Chủ nghĩa Marx

Về sự sản xuất ra ý thức (II)

VỀ SỰ SẢN XUẤT RA Ý THỨC

II

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử:http://www.dangcongsan.vn


 

 

Mục lục

1. Về sự sản xuất ra ý thức (I)

2. Về sự sản xuất ra ý thức (II)

 

Lịch sử chẳng qua chỉ là sự nối tiếp của những hế hệ riêng rẽ trong đó mỗi thế hệ đều khai thác những vật liệu, những tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả những thế hệ trước để lại; do đó, mỗi thế hệ một mặt tiếp tục cái hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi; những sự kiện đó, người ta đã xuyên tạc chúng bằng tư biện khiến cho dường như lịch sử sau là mục đích của lịch sử trước; dường như chẳng hạn mục đích cơ bản của sự phát hiện ra châu Mỹ là giúp cho Cách mạng Pháp bùng nổ. Qua đó, lịch sử có những mục đích riêng của nó và biến thành một "nhân vật bên cạnh những nhân vật khác" (ví dụ như: "Tự ý thức", "Phê phán", "Kẻ duy nhất", v.v.); còn cái mà người ta chỉ bằng những danh từ "sứ mệnh", "mục đích", "mầm mống", "tư tưởng" của lịch sử trước, chẳng qua chỉ là sự trừu tượng rút ra từ lịch sử sau, sự trừu tượng rút ra từ ảnh hưởng tích cực của lịch sử trước đối với lịch sử tiếp theo.

Những lĩnh vực riêng biệt tác động lẫn nhau càng mở rộng ra trong quá trình phát triển đó, sự biệt lập ban đầu giữa các dân tộc riêng biệt càng bị phá huỷ bởi phương thức sản xuất đã được cải tiến, bởi sự giao tiếp và bởi sự phân công lao động do đó mà hình thành ra một cách tự nhiên giữa các dân tộc khác nhau thì lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới; thành thử nếu, chẳng hạn, người ta sáng chế ra ở Anh một chiếc máy cướp mất cơm ăn của vô số người lao động ở Ấn Độ và Trung Quốc và đảo lộn toàn bộ hình thức tồn tại của những quốc gia này thì sáng chế đó sẽ trở thành một sự kiện của lịch sử thế giới; cũng như vậy, đường và cà-phê hồi giữa thế kỷ XIX đã trở thành quan trọng đối với lịch sử thế giới, vì sự khan hiếm những sản phẩm ấy, do việc Na-pô-lê-ông phong toả lục địa gây ra, đã thúc đẩy người Đức nổi dậy chống lại Na-pô-lê-ông, và như vậy là đã trở thành cơ quan thực sự của những cuộc chiến tranh giải phóng vẻ vang năm 1813. Từ đó ta thấy rằng sự biến đổi lịch sử thành lịch sử toàn thế giới không phải là hành vi trừu tượng nào đó của "tự ý thức", của tinh thần thế giới hay của một con ma siêu hình nào đó, mà là một hành động hoàn toàn vật chất, có thể kiểm nghiệm bằng kinh nghiệm, một hành động mà mỗi cá nhân - đúng như cá nhân đó đang tồn tại trong đời sống thực tế, đang ăn, uống và mặc quần áo, - đều là một bằng chứng.

Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử nói chung tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị đó chi phối. Những tư tưởng thống trị không phải là cái gì khác mà chỉ là sự biểu hiện tinh thần của những quan hệ vật chất thống trị, chúng là những quan hệ vật chất thống trị được biểu hiện dưới hình thức tư tưởng; do đó, là sự biểu hiện của chính ngay những quan hệ làm cho một giai cấp trở thành giai cấp thống trị; do đó, đó là những tư tưởng của sự thống trị của giai cấp ấy. Ngoài những cái khác ra, những cá nhân hợp thành giai cấp thống trị cũng còn có một ý thức và do đó, họ tư duy; chừng nào họ thống trị với tư cách là giai cấp và quyết định quy mô và phạm vi của một thời đại lịch sử thì dĩ nhiên là họ thống trị về mọi mặt, cho nên ngoài ra, họ cũng thống trị với tư cách là những người đang tư duy, là những người sản xuất ra tư tưởng, điều tiết sự sản xuất và sự phân phối những tư tưởng của thời đại họ; bởi vậy, những tư tưởng của họ là những tư tưởng thống trị của thời đại. Thí dụ, vào một thời kỳ và ở một nước mà thế lực của vua chúa, giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản tranh nhau quyền thống trị, mà do quyền thống trị bị phân chia thì học thuyết phân quyền tỏ ra là tư tưởng thống trị, nó được người ta coi là "quy luật vĩnh cửu".

Sự phân công lao động mà trên đây (tr.[30-31]) chúng ta đã coi là một trong những lực lượng chủ chốt của lịch sử trước đây, giờ đây lại cũng biểu hiện ra trong giai cấp thống trị dưới hình thức sự phân công giữa lao động tinh thần và lao động vật chất, thành thử trong giai cấp ấy, một bộ phận là những nhà tư tưởng của giai cấp ấy (đó là những nhà tư tưởng tích cực, có năng lực khái quát của giai cấp ấy, những nhà tư tưởng lấy việc chế tạo những ảo tưởng của giai cấp ấy về bản thân mình, làm nguồn sống chủ yếu) trong khi những người khác có thái độ thụ động hơn đối với những tư tưởng và ảo tưởng ấy và sẵn sàng tiếp thu chúng, vì trong thực tế, họ là những thành viên tích cực của giai cấp ấy và có ít thời giờ hơn để tạo ra những ảo tưởng và tư tưởng về bản thân mình. Bên trong giai cấp ấy, sự phân chia như vậy thậm chí có thể phát triển thành một sự đối lập và đối địch nào đó giữa hai bộ phận. Nhưng một khi có một cuộc xung đột thực tiễn khiến cho bản thân giai cấp bị đe doạ thì sự đối địch đó tự tiêu tan, thế là cũng tiêu tan cái bề ngoài dường như những tư tưởng thống trị không phải là những tư tưởng của giai cấp thống trị và dường như chúng có một quyền lực khác với quyền lực của giai cấp đó. Sự tồn tại của những tư tưởng cách mạng trong một thời đại nhất định đã giả định là phải có sự tồn tại của một giai cấp cách mạng và trên đây, chúng ta đã nói tất cả những điều cần nói về những tiền đề của sự tồn tại của giai cấp cách mạng ấy rồi (tr.[32-35]).

Nhưng nếu trong khi xem xét tiến trình của lịch sử, người ta tách những tư tưởng của giai cấp thống trị khỏi bản thân của giai cấp thống trị ấy và làm cho chúng có một sự tồn tại độc lập; nếu người ta cứ khăng khăng cho rằng những tư tưởng này khác đã thống trị trong một thời đại nào đó mà không lưu ý đến cả những điều kiện sản xuất lẫn người sản xuất ra những tư tưởng ấy, tức là hoàn toàn không tính đến những cá nhân và hoàn cảnh thế giới làm cơ sở cho những ý niệm ấy, thì người ta có thể nói chẳng hạn rằng trong thời kỳ thống trị của giai cấp quý tộc, những khái niệm danh dự, trung thành, v.v., thống trị, còn trong thời kỳ thống trị của giai cấp tư sản, những khái niệm tự do, bình đẳng, v.v., thống trị. Nói chung, giai cấp thống trị tự mình tạo ra cho mình những ảo tưởng tương tự. Quan niệm ấy về lịch sử, - là quan niệm chung của tất cả các nhà sử học, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII, - tất sẽ vấp phải hiện tượng này là những tư tưởng thống trị ngày càng trở nên trừu tượng thêm, nghĩa là ngày càng mang hình thức phổ biến. Thật ra, mỗi giai cấp mới thay thế cho giai cấp thống trị trước mình, muốn thực hiện được mục đích của mình, đều nhất thiết phải biểu hiện lợi ích của bản thân mình thành lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội hay nói một cách trừu tượng: phải gắn cho những tư tưởng của bản thân mình một hình thức phổ biến, phải biểu hiện những tư tưởng đó thành những tư tưởng duy nhất hợp lý, duy nhất có giá trị phổ biến. Chỉ vì nó đứng đối lập với một giai cấp khác, nên giai cấp làm cách mạng đã không xuất hiện ngay từ đầu với tư cách là một giai cấp mà với tư cách là một đại biểu cho toàn bộ xã hội; nó xuất hiện với tư cách là toàn bộ cái khối đông đảo của xã hội đương đầu với một giai cấp thống trị duy nhất1*. Sở dĩ có thể làm như vậy là vì lúc ban đầu, lợi ích của nó còn thực sự gắn liền với lợi ích chung của các giai cấp không thống trị khác, vì dưới sức ép của những quan hệ tồn tại trước đó, lợi ích ấy còn chưa thể phát triển thành lợi ích riêng biệt của một giai cấp riêng biệt. Vì vậy, thắng lợi của giai cấp ấy cũng có lợi cho nhiều cá nhân trong những giai cấp khác không đạt được địa vị thống trị, song chỉ có lợi trong chừng mực thắng lợi ấy khiến cho các cá nhân này có khả năng vươn lên hàng giai cấp thống trị. Khi giai cấp tư sản Pháp lật đổ sự thống trị của giai cấp quý tộc thì do đó, nó đã khiến cho nhiều người vô sản có khả năng vươn lên trên giai cấp vô sản, nhưng chỉ trong chừng mực bản thân họ trở thành tư sản. Như vậy, mỗi giai cấp mới đều chỉ xây dựng sự thống trị của mình trên một cơ sở rộng hơn cơ sở của giai cấp đã thống trị trước nó; nhưng ngược lại sau đó thì sự đối lập của giai cấp không thống trị với giai cấp giờ đây đã nắm được quyền thống trị lại càng phát triển sâu sắc và gay gắt hơn, Hai sự việc đó dẫn tới chỗ là cuộc đấu tranh mà giai cấp không thống trị phải tiến hành chống lại giai cấp thống trị mới, đến lượt nó, lại nhằm mục đích phủ định chế độ xã hội trước đó một cách kiên quyết hơn và triệt để hơn tất cả các giai cấp đã giành được quyền thống trị trước kia.

Toàn bộ cái bề ngoài đó, cái bề ngoài tựa hồ như sự thống trị của một giai cấp nhất định chỉ là sự thống trị của những tư tưởng nhất định, tất sẽ tự tiêu tan, một khi sự thống trị của bất cứ giai cấp nào không còn là hình thức của chế độ xã hội nữa, nghĩa là một khi không còn cần phải biểu hiện lợi ích riêng thành lợi ích chung, hoặc biểu hiện "cái phổ biến" thành cái thống trị nữa.

Một khi đã tách những tư tưởng thống trị khỏi những cá nhân đang thống trị và trước hết khỏi những quan hệ sinh ra từ một giai đoạn nhất định của một phương thức sản xuất, và do đó đi đến kết luận là những tư tưởng luôn luôn thống trị trong lịch sử, thì người ta rất dễ từ những tư tưởng khác nhau đó, trừu tượng ra "ý niệm", tư tưởng, v.v., coi đó là yếu tố thống trị trong lịch sử, và bằng cách đó hiểu tất cả những ý niệm và khái niệm riêng rẽ ấy là những "sự tự quy định" của cái khái niệm đang phát triển trong lịch sử. Trong trường hợp như vậy thì hoàn toàn tự nhiên là người ta có thể rút từ khái niệm con người, từ con người trong tưởng tượng, từ bản chất con người, từ "Con người" ra tất cả những quan hệ giữa người với người. Triết học tư biện đã làm như thế. Chính Hê-ghen, trong phần cuối của cuốn "Triết học lịch sử"[1], đã thú nhận rằng ông "xem xét sự vận động đi lên chỉ riêng của khái niệm mà thôi" và trong lịch sử, ông đã trình bày "thần luận chân chính" (tr.446). Thế là bây giờ, người ta lại có thể lại quay trở về với những người sản xuất ra "khái niệm", với những nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà triết học, để đi đến kết luận rằng những nhà triết học, nhà tư tưởng với tư cách như vậy, xưa nay vẫn thống trị trong lịch sử, - nghĩa là đi đến kết luận mà Hê-ghen đã phát biểu như chúng ta đã thấy. Thật ra toàn bộ trò ảo thuật nhằm chứng minh sự thống trị tối cao của tinh thần trong lịch sử (mà Stiếc-nơ gọi là hệ thống cấp bậc) quy lại là ba nỗ lực sau đây:

Số 1. Phải tách những tư tưởng của những cá nhân thống trị - hơn nữa, lại là những cá nhân thống trị do những nguyên nhân kinh nghiệm, trong những điều kiện kinh nghiệm và với tư cách là những cá nhân vật chất, - ra khỏi bản thân những cá nhân thống trị đó, và do đó phải thừa nhận sự thống trị của tư tưởng hoặc ảo tưởng trong lịch sử.

Số 2. Phải đem lại một trật tự cho sự thống trị ấy của những tư tưởng, phải chứng minh rằng có một mối liên hệ thần bí nào đó giữa những tư tưởng thống trị kế tiếp nhau. Người ta có thể đạt được điều đó bằng cách xem những tư tưởng thống trị là những "sự tự quy định của khái niệm" (có thể làm như thế, vì những tư tưởng ấy thật sự có liên hệ với nhau bởi cơ sở kinh nghiệm của chúng; hơn nữa vì nếu xem chúng là những tư tưởng thuần túy thì chúng trở thành những sự tự khác biệt, những khác biệt do tư duy sản sinh ra).

Số 3. Để vứt bỏ mặt thần bí của "khái niệm tự quy định" đó, người ta nhân cách hoá nó thành "Tự ý thức" - hoặc để tỏ ra mình là người duy vật thực sự, người ta biến nó thành một loạt nhân vật đại biểu cho "khái niệm" trong lịch sử, tức là thành "những nhà tư duy", những "nhà triết học", nhà tư tưởng, mà bây giờ người ta coi là những người làm ra lịch sử, là "hội đồng những người bảo vệ", là những người thống trị1*. Bằng cách đó, người ta đã loại trừ mọi yếu tố duy vật chủ nghĩa khỏi lịch sử, và thế là người ta có thể yên trí thả lỏng cương cho con ngựa tư biện của mình.

Trong đời sống thường ngày, bất cứ anh shopkeeper2* nào cũng đều biết phân biệt rành rọt cái mặt giả của một người nào đó với cái mặt thật của người đó; trong lúc đó khoa viết sử của chúng ta lại chưa đạt được sự hiểu biết tầm thường ấy. Nó tin ngay vào lời nói của mỗi thời đại tự nói về mình và tự tưởng tượng về mình.

Phương pháp lịch sử đó đã thống trị ở nước Đức và nhất là cái nguyên nhân tại sao nó lại thống trị chủ yếu ở nước Đức, phải được giải thích xuất phát từ mối liên hệ của nó với ảo tưởng của các nhà tư tưởng nói chung, - chẳng hạn như với ảo tưởng của các nhà luật học, các nhà chính trị (kể cả những nhà hoạt động nhà nước thực tiễn), - xuất phát từ những mơ tưởng giáo điều và những điều xuyên tạc của những người đó. Tình hình đời sống thực tế của họ, nghề nghiệp của họ và sự phân công lao động hiện tồn giải thích phương pháp đó một cách rất đơn giản.

 

Do C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết vào năm 1845-1846

Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin công bố toàn văn lần đầu tiên bằng tiếng viết trong nguyên bản năm 1932, bằng tiếng Nga năm 1933

In theo bản thảo

Nguyên văn là tiếng Đức

 



1* Mác ghi ở ngoài lề: "(Tính phổ biến phù hợp với: 1) giai cấp contra2* đẳng cấp, 2) cạnh tranh, giao dịch quốc tế, v.v., 3) số lượng lớn của giai cấp thống trị, 4) ảo tưởng về lợi ích chung. Lúc đầu ảo tưởng này là đúng, 5) sự tự dối mình của những nhà tư tưởng và sự phân công lao động)".

2* - chống lại

[1] G.W.F.Hegel. "Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte"; Werke, Bd.IX, Berlin, 1837 (G.V.Ph.Hê-ghen. "những bài giảng về triết học lịch sử", Toàn tập, t.IX, Béc-lin, 1837).

1* Mác ghi ở ngoài lề: "Con người với tính cách là con người = "tinh thần đang tư duy của con người"".

2* - chủ hiệu

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt