THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC
GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch
Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 115-125.
7. Ban-dắc và chủ nghĩa hiện thực Mác và Ăng-ghen tán thưởng những tác phẩm của các nhà tiểu thuyết Anh thế kỷ XIX — Đích-ken, Đắc kơ-rê, Sác-lốt, Bờ-rông-tê, Ê-li-da-bét Gát-sken–những người đã “giúp thế giới biết được nhiều sự thật hơn là tất cả những nhà chính trị chuyên nghiệp, những nhà chinh luận, và những nhà luân lý học cộng lại » [1]. Họ mô tả giai cấp thống trị đương thời chính xác, trung thành biết bao nhiêu! Giai cấp tư sản đó của thời kỳ nữ hoàng Vich-tô-ri-a được mô tả thành những nhân vật khinh khỉnh, đầy hợm hĩnh, đầy phù hoa, chỉ do những quyền lợi bản thân thúc đẩy, chỉ tôn thờ đồng tiền, danh vọng và uy quyền, trước kẻ mạnh thì khúm núm và luồn cúi, trước người bị chúng bóc lột thì tàn bạo, khắc nghiệt... Với lòng đầy phẫn nộ, các nhà văn ấy thống mạ cái đê tiện, cái ngu ngốc, cải nịnh hót của giai cấp tư sản họ bêu xấu thỏi bủn xỉn và những tính toán của thời buổi thực dụng, họ phơi bày những trái tim khô cằn do lòng tham lợi đẻ ra ; họ phơi bày những nhục nhã và suy đồi của chủ nghĩa tư bản. Họ đã làm vang lên tiếng nói từ thiện trong một xã hội đầy công thức huênh hoang, nhưng giá trị thì trống rỗng và giả tạo. Họ vạch trần sự lừa dối được nâng lên đến mức thể chế. Bởi vì « phong cách Péc-li»[2] – nhân vật đó của Đich-ken mà tinh ích kỷ và đê tiện dấu trong bộ mặt giả nhân giả nghĩa mộ đạo, mà nhà văn gọi đùa là « cái mốc chỉ đường » luôn luôn chỉ hướng phải theo nhưng không bao giờ dẫn tới đích cả — «phong cách Péc-li», đó chính là phong cách của giai cấp tư sản Anh... Trong các nhà tiểu thuyết hiện thực, Ban-dắc là người được Mác và Ăng-ghen chú ý nhất. Ăng-ghen thường nói ông học được ở Ban-dắc nhiều hơn « tất cả các sách của các nhà sử học, các nhà kinh tế học, các nhà thống kê chuyên nghiệp thời ấy cộng chung lại » [3] Sau khi viết xong bộ Tư bản, Mác dự định nghiên cứu về Ban-dắc. Nhưng vì làm việc nhiều, vì bệnh tật, Mác đã từ trần và không thực hiện được ý định. Những phân tích của Ban-dắc làm chứng cứ vững vàng thêm cho những phân tích của Mác và Ăng-ghen. Trong lúc các nhà văn vẫn tự cho là tiến bộ, là xã hội chủ nghĩa, thích che giấu các mặt đối kháng, thích bào trơn những gồ ghề, thích thuyết giáo sự đoàn kết, đạo đức, thân ái, thì Ban-dắc, con người phản động theo đạo Thiên chúa và bảo hoàng ấy, — « Tôi viết dưới ánh sáng của hai Chân lý vĩnh cửu: Tôn giáo và Đế chế »...[4] lại không để cho kinh bổn hào nháng cám dỗ, không để cho những bài ca nhạt nhẽo đề tặng các tình nương thuở xưa lôi cuốn. Trước Ban-dắc, các nhà tiểu thuyết thường chọn đối tượng là bọn nhàn cư, không phải chật vật về tiền nong mà chỉ lo lắng về công việc của trái tim. Điều kiện xã hội của hạng người đó là ở chỗ không có điều kiện nào cả. Họ là những nhân vật tiểu thuyết tách ra khỏi cuộc đời, phi thực tại. Ban-dắc xuất hiện. Không còn những sáng tạo giả hiệu, những hội hè đàng điếm, nơi nhõng nhẽo của bọn vô công rồi nghề, bọn du đãng, mà là thế giới thực, với những giai cấp của nó, với bọn chủ nhà băng, bọn lái buôn, bọn chào hàng, bọn viên chức, bọn nhà giàu, bọn võ quan, bọn cảnh sát, bọn xỏ lá ba que, với các bà lớn và các tiểu thư của nó... Sự tế nhị của tâm lý mờ nhạt đi trước tấn trò của đồng tiền và dục vọng. Ban-dắc không phân tích dục vọng suông dưới thể thuần túy của nó, không bao giờ ông tách chúng ra khỏi những điều kiện kinh tế. Ông mô tả « cuộc sống con người dưới cái nhìn nghiêm khắc về mặt lợi ích vật chất ». Ông đặt cá nhân vào trong xã hội để nghiên cứu hoạt động của nó. Đi theo ông độc giả sẽ đi sâu vào thế giới u ám của của nạn cho vay lãi, nạn đầu cơ tích trữ, của nạn hối phiếu, thống kê, vỡ nợ và kiện cáo... Muốn kể lại nỗi thất vọng của những nhà văn bước đầu, Ban-dắc tập trung vào một cuốn truyện ( bốn loại công nghệ : làm giấy, nhà in, xuất bản và báo chí. Xuyên qua tình cảm nhân vật, ông xác định tính cách các giai cấp, xuyên qua những điển hình xã hội, ông vẽ lại lịch sử phong tục và tư tưởng của cả thời kỳ từ 1789 đến 1848. Thời kỳ này có nhiều hỗn loạn. Ba ngày Quang vinh [5] đã chấm dứt chế độ của bọn di cư, chế độ Hiệp hội, chế độ những người thượng lưu ở nông thôn. Lừa gạt nhân dân bằng thắng lợi của mình, giai cấp tư sản mở đầu triều đại bọn chủ nhà băng với Láp-phít-tơ và Pê-ri-ê trong lúc nhiều tiếng nổ và nhiều cuộc nổi dậy bất thình lình đã báo hiệu làn sóng cách mạng 1848. Giữa lúc Pi-e Lơ-ru quay lưng lại với đấu tranh giai cấp, Phu-ri-ê và Ca-bê mơ đến những đoàn thể cộng sản, những đảo I-ca-ri xã hội chủ nghĩa, thì Ban-dắc mô tả xã hội tư sản một cách tỉ mỉ, chính xác, chua cay đến nỗi nó như bị đưa ra trước vành móng ngựa mà người chứng kiến thì biến thành quan tòa. Người ta nhớ lại nhiều câu trong bản Tuyên ngôn nói về giai cấp tư sản vốn chỉ biết quyền lợi ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi gắt gao phải tiền trao cháo múc. Giai cấp tư sản đã dìm lòng mê đạo, tinh thần hứng khởi nghĩa hiệp, mối tình cảm tiểu tư sản, trong giòng nước băng giá của lối tính toán vị kỷ. Nó đã biến phẩm chất con người thành một giá trị trao đổi tầm thường ; nó đã đem quyền tự do buôn bán độc nhất và tàn nhẫn thay cho quyền tự do đã giành được bằng một giá rất đắt.[6] Tóm lại giai cấp tư sản đã đem một lỗi bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho lối bóc lột che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị. Một trăm cuốn tiểu thuyết của Ban-dắc đã minh họa và xác nhận những dòng nói trên. Một xã hội trong đó đồng tiền ở khắp mọi nơi, đồng tiền ngự trị tất cả, làm ra tất cả, làm ra ngay cả những cô gái cho một ông cha; một xã hội trong đó « đồng tiền nấp trong mọi lương tâm, lăn trong mọi câu nói » ; trong đó, giai cấp tư sản dựng lên một thế giới theo hình ảnh của nó, áp dụng « đặc tính hung hãn của kẻ bóc lội » đổ xô vào chức tước ; trong đó của cải thay thế cho khôn ngoan, sắc đẹp và đạo đức, trong đó "luân thường đạo lý bắt đầu ở sự sung túc" ; trong đó cuộc đấu tranh của người chống người và của người chống xã hội, nổi bùng lên; trong đỏ, cảnh êm thấm gia đình biến thành lòng ghen ghét vì những lý do bỉ ổi về gia tài, điền sản ; trong đó, tình yêu vâng theo túi bạc ; trong đó, lòng trinh bạch trở thành một thứ tư bản và hôn nhân trở thành một thứ đầu cơ ; trong đó « luật pháp là những màng nhện mà ruồi lớn chui qua được còn ruồi bé vướng lại ». Trong đó, lòng trung thực, ngay thẳng, nhân hậu đều trở thành yếu đuối ; trong đó cần phải « giết để khỏi bị giết, cần phải lừa để khỏi bị lừa », một xã hội điểu trá, thù hằn, tàn nhẫn dương cao khẩu hiệu: « ai lo phận nấy » và « thua thì thiệt » ; bạo lực của bọn giàu, trộm cắp hợp pháp, giết người vô tội bày ra một cách công khai ; những đặc quyền đặc lợi mới thiết lập trên những đặc quyền đặc lợi cũ bị truất phế; triều đại của bọn chó má, tham lam, quỷ quyệt, tranh giành nhau bóc lột nhân dân đề sống ; anh lái buôn của "con đường hẻm" thế chân ông nam tước sa sút, rồi nhà lý tài của « đường phố Ăng-tanh » lại thể chân anh lái « con đường hẻm »; người tri thức muốn leo lên bậc thang ăn trên ngồi trước và giàu có, thì buộc phải gác lương tâm ngoài hàng rào ; nhà bác học, nghệ sĩ bị lãng quên, bị khinh miệt, bị dồn vào khốn quẫn ; bọn cá nhân chủ nghĩa cuồng bạo, bọn tham lam vô lương tâm, sau khi trật tự phong kiến bị đạp đổ, đã quyết chạy theo may rủi và lên mặt một cách trâng tráo, bọn Rát-sti-nhắc, Luy-xiêng, Ruy-băng-pơ-rê, Phéc-đi- năng đuy Ti-dê, Ma-xim Tờ-ray, bầu trời tư sản u ám lập lòe ngọn lửa của bọn « sùng bái Na-pô-lê-ông »; Đó là Tấn trò đời của Ban-dắc. Cái nhiệt tình chính trị của ông không hề làm mờ mắt ông đến mức che khuất được sự thật. Ông cho Nhà Thờ là nguyên lý của mọi quyền lực tinh thần và xã hội, nhưng ông lại trình bày như tòa án tôn giáo chặn đường khoa học lại, ông mô tả rất đúng tu sĩ Tờ-ru-be, một người gian ngoan, tham lam, kiêu ngạo, bần tiện đã cùng một lúc đạt đến giàu sang ; ông nói rằng thể chế phong kiến là hợp pháp và ủng hộ chúng, nhưng ông lại khinh miệt chính phủ nhà vua của thời đại ông. Ông lên án không thương xót những tập quán và luân thường của cái ngoại ô quý tộc Xanh-giéc- manh — một bọn già có mái tóc quăn, mang tất lụa, bọn quả phụ mặc váy thủng, những bóng ma đáng thương và đáng buồn cười của chế độ cũ, trong tác phong và kiểu cách xưa của họ « không hề quên gì, không hề biết thêm gì », ném vào giữa thế kỷ XVIII rồi không muốn thoát ra nữa, sống bằng một thứ lưu niệm và bám riết vào một thứ ảo cảnh, những vị chủ nhỏ trưng cái duyên tàn ra, nhảy điệu nhảy nhịp ba và làm kịch ở trong phòng trà... Ông là người trong ước vọng muốn một nền kinh tế tiểu nông thuộc nhà thờ và nghiệp đoàn, đóng chặt trong khuôn khổ một thứ chủ nghĩa xã hội phong kiến và đạo cơ đốc, dưới chủ quyền một ông vua anh minh, nhưng ông lại không gán cho lớp quý tộc thân mến của ông mọi tính tốt, không lý tưởng hóa và tô vẽ cho họ : ông biểu hiện họ thành những người nô lệ của đồng tiền, bị những tật xấu làm hư hỏng. Cảm tình của ông đi từ Mi-sen Cơ-rét-schiêng, một chiến sĩ của Ba ngày Vinh quang, chết tại ụ chướng ngại, ở Cờ-loát Xanh-Me-ri, đến những người Cộng hòa bạo động năm 1832, đến những người của nhân dân vì "chỉ bên trong những áo lót bẫn mới có tinh thần yêu nước..." Ông lên án việc đem phát mại những tài sản quốc gia và việc cắt xẻ lãnh thổ, nhưng thù hằn không làm ông chệch đường, không làm rối viễn cảnh của lịch sử. Ông nghe thấy làn sóng nông dân đánh vào những vùng rộng lớn và bốc đi từng mảng. Ông nhìn thấy cuộc đấu tranh giai cấp đang mở rộng và ăn sâu, nhìn thấy nhân dân vùng lên chống giai cấp tư sản, và nông dân chống bọn lãnh chúa nông thôn. « Cái nhân tố phi xã hội ấy (nông dân) do cách mạng đẻ ra, một ngày kia sẽ nuốt chửng giai cấp tư sản, y như giai cấp tư sản đã nuốt trơn tầng lớp quí tộc » [7]. Một nhân vật nông dân của Ban-dắc đã lắp lại câu nói của Bờ-lăng-ki: « Nếu tất cả chúng ta đều giàu có thì các ông lớn sẽ thế nào? Cần phải có những người khổ sở cho họ. » Quan niệm của ông về công lý, tình cảm của ông, lý trí của ông đều chống lại trật tự hiện hành. Nhân vật Vô-tơ-ranh trong tác phẩm Những viễn ảnh xa vời kêu lên : « Con Bò Vàng, đấy là tôn giáo của Hiến chương của các ông!». Giữa lúc ông bắt đầu viết Tấn trò đời, vấn đề xã hội ám ảnh ông và ông đã đặt vấn đề dưới những khía cách mạng. « Làm sao con người gieo, trồng, tưới, gặt lại chính là người được ăn ít nhất ? Đó là một điều bí mật khá dễ khám phá... » [8]. Mác và Ăng-ghen cho rằng Nhà nước là một cơ quan thống trị của một giai cấp này đối với một giai cấp khác. Ban-dắc cũng nghĩ như : « Vậy thì chính phủ bao giờ cũng nhất thiết là một bản hợp đồng bảo hiểm mà bọn nhà giàu ký kết với nhau để chống lại bọn nghèo »[9] Ở chỗ khác ông lại nói lại ý trên: « Vậy thì bản khế ước xã hội sẽ là một bản hiệp ước vĩnh viễn giữa những người hữu sản chống những người vô sản » [10]. Ông biết rằng chế độ lúc đó hy sinh "ba mươi triệu người cho 500 gia đình », rằng "nền dân chủ của bọn nhà giàu » tiêu diệt những người yếu, rằng chủ nghĩa tư bản tước mất lòng tin của con người vào cuộc sống, vào những giá trị của con người, rằng chủ nghĩa tư bản gây ra một sự lãng phí to lớn những lực lượng không dùng tới hoặc bị phá hoại, rằng « điển hình cao thượng chỉ còn tìm thấy trong nhân dân mà thôi "... Ông hút thở xung quanh ống mùi tử thi của một xã hội đang tàn [11]. Ông nhìn thấy ló ra ở chân trời bóng ma của « chủ nghĩa cộng sản, thứ lô-gich sinh động ấy của nền dân chủ [12]... Cái bình đẳng bề ngoài chỉ tổ làm nổi bật cái bất bình đẳng cơ bản. « Cái quyền sống không lao động trở thành một đặc quyền duy nhất... người tiêu dùng mà không sản xuất là một kẻ bóc lột » [13]. Một ngày kia « mối thù của người vô sản và người nông dân chống lại ông chủ và người giàu [14] sẽ phá vỡ các thành trì xã hội. Bấy giờ những tước đoạt to lớn sẽ đến và đông đảo quần chúng sẽ tràn dâng ; « bọn dã man tân thời ấy do một Spac-ta-quýt mới, nửa Ma-ra, nửa Can-vanh, dẫn đầu, sẽ xung phong đánh vào giai cấp tư sản đê hèn đã mất quyền bính". Về phương thức nắm thực tế và tái hiện lại, Ban-dắc cũng có những quan điểm như Ăng-ghen. Trong lời tựa bộ Tấn trò đời, ông viết : Chẳng những con người mà cả đến những biển cổ chính của cuộc đời đều thể hiện bằng điền hình. Có những hoàn cảnh diễn ra trong mọi tình trạng, tức những giai đoạn điển hình, và chính đó là một trong những điều đúng đắn mà tôi thích nhất. Về sau, Ăng-ghen cũng định nghĩa chủ nghĩa hiện thực bằng sự tìm tòi điển hình. Theo ý tôi, đã nói đến chủ nghĩa hiện thực, thì ngoài sự chính xác của các chi tiết ra còn phải nói đến sự thể hiện chính xác những tính cách điển hình trong những trường hợp điển hình [15]. Ban-dắc đã trộn lẫn những nhân vật riêng của ông vào nhân vật của lịch sử : khi mở bản mục lục của Tấn trò đời người ta khó mà phân biệt được hai loại nhân vật đó. Ông lột ra cái nhân tố làm động lực, cái nổi bật, cái dục vọng chủ yếu, tức là động cơ chính của mọi lối xử thế (hà tiện, tham lam, trụy lạc, ghen ghét, tình cha con, v.v.). Trí tưởng tượng tổng hợp của tác giả làm cho nhân vật hoạt động, lớn lên đầy họ tới chỗ chết, thay thế định mệnh xưa bằng hoàn cảnh sống của họ, bằng nghề nghiệp của họ, bằng tật xấu hủy hoại họ... Thực tế nối dài ra bằng hư cấu, hư cấu soi sáng thực tế. Ví như dưới hình thù tên hãnh tiến và du đãng Cơ- rơ-ven ở Pa-ri, Ban-dắc đã vẽ lên trong cuốn « Người cháu gái Bét », ông bác sĩ Vê-ron, một con người bôn tẩu để làm giàu, mặt dày mày dạn sau lại trở thành một người tai mắt trong nền Đế chính thứ hai, và sau này đã bị Mác quật cho trong tác phẩm Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-i Bộ-na-pác-tơ. Người ta sẽ dễ dàng hình dung được từng lớp thượng lưu ấy của cái xã hội mồng Mười tháng Chạp, nếu nghĩ rằng xã hội đó có một nhà đạo đức là Ve-ron Cơ-rơ-ven và một nhà tư tưởng là Gơ-ra-nhê đờ Cát-xa-nhắc [16], Ban-dắc đã quan sát tỉ mỉ và tái tạo cuộc sống để đạt tới điển hình trong những cá tính, nghề nghiệp và giai cấp. Ông viết đúng thời đại của ông, ông chỉ nuôi tham vọng là làm một « người thư ký » của xã hội Pháp. Chẳng có gì xen vào giữa con mắt chăm chú của ông và cuộc đời bên ngoài, chẳng cái gì có thể làm sao lãng nhiệm vụ ấy ; sở thích của ông cũng như lòng tin đạo của ông, đều không thể làm ông xa rời nhiệm vụ ấy. Ông thường lớn tiếng nói rằng : « Không phải là lỗi của tác giả nếu sự vật tự nó nói lên và nói to lên như thế ! » Cái định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực mới đúng làm sao ! Ông đã xây nên lâu đài văn học của mình bên ngoài và ngược lại xu hướng chính trị và tôn giáo của mình. Tự ông muốn « đứng về phía Bốt-xuy-ê và Bô-nan », nhưng ông lại gặp Mác và Ăng-ghen. Con người bênh vực cho ngai vàng và Nhà thờ đó lại là người lên án ngai vàng và Nhà thờ ngoài ý muốn của mình. Lòng ông muốn một chế độ bất di bất dịch, nhưng ông lại mô tả sự biển đổi không ngừng của xã hội. Tác phẩm của nhà văn ấy cải chính lại học thuyết của mình, thiên tài của nhà văn ấy cũng chống lại nguyên lý của mình. Cho nên, ở Ban-dắc dù con người quan sát bác lại con người đảng phái, dù con người hay lý giải nói ngược lại nhà triết học duy linh và nhà truyền đạo chính thống, Ăng-ghen vẫn chào đón ở Ban-dắc một trong những thành công rực rỡ nhất của chủ nghĩa hiện thực. Giai cấp và và thời đại của nhà văn đã hạn chế tư tưởng của ông. Nhưng tầm nhìn của ông lại vượt qua thời đại và lên án giai cấp. Ông đã từ chối không nhìn nhận điều đó, ông những tưởng rằng bất công xã hội là do trật tự tự nhiên xếp đặt, ông đã tìm trong quá khứ một bức tường chống lại tương lai. Ông đã chọn giai cấp quí tộc nhưng ông lại được nhân dân yêu mến. Mác và Ăng-ghen đã đem lại một kết luận cách mạng cho bản cáo trạng của Ban-dắc chống xã hội tư sản. [1] C. Mác và F. Ăng ghen : Về văn học và nghệ thuật, tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 281. [2] Nhân vật trong tiểu thuyết của Đích-ken, điển hình của tính ích kỷ, tính giả nhân nghĩa và sự hèn nhát. [3] C. Mác và F. Ăng-ghen: Về văn học và nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 334. [4] Ban-dắc : Tựa cuốn Tấn trò đời, Toàn tập, t. I, tr. 24. [5] Les Trois Glorieuses ; tức 3 ngày 27, 28, 29 tháng 7-1830 trong lịch sử Pháp. [6] C. Mác và F. Ăng-ghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tiếng Pháp, Nhà xuất bản Xã hội, Pa-ri, 1954, tr. 31. [7] Ban-dắc: Những người nông dân. Toàn tập, t. XVIII, tr. 219. [8] Ban-dắc: Bàn về cuộc đời sang trọng. [9] Như trên. [10] Ban dắc: Người thầy thuốc thôn quê. [11] Ban-dắc: Bài báo viết cho Tạp chí Pa-ri (1840). [12] Ban-dắc : Những người nông dân [13] Ban dắc: Người thầy thuốc thôn quê [14] Ban-dắc: Những người nông dân. [15] C. Mác và F. Ăng-ghen: Về văn học và nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 311. [16] Mác : Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ, Nhà xuất bản Xã hội, Pa-ri, 1948, tr. 266.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC