Siêu hình học

Aristotle. Siêu hình học, Quyển 1, [981a]

 

ARISTOTLE

SIÊU HÌNH HỌC

QUYỂN 1

 

[981a] [1] Kinh nghiệm có vẻ rất giống với khoa học và nghệ thuật, nhưng thực ra chính thông qua kinh nghiệm mà con người mới có được khoa học và nghệ thuật; như Polus đã nói đúng, "kinh nghiệm tạo ra nghệ thuật, nhưng thiếu kinh nghiệm thì chỉ có may rủi."[1] Nghệ thuật được tạo ra khi từ nhiều ý niệm có được từ kinh nghiệm, một phán đoán phổ quát duy nhất về [tập hợp] các đối tượng tương tự được hình thành. Việc đưa ra nhận định rằng khi Callias bị bệnh này hay bệnh kia thì điều này hay điều kia có lợi cho anh ta, và tương tự với Socrates và nhiều cá nhân khác, là vấn đề của kinh nghiệm; nhưng phán đoán rằng nó có lợi cho tất cả những người thuộc một loại nhất định, được xem như là một lớp, những người mắc bệnh này hay bệnh kia (ví dụ như người có đờm hoặc mật vàng khi bị sốt cao) là vấn đề của nghệ thuật/kỹ năng.

Có vẻ như đối với mục đích thực hành, kinh nghiệm không hề kém cạnh so với nghệ thuật/kỹ năng; thực tế chúng ta thấy những người giàu kinh nghiệm thành công hơn những người chỉ có lý thuyết mà không có kinh nghiệm. Lý do của điều này là kinh nghiệm là sự hiểu biết về những cái riêng lẻ, trong khi nghệ thuật/kỹ năng là về những cái phổ quát; mà hành động và hiệu quả tạo ra đều liên quan đến cái cụ thể. Vì thầy thuốc không chữa bệnh cho con người nói chung, ngoại trừ tình cờ, mà chữa cho Callias hay Socrates hay một người nào đó khác có cái tên tương tự, và việc người đó thuộc loài người chỉ mang tính ngẫu nhiên. [20]  Vì vậy, nếu một người có lý thuyết mà không có kinh nghiệm, và biết cái phổ quát, nhưng không biết cái cụ thể chứa trong nó, anh ta sẽ thường thất bại trong việc điều trị; vì cái cần được điều trị là cái cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta xét thấy rằng tri thức và sự thành thạo thuộc về kỹ năng hơn là kinh nghiệm, và chúng ta giả định rằng những người có kỹ năng khôn ngoan hơn những người chỉ có kinh nghiệm đơn thuần (điều này ngụ ý rằng trong mọi trường hợp, sự khôn ngoan phụ thuộc vào tri thức hơn là kinh nghiệm); và đây là vì những người trước biết nguyên nhân, còn những người sau thì không. Vì những người có kinh nghiệm biết sự kiện, nhưng không biết tại sao; còn người có kỹ năng biết tại sao và nguyên nhân. Vì cùng lý do đó, chúng ta xét thấy rằng những thợ bậc thầy trong mọi nghề nghiệp đều đáng kính trọng hơn, hiểu biết hơn và khôn ngoan hơn so với những người thợ thủ công bình thường,


[1] Plat. Gorgias 448c, Plat. Gorg. 462b-c.

 


Aristotle. Aristotle in 23 Volumes, Vols.17, 18, translated by Hugh Tredennick. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1933, 1989. | Bản dịch tiếng Việt: Đinh Hồng Phúc


[980a-b]
tiếp [981b]

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Tran Phat - 00:31 14/08/2024
Mình nghĩ cần làm rõ sự khác biệt giữa “phổ quát” và “cụ thể” , “phổ quát” thì mình hiểu được nhưng thế nào la “cụ thể”, ta định nghĩa “cụ thể” là gì.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt