Siêu hình học

Phân tích pháp về Dasein mở ra chân trời cho một sự diễn giải về ý nghĩa của Tồn tại nói chung

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

CHƯƠNG 2

NHIỆM VỤ KÉP TRONG VIỆC TRIỂN KHAI CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DÀN BÀI NGHIÊN CỨU

 

§ 5

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ DASEIN MỞ RA CHÂN TRỜI CHO

MỘT SỰ DIỄN GIẢI VỀ Ý NGHĨA CỦA TỒN TẠI NÓI CHUNG

 

MARTIN HEIDEGGER (1889-1976)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Martin Heidegger. Vật, Xây Ở Suy tư, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Tồn tại và thời gian (dẫn nhập). Bùi Văn Nam Sơn tuyển dịch và chú giải. Nxb. Hồng Đức & Trustbooks. | Phiên bản điện tử trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

43

Khi nêu những nhiệm vụ “đặt ra” trong câu hỏi về Tồn tại, ta đã thấy rằng việc này không chỉ cần đến việc xác định cái tồn tại nào giữ chức năng như là nơi câu hỏi được đặt ra trước tiên, mà còn đòi hỏi phải chiếm lĩnh và bảo đảm vững chắc cách tiếp cận cái tồn tại này. Ta đã bàn về cái tồn tại nào giữ vai trò ưu tiên và đặc sắc ấy trong câu hỏi về Tồn tại [Chương 1]. Vậy, bây giờ, làm thế nào để tiếp cận cái tồn tại này – tức Dasein -, hay có thể nói, làm sao gặp gỡ Dasein trong một sự diễn giải thật sự thấu hiểu?

44

Tính ưu tiên vật thể học-hữu thể học của Dasein như đã được chứng minh dễ dẫn đến sự ngộ nhận rằng tính vật thể học-hữu thể học này là đã được mang lại cho cái tồn tại này ngay từ đầu, không chỉ theo nghĩa là có thể nắm bắt bản thân Dasein một cách “trực tiếp” mà còn theo nghĩa việc được mang lại ngay từ đầu này của loại tồn tại của nó cũng chỉ là cái gì đó “trực tiếp”. Hẳn nhiên, về mặt vật thể học, Dasein không chỉ là gần gũi hay thậm chí là gần gũi nhất [với ta, vì] đó chính  bản thân ta. Dù thế hay cũng chính vì thế mà Dasein là cái gì xa xôi nhất về mặt hữu thể học. Bản chất của Tồn tại của Dasein là hiểu về Tồn tại này, và trong mọi trường hợp, giữ vững việc hiểu ấy theo cách nào đó. Nhưng điều này tuyệt nhiên không nói lên rằng khi Tồn tại của Dasein được diễn giải một cách tiền-hữu thể học và gần gũi nhất về chính mình như thế lại có thể được xem như là manh mối thích hợp, làm như thể cách hiểu này về Tồn tại là cái gì phải nảy sinh khi ta xét đến cấu tạo riêng biệt nhất của Tồn tại như một chủ đề hữu thể học. Đúng hơn, tương ứng với loại Tồn tại của chính mình, Dasein có khuynh hướng thấu hiểu Tồn tại của chính mình từ cái tồn tại mà Dasein thoạt đầu và thường xuyên hành xử với nó, tức, từ “thế giới”. Trong bản thân Dasein, và vì thế, trong chính sự thấu hiểu của mình về Tồn tại, như ta sẽ thấy, cách thức thế giới được thấu hiểu sẽ soi chiếu trở lại việc diễn giải hữu thể học về Dasein.

45

Cho nên, sự ưu tiên vật thể học-hữu thể học của Dasein chính là lý do tại sao cấu tạo riêng biệt của Tồn tại của Dasein - hiểu theo nghĩa cấu trúc “phạm trù” thuộc về nó - lại vẫn bị che khuất. Dasein là “gần gũi nhất” với chính mình về mặt vật thể học, nhưng lại là xa xôi nhất về mặt hữu thể học, nhưng về mặt tiền-hữu thể học thì lại không xa lạ.

46

Trước mắt chỉ lưu ý rằng một sự diễn giải về cái tồn tại này [Dasein] gặp rất nhiều khó khăn, bắt nguồn từ kiểu Tồn tại của đối tượng được lập thành chủ đề, lẫn từ bản thân cách lập chủ đề. Song, khó khăn không đến từ khiếm khuyết của năng lực nhận thức của ta hay từ việc thiếu một hệ khái niệm thích hợp, điều có vẻ không khó để khắc phục.

47

Nhưng vì Dasein không chỉ hiểu Tồn tại, mà việc hiểu ấy còn tăng trưởng hoặc suy tàn cùng với từng mỗi loại tồn tại của bản thân Daseinnên Dasein có rất nhiều cách lý giải[1] phong phú về mình. Tâm lý học triết học, nhân học, đạo đức học, “chính trị học”, thi ca, tiểu sử và sử học theo đuổi bằng nhiều cách khác nhau và trong các chừng mực khác nhau về hành vi, các quan năng, các năng lực, các khả thể và vận mệnh của Dasein. Nhưng câu hỏi vẫn là: liệu những sự lý giải này có được thực hiện một cách căn nguyên theo nghĩa phổ sinh hay không, giống như chúng đều mang tính căn nguyên theo nghĩa hiện sinh. Cả hai không nhất thiết phải đi cùng với nhau, nhưng không loại trừ nhau. Việc lý giải hiện sinh có thể đòi hỏi phân tích pháp phổ sinh, với điều kiện nhận thức triết học được hiểu trong tính khả thể và tính tất yếu của nó. Chỉ khi nào những cấu trúc nền tảng của Dasein được khai triển thích đáng, hướng đến bản thân vấn đề Tồn tại, thì thành quả cho đến nay trong việc lý giải về Dasein mới có được sự biện minh về mặt phổ sinh.

48

Do đó, một phân tích pháp về Dasein vẫn phải là công việc đầu tiên trong câu hỏi về Tồn tại. Chỉ bấy giờ, vấn đề thu hoạch và nắm chắc cách tiếp cận dẫn đạo vào Dasein mới thật sự nóng bỏng. Nói theo cách phủ định: không một ý niệm tùy tiện hay võ đoán nào về Tồn tại và thực tại, cho dù có “hiển nhiên” đến đâu, lại được phép gán cho cái tồn tại này [Dasein] một cách tự tạo và giáo điều; không một “phạm trù” nào do một ý niệm như thế định ra được phép áp đặt lên Dasein mà không được xem xét từ trước về mặt hữu thể học. Ngược lại, cách tiếp cận và lý giải phải được lựa chọn thế nào để cái tồn tại này [Dasein] có thể tự phô bày chính mình nơi chính mình và từ chính mình. Có nghĩa rằng Dasein phải được phô bày thoạt đầu và phần lớn trong tính thường nhật trung bình[2] của nó. Trong tính thường nhật này, có một số cấu trúc mà ta sẽ trình bày - không chỉ là những cấu trúc bất tất, ngẫu nhiên, mà là những cấu trúc bản chất giữ vững như là những cấu trúc quy định trong từng loại tồn tại của Dasein kiện tính. Xét cấu tạo nền tảng của tính thường nhật của Dasein, ta sẽ sơ bộ nêu bật được Tồn tại của cái tồn tại này.

49

Một phân tích pháp được tiến hành như thế về Dasein vẫn phải hoàn toàn hướng theo nhiệm vụ dẫn đạo là triển khai câu hỏi về Tồn tại. Qua đó, ta cũng xác định rõ những giới hạn của nó. Nó không thể mang lại một hữu thể học hoàn chỉnh về Dasein, vốn là môn học còn cần phải được xây dựng, nếu ta muốn một môn “nhân học triết học” thật sự có được nền tảng triết học thích đáng. Để một môn nhân học như thế lẫn việc đặt nền tảng hữu thể học cho nó có thể có được, sự diễn giải(b) sau đây chỉ mang lại số “mảng” ít ỏi, tuy không phải là không cơ bản. Phân tích pháp về Dasein không chỉ chưa thể hoàn bị, mà trước mắt còn là tạm thời. Nó chỉ mới nêu bật Tồn tại của cái tồn tại này [Dasein], nhưng chưa diễn giải về ý nghĩa của Tồn tại. Việc phơi bày chân trời cho một sự lý giải căn nguyên nhất về Tồn tại chỉ ở mức dự bị. Một khi điều này đã đạt được, bấy giờ phân tích pháp có tính dự bị này về Dasein sẽ được tái diễn[3] trên một cơ sở cao hơn và mang tính hữu thể học đích thực.

50

Ta sẽ chỉ ra Thời tính[4] là ý nghĩa của Tồn tại của cái tồn tại được ta gọi lả “Dasein”. Việc chứng minh điều này phải được thử thách trong sự diễn giải không ngừng tái diễn về những cấu trúc của Daseinđược chỉ ra một cách tạm thời như là những thể cách (modi) của thời tính. Nhưng với sự lý giải này về Daseinnhư là thời tính, ta vẫn chưa mang lại được câu trả lời cho câu hỏi dẫn đạo về ý nghĩa của Tồn tại nói chung. Song, nó đã dọn sẵn miếng đất cho việc có được câu trả lời này.

51

Ta đã nhắc qua rằng Dasein có một sự Tồn tại tiền-hữu thể học xét như là cấu tạo nền tảng của nó về mặt vật thể học. Dasein “tồn tại” bằng cách thấu hiểu một cái gì đó như là Tồn tại. Ghi nhớ mối quan hệ này, ta sẽ cho thấy rằng mỗi khi Dasein hiểu và lý giải một cách mặc nhiên cái gì đó như là Tồn tại, thì điểm xuất phát của nó chính là Thời gian. Thời gian, vì thế, phải được mang ra ánh sáng và được hiểu một cách đúng đắn như là chân trời cho mọi sự thấu hiểu về Tồn tại và cho bất kỳ sự lý giải nào về Tồn tại. Để làm rõ điều này, cần có một sự giải thích căn nguyên về Thời gian như là chân trời của việc thấu hiểu Tồn tại, dựa vào Thời tính của Dasein như là Tồn tại của Dasein [có đặc tính là] thấu hiểu Tồn tại. Toàn bộ nhiệm vụ này đòi hỏi rằng khái niệm “Thời gian” được hiểu như thế phải được phân biệt với cách hiểu thông thường về thời gian. Cách hiểu thông thường về thời gian đã trở nên rõ ràng trong sự lý giải về thời gian thể hiện trong khái niệm truyền thống về thời gian, kéo dài từ Aristotle cho đến tận Bergson và xa hơn nữa. Qua đó, điều cần phải làm rõ là: khái niệm [truyền thống] về thời gian và cách hiểu thông thường về nó nói chung đều bắt nguồn từ Thời tính. Nhưng cũng qua đó, ta trả lại cho khái niệm thời gian thông thường này quyền hạn độc lập của nó – ngược lại với luận điểm của Bergson rằng thời gian muốn nói ở đây [thực chất] chính là không gian.

52

Từ lâu, “Thời gian” giữ vai trò như là tiêu chuẩn hữu thể học, hay đúng hơn, tiêu chuẩn vật thể học cho sự phân biệt ngây thơ giữa các khu vực khác nhau của những cái tồn tại. Người ta phân biệt tồn tại “mang tính thời gian” (những diễn trình của tự nhiên và những sự biến của lịch sử) với những cái “vô-thời gian” (những quan hệ về không gian và con số). Người ta thường quen tách rời ý nghĩa “vô-thời gian” của những mệnh đề với trình tự “thời gian” của những phát biểu mệnh đề. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một sự “nứt vỡ” giữa cái tồn tại mang tính “thời gian” và cái vĩnh cửu “siêu-thời gian” và tìm cách bắt một nhịp cầu. Ở đây, “mang tính thời gian” có nghĩa đại thể là “ở trong thời gian”, một sự quy định vẫn còn khá mơ hồ: Nhưng sự kiện là: Thời gian, theo nghĩa “ở trong thời gian”, giữ vai trò như là tiêu chuẩn để phân biệt những khu vực tồn tại. Nhưng làm thế nào thời gian lại có được chức năng hữu thể học đặc sắc như thế, và thậm chí, với quyền hạn nào mà thời gian lại giữ được vai trò như là tiêu chuẩn như thế, và liệu trong việc sử dụng thời gian một cách hồn nhiên về mặt hữu thể học này có thể diễn đạt được mối quan hệ hữu thể học đích thực hay không, thì đến nay vẫn không hề được tra hỏi lẫn nghiên cứu. “Thời gian” tồn tại và có được chức năng hữu thể học “đương nhiên” này trong chân trời của cách hiểu thông thường về thời gian hầu như là điều gì “tự nhiên” và vẫn cứ giữ vững chức năng ấy cho đến nay.

53

Ngược lại với tất cả những điều này, nghiên cứu của ta về câu hỏi ý nghĩa của Tồn tại phải cho phép ta chỉ ra rằng hệ vấn đề trung tâm của mọi hữu thể học đều bắt rễ trong hiện tượng “Thời gian”, nếu được nhìn và hiểu một cách đúng đắn, đồng thời cho thấy việc này phải diễn ra như thế nào.

54

Nếu Tồn tại phải được hiểu từ Thời gian, và những thể cách lẫn những cái phái sinh của Tồn tại được làm rõ trong những biến thể và phái sinh của nó đều phải xem xét đến Thời gian, thì tính cách “thời tính” của bản thân Tồn tại – chứ không chỉ của những cái tồn tại “ở trong” thời gian – cũng phải được làm cho khả kiến. Bấy giờ, “thời tính’ không chỉ còn có nghĩa là “ở trong thời gian” nữa. Ngay cả cái “vô-thời gian” và “siêu-thời gian” cũng mang “thời tính” xét về Tồn tại của chúng, không chỉ theo nghĩa là “thiếu” thời tính, tương phản với cái gì “ở trong thời gian”, mà theo nghĩa tích cực, nhưng còn chờ phải được làm rõ. Vì lẽ trong cách dùng từ tiền triết học cũng như trong triết học, thuật ngữ “mang tính thời gian” đã được hiểu theo cách biểu nghĩa đã trình bày ở trên, nên trong nghiên cứu của ta tiếp sau đây sẽ dùng nó theo một ý nghĩa khácTa sẽ gọi tính quy định căn nguyên của Tồn tại [nói chung] cũng như của những tính cách, thể cách của nó dựa vào thời gian là “tính quy định Thời gian”. Vì thế nhiệm vụ hữu thể học nền tảng trong việc diễn giải về Tồn tại nói chung là khai triển “Thời gian tính” [viết hoa. ND] của Tồn tại[5]. Chỉ sau khi trình bày hệ vấn đề về “Thời gian tính”, ta mới có được câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại.

55

Vì Tồn tại chỉ có thể nắm bắt bằng cách xem xét Thời gian, nên câu trả lời cho câu hỏi về Tồn tại không thể nằm trong bất kỳ một mệnh đề bị cô lập và mù quáng nào. Câu trả lời không thể đến từ việc lặp lại những gì đã nêu theo kiểu mệnh đề, nhất là khi nó được truyền thụ lại như một kết quả nổi trôi, khiến ta chỉ đơn thuần lưu ý đến nó như đến một “quan điểm” có thể đi chệch khỏi cách thức mà vấn đề được bàn thảo trước đây. Câu trả lời có “mới mẻ” hay không thật ra chẳng hệ trọng gì và chỉ là bì phu, ngoại tại. Chỗ “tích cực” trong câu trả lời phải nằm ở chỗ nó đủ “cổ xưa” để có thể cho phép ta học hỏi cách thấu hiểu những khả thể mà “người xưa” đã dọn sẵn cho ta. Ý nghĩa thâm sâu nhất của câu trả lời là chỉ dẫn cho ta biết rằng công cuộc nghiên cứu hữu thể học cụ thể phải bắt đầu với nỗ lực tìm tòi bên trong chân trời đã được mở ra; và đó là tất cả những gì mà câu trả lời mang lại cho ta.

56

Nếu câu trả lời cho câu hỏi về Tồn tại trở thành sợi chỉ dẫn đường cho việc nghiên cứu, thì sự chỉ dẫn ấy chỉ trở nên đầy đủ khi từ đó, loại tồn tại riêng biệt của hữu thể học cho tới nay, vận mệnh của việc tra hỏi, tìm kiếm lẫn sự thất bại của nó được thức nhận như là cái gì tất yếu trong chính tính cách của Dasein.

 



[1] Ausgelegheit (Auslegung) / interpretationsphân biệt với Diễn giải Interpretation (M&Robinson)

[2] durchschnittliche Alltӓglichkeit/average everydayness

[3] Wiederholung/repeated/repetition

[4] Zeitlichkeit/ temporality

[5] Temporalität des Seins/ “Temporality” of Being

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt