CATHARSIS
STEPHEN HALLIWELL
Stephen Davies, Kathleen Marie Higgins, Robert Hopkins, Robert Stecker, David E. Cooper(eds.). 2009. A Companion to Aesthetics. Wiley-Blackwell, pp.82-83. | Bản dịch của Đinh Hồng Phúc
Thuật ngữ này (nghĩa đen là "lọc sạch") được Aristotle sử dụng để chỉ một phần của trải nghiệm tâm lý và tác động của bi kịch. Việc diễn giải nó gặp nhiều khó khăn; quan điểm được áp dụng ở đây chỉ mang tính tạm thời. Định nghĩa về bi kịch trong Nghệ thuật thi ca 6 nói về thể loại này "thực hiện, thông qua lòng thương cảm và nỗi sợ hãi, catharsis (sự thanh lọc) những cảm xúc như vậy." Mặc dù sau đó Aristotle thường đề cập đến lòng thương cảm và nỗi sợ hãi (một công thức được chấp nhận rộng rãi trong văn hóa Hy Lạp để mô tả các phản ứng trước bi kịch), nhưng ông không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về thuật ngữ catharsis trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, trong Chính trị luận 8.7, Aristotle nói về âm nhạc rằng nó nên được sử dụng "vừa để giáo dục vừa để thanh lọc," và thêm: "ý tôi muốn nói về thanh lọc tôi sẽ trình bày đơn giản bây giờ; tôi sẽ thảo luận lại rõ ràng hơn trong bài viết của tôi về thơ ca." (Sự tham chiếu chéo ở đây có thể là quy chiếu đến đối thoại thời kỳ đầu của ông về Các thi nhân, đã thất lạc, hay đến quyển thứ hai đã bị thất lạc của Nghệ thuật thi ca.) Ở đó, ông bình luận về khả năng dễ bị tác động bởi những cảm xúc mạnh như lòng thương cảm, nỗi sợ hãi, và "sự hứng khởi" (ở đây được hiểu như một dạng cuồng nhiệt), và ông lưu ý rằng, trong trường hợp cuối cùng, có những nghi lễ tôn giáo sử dụng âm nhạc đặc biệt để khơi gợi cảm xúc và cho phép những người bị nó chi phối tìm thấy "một dạng chữa lành và thanh lọc. Ông bình luận ở đó về khả năng dễ bị tác động bởi những cảm xúc mạnh như lòng thương cảm, nỗi sợ hãi và "sự hứng khởi" (ở đây là một loại cuồng nhiệt), và ông lưu ý rằng trong trường hợp cuối cùng, có những nghi lễ tôn giáo sử dụng âm nhạc đặc biệt để khơi gợi cảm xúc và cho phép những người bị nó chi phối tìm thấy "như thể một phương pháp chữa trị và thanh lọc." Nhưng những người khác cũng trải nghiệm điều gì đó tương tự ("một sự thanh lọc và giảm nhẹ dễ chịu nào đó") tùy theo khuynh hướng cảm xúc của họ. Vì vậy, điều quan trọng là ở đây Aristotle thiết định catharsis cảm xúc cả ở phương diện "bệnh lý" lẫn ở phương diện "bình thường" để phản ứng với một số loại âm nhạc nhất định.Không biết điều này có liên quan gì đến những gì học trò của Aristotle là Aristoxenus nói với chúng ta về những người phái Pythagoras, rằng họ "đạt được sự catharsis linh hồn thông qua âm nhạc", chúng ta hiện giờ khó lòng chắc chắn được. Mối liên hệ giữa đoạn trích từ Chính trị luận và khái niệm catharsis trong bi kịch đôi khi là đối tượng của sự tranh luận. Nhưng điều này là không hợp lý, vì Aristotle chỉ ra rõ ràng mối liên hệ với quan điểm của ông về thơ ca. Có thể suy ra một số điều về catharsis không mang tính bệnh lý từ chương 8.7 của Chính trị luận: thứ nhất, nó không mang tính tôn giáo hay y học (mặc dù có những điểm tương đồng trong cả hai lĩnh vực); thứ hai, thông qua trải nghiệm một số cảm xúc nhất định, một sự thay đổi xảy ra trong (khuynh hướng của) những cảm xúc đó; thứ ba, khi liên quan đến âm nhạc (và có lẽ cả thơ ca), catharsis phụ thuộc vào năng lực phổ biến của nghệ thuật trong việc khơi gợi và định hình cảm xúc (và do đó, như Chính trị luận 8.5 đã nói, "để thay đổi tâm hồn"); thứ tư, catharsis gắn liền với, và có lẽ thậm chí bao gồm, sự chuyển đổi những cảm xúc đau đớn thành niềm vui. Những hàm ý đó, khi kết hợp với thực tế là đối với Aristotle, cảm xúc gắn liền chặt chẽ với cáctri giác và xung động đạo đức, khuyến khích chúng ta liên hệ catharsis bi kịch với quan niệm trong Nghệ thuật thi ca coi lòng thương cảm và nỗi sợ hãi như là một phản ứng được tăng cường như có cơ sở về mặt nhận thức trước các mô thức đau khổ của con người được thể hiện trong cấu trúc cốt truyện. Theo cách hiểu này, catharsis bi kịch không đơn thuần là sự xả bỏ hay "thanh lọc" cảm xúc, đó là điều không có ý nghĩa xét trong bối cảnh tâm lý học đạo đức của Aristotle. Catharsis phải gắn chặt, nhưng không nhất thiết phải đồng nhất, với khoái cảm bi kịch: có lẽ cách diễn giải tốt nhất là xem nó như sự thỏa mãn và lợi ích tâm lý tích lũy có được từ việc chuyển hóa những cảm xúc đau đớn thành những cảm xúc dễ chịu thông qua việc chiêm nghiệm bằng trí tưởng tượng một tác phẩm nghệ thuật được thống nhất một cách thích hợp. Điều này sẽ phù hợp với quan điểm bao quát hơn của Aristotle bằng cách biến trải nghiệm bi kịch thành một cách để điều chỉnh tâm thế của người xem hướng đến một sự "trung dung" đạo đức (tức là mức độ cảm xúc đúng đắn): những cảm xúc được khơi gợi sẽ mãnh liệt nhưng hoàn toàn được biện minh bởi cấu trúc của "hành động và cuộc sống" được thể hiện." Việc thiếu một lời giải thích trực tiếp của Aristotle về catharsis trong bi kịch đã kích thích một lịch sử diễn giải phức tạp (Halliwell 1998: phụ lục 5). Đối với hầu hết các nhà tân cổ điển thế kỷ 16 và 17, ý niệm này trở nên nặng tính đạo đức hóa và chịu ảnh hưởng bởi các tiền giả định của thuyết Khắc kỷ: catharsis, được trung giới bởi những "bài học" của bi kịch, bao gồm việc loại bỏ những đam mê nguy hiểm và/hoặc đạt được sức mạnh cảm xúc. Lessing đã ủng hộ một mô hình gần với sự hài hòa tâm lý hơn. Jacob Bernays phản ứng chống lại những quan điểm như vậy trong một chuyên khảo có ảnh hưởng năm 1857, giới hạn catharsis vào việc xả bỏ cảm xúc gần như mang tính y học. Kết quả là, catharsis với tư cách là sự thanh lọc trở thành một quan điểm chính thống trong giới học thuật (hiện đang suy giảm); nó được ủng hộ bởi, trong số những người khác, Nietzsche, thông qua một loạt các tham chiếu bác bỏ Nghệ thuật thi ca của Aristotle. Ảnh hưởng của Bernays cũng bao gồm Sigmund Freud (người đã kết hôn với cháu gái của Bernays). Và chính sự đan xen của catharsis với các ý niệm phân tâm học đã mang lại cho thuật ngữ này một sự phổ biến rộng rãi trong thế giới hiện đại: một từ trong Nghệ thuật thi ca đã được chuyển thành một khái niệm đa dạng trong tâm lý học thẩm mỹ đại chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO Halliwell, Stephen. 1998. Aristotle’s Poetics. 2nd edn. London: Duckworth. Halliwell, Stephen. 2003. “La psychologie morale de la catharsis: un essai de reconstruction,” Les Études Philosophiques, 4, 499–517. Kraut, Richard (trans. & comm.). 1997. Aristotle: Politics Books VII and VIII. Oxford: Clarendon. Lear, J. 1988. “Katharsis,” Phronesis, 33, 297–326. Nussbaum, Martha C. 1992. “Tragedy and Self- Sufficiency: Plato and Aristotle on Fear and Pity.” In Essays on Aristotle’s Poetics. A. O. Rorty (ed.). Princeton: Princeton University Press, 261–90.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC