TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TRONG GIAI ĐOẠN NON TRẺ
R. G. COLLINGWOOD (1889-1943) Đinh Hồng Phúc dịch
R. G. Collingwood. Đại cương triết học nghệ thuật. Chương 4, tiểu mục 18. "Tác phẩm nghệ thuật trong giai đoạn non trẻ" (London Oxford University Press, 1925)
Sự ra đời của nghệ thuật đã diễn ra khi một đứa trẻ vẽ nguệch ngoạc trên một tờ giấy bằng những nét bút vô nghĩa. Những nét vẽ nguệch ngoạc này không ở cùng cấp độ với tiếng la hét đầy giận dữ, tiếng hò reo vui sướng, hay những động tác, thường rất đẹp, qua đó nó giải tỏa cảm xúc và năng lượng của mình. Tất cả những hành vi này đều nằm dưới đường phân ranh giữa nghệ thuật và tự nhiên; chúng có thể đẹp, nhưng chúng không được làm ra với lý do chúng đẹp. Chúng là cơ sở tự nhiên của nghệ thuật, đối với người xem, chúng đẹp bằng vẻ đẹp của sự tự nhiên, nhưng lại hoàn toàn thiếu đi cái mục đích ý thức về chính mình, mục đích này vắng bóng trong tự nhiên nhưng hiện diện trong nghệ thuật. Một đứa trẻ vẽ nguệch ngoạc trên giấy không phải như là cách thức bộc lộ thiếu tính phản tư năng lượng của nó mà vì nó nhận thấy có một sự vui thích thẩm mỹ trong việc vẽ nguệch ngoạc này; nét vẽ nguệch ngoạc này nhắm tới cái đẹp, và do đó là nó là hoạt động ở cấp độ cao hơn so với việc nhảy cẫng lên vì vui sướng. Đối với người xem là đứa bé đã trưởng thành thì điều này dễ bị bỏ qua, bởi người xem là đứa bé đã trưởng thành sẽ nhận thấy cái đẹp trong việc nhảy cẫng lên vì vui sướng chứ không phải trong nét vẽ nguệch ngoạc, và do đó từ điểm nhìn của nó, nó thích nhảy cẫng lên hơn. Và chắc chắn nhảy cẫn vì vui sướng ấy tự nó đã là một sản phẩm hoàn thiện hơn so với vẽ nguệch ngoạc; thế nhưng nó chỉ là tự nhiên, trong khi đó vẽ nguệch ngoạc là nghệ thuật; và tự nhiên phải đạt tới sự chín muồi của nó trước khi có thể thụ thai và sinh ra cả tác phẩm nghệ thuật non nớt yếu đuối nhất.[1] Nét vẽ nguệch ngoạc ấy là tác phẩm nghệ thuật trong hình thức thô phác nhất của nó; và hình thức tương tự tái xuất hiện trong các hành vi vung chân hay dậm chân, đánh trống hay thổi kèn, hát hay huýt sáo một cách ngẫu nhiên không theo nhịp, và vô số hành vi khác có thể được nhận thấy ở tất cả trẻ em và người trưởng thành. Các hành vi này là những tác phẩm nghệ thuật còn thô phác trong chừng mực chúng là những nguồn khoái cảm thẩm mỹ có ý thức; nhưng ở cấp độ thấp đến mức chúng thường bị chỉ trích là gây cảm giác bồn chồn và bị gìm lại như là những thứ gây khó chịu. Ngay cả những luồng hơi thở đều đặn và những bước chân nhịp nhàng cũng có thể trở thành những hành vi thẩm mỹ nếu được điều chỉnh thành một sự nhịp nhàng có ý thức, như trong một cuộc diễu hành: một đoàn người diễu hành là một dàn nhạc trong đó bất cứ nhạc cụ nào cũng là một cái trống cổ sơ. Nhưng ở cấp độ này, tác phẩm nghệ thuật chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thô sơ, bởi lẽ nó là một sản phẩm ngẫu nhiên và thiếu kiểm soát, chỉ được thưởng thức bao lâu ta chưa quan tâm đến việc nó được làm ra có tốt hay không. Đứa trẻ vẽ nguệch ngoạc cảm thấy thích thú trong nét vẽ nguệch ngoạc của mình, chỉ vì nó là nét vẽ nguệch ngoạc chứ không phải vì nó là nét vẽ nguệch ngoạc đẹp; nốt cần chơi trên chiếc kèn thiết này là bất cứ nốt nào, hay dở mặc kệ, âm dài hay ngắn, âm to hay khẽ cũng mặc kệ. Cái trống thì thú vị, vì nó tạo ra tiếng vang, chứ không phải nó tạo ra kiểu tiếng vang này hơn là kiểu tiếng vang kia. Niềm vui không phân biệt này trong việc tạo ra bất cứ thứ gì, không phải vì nó là thứ này chứ không phải thứ kia, mà bởi vì nó giản đơn, trong sự trừu tượng, một thứ gì đó được tạo ra, là mức tối thiểu nếu xét nghiêm ngặt hơn: cái đẹp ở đây là bất cứ thứ gì do chính ta tạo ra, và thưởng thức thẩm mỹ là cảm giác trần trụi về tính sáng tạo của chính ta. Cảm giác này không chỉ được tăng cường mà còn sở đắc được một phẩm tính mới, và khi lặp lại những hành vi như thế, ta học cách kiểm soát chúng và cải biến chúng theo những cách thức nhất định. Sự kiểm soát này là yếu tố kỹ thuật trong nghệ thuật. Kỹ thuật dựa trên sự nhận thức của nghệ thuật thô sơ này về việc nó cần phải có kỷ luật với chính mình do thực tế là càng ngày người ta càng không hài lòng với sự sáng tạo thô sơ và mong muốn phát triển được năng lực tạo ra cái này chứ không phải là cái khác. Việc tiếp thu kỹ thuật là điều ta gọi là học vẽ, học hát, v.v.., và điều này có nghĩa là học cách tạo ra những nét vẽ nào đó và những thanh âm nào đó chứ không phải cách tạo ra những nét vẽ và những thanh âm. Được tham gia vào công việc sở đắc kỹ thuật một cách có chủ ý và có ý thức là trở thành người học tập. Trẻ em chưa phải học tập đang tiếp thu kỹ thuật một cách vô ý thức bằng cách chỉ vẽ những nét nguệch ngoạc; và người nghệ sĩ có kỹ năng chưa bao giờ ngừng hoàn thiện kỹ thuật của mình; nhưng học tập theo nghĩa đặc biệt là một hoạt động mà bản chất của nó là tập trung vào yếu tố kỹ thuật trong nghệ thuật, và triết lý của trường phái nghệ thuật do đó là triết lý về kỹ thuật. Kỹ thuật trước hết có nghĩa là sự kiểm soát cơ bắp cho phép người sáng tạo tạo ra một cách chính xác những gì anh ta muốn: vẽ đường thẳng, hát đúng nốt, v.v.. Nhưng thứ đến, đó là sự rèn luyện không phải cơ bắp mà là con mắt và lỗ tai, hay chính xác hơn, là rèn luyện trí tưởng tượng, nhờ đó ta mới có thể phân biệt các sắc thái của hình dạng và thanh âm mà trước đây ta không nhận thấy là có khác biệt. Giờ đây, sự kiểm soát này chỉ có thể đạt được bằng cách thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra. Để kiểm ta xem ta có đủ năng lực để thực hiện chính xác những ý muốn của mình hay không, trước hết ta phải biết chính xác điều ta muốn, và sau đó ta phải có khả năng so sánh điều này với những gì ta đã làm. Nếu không, bất cứ đường nét nào ta vẽ ra, qua việc ta tự lừa dối chính mình một cách quá dễ dàng, cũng có thể được coi là chính đường nét mà ta muốn vẽ. Do đó, kỹ thuật chỉ có thể được sở đắc bằng cách sao chép các mô hình có sẵn, và các mô hình này không phải là các đối tượng tự nhiên mà là tác phẩm nghệ thuật. Người dạy hát phải hát một nốt cho học trò của mình bắt chước theo, và nhắc nhở nó khi nó hát sai; người dạy vẽ phải chỉ cho học trò của mình cách vẽ bằng cách tự mình vẽ ra để thị phạm. Người học có thể học vẽ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên giống như học tiếng Hy Lạp bằng cách một mình đối diện với bản văn nguyên bản tiếng Hy Lạp của Homer. Không nghi ngờ gì, một học sinh rất thông minh, trong những trường hợp như thế, có thể tìm ra cách vẽ cho mình; nhưng công việc của người thầy là cung cấp cho nó ngữ pháp và từ điển. Ta cũng không được quên sự khác nhau giữa mục đích và bản chất của bức vẽ của học sinh với bản phác thảo của người thầy. Cần phải hiểu một cách rõ ràng rằng bức vẽ của học sinh là một bài tập luyện kỹ thuật chứ không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Nó không cần phải đẹp; nhiệm vụ của nó là chính xác; và nếu nó được gọi là đẹp thì điều này chỉ là vì bản thân sự chính xác của nó được cảm nhận về mặt thẩm mỹ như là một loại vẻ đẹp đặc biệt. Không có người thầy dạy nghệ thuật nào khen ngợi hay chỉ trích tác phẩm của học trò mình trên bất cứ cơ sở nào khác ngoại trừ tính chính xác về mặt kỹ thuật này, và người học trò xử lý bản vẽ sao chép của mình một cách tự do giống như người nghệ sĩ xử lý chủ đề của mình là đang cố gắng học chạy trước khi học bò. Nhưng tính bắt chước trong công việc của người học lại có giá trị trong việc phát triển và tăng cường năng lực sáng tạo chính là vì nó không phải là sự bắt chước thuần túy mà là sự sáng tạo ngụy trang. Bạn có thể giúp người mới tập leo núi bằng cách thắt dây an toàn và dẫn đường cho anh ta; anh ta sẽ tự đứng vững vì anh ta nghĩ có ai đó khác đang đỡ cho anh ta. Điều này áp dụng cho mọi nền giáo dục. Học sinh đang thực sự vẽ ra những bức tranh của chính mình; bàn tay và con mắt của nó đang làm việc, còn việc sao chép chỉ bước đi giúp nó định hình nền tảng. Khi học sinh ngộ ra sự thật này, nó không còn là một học sinh nữa mà đã thành người thầy rồi. [1] Đứa trẻ có thể vẽ nguệch ngoạc không phải vì nó nhận thấy nét vẽ ấy là đẹp, mà vì nó đang giả với làm ông bố viết sách hay vẽ tranh. Trong trường hợp này, tình huống trở nên phức tạp do có yếu tố bắt chước, ta sẽ bàn luận điều này sau. Trường hợp được xem xét trong văn bàn này là đứa trẻ không bắt chước một cách có ý thức bất cứ ai hay bất cứ điều gì, mà chỉ đơn giản là vui thích với hành vi cầm bút chì vẽ đường này nét nọ lên trang giấy. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC