Triết học nghệ thuật

Aristotle. Nghệ thuật thi ca. [1447a-b]

 

ARISTOTLE 

NGHỆ THUẬT THI CA

 

 

[1447a] [8]

Ở đây chúng ta hãy[1] bàn về nghệ thuật thi ca, bản chất của nó và các loại khác nhau của nó, với chức năng đặc trưng của mỗi loại và cách thức mà cốt truyện phải được xây dựng nếu muốn tác phẩm thành công; và cũng bàn về số lượng và đặc điểm của các bộ phận cấu thành nên một tác phẩm, và tương tự với tất cả các vấn đề khác liên quan đến chính nghiên cứu này; và chúng ta hãy, như bản tính tự nhiên chỉ dẫn, bắt đầu bằng những nguyên lý đầu tiên.

Thế thì, sử thi, và thi ca bi kịch, và hơn nữa, hài kịch và thơ hát tán tụng thần Dionysus, và hầu hết các loại đàn sáo và đàn lia, nói chung, tất cả những thứ này được coi là "sự tái hiện cuộc sống"[2]. Nhưng chúng khác nhau ở ba cách thức: hoặc sử dụng các phương tiện khác loại[3] hoặc tái hiện các đối tượng khác nhau hoặc tái hiện các đối tượng không theo cùng một cách mà theo một phương cách khác. Vì cũng giống như việc người ta sử dụng cả màu sắc lẫn hình dạng để tái hiện nhiều đối tượng, tạo ra những hình ảnh giống với chúng - [20] một số người có kiến thức về nghệ thuật và một số người thì làm theo kinh nghiệm - và cũng giống như những người khác sử dụng giọng nói của con người; điều tương tự cũng xảy ra trong các loại nghệ thuật mà chúng ta đã đề cập, tất cả chúng đểu tạo ra những sự tái hiện của chúng trong nhịp điệu, ngôn ngữ và giai điệu, sử dụng các phương tiện này riêng rẽ nhau hoặc kết hợp nhau. Vì chỉ có giai điệu và nhịp điệu được sử dụng trong nghệ thuật thổi sáo và gãy đàn, và bất kỳ nghệ thuật nào khác có chức năng tương tự, chẳng hạn như nghệ thuật thổi khèn. Chỉ có nhịp điệu mà không có giai điệu được các vũ công sử dụng trong những mô phỏng của họ vì thông qua những cử chỉ theo nhịp điệu, họ thể hiện cả tính cách lẫn trải nghiệm và hành động.[4]

[1447b] [1] hoặc theo một vần luật hoặc kết hợp nhiều vần luật, cho đến nay vẫn chưa có một tên gọi chung. Vì chúng ta chưa thể tìm được một thuật ngữ chung nào để áp dụng cho các vở kịch mimes của Sophron và Xenarchus[5] và cho các đối thoại Socratic: cũng không thể giả sử nhà thơ làngười thể hiện tác phẩm của mình bằng thể thơ iambicelegiac hay bất kỳ thể thơ nào khác như vậy– ngoại trừ việc người ta gắn từ nhà thơ (người tạo tác) với tên thể loại và nói về các nhà thơ elegiac và các nhà thơ khác là những nhà thơ sử thi. Vì vậy, người ta gọi họ là nhà thơ không phải căn cứ theo cách thể hiện tác phẩm của họ mà căn cứ theo vần luật một cách thiếu phân biệt. Vì nếu ai đóxuất bản các chuyên luận y học hay khoa học bằng thơ thì theo thói quen người ta sẽ gọi họ là nhà thơ. Nhưng Homer và Empedocles[6] không có điểm gì chung ngoại trừ vần luật, do đó ắt sẽ phù hợp hơn nếu coi người này là nhà thơ còn người kia không phải là nhà thơ mà là nhà khoa học. [20] Tương tự như vậy, nếu một người nào đó thể hiện tác phẩm của mình bằng cách kết hợp tất cả các loại vần luật, như Chaeremon đã làm khi ông viết khúc ngâm Nhân mã, một thể loại hỗn hợp tất cả mọi vần luật, thì anh ta cũng nên được gọi là nhà thơ.[7] Do đó, về điều này mấy sự phân biệt như thế là đủ.

​​Có những loại nghệ thuật sử dụng tất cả các phương tiện mà tôi đã đề cập, như nhịp điệu, giai điệu và vần luật – thơ hát xướng dithyrambic và thơ "nomic"[8], chẳng hạn, cũng như bi kịch và hài kịch. Sự khác biệt ở đây là một số loại nghệ thuật sử dụng tất cả các phương tiện này cùng một lúc, một số loại sử dụng khi thì phương tiện này khi thì phương tiện khác. Những sự khác biệt này trong các loại nghệ thuật khác nhau, tôi gọi là các phương tiện thể hiện.

Đinh Hồng Phúc dịch


Nguồn: Aristotle. Aristotle in 23 Volumes, Vol. 23, translated by W.H. Fyfe. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1932. | Bản điện tử: Peuseus

 


[1] Bản văn được in ở đây dựa trên ấn bản lần thứ ba của Vahlen (Leipzig, 1885), và các sai lệch chính so với nó được ghi chú ở chân mỗi trang. Nguồn gốc chính của tất cả các bản văn hiện có của Nghệ thuật Thi ca là bản thư tịch Paris thế kỷ 11, số 1741, được ký hiệu là Ac. Đối với các bản thư tịch thời Phục Hưng, ngoại trừ tiến sĩ Margoliouth, ít người gán cho chúng giá trị độc lập, nhưng chúng chứa đựng những gợi ý hữu ích để sửa chữa những sai sót và khiếm khuyết rõ ràng trong Ac. Những bản thư tịch này được ký hiệu là "bản sao". V. biểu thị cho ấn bản lần thứ ba của Vahlen, và By. biểu thị là bản của cố Giáo sư Ingram Bywater, người đã giành được lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của tất cả những người nghiên cứu Nghệ thuật Thi ca bằng những đóng góp của mình cho cả bản văn lẫn việc diễn giải nó. Sau đó là bản ghi chép tiếng Ả Rập. Được dịch vào thế kỷ 11 từ một bản dịch tiếng Syria ở thế kỷ 8, có vẻ như nó không mấy có ý nghĩa, nhưng đôi khi cho ta thấy lờ mờ có những cách đọc khác nhau về một bản thư tịch cổ hơn ba thế kỷ nhưng không nhất thiết phải tốt hơn Ac, những cách đọc này xác nhận có một số cải tiến đã được đưa vào trong các bản văn thời Phục hưng.

 

[2] Giải thích về μίμησις (mimesis), như cách Aristotle sử dụng từ này, đòi hỏi phải có một chuyên luận riêng; tất cả những gì một chú thích có thể nói là thế này: Cuộc sống "trình hiện" ra cho người nghệ sĩ dưới dạng các hiện tượng của giác quan, người nghệ sĩ "tái hiện" chúng trong phương tiện biểu đạt của chính mình, bằng cách tạo ra sự mạch lạc, thiết kế một kiểu mẫu. Điều này không chỉ đúng với kịch và tiểu thuyết mà còn đúng với nhạc khí ("hầu hết nghệ thuật thổi sáo và gảy đàn kia") rõ ràng đối với người Hy Lạp hơn so với chúng ta, bởi nhạc khí của Hy Lạp rõ ràng là mang tính chất mô phỏng hơn. Plato mô tả màn trình diễn kỹ thuật của nghệ sĩ bậc thầy là "một tiếng ồn kinh khủng". Vì μίμησις theo nghĩa này và μιμητής (mimētḗs, người mô phỏng, bắt chước) và động từ μιμεῖσθαι (mimeîsthai, bắt chước, mô phỏng) có phạm vi rộng hơn bất kỳ một từ tiếng Anh nào, nên trong bản dịch ta cần phải sử dụng nhiều từ để dịch, ví dụ: μιμητής là những gì chúng ta gọi là một "nghệ sĩ" ("artist"); và đối với μίμησις, thì chữ "sự tái hiện" ("representation") sẽ tỏ ra vụng về, chúng ta có thể sử dụng từ "nghệ thuật" ("art"); tính từ phải là "mô phỏng" ("imitative"), vì chữ "đại diện" ("representative") có những ý nghĩa khác.

 

[3] Nghĩa là có thể được chia ra thành các phạm trù riêng biệt.

 

[4] πάθη (pathē) và πράξεις (praxeis) bao quát toàn bộ lĩnh vực đời sống, những gì con người làm (πράξεις) và những gì con người trải nghiệm (πάθη). Vì πάθη cũng có nghĩa là "cảm xúc" và nghĩa đó có thể hiện diện ở đây, nhưng với tư cách là một từ ngữ kỹ thuật trong chuyên luận này, πάθος (pathos) là một tai ương hay biến cố bi đát, một cái gì đó xảy ra với nhân vật.

 

[5] Sophron và Xenarchus, được cho là cha và con, sống ở Syracuse, người cha sống cùng thời với Euripides. Họ viết các vở kịch mimes, đó là những vở ca kịch đơn giản và thường mang tính châm biếm về các sự việc quen thuộc, giống như những bài thơ thể loại mimes của Herondas và bài thơ số 15 trong tập thơ Idyll của Theocritus, nhưng bằng văn xuôi. Có một truyền thống cho rằng các vở ca kịch mimes của họ gợi ý chó Plato sử dụng hình thức đối thoại.

 

[6] Empedocles (thời kỳ hoạt động khoảng năm 445 TCN) đã diễn đạt các giáo thuyết triết học và tôn giáo của mình dưới dạng thơ hexameter, loại thơ mà Aristotle ở những chỗ khác coi là có giá trị thực sự xét như là thơ ca. Tuy nhiên, ở đây, thơ của Empedocles bị loại ra khỏi hàng ngũ thi ca vì mục đích của nó là hoàn toàn khác.

 

[7] Chaeremon là một nhà bi kịch và nghệ sĩ rhapsody. Tác phẩm Nhân mã rõ ràng là một thử nghiệm có thể được xếp vào loại kịch hoặc sử thi. Đối chiếu Aristot. Poetics. 24.11.

 

[8] Định nghĩa truyền thống cho rằng Dithyramb được hát bởi một dàn hợp xướng, có đệm sáo, ngợi ca thần Dionysus; và Nome là bài hát đơn ca với tiếng đệm của đàn hạc, ngợi ca thần Apollo, nhưng không rõ Aristotle có coiDithyramb chỉ bó hẹp trong phạm vi thờ phụng thần Dionysus hay không. Bài dithyramb của Timotheus được đề cập trong Aristot. Poet. 15.8 không thể là để ca ngợi Dyonysus. Nhưng có chứng cứ xác đáng cho thấy rằng dithyramb chủ yếu gắn với Dyonysus.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt