Chủ nghĩa Marx

Cơ sở thực tế của hệ tư tưởng (III)

[B. CƠ SỞ THỰC TẾ CỦA HỆ TƯ TƯỞNG]

[3. Những công cụ sản xuất tự nhiên và những

công cụ sản xuất do nền văn minh tạo ra

và các hình thức sở hữu]

 

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 72-88. Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn | Bản tiếng Anh: “The Real Basis of Ideology”. | Bản tiếng Pháp: “La base réelle de l’idéologie”


 

 

Mục lục

[1]. Sự giao tiếp và sức sản xuất

[2]. Quan hệ của nhà nước và của pháp quyền với sở hữu

[3]. Những công cụ sản xuất tự nhiên và những công cụ sản xuất do nền văn minh tạo ra và các hình thức sở hữu

 

...1* Từ điểm thứ nhất, chúng ta có được tiền đề là sự phân công lao động đã phát triển và một nền thương nghiệp rộng lớn; từ điểm thứ hai, chúng ta có tính địa phương. Trong trường hợp thứ nhất, các cá nhân phải được tập hợp lại với nhau; trong trường hợp thứ hai, bản thân họ xuất hiện với tư cách là công cụ sản xuất bên cạnh những công cụ sản xuất đã có. Thế là ở đây, xuất hiện sự khác nhau giữa những công cụ sản xuất tự nhiên và những công cụ sản xuất do nền văn minh tạo ra. Ruộng (nước, v.v.) có thể coi là công cụ sản xuất tự nhiên. Trong trường hợp thứ nhất, nghĩa là với những công cụ sản xuất tự nhiên thì các cá nhân bị phụ thuộc vào tự nhiên; trong trường hợp thứ hai, họ bị phụ thuộc vào một sản phẩm của lao động. Vì vậy, trong trường hợp thứ nhất, sở hữu (sở hữu ruộng đất) cũng xuất hiện ra là sự thống trị trực tiếp và tự nhiên; còn trong trường hợp thứ hai, sở hữu xuất hiện ra là sự thống trị của lao động, đặc biệt là của lao động tích luỹ, của tư bản. Trường hợp thứ nhất giả định trước rằng các cá nhân được liên hiệp lại với nhau bằng một mối liên hệ nào đó - hoặc là gia đình, bộ lạc, hay thậm chí đất đai, v.v.; trường hợp thứ hai giả định trước rằng họ không phụ thuộc lẫn nhau và chỉ gắn bó với nhau bằng sự trao đổi thôi. Trong trường hợp thứ nhất, sự trao đổi thì chủ yếu là trao đổi giữa người với tự nhiên, một sự trao đổi trong đó lao động của con người được đổi lấy sản phẩm của tự nhiên; trong trường hợp thứ hai thì chủ yếu là trao đổi giữa người với người. Trong trường hợp thứ nhất, con người chỉ cần có một trí tuệ trung bình là đủ, hoạt động chân tay và hoạt động trí óc còn hoàn toàn chưa tách rời nhau; trong trường hợp thứ hai, sự phân công giữa lao động trí óc và lao động chân tay phải được hoàn thành trong thực tiễn rồi. Trong trường hợp thứ nhất, sự thống trị của người có sở hữu đối với những người không có sở hữu có thể dựa vào những quan hệ con người, vào một dạng nào đó của thể cộng đồng [Gemeinwesen], trong trường hợp thứ hai, sự thống trị ấy đã phải mang hình thức vật chất, thể hiện dưới dạng một cái thứ ba, - tiền. Trong trường hợp thứ nhất, công nghiệp nhỏ tồn tại nhưng phụ thuộc vào việc sử dụng những công cụ sản xuất tự nhiên, vì vậy ở đây không có sự phân phối lao động giữa những cá nhân khác nhau; trong trường hợp thứ hai, công nghiệp dựa vào phân công lao động và chỉ nhờ sự phân công lao động đó mới tồn tại được.

Cho tới bây giờ, chúng ta vẫn xuất phát từ công cụ sản xuất, và ở đây đã thể hiện rõ tính tất yếu của sở hữu tư nhân ở những giai đoạn phát triển công nghiệp nhất định. Trong industrie extractive1*, sở hữu tư nhân còn hoàn toàn ăn khớp với lao động; trong công nghiệp nhỏ và trong toàn bộ nông nghiệp, cho tới nay, sở hữu là hậu quả tất yếu của những công cụ sản xuất hiện có; trong công nghiệp lớn thì mâu thuẫn giữa công cụ sản xuất và sở hữu tư nhân chỉ là sản vật của nền công nghiệp lớn, và nền công nghiệp lớn này phải đạt đến một trình độ phát triển cao mới có thể tạo ra mâu thuẫn đó. Như vậy là chỉ với công nghiệp lớn, mới có khả năng xoá bỏ được sở hữu tư nhân.

Trong công nghiệp lớn và trong cạnh tranh, tất cả các điều kiện tồn tại, tất cả những tính quy định, tất cả những tính phiến diện của các cá nhân đều hoà vào trong hai hình thức đơn giản nhất; sở hữu tư nhân và lao động. Tiền tệ làm cho mọi hình thức giao tiếp và bản thân sự giao tiếp trở thành cái ngẫu nhiên đối với các cá nhân. Như vậy là, tiền tệ đã bao hàm điều sau đây: mọi sự giao tiếp trước đây chỉ là những sự giao tiếp của các cá nhân trong những điều kiện nhất định, chứ không phải là những sự giao tiếp giữa các cá nhân với tư cách là những cá nhân. Những điều kiện ấy rút lại chỉ còn có hai: lao động tích luỹ hay sở hữu tư nhân, và lao động hiện thực. Nếu một trong hai điều kiện ấy không còn nữa thì sự giao tiếp cũng ngừng lại. Bản thân những nhà kinh tế học hiện đại - như Xi-xmôn-đi, Séc-buy-li-ê, v.v. - cũng đem association des individus1* đối lập với association des capitaux2*. Mặt khác, bản thân các cá nhân cũng hoàn toàn bị sự phân công lao động chi phối, và do đó họ ở vào hoàn cảnh hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Sở hữu tư nhân, trong chừng mực mà trong khuôn khổ của lao động nó đối lập với lao động, thì phát triển lên do sự cần thiết phải tích luỹ. Lúc đầu, đại bộ phận của nó vẫn tiếp tục duy trì hình thức cộng đồng [Gemeinwesen], nhưng trong sự phát triển về sau, nó ngày càng xích gần lại hình thức hiện đại của sở hữu tư nhân. Ngay từ đầu, sự phân công lao động đã bao hàm sự phân chia điều kiện lao động, công cụ lao động và vật liệu, và do đó cũng bao hàm cả sự chia nhỏ tư bản tích luỹ giữa những người sở hữu khác nhau, và do đó bao hàm cả sự chia cắt giữa tư bản và lao động, cũng như những hình thức khác nhau của bản thân chế độ sở hữu nữa. Sự phân công lao động càng phát triển và tích luỹ ngày càng tăng thì sự chia cắt ấy càng trở nên rõ rệt. Bản thân lao động chỉ có thể tồn tại với điều kiện có sự chia cắt đó.

Như vậy là ở đây biểu lộ hai sự kiện1*. Một là, những lực lượng sản xuất xuất hiện như một cái gì đó hoàn toàn độc lập và tách rời các cá nhân như một thế giới riêng, ở bên cạnh các cá nhân; sở dĩ như vậy là vì các cá nhân, mà lực lượng sản xuất là lực lượng của họ, tồn tại với tư cách là những cá nhân phân tán và đối lập với nhau, trong khi đó thì mặt khác, những lực lượng ấy chỉ là lực lượng hiện thực trong sự giao tiếp và sự liên hệ giữa các cá nhân ấy. Như vậy, một mặt chúng ta có một tổng thể những lực lượng sản xuất, nó mang một hình thức tựa như một hình thức vật chất và đối với bản thân các cá nhân, nó đã không còn là lực lượng của các cá nhân nữa mà là lực lượng của sở hữu tư nhân và do đó chỉ là lực lượng của các cá nhân chừng nào những cá nhân này là những kẻ tư hữu. Trong bất cứ thời kỳ nào trước kia, không bao giờ những lực lượng sản xuất lại mang hình thức ấy, một hình thức không có liên quan gì với sự giao tiếp giữa các cá nhân với tư cách là các cá nhân, vì sự giao tiếp ấy còn là sự giao tiếp hạn chế. Mặt khác, đối lập với những lực lượng sản xuất ấy, ta thấy có đa số các cá nhân mà những lực lượng ấy đã bị tách khỏi, do đó những cá nhân ấy bị tước mất mọi nội dung hiện thực của đời sống của họ, và trở thành những cá nhân trừu tượng, nhưng cũng chính do đó, họ mới có khả năng liên hệ với nhau với tư cách là những cá nhân.

Mối liên hệ duy nhất còn gắn liền họ với lực lượng sản xuất và với sự tồn tại của bản thân họ - tức là lao động - đã mất mọi vẻ bề ngoài là sự tự mình hoạt động và chỉ duy trì đời sống của họ bằng cách làm cho nó tàn lụi đi. Trong khi ở những thời kỳ trước kia, sự tự mình hoạt động và sự sản xuất ra đời sống vật chất bị tách rời nhau chỉ vì chúng rơi vào những người khác nhau và vì sự sản xuất ra đời sống vật chất còn được coi là một phương thức thứ yếu của sự tự mình hoạt động do tính hạn chế của bản thân các cá nhân mà ra, thì hiện nay sự tự mình hoạt động và sự sản xuất ra đời sống vật chất đã tách rời nhau đến mức nói chung, đời sống vật chất xuất hiện với tính cách là mục đích, còn sự sản xuất ra đời sống vật chất ấy, tức là lao động, (hiện nay lao động là hình thức duy nhất có thể có, nhưng như chúng ta thấy, là hình thức phủ định của sự tự mình hoạt động) xuất hiện với tính cách là phương tiện.

Như vậy, tình hình hiện nay đã đi đến chỗ là các cá nhân phải chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất hiện có, không những chỉ để thực hiện sự tự mình hoạt động, mà nói chung là để bảo đảm sự tồn tại của mình. Sự chiếm hữu đó trước hết được quy định bởi đối tượng cần chiếm hữu, ở đây là những lực lượng sản xuất đã phát triển thành một tổng thể xác định và chỉ tồn tại trong khuôn khổ của sự giao tiếp phổ biến. Dưới góc độ này, sự chiếm hữu đó đã nhất thiết phải có tính chất phổ biến, phù hợp với những lực lượng sản xuất và với sự giao tiếp. Bản thân sự chiếm hữu những lực lượng đó chẳng phải là cái gì khác hơn là sự phát triển những năng lực cá nhân cho phù hợp với những công cụ sản xuất vật chất. Chỉ riêng vì lẽ đó thôi, sự chiếm hữu một tổng thể nhất định những công cụ sản xuất cũng đã là sự phát triển một tổng thể nhất định những năng lực trong bản thân các cá nhân. Ngoài ra, sự chiếm hữu đó còn được quy định bởi những cá nhân chiếm hữu. Chỉ có những người vô sản thời nay, hoàn toàn bị tước mất mọi sự tự mình hoạt động, mới có khả năng đạt tới sự tự mình hoạt động đầy đủ, không hạn chế, đó là sự chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất và do đó, phát triển tổng thể các năng lực. Tất cả những sự chiếm hữu cách mạng trước kia đều bị hạn chế. Những cá nhân, mà sự tự mình hoạt động bị hạn chế bởi một công cụ sản xuất hạn chế và một sự giao tiếp hạn chế, đã chiếm hữu công cụ sản xuất hạn chế ấy và do đó chỉ đạt đến một sự hạn chế mới. Công cụ sản xuất của họ trở thành sở hữu của họ, nhưng bản thân họ vẫn lệ thuộc vào sự phân công lao động và vào công cụ sản xuất của chính họ. Trong tất cả những sự chiếm hữu đã qua, một khối lớn các cá nhân vẫn lệ thuộc vào một công cụ sản xuất duy nhất; trong sự chiếm hữu của những người vô sản, một khối lượng lớn các công cụ sản xuất phải nhất thiết lệ thuộc vào từng cá nhân, còn sở hữu thì phải lệ thuộc vào tất cả mọi cá nhân. Sự giao tiếp phổ biến hiện đại không thể bị lệ thuộc vào từng cá nhân bằng bất cứ cách nào, mà chỉ bằng cách lệ thuộc vào mọi cá nhân.

Ngoài ra, sự chiếm hữu còn được quy định bởi phương thức thực hiện sự chiếm hữu. Sự chiếm hữu chỉ có thể được thực hiện bằng sự liên hợp, - do tính chất của bản thân giai cấp vô sản, sự liên hợp này chỉ có thể là một sự liên hợp phổ biến, - và bằng một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng này một mặt lật đổ thế lực của phương thức sản xuất và của sự giao tiếp trước đó và cả của cơ cấu xã hội cũ và mặt khác, phát triển tính phổ biến của giai cấp vô sản và nghị lực mà giai cấp vô sản cần có để thực hiện sự chiếm hữu ấy, hơn nữa cuộc cách mạng này sẽ làm cho giai cấp vô sản trút bỏ được mọi cái rơi rớt lại từ địa vị xã hội cũ của mình.

Chỉ tới giai đoạn đó thì sự tự mình hoạt động mới ăn khớp với đời sống vật chất, điều đó tương ứng với sự phát triển của các cá nhân thành những cá nhân hoàn chỉnh và với sự xoá bỏ mọi tính tự phát. Và hệt như vậy sự chuyển hoá của lao động thành sự tự mình hoạt động thì tương ứng với sự chuyển hoá của sự giao tiếp bắt buộc trước kia thành sự giao tiếp của các cá nhân với tư cách là những cá nhân. Những cá nhân liên hợp mà chiếm hữu toàn bộ tổng thể những lực lượng sản xuất thì chế độ tư hữu cũng bị thủ tiêu. Nếu như trong lịch sử từ trước tới nay, mỗi điều kiện riêng biệt bao giờ cũng là ngẫu nhiên, thì bây giờ chính sự biệt lập của bản thân các cá nhân, tức là con đường kiếm kế sinh nhai riêng biệt của mỗi người, lại trở thành ngẫu nhiên.

Những cá nhân không còn lệ thuộc vào sự phân công lao động nữa được các nhà triết học coi là điều lý tưởng và đặt tên là "Con người", và toàn bộ quá trình phát triển mà chúng ta đã miêu tả được họ coi là quá trình phát triển của "Con người", đến mức là trong mỗi giai đoạn lịch sử đã qua, họ đem "Con người" thay cho những cá nhân đã tồn tại và đã coi "Con người" là động lực của lịch sử. Như vậy, toàn bộ quá trình được họ coi là quá trình tự tha hoá của "Con người"; sở dĩ như vậy là vì về cơ bản, họ đã luôn luôn đem cá nhân trung bình của giai đoạn sau thay cho những cá nhân của giai đoạn trước và đem ý thức của thời sau gắn cho các cá nhân của thời trước. Nhờ sự đảo ngược ấy, một sự đảo ngược ngay từ đầu đã gạt bỏ những điều kiện hiện thực, mà người ta đã có thể biến toàn bộ lịch sử thành một quá trình phát triển của ý thức.

*

*   *

Sau cùng, quan niệm lịch sử mà chúng ta vừa trình bày còn cho chúng ta kết luận như sau: 1) Trong quá trình phát triển của những lực lượng sản xuất có một giai đoạn mà trong đó xuất hiện những lực lượng sản xuất và những phương tiện giao tiếp chỉ có thể gây tác hại trong khuôn khổ những quan hệ hiện có, và đã không còn là những lực lượng sản xuất nữa mà lại là những lực lượng phá hoại (máy móc và tiền). Gắn liền với sự kiện này, xuất hiện một giai cấp buộc phải chịu đựng tất cả gánh nặng của xã hội mà không được hưởng những phúc lợi của xã hội, một giai cấp bị gạt ra ngoài xã hội nên không khỏi đối lập một cách kiên quyết nhất với tất cả các giai cấp khác, một giai cấp do đa số thành viên của xã hội họp thành và là giai cấp sản sinh ra ý thức về tính tất yếu của một cuộc cách mạng triệt để, ý thức cộng sản chủ nghĩa, ý thức mà dĩ nhiên là sự quan sát tình cảnh của giai cấp đó có thể làm nảy sinh ra trong các giai cấp khác; 2) những điều kiện trong đó những lực lượng sản xuất nhất định có thể được sử dụng, là những điều kiện thống trị của một giai cấp nhất định trong xã hội, giai cấp mà quyền lực xã hội của nó - quyền lực do sở hữu của nó mang lại, - thường có sự biểu hiện duy tâm - thực tiễn dưới hình thức nhà nước riêng của mỗi thời kỳ, và vì vậy, mọi cuộc đấu tranh cách mạng đều nhằm chống giai cấp đã thống trị cho đến lúc bấy giờ1*; 3) trong hết thảy các cuộc cách mạng trước đây, tính chất hoạt động bao giờ cũng vẫn nguyên như cũ, - và bao giờ vấn đề cũng vẫn chỉ là phân phối hoạt động ấy một cách khác, chỉ là một sự phân phối lao động mới cho những người khác; trái lại, cách mạng cộng sản chủ nghĩa là nhằm chống lại tính chất hoạt động trước đây, nó xoá bỏ lao động2* và thủ tiêu sự thống trị của mọi giai cấp cùng với bản thân các giai cấp, vì nó được thực hiện bởi một giai cấp không còn được coi là một giai cấp trong xã hội nữa, không được thừa nhận là giai cấp và đã biểu hiện sự tan rã của mọi giai cấp, của mọi dân tộc, v.v., trong khuôn khổ xã hội ngày nay; và 4) để cho ý thức cộng sản chủ nghĩa đó nảy sinh ra được trong đông đảo quần chúng, cũng như để đạt được chính ngay mục đích ấy thì cần phải có một sự biến đổi của đông đảo quần chúng, sự biến đổi này chỉ có thể thực hiện được trong một phong trào thực tiễn, trong cách mạng; do đó, cách mạng là tất yếu không những vì không thể lật đổ giai cấp thống trị bằng một phương thức nào khác mà còn vì chỉ có trong cách mạng giai cấp đi lật đổ giai cấp khác mới có thể quét sạch mọi sự thối nát của chế độ cũ đang bám chặt theo mình và trở thành có năng lực xây dựng cơ sở mới cho xã hội1*.

 

Do C.Mác và Ăng-ghen viết vào năm 1845-46

Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin công bố toàn văn lần đầu tiên bằng tiếng viết trong nguyên bản năm 1932, bằng tiếng Nga năm 1933

In theo bản thảo

Nguyên văn là tiếng Đức

 

 



1* Ở đây, thiếu mất bốn trang bản thảo

1* - công nghiệp khai khoáng

1* - sự liên hợp của các cá nhân

2* - sự liên hợp của những tư bản

1* Ăng-ghen ghi ở ngoài lề:"Xi-xmôn-đi".

1* Mác ghi ở ngoài lề: "Những người ấy quan tâm đến duy trì tình trạng sản xuất hiện tại".

2*  Tiếp theo là đoạn bị gạch bỏ trong bản thảo: "hình thức hiện đại của hoạt động mà dưới đó sự thống trị của..."

1* Tiếp theo là đoạn bị gạch bỏ trong bản thảo: "Trong lúc tất cả những người cộng sản, ở Pháp cũng như ở Anh và ở Đức, từ khá lâu đều đã nhất trí công nhận tính tất yếu ấy của cách mạng, thì thánh Bru-nô vẫn cứ yên tĩnh theo đuổi giấc mơ của mình và nghĩ rằng nếu người ta đặt "chủ nghĩa nhân đạo hiện thực", tức là chủ nghĩa cộng sản, "vào vị trí của chủ nghĩa duy linh" (chủ nghĩa này chẳng có một vị trí nào cả) thì chỉ là để cho chủ nghĩa đó được tôn trọng mà thôi. Lúc đó - ông tiếp tục giấc mơ của ông - "nhất định là sự giải thoát sẽ đến, trái đất sẽ trở thành thiên đường và thiên đường sẽ trở thành trái đất". (Nhà thần học của chúng ta không tài nào quên được thiên đường). "Lúc đó thì niềm hân hoan và lạc thú đời đời sẽ vang lên giữa những sự hài hoà thiên giới" (tr.140). Đức cha thiêng liêng sẽ hết sức kinh ngạc khi cái ngày phán quyết cuối cùng đến một cách bất ngờ đối với ngài, cái ngày trong đó tất cả những điều đó sẽ được thực hiện, - cái ngày mà buổi bình minh sẽ là ánh lửa của những thành phố rực cháy, khi mà giữa những "sự hài hoà thiên giới" đó, sẽ vang lên âm điệu của bài "Mác-xây-e" và bài "Các-ma-nô-la" có kèm theo tiếng gầm tất nhiên của súng đại bác, còn máy chém thì sẽ đánh nhịp; còn "quần chúng" ti tiện sẽ gào lên Ça ira, Ça ira và sẽ thủ tiêu cái "tự ý thức" bằng cái cột đèn19. Thánh Bru-nô có rất ít cơ sở để vẽ nên bức tranh an ủi lòng người về "niềm hân hoan và lạc thú đời đời" ấy. Chúng ta không muốn thích thú được xây dựng a priori thái độ của thánh Bru-nô vào ngày phán xét cuối cùng. Thật khó mà quyết định dứt khoát được là có nên quan niệm những người vô sản đang làm cách mạng như là một "thực thể", như là "khối đông" muốn lật đổ sự phê phán, hay như "sự thăng hoa" của tinh thần, một sự thăng hoa vẫn còn thiếu nồng độ cần thiết để tiêu hoá được những tư tưởng của Bau-ơ, không?".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt