cùng là có tính hiện sinh, tức là, vật thể học. Chỉ khi bản thân việc tra hỏi mang tính tìm tòi triết học được nắm bắt một cách hiện sinh như là khả thể Tồn tại của từng mỗi Dasein đang hiện hữu, thì mới có được khả thể cho một sự khám phá tính phổ sinh của hiện hữu, và, qua đó, khả thể của việc tiến hành hệ vấn đề hữu thể học một cách đầy đủ cơ sở. Song, với điều này, sự ưu tiên vật thể học của câu hỏi về Tồn tại đã trở nên rõ ràng.

40

Sự ưu tiên vật thể học-hữu thể học của Dasein đã được nhìn thấy từ rất sớm, tuy bản thân Daseinchưa đi đến chỗ được nắm bắt trong cấu trúc hữu thể học của nó hay thậm chí chưa trở thành vấn đề được nhắm đến. Aristotle nói: hê psychê ta onta pôs estin (HL: “Linh hồn (của con người) cũng là cái tồn tại theo cách nào đó”). “Linh hồn”, cái tạo nên Tồn tại của con người, trong những cách tồn tại của nó - đó là aisthesis [cảm quan] và noesis [tư duy] - khám phá mọi cái tồn tại về phương diện chúng tồn tại và tồn tại như thế nào, nghĩa là, đều khám phá trong sự Tồn tại của chúng. Thomas Aquinas đã bàn về câu nói này theo cách riêng của mình, bằng cách quay trở lại với luận điểm hữu thể học của Parmenides. Trong trách vụ rút ra những “Siêu nghiệm thể” (“Transzendentien”/”transcendentals”), tức những tính cách của sự tồn tại nằm bên ngoài và bên trên bất kỳ tính quy định mang tính giống-loài nào của của sự vật, hay bất kỳ modus specialis entis nào vốn tất yếu thuộc về sự vật xét như “cái gì đó”, Thomas thấy rằng cái verum [cái “Chân”] cũng được chứng minh là một “Siêu nghiệm thể” như thế. Sở dĩ như vậy là nhờ ông đã viện đến một cái tồn tại - tương ứng với loại tồn tại của mình - đặc biệt thích hợp để “đi cùng” với bất kỳ cái tồn tại nào khác. Cái tồn tại đặc sắc này, cái ens quod natum est convenire cum omni ente (Lat: “Cái tồn tại mà bản tính của nó là phải gặp gỡ mọi cái tồn tại khác”), chính là linh hồn (anima). Sự ưu tiên xuất hiện ở đây dành cho “Dasein” trước mọi cái tồn tại khác, tuy chưa được làm rõ về mặt hữu thể học, rõ ràng không có gì chung với một sự “chủ quan hóa” xoàng xỉnh đối với toàn bộ những cái tồn tại.

41

Việc chứng minh sự đặc sắc vật thể học-hữu thể học của câu hỏi về Tồn tại đặt cơ sở trên việc sơ bộ cho thấy sự ưu tiên vật thể hoc-hữu thể học của Dasein. Nhưng, như đã thấy, phân tích về cấu trúc của câu hỏi về Tồn tại nói chung (xem § 2) đã chạm đến chức năng đặc sắc của cái tồn tại này [Dasein] ngay bên trong bản thân cách đặt vấn đề. Dasein đã tự cho thấy mình là cái tồn tại cần phải được làm rõ đầy đủ từ trước về mặt hữu thể học, nếu muốn cho việc tra hỏi [về Tồn tại] được sáng tỏ. Và bây giờ đã rõ ràng rằng phân tích pháp hữu thể học về Dasein nói chung sẽ tạo nên môn Hữu thể học nền tảng, rằng Dasein, do đó, giữ chức năng là cái tồn tại như là nơi cần được hỏi đến trước tiên và một cách cơ bản về sự Tồn tại của mình.

42

Nếu trách vụ của ta là diễn giải ý nghĩa của Tồn tại, thì Dasein không chỉ là cái tồn tại như là nơi cần được hỏi đến trước tiên; mà thêm vào đó, nó cũng là cái tồn tại - trong sự Tồn tại của mình - vốn luôn quan hệ mật thiết với điều cần được tìm ra ở trong câu hỏi. Bấy giờ, câu hỏi về Tồn tại không gì khác hơn là việc triệt để hóa một khuynh hướng thuộc bản chất của bản thân Dasein, đó là việc thấu hiểu Tồn tại một cách tiền-hữu thể học. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt