[B. CƠ SỞ THỰC TẾ CỦA HỆ TƯ TƯỞNG] [2] Quan hệ của nhà nước và của pháp quyền với sở hữu
KARL MARX (1818-1883) FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 72-88. Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn | Bản tiếng Anh: “The Real Basis of Ideology”. | Bản tiếng Pháp: “La base réelle de l’idéologie”
Hình thức sở hữu đầu tiên trong thế giới thời cổ cũng như trong thời trung cổ, là sở hữu bộ lạc; ở những người La Mã, hình thức này chủ yếu là do chiến tranh quy định, còn ở người Đức, là do chăn nuôi quy định. Ở những dân thời cổ, do nhiều bộ lạc sống chung trong cùng một thành thị, - sở hữu bộ lạc mang hình thức sở hữu nhà nước, và quyền của mỗi cá nhân đối với sở hữu đó chỉ là sự chiếm hữu [possessio] đơn giản, nhưng cũng như sở hữu bộ lạc nói chung, quyền sở hữu này chỉ hạn chế ở sở hữu ruộng đất thôi. Trong những dân thời cổ, cũng như trong các dân tộc hiện đại, sở hữu thật sự tư nhân chỉ bắt đầu với sở hữu động sản thôi. - (Chế độ nô lệ và cộng đồng [Gemeinwesen]) (dominium ex jure Quiritum1*). Ở những dân tộc nảy sinh từ thời trung cổ, sở hữu bộ lạc tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau - sở hữu ruộng đất phong kiến, sở hữu động sản phường hội, tư bản công trường thủ công - đến tư bản hiện đại, thứ tư bản do nền công nghiệp lớn và sự cạnh tranh phổ biến sinh ra, tức là sở hữu tư nhân thuần túy, đã trút bỏ mọi vẻ bề ngoài của tính cộng đồng [Gemeinwesen] và loại trừ mọi tác động của nhà nước đối với sự phát triển của sở hữu. Tương ứng với sở hữu tư nhân hiện đại đó, là nhà nước hiện đại; nhà nước này bị những người tư hữu nắm lấy dần dần bằng thuế khoá và hoàn toàn rơi vào tay họ qua công trái; bản thân sự tồn tại của nhà nước đó được điều tiết bởi sự lên xuống của thị giá chứng khoán nhà nước ở Sở giao dịch, sự tồn tại ấy hoàn toàn phụ thuộc vào tín dụng thương nghiệp mà những người tư hữu, những nhà tư sản, cấp cho nhà nước. Vì giai cấp tư sản không còn là một đẳng cấp nữa mà là một giai cấp, nên nó bắt buộc phải tự tổ chức không phải trên quy mô địa phương mà trên quy mô toàn quốc, và phải gán cho những lợi ích thông thường của nó một hình thức phổ biến. Do chỗ sở hữu tư nhân được giải thoát khỏi cộng đồng [Gemeinwesen] nên nhà nước đã tồn tại độc lập bên cạnh và bên ngoài xã hội công dân, nhưng thực ra nhà nước ấy chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức mà những người tư sản buộc phải dùng đến để bảo đảm lẫn cho nhau sở hữu và lợi ích của họ, ở ngoài nước cũng như ở trong nước. Ngày nay, sự độc lập của nhà nước chỉ tồn tại ở những nước trong đó đẳng cấp chưa hoàn toàn phát triển thành giai cấp, trong đó đẳng cấp - đã bị xoá bỏ ở những nước tiên tiến hơn, - vẫn tiếp tục đóng một vai trò nào đó, khi nó tạo thành một sự lai tạp không chủ định, do đó trong những nước ấy không một bộ phận nào trong dân cư lại có thể thống trị được những bộ phận khác. Tình hình ở nước Đức chính là như vậy. Ví dụ hoàn hảo nhất về nhà nước hiện đại là nước Mỹ. Tất cả các nhà văn hiện đại Pháp, Anh và Mỹ đều quả quyết rằng nhà nước tồn tại chỉ vì sở hữu tư nhân, thành thử tư tưởng ấy đã thấm vào trong ý thức của con người thông thường. Vì nhà nước là hình thức mà các cá nhân thuộc một giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ và là hình thức dưới đó toàn bộ xã hội công dân của một thời đại được biểu hiện một cách tập trung, nên từ đó có thể rút ra kết luận là mọi thiết chế công cộng đều thông qua nhà nước và mang một hình thức chính trị. Do đó mà có ảo tưởng cho rằng luật pháp là dựa vào ý chí, hơn nữa lại dựa vào một ý chí tự do, tách rời cơ sở hiện thực của nó. Cũng như vậy, quyền, đến lượt nó, được quy thành luật. Tư pháp phát triển đồng thời với sở hữu tư nhân, từ quá trình tan rã của hình thức cộng đồng [Gemeinwesen] hình thành một cách tự nhiên. Ở dân La Mã, sự phát triển của sở hữu tư nhân và tư pháp không có những hậu quả công nghiệp và thương nghiệp, nào khác, vì toàn bộ phương thức sản xuất của họ không thay đổi1*. Ở những dân tộc hiện đại mà công thương nghiệp đã làm tan rã hình thức cộng đồng [Gemeinwesen] phong kiến thì sự ra đời của sở hữu tư nhân và tư pháp đánh dấu bước đầu của một giai đoạn mới có khả năng phát triển hơn nữa. A-man-phi, thành thị của thời trung cổ có một nền thương nghiệp hàng hải rộng lớn, là thành thị đầu tiên chế định ra luật hàng hải. Trước hết ở I-ta-li-a và sau đó ở các nước khác, một khi công nghiệp và thương nghiệp làm cho sở hữu tư nhân phát triển nhiều hơn nữa, thì tư pháp đã được soạn ra một cách kỹ càng ở La Mã lập tức được tiếp thu và được nâng lên thành một quyền uy. Về sau, khi giai cấp tư sản đã đạt được nhiều quyền lực đến mức làm cho bọn vua chúa phải bảo vệ lợi ích của giai cấp ấy, dựa vào sự giúp sức của giai cấp tư sản để lật đổ quý tộc phong kiến thì trong tất cả các nước - ở Pháp vào thế kỷ XVI - luật pháp bắt đầu phát triển thực sự ở khắp mọi nơi, trừ nước Anh, trên cơ sở luật La Mã. Nhưng ngay cả ở nước Anh, để tiếp tục phát triển tư pháp (đặc biệt là trong phần liên quan đến sở hữu động sản), người ta vẫn phải áp dụng những nguyên tắc của luật La Mã. (Không nên quên rằng luật pháp, cũng y như tôn giáo, không có lịch sử riêng của nó). Trong tư pháp, những quan hệ sở hữu hiện có được biểu hiện ra là kết quả của ý chí chung. Bản thân cái jus utendi et abutendi2* đã chứng minh một mặt là sở hữu tư nhân đã trở thành hoàn toàn độc lập đối với cộng đồng và mặt khác là cái ảo tưởng cho rằng bản thân sở hữu tư nhân chỉ đơn thuần dựa vào ý chí tư nhân, vào sự tuỳ tiện định đoạt các vật thôi. Trong thực tế, khái niệm abuti1* có những giới hạn kinh tế rất xác định đối với người tư hữu, nếu như anh ta không muốn rằng sở hữu của anh ta, và cùng với sở hữu đó là jus abutendi2* của anh ta, chuyển vào tay người khác; vì nếu chỉ xem xét vật trong những mối quan hệ của nó với ý chí của người tư hữu thì vật hoàn toàn không phải là vật mà chỉ trong quá trình giao tiếp và độc lập đối với quyền (mối quan hệ mà các nhà triết học gọi là ý niệm3*) thì vật mới trở thành vật, thành một sở hữu hiện thực. Khi quan hệ sở hữu phát triển hơn nữa thì cái ảo tưởng pháp lý đó, cái ảo tưởng quy quyền và độc một mình ý chí, không tránh khỏi đưa đến tình hình là một người nào đó có thể có một quyền lực pháp lý nào đó đối với một vật mà trên thực tế lại không chiếm hữu vật đó. Ví dụ, do cạnh tranh một miếng đất nào đó không đem lại địa tô nữa, nhưng người sở hữu miếng đất vẫn tiếp tục có quyền lực pháp lý cùng với jus utendi et abutendi đối với miếng đất ấy. Nhưng quyền ấy chẳng được tích sự gì cho anh ta cả: với tư cách là người sở hữu ruộng đất, anh ta chẳng có gì hết nếu như ngoài ra, anh ta lại không có đủ vốn để cày cấy mảnh đất của mình. Ảo tưởng ấy của các luật gia giải thich vì sao họ và bất cứ bộ luật nào cũng đều cho rằng việc những cá nhân đặt quan hệ với nhau, như ký kết giao kèo chẳng hạn, là thuần túy ngẫu nhiên, và coi những quan hệ đó là những quan hệ mà người ta có thể tùy ý tham gia hay không và nội dung của những quan hệ ấy là hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn tùy tiện có tính chất cá nhân của những bên ký kết. Mỗi khi sự phát triển của công thương nghiệp tạo ra những hình thức giao tiếp mới, chẳng hạn như những công ty bảo hiểm, v.v., thì luật pháp buộc phải luôn luôn chấp nhận đó là những hình thức mới của việc chiếm hữu sở hữu.
1* - sở hữu căn cứ vào luật công dân La Mã 1* Ăng-ghen ghi ở ngoài lề: "(Cho vay nặng lãi!)". 2* - quyền sử dụng và lạm dụng, tức là quyền định đoạt theo ý mình 1* - lạm dụng 2* - quyền lạm dụng 3* Mác ghi ở ngoài lề: "Quan hệ đối với các nhà triết học = ý niệm. Họ chỉ biết có quan hệ "của con người" với bản thân con người và vì thế đối với họ, tất cả mọi quan hệ hiện thực đều trở thành ý niệm". |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC