SUY NIỆM THỨ NHẤT
RENÉ DESCARTES (1596-1650)
Rene Descartes, “Những suy niệm siêu hình học”. Suy niệm thứ nhất: “Về những sự ta có thể hoài nghi”. In trong Triết học Descates Trần Thái Đỉnh dịch và chú thích. Nxb. Văn học, 2005, tr. 429-436, 529-534.
Trước đây ít năm, tôi đã nhận định rằng từ tuổi thơ ấu tôi đã coi là chân thực biết bao điều sai lầm, rồi trên những nền tảng đó tôi đã xây dựng biết bao điều đáng nghi hoặc: cho nên, một lần trong đời tôi, tôi phải phá hủy tất cả những tin tưởng tôi đã chấp nhận từ trước đến giờ để bắt đầu lại từ nền tảng, nếu tôi muốn xây dựng một cái chi vững chắc và lâu dài trong các khoa học. Nhưng vì công trình đó, tôi coi là quá trọng đại nên tôi đã đợi đến tuổi chín chắn hơn hết, nghĩa là sau này cũng không thể có tuổi nào thích hợp hơn để thực hiện: vì thế tôi đã trùng trình quá lâu, đến nỗi tôi tưởng sẽ mắc lỗi, nếu ít thời giờ còn lại để hành động đây bị tôi dùng để suy tính mãi[1].
Vì thế, hôm nay tâm linh tôi thong dong khỏi mọi lo toan, và tôi đã kiếm được an tĩnh chắc chắn trong một nơi tịch mịch[2], tôi bắt tay vào việc cách thận trọng và thong dong để phá hủy tất cả những tin tưởng xưa kia của tôi. Để đạt mục đích đó, không cần phải chứng minh rằng tất cả các tin tưởng đều có sai lầm; nếu làm thế, có lẽ không bao giờ tôi đạt được, và cũng vì lý trí thuyết phục tôi rằng tôi phải cẩn thận đừng tin những điều không hoàn toàn chắc chắn và bất khả nghi, cũng y như đừng tin những điều tôi biết một cách hiểu nhiên là sai lầm[3]: cho nên chỉ cần thấy một chút khả nghi ở nơi chúng cũng đủ để tôi gạt bỏ chúng đi hết. Muốn thế, không cần phải nghiệm xét chúng từng cái một, vì như thế công việc sẽ vô hạn; nhưng bởi vì hễ phá đổ những nền móng thì cả lâu đài cũng đổ nhào, cho nên tôi bắt đầu công phá những nguyên lý mà những tin tưởng xưa kia của tôi vẫn dựa vào[4].
Tất cả những gì từ trước đến nay tôi chấp nhận là chân thực và chắc chắn, tôi đều học được do các giác quan hoặc nhờ giác quan: vậy mà đôi khi tôi đã chứng nghiệm rằng các giác quan đó lừa dối tôi, và theo sự khôn ngoan, ta không bao giờ nên hoàn toàn tin tưởng những ai đã một lần lừa dối ta[5].
Tuy các giác quan đôi kho lừa dối ta về những điều xa xôi và ít khả xúc, nhưng còn nhiều điều khác chúng ta không có lý để hoài nghi, dầu chúng ta cũng nhờ chúng để biết. Thí dụ tôi ở đây, ngồi gần lò sưởi, mặc áo ngủ, tay cầm tờ giấy này, v.v.. Vì làm sao tôi có thể hoài nghi rằng những bàn tay này và cái chân này là của tôi trừ khi tôi so sánh mình với những người điên cuồng, đầu óc bị những khí của túi mật làm mờ ám và rối loạn, đến nỗi họ tưởng họ là những bậc vương giả, trong khi họ chỉ là những kẻ nghèo xác, họ tưởng họ đang mặc nhung lụa, trong khi họ trần truồng, hoặc họ còn nghĩ họ là những cái bình hay là có thân thể bằng thủy tinh. Đích rồi, họ là những kẻ điên cuồng, cho nên nếu tôi theo gương họ, tôi cũng khùng như họ.
Tuy vậy, tôi cũng nhớ tôi là người và như vậy tôi có thói ngủ ban đêm, và trong khi chiêm bao tôi cũng thấy nhiều điều giống hệt như những người điên kia đã thấy khi họ thức, và đôi khi tôi còn thấy những điều ít đúng sự thực hơn thế nữa. Bao nhiêu lần ban đêm khi ngủ, tôi đã tưởng tôi ngồi đây, tưởng tôi mặc áo và ngồi bên lò sưởi, trong khi thực sự tôi nằm trần truồng trong phòng của tôi. Bây giờ tôi tưởng như tôi nhìn tờ giấy này với đôi mắt không phải ngủ, và cũng tưởng rằng tôi đưa bàn tay này ra và tôi cảm giác nó một cách hữu ý và có ý thức; còn trong giấc mơ, tất cả mọi cái đều không minh bạch như vậy. Nhưng, nếu suy nghĩ cẩn thận, tôi phải nhớ rằng nhiều lần tôi đã bị ảo tưởng như thế trong khi ngủ. Nghĩ đến đây, tôi thấy một cách minh bạch rằng không có dấu hiệu chắc chắn nào để phân biệt rõ ràng lúc ngủ và lúc thức: và điều này làm tôi bỡ ngỡ đến nỗi tôi có thể tin rằng tôi đang ngủ đây[6].
Bây giờ giả thử như chúng ta ngủ, và những đặc điểm nọ đều không thực, nghĩa là ta không mở mắt, không lắc đầu, không giơ tay, và có lẽ không có những tay này và không có cả đến thân thể này: tất cả đều chỉ là ảo mộng; tuy nhiên, chúng ta phải thú nhận rằng những sự vật ta thấy trong giấc mơ đều là những bức chân dung và những bức họa được tác tạo nên giống những sự vật thực tại nào đó; như vậy, những sự vật đại loại[7] đó, tức là những mắt, đầu, tay và thân thể, ít ra cũng là những sự vật hiện hữu đích thực, chớ không phải là những sự vật tưởng tượng. Bởi vì, chính các họa sĩ khi ra công vẽ nên những hình hết sức kì lạ và quái đản của Thủy Tinh và Sơn Tinh. Cũng không thể đắp cho chúng những hình thù và những nét hoàn toàn mới mẻ, nhưng các họa sĩ kia đã chỉ pha trộn và chắp chểnh những chi thể của nhiều con vật khác nhau lại mà thôi; còn nếu họ có thể tưởng tượng ra một cái gì kỳ quái đến nỗi chúng ta chưa hề thấy khi nào hết, thì tác phẩm của họ được coi như hoàn toàn mạo tác và giả tạo, nhưng ít ra những màu sắc họ đã dùng để vẽ, phải là những màu có thực[8].
Cũng một lẽ, giả như những sự vật đại loại như mắt, đầu, tay v.v... có thể là những sự vật tưởng tượng, nhưng chúng ta vẫn phải nhận rằng có những sự vật đơn sơ và phổ quát hơn, và những sự vật này hiện hữu đích thực: tất cả những hình ảnh của các sự vật xuất hiện trong trí ta, dầu thực dầu hư, thảy đều được cấu tạo bởi những sự vật đơn sơ đó, cũng như các màu sắc thực tại của các bức họa kia. Bản tính của vật thể nói chung thuộc về loại các sự vật đơn sơ đó, và cũng thuộc về loại này: trương độ của vật thể cùng là hình thù của các sự vật có trương độ, lượng tính tức lượng thể của chúng, số lượng của chúng, cũng như nơi mà chúng có vị trí và thời gian mà chúng có kỳ hạn v.v...[9].
Vì thế, không phải là không có lý để chúng ta kết luận rằng: Vật lý học, Thiên văn học, Y học và các khoa học dựa vào kinh nghiệm những sự vật hợp thể, đều là những khoa học lỏng lẻo, không chắc chắn; còn Toán học, Hình học và những khoa học về loại này là những khoa học nghiên cứu các sự vật đơn sơ và rất phổ quát, không cần xét đến việc các sự vật đó có hiện hữu trong vũ trụ hay không, cho nên đó là những khoa học mang tính chất chắc chắn và bất khả nghi. Bởi vì dầu tôi thức hay ngủ, hai cộng với ba cũng vẫn là năm, và hình vuông thế nào cũng không thể có hơn bốn cạnh. Và không thể nào những chân lý hiển nhiên như thế lại có thể bị nghi là giả tạo hoặc thiếu chắc chắn[10].
Tuy vậy, đã lâu tôi có trong tâm trí tôi một ý nghĩ rằng Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự, nhờ Ngài mà tôi đã được tạo thành như ngày nay. Nhưng ở đâu tôi biết Ngài đã có thể không làm nên đất, trời, không làm nên sự vật có trương độ, không có hình thù nào, không có lượng thể nào, không có nơi chốn nào, vậy mà tôi vẫn thấy tất cả các sự vật đó hiện hữu như bây giờ? Hơn nữa, đôi khi tôi nhận thấy người khác sai lầm cả trong những điều mà họ tin là biết được cách đích thực nhất, thì cũng một lẽ, bởi đâu tôi biết Ngài không muốn tôi sai lầm mỗi khi tôi cộng hai với ba, hoặc mỗi khi tôi đếm các cạnh của hình vuông, hoặc mỗi khi tôi phán đoán những điều giản dị như thế? Nhưng có lẽ Ngài không muốn để tôi sai lầm như thế, vì Ngài được gọi là Đấng chí thiện; nhưng nếu để tôi sai lầm thường xuyên là điều bất xứng với thiện tính của Ngài, thì xem ra cũng là điều trái ngược nếu Ngài để tôi thỉnh thoảng sai lầm; nhưng tôi lại chắc Ngài có thể để tôi thỉnh thoảng sai lầm[11].
Có lẽ không thiếu những người thà chối không có Thiên Chúa toàn năng như vậy, còn hơn là tin rằng tất cả mọi sự vật đều mơ hồ; chúng ta đừng vội chống lại những người đó, và ta cứ cho rằng tất cả những gì ta nói về Thiên Chúa đây, đều chỉ là những truyện ngụ ngôn[12]. Nhưng dầu họ giả thử tôi đã do căn nguyên nào đó để đạt tới hiện hữu ngày nay mặc lòng, dầu cho định mệnh, dầu do ngẫu nhiên, dầu cho một chuỗi những sự vật tiếp tục nhau, - một điều chắc chắn là: sai lầm là một sự bất toàn, cho nên họ càng giả thiết rằng vị tác thành tôi ít khả năng thì càng có lý để coi tôi là kẻ ít toàn hảo cho nên có thể sai lầm luôn. Tất nhiên tôi không thấy phải trả lời những biện lý như thế, nhưng tôi buộc lòng thú nhận rằng tất cả những tin tưởng mà xưa kia tôi đã chấp nhận là đích thực, thì nay không còn một điều nào mà tôi không có thể hoài nghi, và như vậy không phải vì tôi bất cẩn hoặc nhẹ dạ, nhưng vì tôi có những lý rất mạnh và đã cân nhắc chín chắn: cũng vì thế, nếu tôi muốn tìm ra những gì chắc chắn cho khoa học, thì tôi cần phải ngưng phán đoán và không còn được tin vào những điều tôi biết là sai lầm nữa[13].
Nhưng, nhận định như trên đây cũng chưa đủ; còn phải lo nhớ những điều đó nữa, bởi vì những tin tưởng thường nhật và xưa kia sẽ luôn luôn trở lại trong trí tôi, và vì quá quen thuộc với tôi cho nên hầu như chúng có quyền chiếm đoạt tâm trí tôi và bắt tôi tin tưởng cả những khi tôi không đồng ý. Và bao lâu tôi còn coi chúng là khả nghi nhưng cũng đáng tin lắm, nghĩa là ta có thể tin chúng hơn là có lý để chối chúng, như tôi vừa chứng minh trên đây, - thì tôi sẽ không thể bỏ thói ưng thuận và tin tưởng chúng. Vì thế tôi nghĩ làm thế này khôn hơn: tôi tự ý bước sang thái độ đối lập, tôi ra công tự lừa dối mình, cho rằng tất cả các ý tưởng nọ đều giả dối và tưởng tượng; cứ như thế cho đến khi tất cả các thiên kiến của tôi không còn sức bắt tôi nghiêng bên này hay bên kia nữa, và không còn một thói quen xấu nào có thể bắt quặt trí phán đoán của tôi ra ngoài con đường dẫn tới chân lý nữa[14]. Cũng vì tôi biết rằng làm như thế không sinh ra nguy hiểm và sai lầm nào hết, và tôi không sợ hoài nghi thái quá, nhất là hiện nay tôi chưa bàn đến vấn đề hành động, nhưng chỉ mới bàn đến suy niệm và tri thức mà thôi[15].
Vậy tôi sẽ giả thử không có Thiên Chúa chân thực, nguồn mạch của chân lý, nhưng chỉ có Tinh Quỷ, toàn năng và xảo quyệt rất mực, dùng hết tài trí của nó để lường gạt tôi: Tôi sẽ nghĩ rằng trời, không khí, trái đất và các màu sắc, các hình thù, các âm thanh và tất cả các sự vật bên ngoài tôi nhìn thấy kia, đều chỉ là những ảo mộng do Tinh Quỷ nọ dùng để lường gạt tính dễ tin của tôi. Tôi sẽ coi chính mình tôi như không có tay, không có mắt, không có thịt, không có máu và không có một giác quan nào, nhưng tôi đã lầm tưởng mình có tất cả những cái đó[16]. Tôi sẽ cố tình nghĩ như thế mãi, và tuy rằng nhờ phương tiện này tôi không có khả năng đạt được chân lý nào hết, nhưng ít ra nhờ đó tôi có thể ngưng phán đoán[17]; cho nên tôi hết sức thận trọng để không hề chấp nhận một điều giả dối nào, và chuẩn bị tâm trí tôi để khỏi mắc vào những mưu của chàng Đại trá kia[18], đến nỗi dầu nó tài cao và xảo quyệt thế nào đi nữa, cũng không thể lừa bịp tôi được.
Nhưng ý định này thực khó khăn và vất vả, và tính lười lại dần dần kéo tôi trở lại cuộc sống thường nhật. Y như trường hợp một tên nô lệ nằm mơ thấy mình được tự do: khi nó bắt đầu nghi ngờ rằng đó chỉ là giấc mơ, thì nó sợ tỉnh dậy, và đồng tình kéo dài những mơ mộng đó để được dễ chịu lâu hơn; tôi cũng thế, vôi tình tôi lại rơi vào những tin tưởng xưa kia, và tôi sợ tỉnh giấc mơ này, vì tôi sợ rằng sau cảnh an tịnh của giấc mơ này sẽ tiếp đến những giờ tỉnh táo vất vả, là những giờ đã chẳng mang lại cho tôi một ánh sáng nào trong việc truy tầm chân lý, mà còn tỏ ra bất lực không giải quyết được những khó khăn vừa được nêu lên trên đây[19].
[1] Ít nhất là một lần trong đời, ta phải hoài nghi về tất cả những gì ta đã tin tưởng đã đặt lại nền móng cho những tin tưởng của ta. Câu châm ngôn này được Descartes nêu lên trong nhiều lần trong sách vở của ông. Các triết gia hiện đại gọi thái độ đó là thái độ kiểm thảo và phê bình; với thái độ này, triết gia bỏ thái độ ngây thơ của tri thức thường nghiệm để bước sang tri thức đích thực của người phê phán. [2] Descartes là con người tịch liêu, luôn luôn tránh bạn bè để giữ sự tĩnh mịc của suy tưởng. Từ khi ông thôi học để tự mình suy nghĩ và nghiên cứu, tức tự năm 1618 cho tới năm 1650 là năm ông tạ thế, trong khoảng 32 năm trường của đời suy tưởng và trước tác, ông chỉ ghé qua nước Pháp và quê hương ông ba bốn lần, tổng cộng là 6 năm trên số 32 năm kia. Còn thì ông thường ở bên Hòa Lan, lúc thì tại Francker, lúc lại ở Leyde, Amsterdam, hoặc Egmont. Không bị quấy rầy, ông để hết thời giờ vào việc suy tưởng. Như thư ông viết cho Balzac ngày 15-4-1631: “Mỗi đêm tôi ngủ 10 giờ, và tôi không có mối lo nghĩ nào có thể đánh thức tôi dậy sớm.” Ngủ chán, ông để cả buổi sáng để theo đuổi những ý nghĩ, thành thử, như ông viết, “tôi pha trộn ý nghĩ ban ngày với những mơ mộng ban đêm. Nhiều khi tôi phải đưa tay lên đập vào mắt mình thức hay ngủ”. Buổi chiều, ông thơ thẩn dạo chơi giữa đám đông của thành thị Hòa Lan, nhưng vì ông luôn luôn suy tưởng đến những vấn đề siêu hình học, thành thử “đi giữa đám đông nhộn nhịp mà tôi tưởng như dạo bước trong vườn riêng của tôi; những người qua lại, đối với tôi, chỉ là những cây cối hoặc những con vật xa lạ” (Thư cho Balzac ngày 5-5-1631). [3] Bởi vì Descartes đi tìm những chân lý đích thực và hoàn toàn chắc chắn, cho nên chủ trương của ông là: những điều ta có thể hoài nghi một chút mà thôi, thì cũng phải loại ra như những điều giả trá rõ ràng. [4] Không mất thời giờ nghiệm xét từng điều tin tưởng, Descartes muốn xét ngay nền tảng của những điều đó, vì phá nền thì tòa nhà cũng đổ nhào. Cho nên ông sẽ nghiệm xét những lý do làm ta tin tưởng: những lý do này có hai nguồn, một là tri giác giác quan, hai là trực giác tâm linh. [5] Trước hết Descartes đả phá những tin tưởng dựa trên tri giác. Sự nhận xét của ông là các giác quan đã có lần dối ta. Vậy ta không tin tưởng nó, cũng như ta không tin vào những ai có lần lừa dối ta. Nhưng “lừa dối” cùa giác quan mà Descartes hay nói đến là: những cây tháp ở xa coi tròn, đến gần lại thấy vuông, pho tượng ở cao trông nhỏ tí, vậy mà thực sự nó to gấp mấy lần tầm thước của ta… Nhưng đó mới chỉ là hoài nghi thông thường. Dưới đây Descartes còn nêu lên hai mối hoài nghi hiểm hóc hơn: hoài nghi mình thức hay ngủ và đâu là dấu hiệu chắc chắn để phân biệt thức và ngủ; hoài nghi bản tính của con người có đúng hay là sai, đã được lắp tử tế bởi một Thiên Chúa hay lắp nghịch bởi một Tà thần. [6] Từ chỗ quan sát những người điên, Descartes đi tới sự nghĩ đến mình khi ngủ: người điên nọ rách rưới mà cứ tưởng mình mặc nhung lụa; tôi luôn đây mà lại cứ tưởng mình xem thấy người nọ vật kia. Như vậy tôi biết chắc điều này: nhiều khi tôi ngủ mà đã mơ tấy mình đọc sách ở bên lò sưởi này. Vậy lúc này đây, tôi đang cầm tờ giấy này, tôi thức hay ngủ? Khó mà biết chắc được. Cho nên Descartes kết luận: hiện chưa có dấu hiệu chắc chắn nào để phân biệt rõ ràng điều tôi nghĩ khi thức và điều tôi mơ khi ngủ. – Vấn đề này chỉ được giải quyết ở cuối suy niệm IV. [7] Descartes nói đến những sự vật đại loại (choses générales), nghĩa là những mắt, những đầu, những tay, chớ không phải hai con mắt của tôi, chiếc đầu của tôi, v.v.. Descartes quả quyết những sự vật đại loại đó hiện hữu, vì chúng là thành phần của vũ trụ, coi vũ trụ là một tổ chức toàn hảo và vĩnh cửu: vì thế, các sự vật đại loại là như mẫu để họa sĩ bắt chước khi họ vẽ nên những hình tượng, dầu là những hình tượng kỳ quái nhất như Sơn tinh và Thủy tinh. [8] Tiến thêm chút nữa, công việc giảm trừ của Descartes có thể ném những sự vật đại loại kia vào đống giả tạo, nhưng công việc đó lại cho ta biết: ít ra cũng có chút thực tại làm căn bản cho những hình quái đản kia. Căn bản đó là những màu thuốc vẽ. [9] Áp dụng vào mắt, đầu, chân tay của tôi: có thể đó là những sự vật tưởng tượng. Cả những vật đại loại như những mắt, những đầu, nhưng tay, v.v., cũng có thể chỉ là những tưởng tượng mơ hồ. Nhưng cần phải có cái chi để làm căn bản cho những sự vật mà ta tưởng tượng nên đó; căn bản đó không có gì khác ngoài trương độ. Tiện đây cũng nên biết tương quan những ý niệm về lượng tính, phẩm tính, số lượng, v.v.. Siêu hình học Kinh viện (Aristote, Thomas) quen chia sự vật làm ba loại, cũng gọi là ba thứ hữu thể: dưới cùng là sự vật khả xúc (ens sensibile) cũng gọi là sự vật có phẩm tính (ens quale) hoặc sự vật thiên nhiên (ens physicum); trên một bậc, ta thấy sự vật khả tri (ens intelligibile) cũng gọi là sự vật có lượng tính (ens quantum); trên hết, chúng ta sẽ gặp sự vật mệnh danh là hữu thể xét như là hữu thể (ens in quantum ens) tức đối tượng của Hữu thể học. Tóm lại, hữu thể khả xúc là đối tượng của khoa Vật lý; hữu thể lượng thể là đối tượng của Toán học; còn hữu thể phổ quát là đối tượng của khoa Hữu thể học. [10] Descartes ca ngợi tính chắc chắn của Toán học, và ông nhấn mạnh rằng “đó là những khoa nghiên cứu về các sự vật đơn sơ và phổ quát, và không xét đến sự chúng có hiện hữu trong vũ trụ hay không”. Thành thử đây chỉ là khoa nghiệm xét về bản tính, tức yếu tính mà thôi, không xét đến sự hiện hữu. Nói cách khác, Toán học chỉ là khoa học dựa trên những nguyên lý của lý trí cho nên nó có tính chất hoàn toàn lý thuyết, vì tế không sợ sai lầm như các khoa học thực nghiệm. [11] Tuy nhiên, Descartes không còn hoàn toàn tin tưởng ở Toán học như khi ông đã viết cuốn Phương pháp luận nữa, vì từ nay ông đã hoài nghi cả bản tính của lý trí. Biết đâu lý trí tôi đã chẳng bị lắp sai đi ngay từ đầu, và bởi đó tôi nghĩ mình suy luận đúng mà kỳ thực tôi vẫn sai lầm cả trong những điều hiển nhiên nhất. Kinh nghiệm cho ta thấy nhiều người đã sai lầm trong những điều mà họ tin là biết được cách chắc chắn nhất; vậy tôi cũng có thể đang sai lầm trong những điểm mà tôi coi là hiển nhiên nhất. Với hoài nghi này, Descartes giảm trừ luôn cả những điều hiển nhiên nhất của Toán học. [12] Descartes tạm giảm trừ Thiên Chúa, nghĩa là coi Thiên Chúa như một truyện biến ngôn. Ông làm thế, vì ông chưa tìm được những lý chứng để chứng minh chắc chắn có Thiên Chúa, và nhất là vì, như ông đã viết sau đây: “tôi buộc lòng thú nhận rằng tất cả những tin tưởng mà xưa kia tôi coi là đích thực thì nay không còn một điều nào không bị tôi hoài nghi.” Cho nên ông tạm coi Tà thần là tác giả đã phát sinh ra tâm linh ông: như thế ông được tư do hoài nghi hơn, và hoài nghi tới vô độ; rồi chính sự hoài nghi này sẽ dẫn ông tới chân lý đầu tiên tức chân lý mà ông coi là bất khả nghi. [13] Ngưng phán đoán tức épokhé. Phán đoán là quyết đoán. Tất cả mọi phán đoán đều là những quyết đoán, vì những phủ định cũng là những quyết đoán (quyết rằng phải chối): không muốn là muốn không. Và phán đoán liều lĩnh sẽ sai lầm. Vì thế, trong khi chưa có đủ những lý do chắc chắn và hiển nhiên, thì không nên phán đoán. Phải ngưng phán đoán. [14] Muốn phá hủy thói quen phán đoán liều lĩnh khi chưa có đủ lý do, Descartes thấy cần phải đi xa hơn mức thường. Ông sẽ ra công tìm kiếm những lý do dđể hoài nghi hơn là để tin tưởng; nhờ cách đó, ông sẽ hoài nghi về tất cả mọi sự mà người ta có thể hoài nghi cách nào. Sau cuộc tàn phá đó của thái độ hoài nghi phổ quát, nếu cái gì còn đứng vững thì nó là chân lý bất khả nghi. [15] Trong cuốn Phương pháp luận, Descartes đã đưa bốn nguyên tắc thực hành của ông là “luân lý tạm dụng” (morale de provision). Thế rồi ở đây, trong cuốn Suy niệm, ông lại gạt vấn đề luân lý ra một bên. Như vậy, cho đến khi ông chết, ông vẫn chưa viết một cuốn luân lý nào hết, trừ những thư ông gửi cho Công chúa Elisabeth là những văn thư chứa đựng những di chúc của ông về khoa luân lý. [16] Mấy dòng chúng ta vừa đọc là phản ảnh của một tâm linh đã hoài nghi tất cả: không tin có trời, không tin có đất, và tất cả các vật tôi nhìn hoặc nghe thấy đều là giả tưởng hết. Tôi còn coi các chi thể của tôi, đầu mặt tay chân đều là những tưởng tượng mà thôi. Tôi nghĩ tôi có tay và thân thể, nhưng chắc gì tôi có chân tay? Biết đâu chân tay này và thân thể tôi là một ảo tưởng cũng như khi ngủ tôi tưởng tôi là vua? Rồi Thiên Chúa có hiện hữu không? Biết đâu vũ trụ này và riêng tôi chỉ là tác phẩm của một Tinh Quỷ (malin genie) rất xảo trá; đã tác thành nên tôi để nhạo tôi cách trớ true, thành thử mỗi khi tôi nghĩ đúng thì chính là lúc tôi nghĩ sai? [17] Phải ngưng phán đoán. Mặc dầu ngưng như thế không phải là cách tìm ra những chân lý tích cực nào hết, nhưng ít ra là nó cũng tránh cho tôi khỏi sai lầm. Như thế, bao lâu tôi chưa tìm ra những nguyên lý bất khả nghi, thì tôi nhất định không phán đoán chi hết. Đó là épokhé phổ quát. [18] Chàng Đại trá dịch chữ le grand trompeur. Nguyên văn Latin là deceptor potens et callidus. [19] Là triết gia nhưng cũng là người, Descartes cảm thấy mình dễ bị lôi cuốn bởi những nhận xét của cuộc sống thường nhật. Nhất là cách sống thường nghiệm này dễ chịu hơn và ru ngủ ta bằng biết bao ảo tưởng; trái lại, sống đời suy tưởng, nhất là suy tưởng triệt để, không phải dễ và không sướng gì. Hình ảnh tên nô lệ nằm mơ được tự do là hình ảnh của nhiều người không muốn bỏ giấc mơ của mình, nghĩa là không muốn gạt bỏ những ảo tưởng để nhìn thẳng vào sự thực. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC