QUYỂN II CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG CHƯƠNG II NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY
TIẾT 5 CÁCH NHÌN [THEO PHƯƠNG PHÁP] HOÀI NGHI VỀ CÁC VẤN ĐỀ VŨ TRỤ HỌC QUA BỐN Ý NIỆM SIÊU NGHIỆM
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004, tr. 808-815. | Phên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự đồng ý của dịch giả.
Chúng ta sẵn sàng từ bỏ việc yêu cầu giải đáp các vấn đề trên đây theo cách giáo điều, nếu ta hiểu ngay từ đầu rằng, dù trả lời như thế nào, cách giáo điều chỉ làm tăng thêm sự bất tri của ta, dẫn ta từ sự mù mịt tối tăm này đến sự mù mịt tối tăm còn lớn hơn nữa và có lẽ sẽ đẩy ta vào những mâu thuẫn [không thể nào điều giải được]. Nếu đòi ta phải trả lời “có” hoặc “không” [một cách giáo điều] trước những câu hỏi ấy, phải chăng khôn ngoan nhất là ta gạt ra một bên những cơ sở của lý lẽ để trước hết chỉ cân nhắc xem ủng hộ bên nào thì ta được lợi những gì? Và nếu quả thực câu trả lời trong cả hai trường hợp đều đưa lại toàn là những điều trống rỗng về ý nghĩa (vô nghĩa - Nonsens) cả, ta tự thấy mình có nghĩa vụ phải tiến hành một sự nghiên cứu có tính phê phán về bản thân vấn đề nhằm mục đích phát hiện xem phải chăng bản thân nó dựa trên một tiền đề không có cơ sở và chỉ đùa giỡn với một ý niệm mà sự sai lầm của ý niệm này dễ được nhận ra trong sự áp dụng và qua các hậu quả hơn là khi ta chỉ theo dõi nội dung của nó một cách tách rời. Đây là lợi ích rất lớn của phương pháp hoài nghi để xử lý các vấn đề mà lý tính thuần túy đã đưa ra để chống lại chính lý tính thuần túy. | Bằng phương pháp này, ta ít tốn sức mà có thể khắc phục được một sự hỗn loạn rối rắm rất lớn của thuyết giáo điều và mang sự phê phán tỉnh táo vào thế chỗ cho nó, như một sự thanh tẩy (Kathartikon) thực sự nhằm lọc bỏ thành công ảo tưởng điên rồ cùng với các hậu quả của nó về tham vọng cho rằng có thể hiểu biết tất cả. Vậy, nếu ngay từ đầu, tôi đã hiểu bản chất của một Ý niệm vũ trụ học và nhận rõ rằng dù đứng về phía chính đề hay phản đề đối với cái vô-điều kiện, ý niệm sẽ hoặc là quá lớn hoặc là quá nhỏ so với bất kỳ khái niệm nào của giác tính, tôi sẽ có thể biết ngay tại sao Ý niệm khi liên hệ đến một đối tượng của kinh nghiệm - tức phải tương ứng với một khái niệm khả hữu của giác tính - đều nhất thiết là hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa vì không có đối tượng nào của kinh nghiệm tương ứng với nó cả, bất kể tôi muốn làm như thế nào. Đó chính là điều đang xảy ra với tất cả [bốn] khái niệm về thế giới mà vì lý do trên, đã đẩy lý tính - bao lâu còn gắn bó với chúng - vào một nghịch lý không thể tránh được. Vì các bạn hãy thử giả thiết: 1. Thế giới không có khởi đầu,- trong trường hợp này ý niệm là quá lớn đối với khái niệm [của giác tính], vì khái niệm bao gồm sự tổng hợp lùi liên tục, không bao giờ đạt được toàn bộ thời gian vô tận đã trôi qua. Nếu giả thiết thế giới có khởi đầu, nó lại quá nhỏ so với khái niệm của giác tính trong việc quy thoái (Regressus) thường nghiệm tất yếu. Vì, là cái khởi đầu, nó luôn giả định một thời gian có trước đó, vậy chưa phải là vô-điều kiện, và quy luật sử dụng thường nghiệm của giác tính đòi hỏi các bạn phải đặt câu hỏi về một điều kiện thời gian cao hơn nữa, cho nên thế giới như vậy là quá nhỏ so với quy luật này. Đối với hai cách trả lời trái ngược về không gian, tình hình cũng giống như vậy. Vì, nếu không gian là vô tận và vô hạn, nó quá lớn cho bất cứ khái niệm thường nghiệm nào. Nếu nó hữu tận và hữu hạn, các bạn có quyền hỏi: “Cái gì quy định ranh giới này?”. Không gian trống rỗng không phải là cái đối ứng tự tồn của những sự vật và không thể là điều kiện [tối hậu] mà các bạn có thể dừng lại, càng không phải là một điều kiện thường nghiệm tạo nên một bộ phận của kinh nghiệm khả hữu. (Vì ai có thể có một kinh nghiệm về cái trống rỗng tuyệt đối?). Nhưng để có cái toàn thể tuyệt đối của tổng hợp thường nghiệm thì bao giờ cũng đòi hỏi rằng cái vô-điều kiện phải là một khái niệm thường nghiệm. Vậy, một thế giới hữu hạn là quá nhỏ cho khái niệm của các bạn. 2. Nếu mỗi hiện tượng trong không gian (vật chất) bao gồm số lượng vô tận những bộ phận, sự tổng hợp lùi của sự phân chia là quá lớn đối với khái niệm; còn nếu sự phân chia không gian lại dừng lại ở một mắt xích (đơn tố) thì nó lại quá nhỏ cho ý niệm về cái Tuyệt đối. Vì mắt xích này vẫn còn có thể tiếp tục được phân chia nữa thành những bộ phận trong tổng hợp lùi. 3. Giả thiết tất cả những gì xảy ra trong thế giới đều theo những định luật tự nhiên; bản thân tính nhân quả của nguyên nhân cũng lại là một cái gì đã xảy ra, làm cho sự quy thoái của các bạn đến nguyên nhân cao hơn, do đó làm cho sự kéo dài không ngừng nghỉ chuỗi các điều kiện a parte apriori [về mặt tiên nghiệm] trở thành tất yếu. Một tự nhiên tác động đơn thuần như thế là quá lớn cho mọi khái niệm của các bạn trong việc tổng hợp những sự kiện của thế giới. Nhưng, nếu thừa nhận có những sự kiện tự mình tác động, do đó, là sự sản sinh từ [nguyên nhân] Tự do, các bạn vừa giải thích sự vật theo định luật tất yếu của tự nhiên, vừa buộc phải đi ra ngoài định luật nhân quả thường nghiệm, các bạn sẽ thấy cái toàn thể được nối kết trong sự tổng hợp như thế là quá nhỏ cho khái niệm thường nghiệm tất yếu của các bạn. 4. Nếu giả thiết có sự tồn tại của Hữu thể tuyệt đối tất yếu - dù đó là bản thân thế giới, ở bên trong thế giới hay là nguyên nhân tạo ra thế giới-, các bạn phải đặt Hữu thể này trong một thời gian có khoảng cách vô tận với bất cứ thời điểm được cho nào, nếu không nó lại bị phụ thuộc vào một tồn tại khác, tồn tại trước nó, [tức không còn tuyệt đối tất yếu nữa]. Vậy trong trường hợp này, sự tồn tại này là quá lớn và không khái niệm thường nghiệm nào có thể nhận thức và vươn tới được bằng tổng hơp lùi. Còn nếu cho rằng tất cả những gì thuộc về thế giới - dù là cái có điều kiện hay bản thân là điều kiện - đều bất tất, sự tồn tại ấy lại quá nhỏ cho khái niệm. Vì các bạn luôn buộc phải đi tìm một tồn tại khác làm nguyên nhân cho nó. Như thế, trong tất cả các trường hợp trên đây, ta đã cho thấy Ý niệm vũ trụ học hoặc là quá lớn hoặc là quá nhỏ cho sự quy thoái thường nghiệm, tức cho bất kỳ khái niệm khả hữu nào của giác tính. Thế nhưng tại sao ta lại không được phép nói ngược lại rằng: trong trường hợp trước là do khái niệm của giác tính quá nhỏ so với Ý niệm, trong trường hợp sau lại quá lớn, nghĩa là đổ hết tội lỗi cho sự quy thoái thường nghiệm, thay vì tố cáo Ý niệm đã đi chệch khỏi mục tiêu của nó là kinh nghiệm khả hữu, trong việc trở thành quá lớn hoặc quá nhỏ? Lý do là vì: Chỉ có kinh nghiệm khả hữu mới là cái có thể mang lại thực tại khách quan cho những khái niệm của ta. | Nếu không có nó, mọi khái niệm sẽ chỉ là Ý niệm suông không có tính chân lý và không có quan hệ nào với đối tượng. Do đó, khái niệm thường nghiệm khả hữu của giác tính là chuẩn mực để đánh giá Ý niệm, xem nó phải chăng chỉ là Ý niệm suông, và là một vật tư tưởng (Gedankending) [sản phẩm của sự tưởng tượng] hay là có thể tìm gặp được đối tượng [có thực] của nó ở trong thế giới. Vì người ta chỉ nói cái này là “quá lớn” hay “quá nhỏ” cho cái kia khi cái này tồn tại là vì cái kia và lấy cái kia làm chuẩn mực. Trong các trường dạy môn biện chứng pháp ngày xưa* thường lưu truyền câu hỏi vui: nếu viên bi không lọt qua được cái lỗ thì tại viên bi quá lớn hay vì cái lỗ quá nhỏ?. Trong trường hợp đó, trả lời sao cũng được vì ta không biết cái nào tồn tại là để cho cái nào. Trái lại, ta không thể nói: con người quá lớn đối với cái áo, mà phải nói: cái áo quá chật cho con người! Vậy, ta có đủ lý do để ngờ rằng: các Ý niệm vũ trụ học và cùng với chúng là tất cả các khẳng định ngụy biện tương phản trái ngược nhau có lẽ đều đã dựa vào một khái niệm trống rỗng và ảo tưởng về phương cách làm thế nào để đối tượng của Ý niệm được mang lại cho ta và sự nghi ngờ này có thể dẫn ta đi vào đúng dấu vết để phát hiện ra sự lừa đảo đã làm lạc hướng ta lâu nay.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC