Triết học nghệ thuật

Những giả định thẩm mỹ chung của người Hy Lạp

 

NHỮNG GIẢ ĐỊNH THẨM MỸ CHUNG CỦA NGƯỜI HY LẠP

 

Wladyslaw Tatarkiewicz (1886-1980)

Đinh Hồng Phúc dịch

 

 

Người Hy Lạp đã phải sáng tạo ra một ngôn ngữ để tư duy và trò chuyện về nghệ thuật mà họ tạo ra. Một số khái niệm được họ sử dụng phổ biến đã hình thành từ trước cả khi các triết gia xuất hiện. Các triết gia tiếp thu chúng, ít nhất là một phần, rồi mở rộng và biến đổi chúng. Tuy vậy, những khái niệm ấy rất khác với các khái niệm đang được sử dụng phổ biến ngày nay sau hàng thế kỷ tranh luận học thuật. Ngay cả khi từ ngữ được dùng là giống nhau, thì ý nghĩa của chúng cũng đã khác.

1. KHÁI NIỆM VỀ CÁI ĐẸP

Trước hết, từ kalon mà người Hy Lạp sử dụng, và ngày nay chúng ta dịch là “cái đẹp”, mang một ý nghĩa khác với ý nghĩa thông thường của từ “đẹp” hiện nay. Nó chỉ bất kỳ điều gì làm ta vui thích, thu hút và khơi dậy sự ngưỡng mộ. Nói cách khác, phạm vi nghĩa của từ này rộng hơn hiện nay. Trong khi kalon bao hàm những gì làm hài lòng thị giác và thính giác, những gì dễ chịu nhờ hình dạng của chúng, thì nó cũng bao gồm vô số điều khác mang lại khoái cảm theo những cách thức và vì những lý do khác nhau. Nó có thể chỉ những hình ảnh và âm thanh, nhưng cũng có thể chỉ những phẩm chất của tinh thần và tính cách con người, những phẩm chất mà ngày nay ta đánh giá như những giá trị thuộc trật tự khác, và khi gọi chúng là “đẹp”, ta thường ý thức rằng đang sử dụng từ này theo nghĩa ẩn dụ. Câu phát biểu nổi tiếng của sấm ngôn Đền Delphi: “Điều công chính nhất là điều đẹp nhất”, cho thấy cách người Hy Lạp hiểu về cái đẹp. Từ khái niệm rộng rãi và phổ quát về cái đẹp như thế, vốn được người Hy Lạp sử dụng thông thường, dần dần mới hình thành nên một khái niệm hẹp hơn và xác định hơn: khái niệm về cái đẹp thẩm mỹ.

Người Hy Lạp ban đầu đã gọi khái niệm hẹp hơn này bằng những tên gọi khác. Các nhà thơ viết về “duyên dáng” (charm), thứ “mang lại hoan lạc cho nhân gian”; các bài thánh ca ca ngợi “sự hài hoà” (harmonia) của vũ trụ; các nhà điêu khắc nói đến “tính cân xứng” (symmetria), tức là sự tương xứng hay độ đo thích hợp (từ syn: cùng nhau, và metron: độ đo); các nhà hùng biện bàn vềeurhythmia, tức là tiết tấu đúng đắn (từ eu: tốt, và rhythmos: nhịp điệu) và sự cân đối hài hoà. Tuy nhiên, những thuật ngữ này chỉ trở nên phổ biến vào một thời kỳ về sau, khi văn hoá đã đạt tới một giai đoạn chín muồi hơn. Dấu ấn của các triết gia phái Pythagoras hiện rõ trong những thuật ngữ như harmonysymmetry và eurhythmy.

2. KHÁI NIỆM VỀ NGHỆ THUẬT

Người Hy Lạp cũng gán cho thuật ngữ techne, mà ngày nay ta dịch là “nghệ thuật”, một ý nghĩa rộng hơn. Đối với họ, nó chỉ mọi hình thức tạo tác khéo léo và bao gồm cả công việc của những người thợ mộc và thợ dệt, cũng như của các kiến trúc sư. Họ áp dụng thuật ngữ này cho mọi nghề thủ công do con người tạo ra (trái với tự nhiên), miễn là nghề đó mang tính sản xuất (chứ không phải nhận thức), dựa trên kỹ năng (hơn là cảm hứng), và được dẫn dắt một cách có ý thức bởi các quy tắc phổ quát (chứ không chỉ đơn thuần là thói quen). Họ tin chắc rằng trong nghệ thuật, điều cốt yếu nhất là kỹ năng, và vì lẽ đó, họ xem nghệ thuật (kể cả nghệ thuật của người thợ mộc và người thợ dệt) là một hoạt động thuộc về trí tuệ. Họ nhấn mạnh đến tri thức mà nghệ thuật bao hàm, và trước hết đánh giá nghệ thuật dựa trên tri thức ấy.

Một khái niệm về nghệ thuật như thế bao hàm những đặc điểm chung không chỉ của kiến trúc, hội hoạ và điêu khắc, mà còn của nghề mộc và nghề dệt. Người Hy Lạp không có một thuật ngữ nào để chỉ riêng nhóm “mỹ thuật”, tức kiến trúc, hội hoạ và điêu khắc. Khái niệm rộng về nghệ thuật của họ (mà ngày nay có lẽ ta sẽ gọi là “kỹ nghệ” hay “kỹ xảo”) vẫn được duy trì cho đến cuối thời cổ đại và tiếp tục hiện diện lâu dài trong các ngôn ngữ châu Âu, những ngôn ngữ mà, khi muốn nhấn mạnh những đặc điểm riêng của hội hoạ hay kiến trúc, không thể chỉ gọi chúng là nghệ thuật, mà buộc phải định ngữ thêm là mỹ thuật. Phải đến thế kỷ XIX, mới xuất hiện những nỗ lực loại bỏ tính từ miêu tả ấy, và từ “nghệ thuật” mới bắt đầu được hiểu như đồng nghĩa với “mỹ thuật”. Sự phát triển của khái niệm nghệ thuật diễn ra tương tự như sự phát triển của khái niệm cái đẹp: ban đầu mang nghĩa rộng, rồi chỉ dần dần mới thu hẹp lại thành một khái niệm chuyên biệt mang tính thẩm mỹ.

3. PHÂN LOẠI NGHỆ THUẬT

Đối với người Hy Lạp, những ngành nghệ thuật mà về sau được gọi là mỹ thuật thậm chí còn không cấu thành một nhóm riêng biệt. Họ không phân chia nghệ thuật thành mỹ thuật và thủ công nghệ. Họ cho rằng mọi nghệ thuật đều có thể được xem là mỹ thuật. Họ mặc nhiên thừa nhận rằng một người thợ thủ công (demiourgos) trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng có thể đạt đến sự hoàn thiện và trở thành một bậc thầy (architekton). Thái độ của người Hy Lạp đối với những người hành nghề nghệ thuật là phức tạp: họ được trân trọng vì tri thức mà họ nắm giữ, nhưng đồng thời cũng bị khinh rẻ bởi công việc của họ bị xem là ngang hàng với lao động kỹ thuật và gắn liền với việc mưu sinh. Việc các ngành nghệ thuật này đòi hỏi tri thức khiến người Hy Lạp gán cho kỹ nghệ và thủ công giá trị cao hơn mức chúng ta thường thừa nhận; trong khi đó, khía cạnh lao động tay chân của chúng lại khiến họ đánh giá thấp nghệ thuật. Thái độ này đã được hình thành từ thời kỳ tiền triết học, nhưng các triết gia sau đó vẫn tiếp nhận và duy trì nó.

Đối với người Hy Lạp, cách phân loại tự nhiên nhất về nghệ thuật là chia thành hai loại: nghệ thuật tự do và nghệ thuật nô dịch, tuỳ theo việc chúng có đòi hỏi lao động thể chất hay không. Những nghệ thuật tự do, tức không đòi hỏi nhọc nhằn thể xác, được đánh giá cao hơn hẳn. Những gì mà ngày nay ta gọi là “mỹ thuật” được họ phân loại một phần là nghệ thuật tự do (như âm nhạc, chẳng hạn), và một phần là nghệ thuật nô dịch (như kiến trúc và điêu khắc). Hội hoạ ban đầu cũng bị xem là nghệ thuật nô dịch; mãi về sau mới được nâng lên vào hạng cao hơn.

Trong khi người Hy Lạp hiểu “nghệ thuật” nói chung theo một nghĩa rất rộng, thì họ lại có một quan niệm hết sức hẹp về từng loại hình nghệ thuật cụ thể. Như đã nói, họ xem auletics (nghệ thuật thổi sáo) là một lĩnh vực riêng biệt với citharoetics (nghệ thuật chơi đàn cithara), và chỉ hiếm khi gộp cả hai dưới khái niệm chung là âm nhạc. Họ cũng không xếp chung điêu khắc trên đá với điêu khắc bằng đồng. Bất cứ khi nào vật liệu, công cụ và phương pháp khác nhau được sử dụng, hoặc khi tác phẩm do những kiểu người khác nhau thực hiện, thì theo quan niệm của người Hy Lạp, đó là hai ngành nghệ thuật khác nhau. Theo cách tương tự, bi kịch và hài kịch, sử thi và dithyramb được xem là những hình thức sáng tạo khác biệt, và chỉ thỉnh thoảng mới được xếp chung dưới khái niệm thi ca. Những khái niệm như “âm nhạc” hay “điêu khắc” ít khi được sử dụng. Thông dụng hơn nhiều là khái niệm tổng quát về nghệ thuật như một toàn thể, hoặc những khái niệm đặc biệt chuyên biệt như auleticscitharoetics, chạm đá hay đúc đồng. Trớ trêu thay, người Hy Lạp đã sáng tạo nên những tác phẩm vĩ đại trong lĩnh vực điêu khắc và thi ca, nhưng trong từ vựng khái niệm của họ, lại không hề có những thuật ngữ khái quát để bao trùm các hoạt động ấy.

Từ vựng Hy Lạp có thể dễ khiến ta hiểu lầm, bởi lẽ nhiều thuật ngữ như “thi ca”, “âm nhạc”, “kiến trúc” vẫn được sử dụng ngày nay, nhưng chúng mang ý nghĩa rất khác đối với người Hy Lạp cách đây nhiều thế kỷ. Poiesis (bắt nguồn từ poiein: “làm ra”) ban đầu chỉ bất kỳ hình thức sản xuất nào, và poietes có nghĩa là bất kỳ người sản xuất nào, chứ không chỉ là người làm thơ. Việc thu hẹp nghĩa của từ này chỉ xảy ra về sau. Mousike (bắt nguồn từ tên các Nàng Thơ – Muses) dùng để chỉ mọi hoạt động dưới sự bảo trợ của các Nàng Thơ, chứ không chỉ riêng nghệ thuật âm thanh. Thuật ngữ mousikos được dùng để chỉ mọi người có học thức. Architekton có nghĩa là “đốc công trưởng”, còn architektonike có nghĩa là “nghệ thuật chủ đạo” theo một nghĩa tổng quát. Chỉ theo thời gian, những thuật ngữ vốn có nghĩa là “sản xuất”, “giáo dục” và “nghệ thuật chủ đạo” này mới dần được thu hẹp nghĩa và bắt đầu mang những ý nghĩa cụ thể như “thi ca”, “âm nhạc” và “kiến trúc”.

Các quan niệm của người Hy Lạp về nghệ thuật được hình thành trong mối liên hệ với những loại hình nghệ thuật mà chính họ thực hành, và những loại hình ấy, đặc biệt ở giai đoạn đầu, rất khác so với nghệ thuật của chúng ta ngày nay. Họ không có thơ để đọc; chỉ có thơ để ngâm, hay đúng hơn, để hát. Họ có thanh nhạc, nhưng không có nhạc khí thuần tuý. Một số loại hình nghệ thuật mà ngày nay hoàn toàn tách biệt thì lại được người Hy Lạp thực hành trong sự kết hợp, và vì thế, được xem như một nghệ thuật duy nhất, hoặc ít nhất là một nhóm các nghệ thuật có liên hệ mật thiết. Trường hợp của sân khấu, âm nhạc và vũ đạo là như vậy. Vì bi kịch được trình diễn cùng với ca khúc và vũ điệu, nên trong hệ thống quan niệm của người Hy Lạp, nó gần gũi với âm nhạc và vũ đạo hơn là với (thi ca sử thi). Ngay cả khi thuật ngữ “âm nhạc” đã được thu hẹp lại để chỉ riêng nghệ thuật âm thanh, nó vẫn bao hàm vũ đạo. Chính từ đây đã nảy sinh những quan niệm mà đối với chúng ta có vẻ lạ lùng, chẳng hạn như quan niệm cho rằng âm nhạc ưu việt hơn thi ca, vì nó tác động lên hai giác quan (thính giác và thị giác), trong khi thi ca chỉ tác động lên một giác quan duy nhất (thính giác).

4. KHÁI NIỆM VỀ THI CA

Mặc dù quan niệm của người Hy Lạp về nghệ thuật nhìn chung rộng hơn so với quan niệm ngày nay, nhưng lại hẹp hơn ở một phương diện quan trọng, đó là trong trường hợp của thi ca. Người Hy Lạp không xếp thi ca vào phạm trù nghệ thuật, bởi lẽ nó không phù hợp với khái niệm nghệ thuật như là sự sản xuất vật chất dựa trên kỹ năng và quy tắc. Họ xem thi ca không phải là sản phẩm của kỹ năng, mà là kết quả của sự cảm hứng. Trong các nghệ thuật tạo hình, kỹ năng khiến họ không nhận ra sự hiện diện của cảm hứng; còn trong thi ca, cảm hứng lại khiến họ không nhận ra sự hiện diện của kỹ năng, và chính vì thế, họ không thấy có điểm gì chung giữa điêu khắc và thi ca.

Bởi họ không thấy mối liên hệ nào giữa thi ca và các ngành nghệ thuật, nên họ đã cố gắng tìm cho thi ca một mối liên hệ với thuật tiên tri. Họ xếp các nhà điêu khắc vào hàng thợ thủ công, còn các thi sĩ thì vào hàng nhà tiên tri. Theo họ, một nhà điêu khắc có thể hoàn thành công việc nhờ vào kỹ năng (được truyền lại từ tổ tiên), trong khi một thi sĩ có thể làm được điều đó là nhờ cảm hứng (được các thế lực thần linh ban phát). Nghệ thuật, đối với họ, là một sự tạo tác có thể học được; còn thi ca thì không thể học. Thi ca, nhờ sự can thiệp của thần linh, mang lại một loại tri thức bậc cao; nó dẫn dắt linh hồn, giáo dục con người, và có khả năng khiến con người trở nên tốt đẹp hơn. Nghệ thuật, trái lại, làm một điều hoàn toàn khác: nó tạo ra những vật thể hữu dụng, đôi khi đạt đến mức hoàn mỹ. Phải mất rất lâu người Hy Lạp mới nhận ra rằng tất cả những gì họ gán cho thi ca đều nằm trong mục tiêu và khả năng của nghệ thuật, bởi nghệ thuật cũng chịu sự dẫn dắt của cảm hứng, cũng dẫn dắt linh hồn, và tất cả những điều ấy cho thấy giữa thi ca và nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng.

Trong khi người Hy Lạp thời kỳ đầu không nhận ra những đặc điểm chung giữa thi ca và các nghệ thuật tạo hình, và cũng không tìm thấy một nguyên lý cao hơn để thống nhất chúng, thì họ lại không những nhận thấy mối liên hệ giữa thi ca và âm nhạc, mà còn phóng đại mối liên hệ ấy đến mức xem cả hai như một và cùng thuộc về một lĩnh vực sáng tạo duy nhất. Điều này được lý giải bởi thực tế rằng họ tiếp nhận thi ca bằng thính giác và trình diễn nó đồng thời với âm nhạc. Thi ca của họ được hát lên, và âm nhạc của họ là âm nhạc thanh nhạc. Hơn nữa, họ nhận thấy rằng cả hai đều dẫn đến một trạng thái phấn khích, hân hoan. Chính điều này đã gắn kết hai nghệ thuật ấy với nhau, và đồng thời đối lập chúng với các nghệ thuật tạo hình. Đôi khi, họ thậm chí không xem âm nhạc như một nghệ thuật riêng biệt, mà như một yếu tố của thi ca, và ngược lại.

Vai trò của các Nàng Thơ (Muses) là nhằm diễn đạt, dưới hình thức thần thoại, những ý tưởng của thời đại. Có chín Nàng Thơ. Thalia đại diện cho hài kịch, Melpomene cho bi kịch, Erato cho thơ bi ai (elegy), Polyhymnia cho thơ trữ tình (thánh ca?), Calliope cho hùng biện và thơ anh hùng, Euterpe cho âm nhạc, Terpsichore cho vũ đạo, Clio cho lịch sử, và Urania cho thiên văn học. Có ba đặc điểm tiêu biểu trong nhóm chín Nàng Thơ này: 1) Không có một Nàng Thơ nào chủ trì toàn bộ lĩnh vực thi ca: thơ trữ tình, thơ bi ai, hài kịch và bi kịch không được bao hàm trong một khái niệm chung, bởi mỗi thể loại văn học này đều có một Nàng Thơ riêng; 2) Các thể loại văn học được kết nối với âm nhạc và vũ đạo, bởi các lĩnh vực này cũng do các Nàng Thơ chủ trì; 3) Tuy nhiên, chúng lại không được kết nối với các nghệ thuật thị giác, bởi các nghệ thuật ấy không có Nàng Thơ nào đại diện. Người Hy Lạp xem thi ca cao hơn các nghệ thuật thị giác. Họ có các Nàng Thơ của lịch sử và thiên văn học, nhưng không có Nàng Thơ nào cho hội hoạ, điêu khắc hay kiến trúc.

5. KHÁI NIỆM VỀ SỰ SÁNG TẠO

Người Hy Lạp thời kỳ đầu không có một khái niệm về “sáng tạo”; họ xem nghệ thuật như một kỹ năng. Họ phân biệt trong nghệ thuật ba yếu tố: vật liệu do tự nhiên cung cấp, tri thức do truyền thống truyền lại, và lao động do nghệ sĩ thực hiện. Họ hoàn toàn không để ý đến yếu tố thứ tư: cá nhân sáng tạo. Họ không phân biệt giữa công việc của một nghệ sĩ sáng tạo và công việc của một người thợ thủ công. Họ cũng không gán cho tính độc đáo một tầm quan trọng nào. Họ xếp sự mới mẻ ở vị trí thấp hơn sự phù hợp với truyền thống, bởi trong truyền thống, họ nhận ra một sự bảo đảm cho tính bền vững, tính phổ quát và sự hoàn thiện. Trong thời kỳ đầu, nghệ sĩ thậm chí còn không được nhắc đến bằng tên. Đối với người Hy Lạp, không gì quan trọng hơn “bộ chuẩn tắc” (canon), tức những quy tắc phổ quát mà một nghệ sĩ phải tuân thủ. Họ cho rằng một nghệ sĩ giỏi là người đã học được các quy tắc và biết cách áp dụng chúng, chứ không phải người có khuynh hướng biểu hiện cá tính riêng của mình.

6. KHÁI NIỆM VỀ CHIÊM NGHIỆM

Quan niệm của người Hy Lạp về trải nghiệm thẩm mỹ tương tự như quan niệm của họ về quá trình sáng tạo nghệ thuật. Họ không xem đó là một hình thái đặc biệt, khác biệt về bản chất so với các hình thái sản xuất khác của con người; và tương tự, không có dấu hiệu nào cho thấy họ coi trải nghiệm thẩm mỹ là một loại hình độc lập (sui generis). Họ không có một thuật ngữ riêng để chỉ điều đó. Họ không phân biệt giữa thái độ thẩm mỹ và thái độ khoa học, và dùng cùng một từ để mô tả cả chiêm nghiệm thẩm mỹ lẫn khảo cứu khoa học: theoria, nghĩa là “sự ngắm nhìn”. Trong việc chiêm ngưỡng các đối tượng đẹp, họ không thấy có gì khác biệt so với việc tri giác thông thường các sự vật. Dẫu vậy, họ thừa nhận rằng sự chiêm nghiệm ấy đi kèm với khoái cảm, nhưng họ lại cho rằng điều này là đặc trưng của mọi hành vi tri giác và nhận thức.

Khi vào thế kỷ V khoa học Hy Lạp đạt tới độ trưởng thành và các nhà tâm lý học xuất hiện, họ vẫn giữ nguyên quan điểm xưa cũ và phổ biến mà không hề đưa ra gợi ý nào rằng việc tri giác cái đẹp hay các tác phẩm nghệ thuật có thể mang một đặc tính riêng biệt. Họ xem tri giác như một hình thức khảo cứu, và ngược lại, cũng xem khảo cứu như một hình thức tri giác (theoria). Họ tin vào sự ưu việt của tư duy so với tri giác, nhưng đồng thời lại xem tư duy như gần gũi với tri giác, tuy vậy, chỉ là tri giác bằng thị giác. Họ xem việc nhìn thấy là khác biệt về bản chất so với việc lắng nghe, chưa kể đến các tri giác từ những giác quan khác, và xem nghệ thuật thị giác là hoàn toàn khác với nghệ thuật được cảm thụ bằng thính giác. Mặc dù họ thừa nhận rằng âm nhạc là một nghệ thuật vĩ đại và thiêng liêng, là nghệ thuật duy nhất có khả năng biểu đạt linh hồn, thì chỉ nghệ thuật thị giác mới được họ gọi là “đẹp”. Quan niệm của họ về cái đẹp vốn mang tính phổ quát, bao gồm cả cái đẹp đạo đức; nhưng khi họ cố giới hạn cái đẹp vào phạm vi khoái cảm giác quan, thì họ chỉ gắn nó với thị giác. Do đó, họ đã xây dựng khái niệm hẹp hơn về cái đẹp trên cơ sở giác quan này, và (vào thời kỳ sau) định nghĩa cái đẹp thông qua hình dáng và màu sắc.

Đó là những quan niệm thẩm mỹ phổ biến của người Hy Lạp, làm nền tảng cho các lý thuyết thẩm mỹ sau này của các triết gia, nhà phê bình và nghệ sĩ Hy Lạp. Những quan niệm này khác hoàn toàn với các quan niệm mà cả giới bình dân lẫn giới triết gia hiện đại sử dụng. Khái niệm nghệ thuật của họ rộng hơn, và cách họ định nghĩa nghệ thuật cũng khác với cách định nghĩa ngày nay. Điều tương tự cũng có thể nói về khái niệm cái đẹp của họ. Họ phân loại và nhóm các ngành nghệ thuật theo một cách khác. Họ nhìn thấy những sự đối lập giữa thi ca và nghệ thuật thị giác vốn không được biết đến trong tư tưởng hiện đại. Họ không có khái niệm về sáng tạo nghệ thuật, cũng như không có khái niệm về trải nghiệm thẩm mỹ. Theo thời gian, chính người Hy Lạp đã từ bỏ một số quan niệm đặc thù này và bổ sung một số ý niệm mà trước đó họ còn thiếu, nhưng phần còn lại của công việc này phải mãi đến thời hiện đại mới được hoàn tất.

 


Nguồn: Trích dịch từ Wladyslaw Tatarkiewicz, 1970. History of aesthetics, Vol. 1: Ancient Aesthetics. De Gruyter Mouton, pp. 25-30.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt