Triết học nghệ thuật

Về cái Đẹp (Mục 3)

 

PLOTINUS

ENNEADS

Tập thứ nhất, Quyển 6.

------------

 

VỀ CÁI ĐẸP

 


Plotinus. Enneads. Tập thứ nhất, Quyển 6. Về cái đẹp. Đinh Hồng Phúc dịch | Bản tiếng Anh của Stephen MacKenna and B. S. Page.


MỤC 3 

 

Và linh hồn bao hàm một quan năng chỉ hướng riêng về cái Đẹp, một quan năng có độ xác tín khó gì sánh kịp trong việc đánh giá cái thuộc về mình, không bao giờ nghi ngờ mỗi khi có một sự vật khả ái nào đó tự xuất hiện ra để được nhận định.

Hoặc cũng có thể chính linh hồn trực tiếp hành động, xác nhận cái Đẹp bất cứ khi nào nó tìm thấy một điều gì đó tương hợp với Hình thức-Ý thể nằm trong chính nó, dùng Ý niệm này như một bộ chuẩn tắc cho sự chuẩn xác trong nhận định của nó.

Nhưng có sự tương hợp nào giữa cái vật chất và cái có trước mọi Vật chất chăng?

Theo nguyên lý nào mà người kiến trúc sư, khi thấy ngôi nhà hiện ra trước mặt tương hợp với ý niệm nội tại về ngôi nhà nơi linh hồn mình, lại tuyên bố đó là đẹp? Há chẳng phải bởi vì ngôi nhà trước mặt ông, nếu tách riêng vật liệu đá ra, chính là ý niệm nội tại được khắc lên khối vật chất bên ngoài, tức cái đơn nhất không thể phân chia được biểu lộ ra trong tính đa thù?

Cũng vậy đối với quan năng tri giác: khi nhận thấy trong một số đối tượng cái Hình thức–Ý thể [Ideal-Form] khuôn định và chi phối vật chất vô định hình, đối lập về bản tính với Ý niệm, và khi nhận ra nơi các hình thể phổ biến một hình dạng nào đó vượt trội hơn chính chúng, như thể được khắc in lên đó, thì quan năng ấy tập hợp những gì vốn còn rời rạc thành một thể thống nhất, nắm lấy nó và đưa nó vào nội tâm, khi ấy nó không còn là một sự vật bao gồm các phần nữa, và đưa nó tới trước Nguyên tắc–Ý thể [Ideal-Principle] như là một cái gì đó hoà hợp và đồng điệu, một người bạn tự nhiên; niềm vui nơi đây giống như niềm vui của một con người thiện hảo khi nhận ra nơi một thanh niên những dấu hiệu khởi đầu của một đức hạnh tương ứng với sự hoàn hảo đã thành tựu trong linh hồn chính mình.

Vẻ đẹp của màu sắc cũng là kết quả của sự thống nhất: nó phát sinh từ hình dáng, từ sự chế ngự bóng tối cố hữu nơi Vật chất thông qua sự tràn ngập ánh sáng, cái không thân thể, vốn là một Nguyên tắc Lý tính [Rational-Principle] và Hình thức -Ý thể.

Vì thế, chính Lửa là thứ rực rỡ vượt trên mọi thể vật chất, làm Nguyên tắc–Ý thể cho các yếu tố khác, luôn vươn lên trên, là thể tinh tế và linh hoạt nhất trong mọi vật thể, rất gần với cái không-thân thể; chỉ riêng nó không tiếp nhận cái gì khác, còn mọi thứ khác đều được nó thẩm thấu: vì chúng tiếp nhận hơi ấm, còn bản thân Lửa thì không bao giờ lạnh; nó vốn có màu sắc nguyên sơ, còn chúng tiếp nhận Hình thức của màu sắc từ nơi nó; bởi vậy, ánh sáng của nó rực rỡ, thứ ánh sáng thuộc về Ý niệm. Và mọi thứ chống cự lại ánh sáng ấy, hay chỉ bị chiếu tới một cách lờ mờ, thì vẫn đứng ngoài cái đẹp, vì chưa hấp thụ được sự viên mãn của Hình thức của màu sắc.

Và những hòa điệu không thể nghe thấy bằng âm thanh tạo nên những hòa điệu mà ta nghe thấy, đánh thức linh hồn đến với ý thức về cái Đẹp, chỉ cho linh hồn thấy một bản chất duy nhất trong một hình thái khác: vì những quy luật nhịp điệu trong âm nhạc khả giác của chúng ta không phải là tùy tiện, mà được xác lập bởi một Nguyên tắc, mà công việc của Nguyên tắc ấy là chế ngự Vật chất và dẫn khởi những khuôn mẫu vào tồn tại.

Cho đến đây là phần nói về những vẻ đẹp thuộc lĩnh vực của giác quan: các hình ảnh và bóng hình, những thứ lánh thoát đã vào trong Vật chất, để tô điểm và mê hoặc ở nơi nào chúng được trông thấy.


Mục 2
Mục 4

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt