Siêu hình học

Suy niệm siêu hình học: Về chân lý và sai lầm

 

NHỮNG SUY NIỆM SIÊU HÌNH HỌC

SUY NIỆM THỨ TƯ

VỀ CHÂN LÝ VÀ SAI LẦM

 

RENÉ DESCARTES (1596-1650)

Đinh Hồng Phúc dịch

 

§ 1

Suốt mấy ngày qua, tôi đã quen với việc dẫn dắt tâm trí mình ra khỏi các giác quan; và tôi cẩn trọng lưu ý sự kiện rằng những gì ta nhận thức được về các sự vật vật thể là rất ít ỏi, nhưng những gì ta biết về tâm trí con người thì nhiều hơn rất nhiều, và càng nhiều hơn nữa là về Thượng đế. Do đó giờ đây tôi chẳng gặp khó khăn nào trong việc xoay chuyển tâm trí ra khỏi các sự vật có thể tưởng tượng được và hướng đến các sự vật khả niệm thuần túy và tách biệt với mọi chất liệu (matter). Và chắc chắn, ý niệm mà tôi có về tâm trí con người, trong chừng mực nó là một vật tư duy (a thinking thing), không có quảng tính cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều sâu, và không có bất cứ những thuộc tính vật thể nào khác, là phân minh hơn nhiều so với ý niệm về bất cứ sự vật vật thể nào. Và khi tôi xét thấy rằng tôi đang hoài nghi, hay tôi là một sự vật không hoàn chỉnh và phụ thuộc thì ý niệm về một hữu thể độc lập và hoàn chỉnh (tức là Thượng đế) nảy sinh trong tâm trí tôi rất rõ ràng và phân minh. Và từ chỗ có một ý niệm như thế ở trong tôi, hay tôi, kẻ có ý niệm này, đang hiện hữu, tôi kết luận một cách rất rõ ràng rằng Thượng đế cũng hiện hữu, và toàn bộ sự hiện hữu của tôi, trong từng khoảnh khắc, phụ thuộc vào ngài, tôi có thể khẳng định đầy tự tin rằng trí tuệ con người không thể phát hiện ra [cognosci] một điều gì hiển nhiên hay chắc chắn hơn thế. Và giờ đây, từ sự chiêm niệm này về Thượng đế chân thật, mọi kho tàng minh triết và khoa học ẩn giấu nơi ngài, tôi nghĩ tôi đã thoáng thấy một con đường dẫn tới sự hiểu biết về các sự vật khác trong vũ trụ.

§ 2

Trước hết, tôi nhận thấy rằng không bao giờ có chuyện Thượng đế lừa gạt tôi, vì trong mọi trường hợp lừa dối và bịp bợm đều có một sự không hoàn hảo nào đó; và mặc dù năng lực lừa dối dường như là một dấu hiệu nào đó của trí tuệ hay tài năng, nhưng ý chí lừa dối chắc chắn là một bằng chứng cho thấy có sự ác ý hay yếu kém nào đó, và do đó điều ấy không thể gặp thấy ở Thượng đế.

§ 3

Tiếp đến, qua kinh nghiệm tôi biết rằng có một năng lực phán đoán ở trong tôi, chắc chắn năng lực này, cũng như mọi thứ khác ở trong tôi, tôi nhận được từ Thượng đế. Và vì Thượng đế không muốn lừa gạt tôi, nên chắc chắn ngài sẽ không bao giờ ban cho tôi loại năng lực dẫn tôi tới chỗ sai lầm khi sử dụng nó đúng cách.

 § 4

Xem ra chẳng có chỗ nào để người ta nghi ngờ về vấn đề này, ngoại trừ việc từ những gì tôi nói người ta rút ra kết luận rằng như vậy tôi không thể bị sai lầm. Vì nếu bất cứ thứ gì ở trong tôi đều do Thượng đế ban cho tôi, và nếu ngài không ban cho tôi một năng lực để tôi phạm sai lầm, thì xem ra tôi không bao giờ có thể phạm sai lầm. Và thực vậy, bao lâu tôi chỉ nghĩ về Thượng đế, và hướng mọi sự chú ý của tôi đến ngài, tôi không thể phát hiện ra bất cứ nguyên nhân lầm lỗi hay sai lầm nào. Nhưng khi tôi quay trở lại với chính tôi, kinh nghiệm cho tôi thấy tôi dễ sa vào vô số những sai lầm. Khi tìm kiếm nguyên nhân của những sai lầm này, tôi nhận ra rằng bênh cạnh ý niệm hiện thực và khẳng định (positive) về Thượng đế, hay hữu thể hoàn hảo tối cao, còn có, nếu có thể nói, một ý niệm phủ định (negative) nào đó về hư vô, hay cái xa cách nhất với tất cả những gì là hoàn hảo, cái đang hiện bày ra trước tôi; và tôi cũng nhận thấy rằng tôi là một cái gì đó trung gian giữa Thượng đế và hư vô, hay giữa hữu thể tối cao và cái không-tồn tại, nếu có thể nói như vậy, nghĩa là bao lâu tôi được tạo ra bởi hữu thể tối cao thì trong tôi không có cái gì có thể lừa gạt tôi hay dẫn tôi tới chỗ lầm lạc; nhưng bao lâu tôi có dự phần với hư vô hay cái không-tồn tại (nói cách khác, bao lâu bản thân tôi không phải là hữu thể tối cao) và thiếu rất nhiều thứ thì việc tôi phạm phải những sai lầm chẳng phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Và vì thế, tôi có thể hiểu khá chắc chắn rằng sai lầm, trong chừng mực nó là sai lầm, không phải là cái gì thực tồn độc lập với Thượng đế, mà chỉ thuần túy và đơn giản là một sự khiếm khuyết; và do đó, để phạm sai lầm tôi không cần phải có một năng lực phạm sai lầm đặc biệt do Thượng đế ban vì mục đích ấy, mà tôi phạm sai lầm là do năng lực phán đoán chân lý, mà ngài đã ban cho tôi, là không vô hạn ở trong tôi.

§ 5

Thế nhưng điều này vẫn chưa hoàn toàn làm tôi thỏa mãn. Vì sai lầm không phải là sự phủ định thuần túy mà là một sự khiếm khuyết (privation) hay không có một nhận thức nào đó mà đáng lẽ ra tôi phải có; và khi suy ngẫm về bản tính của Thượng đế, tôi thấy hình như không thể có chuyện ngài ban cho tôi một năng lực không hoàn hảo trong loại của nó, hay thiếu đi sự hoàn hảo nào đó lẽ ra nó phải có. Vì nếu, một người thợ thủ công càng có tay nghề khéo léo bao nhiêu, tác phẩm anh ta tạo ra càng hoàn hảo bấy nhiêu, thì những gì được tạo ra bởi đấng tối cao sáng tạo nên mọi thứ lại không hoàn hảo trong mọi yếu tố cấu thành của chúng hay sao? Hơn nữa, chẳng có gì phải nghi ngờ việc Thượng đế đã ban cho tôi một bản tính sao cho tôi không bao giờ bị sai lầm; và chẳng có gì phải nghi ngờ việc ngài luôn luôn muốn những gì tốt nhất. Thế thì, việc tôi nên sai lầm là tốt hơn việc tôi không nên sai lầm chăng? 

§ 6

Khi suy ngẫm điều này một cách kĩ càng hơn, tôi mới thấy rằng tôi không có lý do gì để ngạc nhiên khi Thượng đế làm một việc gì đó mà tôi không thể hiểu nổi, và tôi cũng chẳng có lý do nào để nghi ngờ sự hiện hữu của ngài khi tôi chợt nhận ra có nhiều sự việc khác mà tôi không thể hiểu được ngài tạo chúng ra bằng cách nào và tại sao ngài lại tạo ra chúng. Vì giờ đây tôi biết rằng bản tính của tôi rất yếu ớt và hữu hạn, trong khi đó bản tính của Thượng đế thì bao la, không thể lĩnh hội và vô cùng, do đó tôi biết khá rõ rằng ngài có thể làm vô số thứ mà tôi chẳng thể nào biết được nguyên do. Chỉ mỗi lý do này thôi cũng đủ để tôi nhận định rằng việc tìm kiếm các nguyên nhân mục đích như cách mọi người thường làm là hoàn toàn vô dụng trong vật lý học. Thật là dại dột khi nghĩ rằng mình có thể nghiên cứu tìm ra được những mục đích của Thượng đế.

§ 7

Suy ngẫm tiếp theo của tôi đó là bất cứ khi nào ta tra hỏi xem các công trình của Thượng đế có hoàn hảo không, ta không nên suy xét từng vật thụ tạo một trong trạng thái biệt lập, mà phải xét thế giới như là một toàn bộ. Vì cùng một sự vật, nó có thể rất không hoàn hảo nếu được xét trong trạng thái biệt lập, nhưng lại hoàn toàn hoàn hảo nếu được xét như là một bộ phận của vũ trụ; và mặc dù, kể từ khi tôi quyết định nghi ngờ mọi thứ, tôi chỉ biết chắc chắn rằng chỉ có tôi và Thượng đế là hiện hữu, thế nhưng kể từ khi tôi ý thức được quyền năng bao la của Thượng đế, tôi không thể phủ nhận rằng nhiều sự vật khác đã được ngài tạo ra, hay ít ra là có thể được ngài tạo ra, và vì thế tôi có thể có một vị trí nào đó trong đồ thức vạn vật của vũ trụ.

§ 8

Cuối cùng, khi tôi đi sâu hơn nữa vào chính bản thân tôi và tra xét bản tính của những sai lầm của tôi (vì đây là bằng chứng duy nhất cho thấy có sự không hoàn hảo nào đó trong tôi), tôi nhận thấy rằng những sai lầm này phụ thuộc vào hai nguyên nhân diễn ra đồng thời, đó là năng lực nhận thức [cognoscendi] ở trong tôi và năng lực lựa chọn, hay ý chí tự do; tức là, chúng vừa phụ thuộc vào trí tuệ (intellect) và vừa phụ thuộc vào ý chí (will); vì chỉ có mỗi trí tuệ thôi, tôi mới chỉ tri giác những ý niệm nào mà tôi có thể đưa ra phán đoán về chúng; và nói cho thật chặt chẽ, không thể có bất cứ một sai lầm nào trong trí tuệ nếu xét từ quan điểm đúng đắn này. Mặc dù có lẽ có biết bao nhiêu thứ trong thế gian này mà tôi không có được ý niệm nào về chúng, nhưng nói cho chặt chẽ thì không được nói rằng tôi thiếu những ý niệm này, mà chỉ nói, theo một nghĩa tiêu cực nào đó, rằng tôi không có chúng; đây là vì tôi không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để chứng minh rằng lẽ ra Thượng đế nên ban cho tôi một năng lực nhận thức rộng lớn hơn năng lực mà ngài đã ban cho tôi; và mặc dù tôi hiểu ngài là một người thợ thủ công có tài khéo tới mức nào chăng nữa, tôi cũng không vì thế mà được phép nghĩ rằng đáng lẽ ngài phải đặt vào trong từng công trình của ngài mọi sự hoàn hào như ngài có thể đặt chúng vào trong một vài trong số các công trình ấy. Tôi cũng không thể phàn nàn rằng tôi đã nhận từ ngài một ý chí, hay sự tự do lựa chọn, không đủ rộng lớn và hoàn hảo, bởi lẽ kinh nghiệm cho tôi biết rằng nó không bị hạn chế theo bất cứ cách nào. Và đối với tôi, điều đặc biệt quan trọng cần phải lưu ý là trong tôi không có một thứ gì khác hoàn hảo hay rộng lớn tới mức tôi không thể nào hiểu được làm thế nào mà nó lại có thể hoàn hảo hay rộng lớn hơn nữa. Chẳng hạn, nếu tôi xem xét năng lực hiểu, tôi lập tức nhận thấy rằng trong trường hợp của tôi nó hết sức mong manh và rất hữu hạn, và cùng lúc ấy tôi hình thành một ý niệm về năng lực hiểu khác rộng lớn hơn nhiều – quả thực hết sức rộng lớn và vô hạn; và do chỗ tôi có thể hình thành ý niệm về nó, tôi nhận thấy rằng nó thuộc về bản tính của Thượng đế. Tương tự như thế, nếu tôi khảo sát các năng lực ký ức hay tưởng tượng, hay bất cứ năng lực nào khác, tôi nhận thấy rằng tất cả chúng đều rất yếu ớt và hạn chế ở trong tôi, nhưng ở trong Thượng đế, chúng là vô hạn. Chỉ duy có ý chí, hay tự do lựa chọn, mà tôi nghiệm thấy ở trong tôi lớn tới mức tôi không thể nào hình thành nên ý niệm về năng lực nào khác lớn hơn; đến nỗi chính nhờ nó mà tôi mới hiểu được rằng tôi đang mang hình ảnh và giống với Thượng đế. Vì cho dù ý chí của Thượng đế lớn hơn ý chí của tôi bội phần, do ở trong ngài sự hiểu biết và quyền năng được kết hợp với nó, và làm cho ý chí của ngài trở nên mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, và cũng do đối tượng của nó, bởi phạm vi của nó rộng lớn hơn nhiều, nhưng tự nó nếu xét về mặt hình thức và chặt chẽ, thì xem ra ý chí ở trong ngài không lớn hơn so với ở trong tôi. Đây là vì ý chí chỉ là vấn đề có thể làm hay không làm một việc gì (nghĩa là có thể khẳng định hay phủ nhận điều gì đó, theo đuổi điều gì đó hay tránh né nó); hay đúng hơn, ý chí chỉ là vấn đề thế này: khi trí tuệ đề xuất một điều gì đó, ta đi đến chỗ khẳng định hay phủ nhận, theo đuổi hay tránh né theo cách sao cho ta không cảm thấy mình bị quy định bởi bất cứ một lực bên ngoài nào. Vì, để được tự do, tôi không cần phải có khả năng đi theo từng hướng; trái lại, tôi càng có xu hướng đi theo một hướng – hoặc vì tôi biết rõ rằng trong hướng đi đó có một phương diện của cái tốt hay cái đúng hoặc vì Thượng đế đã sắp đặt như thế ở những nơi sâu kín trong tư tưởng của tôi, thì sự lựa chọn của tôi càng trở nên tự do hơn. Ân sủng của Thượng đế cũng như sự hiểu biết tự nhiên [cognitio] không làm giảm sự tự do của ta; trái lại, chúng làm gia tăng và củng cố nó. Nhưng sự dửng dưng mà tôi cảm thấy, khi không có lý do nào thúc đẩy tôi theo hướng này chứ không phải hướng khác là cấp thấp nhất của tự do, và không phải là dấu hiệu cho thấy có bất sự hoàn hảo nào trong tự do, mà chỉ là một khiếm khuyết, tức một sự phủ định nào đó trong nhận thức; vì nếu tôi luôn luôn thấy rõ đâu là đúng và đâu là tốt, tôi sẽ chẳng bao giờ mất công suy tính phải phán đoán ra làm sao và hành động như thế nào; và trong trường hợp đó, cho dù tôi có hoàn toàn tự do chăng nữa, tôi sẽ chẳng bao giờ có thái độ dửng dưng.

§ 9

Từ những điều suy xét này, tôi nhận thấy năng lực ý chí do Thượng đế ban cho tôi, xét tự bản thân nó, không phải là nguyên nhân của những sai lầm của tôi, vì nó hết sức rộng lớn và cũng hết sức hoàn hảo trong loại của nó; năng lực hiểu của tôi cũng không phải là nguyên nhân của những sai lầm của tôi, vì tôi có được năng lực này từ Thượng đế, bất cứ những gì tôi hiểu thì chắc chắn tôi hiểu một cách đúng đắn, và ở đây không thể có sai lầm nào hết. Thế thì đâu là gốc rễ của những sai lầm của tôi? Chỉ có thể là thế này: vì phạm vi của ý chí  rộng lớn hơn phạm vi của trí tuệ, nhưng thay vì bó hẹp ý chí trong cùng một giới hạn, tôi lại mở rộng nó đến cả những điều mà tôi không hiểu được. Vì ý chí dửng dưng với những điều như thế, nó dễ dàng quay lưng với cái đúng và cái tốt, và đây chính là nguồn gốc của mọi sai lầm và tội lỗi của tôi.

§ 10

Chẳng hạn, trong mấy ngày vừa rồi, tôi đã tra hỏi xem liệu có cái gì trong thế giới này đang hiện hữu không, và tôi nhận ra rằng chính việc đặt ra câu hỏi ấy đã dẫn tôi tới chỗ kết luận một cách rõ ràng rằng tôi đang hiện hữu. Tôi không thể không nhận định rằng điều tôi hiểu rõ ràng đến thế là đúng. Không phải vì tôi bị một lực bên ngoài nào đó đẩy tôi tới chỗ đưa ra nhận định này, mà vì một ánh sáng lớn trong trí tuệ bị thay thế bởi một xu hướng lớn trong ý chí, vì thế tôi càng ít dửng dưng bao nhiêu thì niềm tin của tôi càng tự do và càng có tính chất tự khởi hơn bấy nhiêu. Thế nhưng bấy giờ, ngoài việc tôi biết rằng tôi đang hiện hữu, trong chừng mực tôi là một sự vật tư duy nào đó, ý niệm về một bản tính vật thể (corporeal nature) cũng nảy ra trong tâm trí tôi, do đó tôi đâm ra nghi ngờ không biết bản tính tư duy đang tồn tại trong tôi, hay đúng hơn cái bản tính làm cho tôi trở nên là chính tôi, có khác với cái bản tính vật thể này không, hay cả hai bản tính ấy cũng chỉ là một thứ. Ở đây tôi đang giả định rằng cho đến giờ vẫn chưa có lý do nào nảy ra trong đầu tôi để thuyết phục tôi ủng hộ sự lựa chọn này thay vì sự lựa chọn kia. Và do chính điều này, chắc chắn tôi đang dửng dưng đối với việc khẳng định hay phủ định sự lựa chọn này hay sự lựa chọn kia, hay thậm chí đối với việc không đưa ra một phán đoán nào trong vấn đề này.

§ 11

Hơn nữa, sự dửng dưng này không chỉ mở rộng đến những sự vật mà trí tuệ hoàn toàn không nhận thức được chúng, mà nhìn chung còn mở rộng đến tất cả những gì mà trí tuệ không nhận biết đủ rõ ràng mỗi khi ý chí đắn đo cân nhắc đến chúng. Bởi vì cho dù các phỏng đoán có xác suất đúng đủ mạnh có thể đẩy tôi đi theo hướng này, thì nội chỉ việc biết rằng chúng chỉ là những phỏng đoán, chứ không phải là những lý do chắc chắn và không thể nghi ngờ, cũng đủ buộc tôi phải tán thành đi theo hướng ngược lại. Sự trải nghiệm của tôi trong những ngày vừa qua chứng thực cho điều này, khi, trong lúc xem xét lại tất cả những niềm tin mà trước đây tôi nhất quyết cho là đúng, tôi quyết định đi đến chỗ giả định rằng chúng là hoàn toàn sai, chỉ vì tôi nhận thấy rằng tôi có thể hoài nghi chúng ở phương diện nào đó.

§ 12

Nhưng nếu tôi cố gắng không đưa ra phán đoán trong những trường hợp nào tôi không nhận biết được cái đúng một cách đủ rõ ràng và phân minh, thì rõ ràng là tôi đang hành động một cách đúng đắn và không phạm sai lầm. Nhưng nếu trong những trường hợp ấy, tôi khẳng định hoặc phủ định thì tôi đã không sử dụng sự tự do lựa chọn của tôi một cách đúng đắn. Nếu tôi chọn lấy một lựa chọn sai thì rõ ràng tôi sẽ rơi vào sai lầm. Nhưng nếu tôi chọn lấy sự lựa chọn ngược lại, trong trường hợp này ngay cả khi tôi đúng đi nữa thì đấy cũng chỉ là sự may rủi, tôi vẫn sẽ bị sai lầm, bởi lẽ theo ánh sáng tự nhiên rõ ràng là nhận thức của trí tuệ phải luôn luôn đi trước quyết định của ý chí. Chính trong cách sử dụng sai tự do ý chí này, ta có thể gặp thấy sự khiếm khuyết vốn là cái cấu thành nên bản chất của sai lầm. Tôi nói sự khiếm khuyết nằm ở trong thao tác, trong chừng mực thao tác ấy xuất phát từ tôi, chứ không ở trong năng lực do Thượng đế ban cho tôi, cũng không phải ở trong thao tác trong chừng mực thao tác ấy phụ thuộc vào ngài.

§ 13 

Tôi không có lý do gì để phàn nàn rằng Thượng đế đã không ban cho tôi một năng lực trí tuệ mạnh mẽ hơn, hay một ánh sáng tự nhiên lớn hơn so với cái tôi được nhận từ ngài, vì không thể hiểu được sự vật vô cùng vô tận là bản chất của trí tuệ hữu hạn, và hữu hạn là bản chất của trí tuệ thụ tạo; trái lại, tôi có mọi lý do để biết ơn Thượng đế, đấng không nợ tôi bất cứ thứ gì và là đấng đã ban tặng tôi mọi sự hoàn hảo mà tôi có, và tôi không được phép có ý nghĩ rằng ngài bất công, đã tước đoạt hay cướp lấy của tôi những sự hoàn hảo này, tức những cái ngài không dành cho tôi.

§ 14 

Tôi cũng không có lý do để phàn nàn rằng ngài đã ban cho tôi một ý chí rộng lớn hơn trí tuệ của tôi, bởi lẽ ý chí chỉ gồm một thứ, có thể nói đó là cái gì đó không thể phân chia, xem ra chính bản tính của nó đã loại trừ hết khả năng rút ra từ nó một cái gì đó [rút cái gì đó ra khỏi nó cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại nó]. Quả thực, ý chí càng rộng lớn bao nhiêu, tôi càng phải biết ơn đấng đã ban tặng nó cho tôi bấy nhiêu.

§ 15

Cuối cùng, tôi không có quyền phàn nàn vì Thượng đế đã phối hợp với tôi để tác tạo nên những hành vi này của ý chí, tức là những phán đoán trong đó tôi phạm sai lầm; vì bao lâu những hành vi này phụ thuộc vào Thượng đế, chúng hoàn toàn chân thực và tốt lành; và theo nghĩa nào đó nếu tôi có thể thực hiện chúng thì sẽ là hoàn hảo hơn so với việc không thể thực hiện chúng. Đối với sự khiếm khuyết, trong đó chỉ có mỗi bản chất của sai lầm và tội lỗi thôi, không cần đến sự hợp tác của Thượng đế, vì nó không phải là một sự vật hay một tồn tại; quả thực, khi nó được quy chiếu đến Thượng đế như là nguyên nhân của nó, ta không nên gọi nó là khiếm khuyết nữa, chỉ gọi là phủ định[1] thôi. Vì sự thực ở Thượng đế không có sự không hoàn hảo nào cả, những gì ngài ban cho tôi là tự do tán thành hay không tán thành trong những trường hợp ngài không đặt vào trong trí tuệ của tôi một nhận thức rõ ràng và phân minh; nhưng chắc chắn, sự không hoàn hảo đó là ở bản thân tôi vì đã không sử dụng tự do ấy đúng cách và đi đến phán đoán về những điều mà tôi chỉ hiểu một cách lờ mờ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng làm sao đó để tôi không bao giờ bị sai lầm, bất chấp việc tôi vẫn tự do và có một lượng tri thức ít ỏi, đối với Thượng đế mà nói thì đó là công việc quá đỗi dễ dàng. Chẳng hạn, ngài có thể ban cho trí tuệ của tôi một nhận thức rõ ràng và phân minh về tất cả những gì mà tôi bao giờ cũng luôn cân nhắc, hoặc ngài chỉ đơn giản khắc sâu vào trí nhớ của tôi quy tắc sau đây sao cho tôi không thể nào quên: tôi sẽ không bao giờ phán đoán bất cứ điều gì mà tôi chưa hiểu cho thật rõ ràng và phân minh. Và tôi có thể dễ dàng hiểu rằng, bao lâu tôi chỉ suy xét lấy mỗi bản thân tôi, cứ như thể chỉ có mỗi mình tôi ở trong thế giới này vậy, hẳn tôi đã trở nên hoàn hảo hơn nhiều so với tôi bây giờ, nếu tôi được Thượng đế tạo ra theo cách sao cho tôi không bao giờ bị sai lầm. Nhưng tôi không thể phủ nhận rằng theo cách nào đó vũ trụ xét như là một toàn bộ sẽ hoàn hảo, vì một số bộ phận này của nó không miễn nhiễm với sai lầm, trong khi đó một số bộ phận khác thì miễn nhiễm, hơn so với việc nếu mọi bộ phận của nó hoàn toàn giống nhau. Và tôi không có quyền phàn nàn rằng vai trò mà Thượng đế muốn tôi đảm nhận trong thế giới này không phải là vai trò ưu biệt hay hoàn hảo hơn tất cả.

§ 16

Hơn nữa, ngay cả khi tôi không có khả năng tránh được sai lầm theo cách thứ nhất vừa được nói ở trên, cách này phụ thuộc vào việc có một nhận thức rõ ràng và hiển nhiên về tất cả những gì mà tôi phải lưu tâm cân nhắc, tuy nhiên tôi có thể tránh sai lầm theo cách thứ hai, cách này chỉ phụ thuộc vào việc tôi cương quyết không bao giờ đưa ra phán đoán về những vấn đề nào mà tôi chưa thực sự hiểu rõ. Vì cho dù, kinh nghiệm cho tôi thấy có sự yếu kém nào đó trong bản tính của tôi, cụ thể là tôi không thể liên tục tập trung chú tâm vào một và chỉ một ý nghĩ, nhưng tôi có thể, bằng cách suy ngẫm cẩn trọng và thường xuyên lặp đi lặp lại, đảm bảo rằng tôi nhớ châm ngôn này bất cứ khi nào tôi cần, và vì thế tôi có thể sở đắc được thói quen không phạm sai lầm.

§ 17

Và vì sự hoàn hảo lớn nhất và ưu biệt nhất của con người chính là ở chỗ này, và vì thế tôi nghĩ rằng tôi đã có được lợi ích không nhỏ qua buổi suy niệm hôm nay, vì tôi đã phát hiện ra nguyên nhân của sự sai lầm và giả dối. Nguyên nhân này không thể là cái gì khác ngoài nguyên nhân mà tôi đã giải thích ở trên, vì bất cứ khi nào buộc phải đưa ra phán đoán, tôi cố gắng kiểm soát ý chí của mình sao cho nó chỉ mở rộng đến những vấn đề mà trí tuệ có thể lĩnh hội được một cách rõ ràng và phân minh, chứ không đi xa hơn, thì hoàn toàn không có chuyện tôi bị sai lầm; vì mọi nhận thức rõ ràng và phân minh đều là cái gì đó, và do đó không thể đến từ hư vô, mà tất yếu phát xuất từ Thượng đế - Thượng đế, hữu thể hoàn hảo tối cao, không thể là nguyên nhân của bất cứ sai lầm nào; vì thế, nhận thức ấy chắc chắn là chân thực. Và hôm nay tôi đã học không chỉ những điều tôi nên tránh để không bị sai lầm mà đồng thời còn học được những gì tôi phải làm để đạt đến chân lý. Vì tôi chắc chắn sẽ đạt tới chân lý nếu tôi dồn sự chú ý của mình đủ mức đến tất cả những gì mà tôi hiểu một cách hoàn hảo, và tách chúng ra khỏi những gì tôi nắm bắt một cách mù mờ hơn và tăm tối hơn. Và từ nay trở đi, tôi sẽ chú ý cẩn thận tới điều này.

 



[1] ... theo nghĩa mà người ta gán cho những chữ này trong triết học Kinh viện (phiên bản tiếng Pháp thêm vào)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt