ARISTOTLE NGHỆ THUẬT THI CA
[1448a] [1] Vì những con người đang sống[1] là đối tượng của sự tái hiện, nên những người này tất phải là người tốt hoặc người xấu – chỉ có như vậy các nhân vật mới được phân biệt nhau một cách bình thường, vì những sự khác biệt về tính cách (ēthē) phụ thuộc vào thói xấu và đức hạnh – nghĩa là [người đó] tốt hơn ta hoặc tệ hơn ta hoặc giống như ta. Các họa sĩ cũng vậy. Polygnotus vẽ những người [có tính cách] tốt hơn, còn Pausson vẽ những người tệ hơn, trong khi đó Dionysius lại vẽ giống như thật.[2] Rõ ràng mỗi một [phong cách] nghệ thuật nói trên sẽ chấp nhận những sự phân biệt này, và chúng sẽ khác nhau trong việc tái hiện các đối tượng khác nhau theo cách được mô tả ở đây. Trong hội họa cũng vậy,[i] và trong nghệ thuật thổi sáo và gảy đàn hạc, chắc chắn ta có thể nhận thấy được những sự khác biệt này; và cũng giống như thế trong văn xuôi và thơ không có nhạc đệm. Ví dụ, Homer miêu tả những con người "tốt tính hơn", Cleophon miêu tả những con người "giống như thật", trong khi Hegemon thành Thasos, người đầu tiên viết trào phúng, và Nicochares, tác giả tập Poltrooniad, miêu tả những con người "xấu tính hơn".[3] Điều tương tự cũng đúng đối với thơ dithyrambic và nomic, chẳng hạn như ... một văn nhân nào đó có thể mô tả[ii] các nhân vật giống như Cyclops như Timotheus và Philoxenus đã mô tả.[4] Chính trong phương diện này mà bi kịch khác với hài kịch. Hài kịch nhằm tái hiện[iii] con người tệ hơn, trong khi bi kịch tái hiện con người tốt hơn so với chính họ trong hiện tại. Sự khác biệt thứ ba trong những nghệ thuật này là cách thức theo đó người ta có thể tái hiện mỗi một trong số đối tượng đó. Vì khi tái hiện các đối tượng giống nhau theo cùng một phương tiện, người ta có thể tiến hành một phần bằng cách kể chuyện và một phần bằng cách nhập vai vào người khác không phải mình – đây là phương pháp của Homer – hoặc bằng cách vẫn là chính mình nhưng không có bất cứ sự thay đổi nào, còn nếu không thì tái hiện các nhân vật như là họ đang tự mình thực hiện toàn bộ các hoạt động của mình. Như chúng tôi đã nói ở trên, đây là ba sự khác biệt hình thành các loại hình khác nhau của nghệ thuật tái hiện, đó là phương tiện, đối tượng, và cách thức. Từ đó có thể thấy rằng, ở một khía cạnh nào đó, Sophocles sẽ là một nghệ sĩ cùng loại với Homer, bởi cả hai đều miêu tả những người tốt, và ở một khía cạnh khác, ông sẽ giống Aristophanes, bởi cả hai đều miêu tả những người đang hành động và làm việc. Và theo một số người, đó là lý do tại sao chúng được gọi là "kịch" (dramas), vì chúng tái hiện lại những con người như là họ đang làm[5] những việc gì đó. Và vì lý do này, người Dorian tự cho rằng cả bi kịch và hài kịch đều là của họ – hài kịch được cả người Megara ở đây, đất nước Hy Lạp này, họ nói rằng nó khởi nguyên từ thời kỳ dân chủ của họ, lẫn người Megara ở Sicily[6] đều tự nhận là của mình, bởi vì nhà thơ Epicharmus[7] xuất thân từ xứ này, sống trước thời của Chionides và Magnes rất lâu; còn bi kịch thì một số người Peloponnese tự cho là của họ. Chứng cứ của họ là hai cái tên đó. Họ nói rằng hai tên gọi đó của họ dùng để chỉ các làng mạc ngoại ô là κῶμαι – người Athens gọi chúng là "Demes" – và những người diễn hài kịch (kōmōdous) cũng được gọi là như vậy nhưng không phải từ kōmazein (diễu hành, ăn nhậu), mà bởi vì họ bị đuổi khỏi thành phố và đi lang thang [biểu diễn] quanh các làng mạc (komai). Đinh Hồng Phúc dịch
Nguồn: Aristotle. Aristotle in 23 Volumes, Vol. 23, translated by W.H. Fyfe. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1932, trang [1448a] [1] Nghĩa đen là "những người đang làm hay đang trải nghiệm điều gì đó" [2] Các bức chân dung của Polygnotus theo phong cách trang nghiêm nhưng vẫn thể hiện được tính cách (xem Aristot. Poet. 6.15); Aristophane ám chỉ Pauson là "người vẽ tranh biếm họa cực kỳ tinh quái"; Dionysius thành Colophon có biệt danh là "họa sĩ vẽ người" vì ông luôn vẽ con người và có lẽ vẽ ra những bức chân dung giống như thật. [3] Cleophon viết "các sử thi" (tức là những bài thơ theo thể hexameter), miêu tả những cảnh đời thường bằng lối nói chuyện đơn giản (xem Aristot. Poet. 22.2): Hegemon viết những bản sử thi giễu cợt theo phong cách của tác phẩm còn sót lại Trận chiến của Ếch và Chuột: về Nicochares thì không biết gì nhiều, nhưng rõ ràng thế mạnh của ông là thơ châm biếm. [4] Cả hai đều là những nhà thơ dithyramb nổi tiếng. Có bằng chứng cho thấy Philoxenus đã xử lý nhân vật Polyphemus theo phong cách châm biếm: Timotheus có thể đã vẽ nên một bức tranh đường bệ hơn. [5] "Drama" (kịch) bắt nguồn từ chữ δρᾶν "làm." [6] Cư dân sống tại thành phố Hy Lạp cổ đại Megara Hyblaea, một thuộc địa Hy Lạp được thành lập vào khoảng 728 TCN ở vùng đông bắc Sicily (Sicilia), Italy ngày nay. [7] Epicharmus đảo Cos đã viết ở Sicily những vở kịch trào phúng và "mimes"để mô tả các cảnh sinh hoạt hàng ngày. Ông và Phormis được coi là "những người khởi xướng ra hài kịch" vì đã phác họa các kiểu nhân vật điển hình thay vì châm biếm các cá nhân cụ thể (xem Aristot. Poet. 5.5): về Chionides và Magnes, chúng ta chỉ biết rằng họ là những nhà hài kịch "sớm", tức là trong nửa đầu thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC