Triết học nghệ thuật

Về cái Đẹp (Mục 1)

 

 

PLOTINUS

ENNEADS

Tập thứ nhất, Quyển 6.

------------

 

VỀ CÁI ĐẸP

 


Plotinus. Enneads. Tập thứ nhất, Quyển 6. Về cái đẹp. Đinh Hồng Phúc dịch | Bản tiếng Anh của Stephen MacKenna and B. S. Page.


 

1. Vẻ đẹp chủ yếu hướng đến thị giác; nhưng cũng có vẻ đẹp dành cho thính giác, như trong sự kết hợp các từ ngữ và trong tất cả các loại âm nhạc, bởi vì các giai điệu và tiết tấu đều đẹp đẽ; và cáctinh thần đang vươn mình ra khỏi lĩnh vực của giác quan để đến một trật tự cao hơn cũng nhận ra vẻ đẹp trong cách sống, trong hành động, trong tính cách, trong việc theo đuổi trí tuệ; và có vẻ đẹp của các đức hạnh. Tuy nhiên, nếu có vẻ đẹp nào cao thượng hơn, thì luận cứ của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ điều đó.

Thế thì, cái gì mang lại nét duyên dáng cho các hình thức chất liệu và cuốn hút tai lắng nghe những âm thanh ngọt ngào, và đâu là bí mật của cái đẹp có trong tất cả những gì xuất sinh từ Linh hồn? 

Liệu có một Nguyên tắc duy nhất nào đó mà từ đó mọi thứ có được vẻ đẹp duyên dáng (grace) của mình, hay có một vẻ đẹp riêng cho những thứ hữu hình và một vẻ đẹp khác cho những thứ vô hình? Dù là một hay nhiều thì rốt cuộc Nguyên tắc ấy là gì?

Ta xét thấy rằng có một số sự vật, các hình dạng vật chất chẳng hạn, đẹp không phải bởi cái gì đó cố hữu trong nó, và bởi cái gì đó đã được truyền đạt, trong khi những thứ khác thì tự bản thân chúng đã đẹp, chẳng hạn như Đức hạnh.

Cùng một vật thể xuất hiện ra đôi khi đẹp, đôi khi không; cho nên giữa việc [nó] là vật thể và việc [nó] đẹp là một khoảng cách lớn.

Thế thì, cái gì đó này tự bộc lộ mình ra trong những hình thức vật chất nào đó là gì? Đây là điểm khởi đầu tự nhiên của nghiên cứu của chúng ta.

Điều gì thu hút ánh mắt của những người nhìn thấy một vật thể đẹp, và mời gọi họ, lôi kéo họ về phía nó, và khiến họ ngập tràn niềm vui khi nhìn ngắm nó? Nếu nắm bắt được điều này, chúng ta sẽ ngay lập tức có điểm xuất phát cho việc khảo sát rộng hơn.

Hầu hết mọi người đều tuyên bố rằng sự đối xứng giữa các bộ phận với nhau và giữa các bộ phận với toàn bộ, cùng với sự quyến rũ nào đó về màu sắc, tạo nên một vẻ đẹp được đôi mắt thừa nhận, rằng trong mọi sự vật hữu hình, quả thực cũng như trong mọi thứ khác, một cách phổ quát, vật thể đẹp về cơ bản là đối xứng, có khuôn mẫu.

Nhưng hãy nghĩ xem điều này có nghĩa là gì.

Chỉ vật phức hợp mới có thể là đẹp, còn bất cứ cái gì không có bộ phận thì không bao giờ; và chỉ có cái toàn bộ; một số bộ phận sẽ có vẻ đẹp, không phải tự bản thân chúng, mà chỉ khi nào kết hợp với nhau để tạo nên một cái toàn bộ đẹp đẽ. Tuy nhiên, cái đẹp trong một toàn thể đòi hỏi phải có cái đẹp trong từng chi tiết; nó không thể được cấu tạo từ cái xấu xí; quy luật của nó phải thấm nhuần toàn bộ.

Mọi sự quyến rũ của màu sắc và ngay cả ánh sáng của mặt trời, vì không có các bộ phận và do đó không đẹp theo [tiêu chí] đối xứng phải bị loại ra khỏi lĩnh vực của cái đẹp. Và tại sao vàng lại là một sự vật đẹp? Tia chớp trong bầu trời đêm, và các vì sao lấp lánh, tại sao chúng lại đẹp như vậy? 

Trong âm thanh, những âm thanh đơn giản cũng phải bị loại trừ, nhưng thường thì trong một tuyệt phẩm âm nhạc mỗi tiếng đàn đều có vẻ đẹp riêng của chính nó.

Một lần nữa, vì cùng một khuôn mặt, luôn đối xứng, có lúc thì xinh đẹp và có lúc thì không, nên ta có thể nghi ngờ rằng vẻ đẹp là cái gì đó nhiều hơn sự đối xứng, bản thân sự đối xứng có được vẻ đẹp của chính nó từ một nguyên tắc nào đó xa xôi hơn?

Hãy xem xét những gì hấp dẫn trong các phương pháp sống hay trong cách thể hiện tư tưởng;chúng ta có nên đưa ra tiêu chí đối xứng ở đây không? Sự đối xứng nào có thể tìm thấy trong hành vi cao quý, hay trong các bộ luật xuất sắc, trong bất kỳ hình thức nào của việc theo đuổi trí tuệ?

Sự đối xứng nào có thể có trong các khái niệm của tư tưởng trừu tượng?

Sự đối xứng của việc hòa hợp với nhau? Nhưng có thể có sự hòa hợp, hay đồng nhất hoàn toàn, ở những nơi không có gì khác ngoài sự xấu xí: mệnh đề cho rằng lòng thành thực chỉ là sự ngây thơ hào phóng hài hòa một cách hoàn hảo nhất với mệnh đề cho rằng đạo đức nghĩa là sự yếu đuối của ý chí; sự hòa hợp là hoàn toàn.

 Một lần nữa, tất cả các đức hạnh là vẻ đẹp của linh hồn, một vẻ đẹp đích thực vượt xa bất kỳ vẻ đẹp nào khác; nhưng làm thế nào mà sự đối xứng lại xuất hiện ở đây? Đúng là, linh hồn không phải là một nhất thể đơn nhất, nhưng đức hạnh của nó vẫn không thể có sự đối xứng về kích thước hay số lượng: tiêu chuẩn đo lường nào có thể chi phối sự thỏa hiệp hay sự kết hợp của các quan năng hay mục đích của linh hồn?

Cuối cùng, theo lý thuyết này, làm thế nào có được cái đẹp trong Nguyên tắc-Trí tuệ, thực chất là cái duy nhất?

 


Mục 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt