Triết học tinh thần

Tổng luận thần học: Các nguyên nhân của sự buồn rầu hoặc của sự đau đớn

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

VỀ ĐAM MÊ (Câu hỏi 22-48)

22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48
                                                     

 

 

Câu hỏi 36

CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BUỒN RẦU

HOẶC CỦA SỰ ĐAU ĐỚN (4 tiết)

 

THOMAS AQUINO (1225-1274)

Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch

 


Thomas Aquino. “Câu hỏi 36: Các nguyên nhân của sự buồn rầu hoặc của sự đau đớn”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do Lục Phạm Quỳnh Nhi đánh máy. | Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum171.htm


 

 

1. Nguyên nhân của sự đau đớn là sự tốt bị mất hoặc là sự xấu phối hợp không?

2. Sự ham muốn là nguyên nhân của sự đau đớn không?

3. Sự ước muốn đơn nhất tính là nguyên nhân của sự đau đớn không?

4. Năng lực mà người ta chống lại, là nguyên nhân của sự đau đớn không?

 

TIẾT 1

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ ĐAU ĐỚN LÀ SỰ TỐT BỊ MẤT HOẶC SỰ XẤU PHỐI HỢP?

VẤN NẠN: Có thể đó là sự tốt bị mất.

1. Thánh Augustinô nói (De 8 Quaest Dulciti q.1): “Sự đau đớn phát xuất bởi sự mất các sự tốt đời này”. Vậy bởi cũng một lý do, mọi sự đau đớn có nguyên nhân là sự mất sự tốt.

2. Chúng ta đã nói (q.35, a.4) sự đau đớn tương phản với sự vui thú, quan hệ với cũng một đối tượng như nó. Mà sự vui thú có đối tượng là sự tốt, như chúng ta đã nói (q.23, a.4; q.31, a.1; q.35, a.3). Vậy sự đau đớn một cách chủ yếu phát xuất bởi sự mất sự tốt.

3. Tình yêu theo thánh Augustinô (De Civit Del. 14,7), là nguyên nhân của sự buồn rầu, như cũng là nguyên nhân mọi tình cảm của linh hồn. Mà đối tượng của tình yêu là sự tốt. Vậy sự đau đớn hoặc sự buồn rầu quan hệ với sự tốt bị mất hơn là với sự xấu phối hợp.

TRÁI LẠI: Thánh Damascênô nói: “Sự xấu mà người ta chờ đợi, gây nên sự sợ; sự xấu hiện diện gây nên sự buồn rầu” (De fide Orth. 2,12).

TRẢ LỜI: Nếu các sự khuyến phạp ở trong sự lĩnh hội của linh hồn là điều chúng đang là trong thực tại, câu hỏi này hẳn không quan trọng. Thực thế, sự xấu, như chúng ta đã thấy ở Quyển 1 (q.14, a.10; q.48, a.3), là sự khuyết phạp sự tốt; hoặc sự khuyết phạp trong thực tại của các sự vật chỉ là sự thiếu sự chiếm hữu đối lập, việc trở nên buồn rầu vì sự tốt bị mất và việc trở nên buồn rầu vì sự xấu hiện diện, thì cũng là một. Nhưng sự buồn rầu là sự chuyển động của thị dục đi theo sau sự tri thức. Mà chính sự khuyết phạp xuất hiện như một hữu thể nào đó đối với trí năng đến nỗi người ta gọi nó là hữu thể trí thuộc. Như vậy sự xấu, vì là sự khuyết phạp, được coi là tương phản hữu. Và do đó, sự xấu trong tư cách là sự cuyển động của thị dục, không được nhận biết một cách chủ yếu quan hệ với sự xấu phối hợp hoặc với sự tốt bị mất, vì có sự dị biệt giữa hai điều  này.

Và bởi vì sự chuyển động của giác dục trong các hành động của linh hồn đóng cũng một vai trò như các sự chuyển động tự nhiên trong các vật của thiên nhiên, sự quan sát các sự chuyển động như thế có thể giúp chúng biết được sự thật. Quả thế, chúng ta xem xét sự đến gần và sự đi ra xa trong các sự chuyển động tự nhiên. Sự đến gần quan hệ cách thuộc yếu tính với cái gì thích hợp với bản tính; sự đi ra xa quan hệ các thuộc yếu tính với các gì tương phản với bản tính; chính như vậy mà vật thể nặng do bản tính mình đi ra xa khỏi nơi cao và đến gần nơi thấp. Nhưng nếu chúng ta xem xét nguyên nhân của hai sự chuyển động này, tức là trọng lực, thì trong lực hướng về nơi thấp hơn là nó đi ra xa khỏi  nơi cao; đó chỉ là điều nó làm để hướng xuống thấp.

Như vậy, sự buồn rầu, trong sự chuyển động của thị dục được thể hiện theo thể cách trốn tránh hay đi ra xa, còn sự vui thú theo thể cách theo đuổi hay đến gần. Do đó, cũng như sự vui thú quan hệ trước hết với sự tốt được chiếm hiễm làm đối tượng riêng của mình, cũng vậy sự buồn rầu quan hệ với sự xấu phối hợp. Mà nguyên nhân của sự vui thú và của sự buồn rầu là tình yêu, quan hệ với sự tốt trước khih quan hệ với sự xấu. Như vậy theo ý nghĩa này mà đối tượng là nguyên nhân của sự đam mê, sự xấu phối hợp một cách đích xác là nguyên nhân của sự buồn rầu hoặc của sự đau đơn hơn là tốt bị mất.

GIẢI ĐÁP:

1. Chính sự mất sự tốt được lĩnh hội trong yếu tính của sự xấu như sự chấm dứt sự xấu được lĩnh hội trong yếu tính của sự tốt. Chính vì đó mà thánh Augustinô nói sự đau đớn phát xuất do sự mất các sự tốt đời này.

2. Sự xấu và sự đau đớn tương phản hữu của sự xấu, quan hệ với cũng một đối tượng, nhưng theo yếu tính tương phản, vì sự vui thú bao hàm sự hiện diện của một sự vật và sự buồn rầu bao hàm sự vắng mặt của một sự vật. Mà trong tương phản hữu này có chứa đựng sự khuyết phạp của tương phản hữu kia như thấy ở Siêu hình học (Aristote, Metaph. 4.9). Do đó mà sự buồn rầu quan hệ với một tương phản hữu, quan hệ với cũng một sự vật theo một ý nghĩa nào đó, nhưng trong yếu tính tương phản.

3. Khi nhiều sự chuyển động phát xuất bởi cùng một nguyên nhân, không cần thiết mọi chuyển động này một cách chủ yếu quan hệ với điều mà nguyên nhân có quan hệ, nhưng chỉ sự chuyển động thứ nhất có quan hệ này mà thôi. Còn các sự chuyển động khác quan hệ riêng biệt hơn với cái gì thích hợp với mình theo yếu tính riêng của mình.

 

TIẾT 2:

SỰ HAM MUỐN LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ ĐAU ĐỚN KHÔNG?

Vấn nạn: Xem ra không có như thế.

1. Sự buồn rầu một cách thuộc yếu tính quan hệ với sự xấu, như chúng ta mới nói. Mà sự ham muốn là sự chuyển động của thị dục đến sự tốt. Đằng khác, sự chuyển động đến một trong hai tương phản hữu không phải là nguyên nhân của sự chuyển động quan hệ với tương phản kia. Vậy sự ham muốn không phải là nguyên nhân của sự đau đớn.

2. Sự đau đớn theo thánh Damascênô (De Fide Orth. 2,12) có đối tượng là cái hiện tại trong khi sự ham muốn quan hệ với cái tương lai. Vậy sự ham muốn không tạo nên sự đau đớn.

3. Cái gì một cách thuộc yếu tính lắm vui thú, không tạo nên sự đau đớn. Mà sự ham muốn, theo sự nhận xét của Triết gia (Rhet. 11,10) làm vui thú bằng cách thuộc yếu tính. Vậy nó không tạo nên sự đau đớn hoặc sự buồn rầu.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô viết: “Khi phát sinh trong chúng ta những sự không biết về điều phải làm và sự ham muốn về điều gây nên những sự tổn hại; thì sự sai lầm và sự đau đớn lấn vào trong chúng nó” (Enchir. 24). Mà sự không biết tạo nên sự sai lầm và sự ham muốn gây nên sự đau buồn.

TRẢ LỜI: Sự buồn rầu là sự chuyển động của giáo dục. Mà sự chuyển động của thị dục này tương tự thị dục tự nhiên như chúng ta nói (a.1). Người ta có thể quy về cho thị dục tự nhiên hai nguyên nhân: một nguyên nhân theo thể cách mục đích và nguyên nhân thứ hai mà do đó phát xuát nguyên lý của sự chuyển động. Vậy nguyên nhân theo thể cách mục đích của sự rơi xuống của vật thể nặng là nơi thấp; nguyên lý của sự chuyển động này là khuynh hướng tự nhiên phát xuất bởi trọng lực.

Mà nguyên nhân của thị dục theo thể cách mục đích đó là đối tượng của nó. Vậy chúng ta đã nói ở trước (a.1) nguyên nhân của sự đau đớn hoặc của sự buồn rầu là sự xấu phối hợp. Nguyên nhân cách nguyên lý tại nguồn gốc của sự chuyển động này hoặc chuyển động kia là khuynh hướng bên trong của thị dục. Thị dục trước tiên nghiêng về sự tốt, và theo đường lối kết quả, để khước từ sự xấu tương phản. Do đó, nguyên lý thứ nhất của sự chuyển động này của thị dục là tình yêu mà tình yêu là khnh hương sđầu tiên của thị dục theo đuổi sự tốt; nguyên lý thứ hai là sự ghét, mà sự ghét là khuuynh hướng đầu tiên của thị dục để trốn tránh sự xấu. Nhưng bởi vì sự ham muốn là hiệu quả thứ nhất của tình yêu mà do hai hiệu quả này chúng ta được vui thú nhất, thánh Augustinô thường nói đến sự ham muốn thay thế tình yêu, như chúng ta đã nói (q.30, a.2, sol.2). Chính theo ý nghĩa này mà thánh nhân coi sự ham muốn là nguyên nhân phổ quát của sự đau đớn.

Nhưng chính sự ham muốn, được xem xét trong yếu tính riêng của mình, thỉnh thoảng là nguyên nhân của sự đau đớn. Thực thế, tất cả cái gì ngăn trở sự chuyển động tới điểm cùng của nó thì tương phản với sự chuyển động này của thị dục, cùng tạo nên sự buồn rầu. Theo đường lối kết quả, sự ham muốn trở nên nguyên nhân của sự buồn rầu trong tư cách chúng ta trở nên buồn rầu vởi sự chậm trễ của sự tốt được ước muốn hoặc bởi sự biến mất hoàn toàn của sự tốt này. Nhưng nó không thể là nguyên nhân phổ quát cho sự đau đớn, vì chúng ta đau đớn nhiều về sự mất các sự tốt hiện tại đem lại cho chúng ta sự vui thú hơn về sự mất các sự tốt tương lai mà chúng ta ham muốn.

GIẢI ĐÁP

1. Khuynh hướng của thị dục để đạt được sự tốt là nguyên nhân của khuynh hướng trốn tránh sự xấu, như chúng ta mới nói. Chính vì đó mà các sự chuyển động của thị dục quan hệ với sự tốt được coi như nguyên nhân của các sự chuyển động của thị dục quan hệ với sự xấu.

2. Cái gì chúng ta ước muốn, mặc dầu trong tương lai, trong thực tại vẫn hiện diện một thể cách nào đó, trong tư cách là đối tượng của hy vọng. Người ta cũng có thể nói: Mặc dầu sự tốt được ước muốn ở tương lai, vẫn có sự ngăn trở hiện tại tạo nên sự đau đớn.

3. Sự ham muốn làm vui trong tư cách người là giữ hy vọng đạt được điều mình ước muốn. Nhưng khi một ngăn trở xảy ra bất thần, cắt mất hy vọng thì sự ham muốn tạo nên sự đau đớn.

 

TIẾT 3:

SỰ ƯỚC MUỐN ĐƠN NHẤT TÍNH TẠO NÊN SỰ ĐAU ĐỚN?

VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy

1. Theo Triết gia (Eth. 3,6), ý kiến này “Sự sung mãn là nguyên nhân của sự vui thú, và sự chia ra tạo nên sự buồn rầu, xem ra nhắm các sự vui thú và các buồn rầu quan hệ với thực phẩm”. Mà mọi sự vui thú về mọi sự buồn rầu không thuộc về thứ này. Vậy sự ước muốn đơn nhất tính không phải là nguyên nhân phổ quát của sự buồn rầu, bởi vì sự sung mãn thuộc về đơn nhất tính và sự chia ra thuộc về phức số tính.

2. Mọi sự chi ra đối lập với đơn nhất tính. Vậy, nếu sự đau đớn phát xuất bởi sự ước muốn đơn nhât tính, không sự chia ra nào có thể làm vui thú. Điều này rõ ràng sai lầm khi người ta tác rời khỏi tất cả những gì người ta có thái quá.

3. Chính bởi cùng một lý do mà chúng ta ước muốn sự phối hợp với sự tốt và sự đi ra xa khỏi sự xấu. Mà cũng như sự phối hợp này thuộc về đơn nhất tính, vì đó là một thứ hợp nhất, cũng vậy, sự chia ra tương phản với đơn nhất tính. Vậy sự ước muốn đơn nhất tính cũng như sự ước muốn chia ra, không được coi là nguyên nhân của sự đau đớn.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô viết: “Ở sự đau đớn mà các thú vật cảm thấy, người ta nhờ thể cách chúng hướng dẫn và làm cho sống động, thân thể mình, mà nhận biết được khá đầy đủ các linh hồn ham muốn đơn nhất tính nào. Thi ra thế nào là sự đau đớn nếu đó không phải là một cảm giác không chấp nhận sự chia ra và sự phá hủy”. (De Lib Arb. 3,23).

TRẢ LỜI: Thị dục hay tình yêu về đơn nhất tính, phải được coi là nguyên nhân của sự đau đớn như sự ước muốn hay sự ham muốn sự tốt.  Thực thế, sự tốt của mọi vật cốt tại một đơn nhất tính nào đó, tùy theo mỗi vật tại sự gìn giữ các yếu tố của sự hoàn hảo mình được hợp nhất, chính như thế mà các nhà học phái Platon khẳng định định đơn nhất thể là nguyên lý như sự tốt. Do đó, mọi hữu thể cách tự nhiên ước muốn đơn nhất tính như ước muốn thiện tính. Triết học Hy Lạp có tục ngữ: “Mọi vật không tốt, không đẹp cũng không thật trừ phi chúng đơn nhất, mặc dầu đơn nhất tính của chúng phức tạp thế nào đi nữa. Chính vì thế mà tình yêu hay thị dục đến với sự tốt làm nguyên nhân cho sự đau đớn thế nào, thì tình yêu hay thị dục đến với đơn nhất tính cũng vậy.

GIẢI ĐÁP:

1. Không phải bất cứ sự hợp nhất nào cũng hoàn thành yếu tính của sự tốt nhưng chỉ sự hợp nhất mà sự hiện hữu hoàn hảo của vật lệ thuộc vào đó. Cũng vậy, không phải bất cứ ước muốn nào về đơn nhất tính cũng là nguyên nhân của sự đau đớn hoặc của sự buồn rầu, như một số người quan niệm. Trong bản văn được trích dẫn, Triết gia luận bác ý kiến này bằng cách khẳng định một số sự sung mãn không đem lại sự vui thú, như những người đã ăn tràn họng không có vui thú ăn nữa. Sự sung mãn như thế hoặc sự hợp nhất như thế đối ập với sự hoàn hảo của hữu thể hơn là tạo nên sự hoàn hảo. Vậy sự đau đớn không được gây nên bởi ước muốn bất cứ đơn nhất tính nào, nhưng bởi sự ước muốn đơn nhất tính tạo nên sự hoàn hảo được bản tính muốn.

2. Sự chia ra có thể làm vui thú, hoặc bởi vì nó làm mất đi cái gì tương phản với sự hoàn hảo của vật, hoặc bởi vì nó được kèm theo sự hợp nhất nào, thí dụ, sợ hợp nhất của khả giác hữu với giác quan.

3. Người ước muốn sự chia ra khỏi cái gì làm hại và phá hủy trong tư cách cái đó làm mất đơn nhất tính cần thiết. Như vậy sự ước muốn sự chia ra này không phải là nguyên nhân thứ nhất của sự đau đớn; đúng hơn là sự ước muốn đơn nhất tính.

 

TIẾT 4:

QUYỀN LỰC MÀ NGƯỜI TA KHÔNG THỂ CHỐNG LẠI, LÀ NGUYÊN NHÂN CHO SỰ ĐAU ĐỚN?

VẤN NẠN: Xem ra quyền lực ở trên không phải là nguyên nhân của sự đau đớn

1. Cái gì thuộc về năng lực của nguyên nhân tác động chưa hiện tại, nhưng tương lai. Mà sự đau đớn quan hệ với sự xấu hiện tại. Vậy quyền lực ở trên không phải là nguyên nhân của sự đau đớn.

2. Nguyên nhân của sự đau đớn là sự tồn tại đã bị gây nên. Mà sự tổn hại cũng có thể bị gây nên bởi năng lực ở dưới. Vậy người ta không nói quyền lực ở trên là nguyên nhân của sự đau đớn.

3. Các nguyên nhân cho các các sự chuyển động của thị dục là những khuynh hướng bên trong của các linh hồn. Mà quyền lực ở trên là cái gì bên ngoài. Vậy nó không phải là nguyên nhân của sự đau đớn.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô nói: “Trong linh hồn, cái gì tạo nên sự đau đớn, đó là ý chí chống lại quyền lực ở trên; trong nhân thể, chính giác quan chống lại với thân thể mạnh hơn” (De Nat, Boni 20, PL 42).

TRẢ LỜI: Sự xấu phối hợp như chúng ta đã nói (a.1) là nguyên nhân của sự đau đớn hoặc của sự buồn rầu theo thể cách đối tượng. Vậy cái gì làm nguyên nhân cho sự phối hợp với sự xấu, phải được coi là nguyên nhân của sự đau đớn hoặc buồn rầu. Mà rõ ràng tương phản với khuynh hướng của thị dục là sự phối hợp hiện tại với sự xấu. Mà cái gì tương phản với khuynh hướng của một hữu thể không bao giờ xảy ra cho nó trừ phi bởi hành động của hữu thể mạnh hơn. Do đó, thánh Augustinô khẳng định quyền lực ở trên là nguyên nhân của sự đau đớn.

Tuy nhiên, phải biết nếu quyền lực mạnh hơn thêm lên đến nỗi biến hóa khuynh hướng tương phản trở thành khuynh hướng riêng sẽ không còn sự đối lập hoặc sự cưỡng bức; đó là điều xảy ra khi một tác nhân mạnh hơn, làm phân tách một vật thể nặng, làm cho nó mất khuynh hướng xuống thấp. Như vậy lúc đó, việc được lên cao không còn là cưỡng bức đối với nó, nhưng là tự nhiên. Như vậy, nếu quyền lực ở trên thêm lên đến mức độ làm biến mất ý chí hoặc giáo dục, thì không phải là nguồn gốc của sự đau đớn hoặc của buồn rầu, điều này chỉ xảy ra khi khuynh hướng tương phản của thị dục này vĩnh tồn. Chính điều này khiến thánh Augustinô nói “Ý chí chống lại quyền lực ở trên là nguyên nhân của sự đau đớn”. Quả thế, giả như nó không chống lại, nhưng chịu khuất phục bằng cách ưng thuận thì hẳn không có đau đớn như vui thú. 

GIẢI ĐÁP:

1. Quyền lực ở trên là nguyên nhân của sự đau đớn, không phải theo tư cách nó chủ động, cách tiềm thể, nhưng theo tư cách nó chủ động cách hiện thể, nghĩa là khi nó thực hiện cách có hiệu lực sự phối hợp với sự xấu phá hủy.

2. Không cái gì ngăn trở một quyền lực không ở trên cách thuần túy và đơn giản ở trên theo một quan hệ nào đó. Và với tư cách như thế nó có thể làm hại. Còn giả như nó không ở trên chút nào cả, hẳn nó không làm hại tí nào. Và như vậy nó không thể làm nguyên nhân cho sự đau đớn.

3. Các tác nhân bên ngoài có thể làm nguyên nhân cho sự ước muốn trong tư cách chúng nó thực hiện sự hiện diện của đối tượng. chính theo ý nghĩa này mà quyền lực lớn hơn có thể làm nguyên nhân cho sự đau đớn.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt