Triết học tinh thần

Tổng luận thần học: Sự ham muốn

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

VỀ ĐAM MÊ (Câu hỏi 22-48)

22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48
                                                     

 

 

Câu hỏi 30

SỰ HAM MUỐN (4 Tiết )

 

THOMAS AQUINO (1225-1274)

Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch

 


Thomas Aquino. “Câu hỏi 30: Sự ham muốn”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do bạn Đình Ninh đánh máy. || Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum165.htm


 

 

Nghiên cứu sự ham muốn. Có bốn điểm:

1. Sự ham muốn chỉ ở trong giác dục?

2. Nó là một đam mê đặc biệt?

3. Có những ham muốn tự nhiên và những ham muốn không tự nhiên không?

4. Sự ham muốn thì vô cùng?

 

TIẾT 1

SỰ HAM MUỐN CHỈ Ở TRONG GIÁC DỤC?

VẤN NẠN: Xem ra sự ham muốn không chỉ ở trong giác dục.

1. Vì có sự ham muốn sự khôn ngoan. Theo kinh thánh “Ham muốn khôn ngoan hướng dẫn họ đến nước vĩnh cửu" (Kn 6.21). Mà giác dục không thể quan hệ với sự khôn ngoan. Vậy sự ham muốn không chỉ ở trong giác dục.

2. Sự ước muốn có các giới mệnh Thiên Chúa không gặp trong giác dục; hơn nữa, thánh Phao-lô nói: "Sự tốt không ở trong tôi, nghĩa là, trong xác thịt tôi” (Rm7, 18). Mà sự ước muốn các giới mệnh Thiên Chúa là một thứ ước muốn cảm giác hay ham muốn,  theo lời thánh vịnh: “Linh hồn tôi ham muốn giới mệnh Chúa luôn"(Tv 119, 20). Vậy sự ham muốn không chỉ ở trong giác dục.

3. Đối với mọi năng lực, sự tốt riêng của chúng là đối tượng của sự ham muốn. Vậy sự ham muốn ở trong mỗi năng lực của linh hồn, chứ không phải chỉ ở trong giác dục.

TRÁI LẠI: Thánh Damascenô nói: “Cái vô lý tính mà tuân phục tri năng và để minh cho trí năng khuyến dụ, phân chia ra sự ham muốn và sự giận dữ. Mà đây nói đến phần vô lý tính của linh hồn, thụ động và giác dục” (De. Fide Orth. 2, 12). Vậy sự ham muốn ở trong giác dục.

TRẢ LỜI: Triết gia nói: "Sự ham muốn là thị dục về cái gì làm vui thú" (Rhet .11, 5). Mà, chúng ta sẽ thấy ở sau (Q. 31, a. 3 và 4), có hai thứ vui thú: một vui thú ở trong sự tốt khả niệm, tức là sự tốt của trí năng; sự vui thủ thứ hai ở trong sự tốt thuộc trật tự cảm giác. Xem ra sự vui thủ thứ nhất chỉ thuộc về linh hồn. Sự vui thú thứ hai thuộc về linh hồn và thân thể, vì giác quan là khả năng thuộc về cơ quan hữu hình đến nỗi sự tối khả giác là sự tốt của toàn vẹn hợp vật nhân loại. Mà chính do một sự vui thú như thế mà sự ham muốn xem ra là thị dục một cách liên đới thuộc về linh hồn và thân thể như tên của nó nguồn gốc La tinh biểu lộ vì concupiscentia là "cùng ước muốn". Do đó, sự ham muốn theo nghĩa đen, ở trong giác dục và một cách đích xác ở trong phần tham dục.

GIẢI ĐÁP:

1. Thị dục về sự khôn ngoan hoặc các sự tốt thiêng liêng khác đôi khi được gọi là sự ham muốn, hoặc bởi sự tương tự nào đó giữa thị dục thượng tầng và thị đục hạ tầng; hoặc bởi cường độ của thị dục thượng tầng dội lại trên thị dục hạ tầng; do đó, thị dục hạ tầng theo thể cách của mình hướng về sự tốt thiêng liêng theo sau thị dục thượng tầng của chính thân thể phục vụ cho các thực tại thiêng liêng, theo lời ghi chép: “ tâm hồn và xác thịt tôi vui mừng reo lên tới Thiên Chúa hằng sống” (Tv 84, 3).

2. Sư ước muốn, nói cách đích xác, không phải chỉ thuộc về thị dục hạ tầng, mà còn thuộc về thị dục thượng tầng. Thì ra nó không bao hàm sự phức hợp nào đó như sự ham muốn, nhưng nó chỉ là sự chuyển động đơn giản đến sự vật được ước muốn.

3. Mỗi năng lực của linh hồn theo bản tính mình ước muốn sự tốt riêng của mình bằng sự ước muốn tự nhiên, không đi theo sự biết. Mà ước muốn một sự vật bằng sự ước muốn được phối hợp với sự biết như ở nơi các thú vật, thì thuộc về năng lực thị dục. Còn việc ước muốn một sự vật trong tư cách nó là sự tốt vui thú khi giác, đó là điều riêng của sự ham muốn thuộc về tham dục.

 

TIẾT 2

SỰ HAM MUỐN LÀ MỘT ĐAM MÊ RIÊNG BIỆT ?

VẤN NẠN: Xem ra sự ham muốn không phải là đam riêng biệt thuộc về năng lực tham dục.

1. Các đam mê phân biệt nhau tùy theo các đối tượng của mình. Mà đối tượng của tham dục là cái vui thú thuộc trật tự cảm giác, và cái vui thú này, theo Triết gia, cũng là đối tượng của sự ham muốn. Vậy sự ham muốn không phải là đam mê riêng biệt của tham dục.

          2. Thánh Augustinô nói: "Sự ham muốn là tình yêu các sự vật thoáng qua" (Lib. Quaest q. 33. 40). Vậy nó không phân biệt với tình yêu. Mà tất cả mọi đam mê riêng biệt phân biệt nhau. Vậy sự ham muốn không phải là đam mê riêng biệt.

3. Người ta nói: “Mỗi đam mê của tham dục có một đam mê riêng biệt đối lập trong cùng một thị dục. Mà không đam mê riêng biệt nào đối lập với sự ham muốn trong tham dục. Thánh Damascenô nói: “Sự tốt mà người ta chờ đợi, làm phát sinh sự ham muốn: sự tốt hiện tại làm phát sinh sự vui thú; cũng vậy, sự xấu mà người ta chờ đợi khêu gợi sự sợ, sự xấu hiện tại làm phát sinh sự buồn" (De Fide Orth, 2, 12). Do đó, xem ra sự sợ đối lập với sự ham muốn như sự buồn đối lập với sự vui thú. Mà sự sợ không ở trong tham dục, mà ở trong nộ dục. Vậy sự ham muốn không phải là đam mê riêng biệt của tham dục.

TRÁI LẠI: Sự ham muốn được tạo nên bởi tình yêu và hướng đến sự vui thú; mà tình yêu và sự vui thú là những đam mê của tham dục. Vậy sự ham muốn phân biệt với các đam mê khác của tham dục như một đam mê riêng biệt.

TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói sự tốt vui thú đối với giác quan là đối tượng chung của tham dục. Do đó mà các dị biệt của đối tượng này tạo nên tạp đa tính các đam mê của tham dục. Mà tạp đa tính của đối tượng được xem xét hoặc về bản tính của chính đối tượng, hoặc về chức phận năng lực tác động của nó. Tại đa tính của đối tượng tác động phát xuất do bản tính của sự vật tạo nên sự dị biệt chất thể giữa các đam mê. Còn tạp đa tính phát xuất năng lực chủ động tạo nên sự dị biệt mô thể phân biệt loại thuộc giữa các đam mê.

Còn bản tính của năng lực chủ động thuộc về mục đích hay sự tốt thì khác hẳn tùy theo sự tốt này hiện diện thật sự hoặc vắng mặt; vì sự tốt này hiện diện, làm cho người ta nghỉ ngơi trong nó; nếu nó vắng mặt, làm cho người ta chuyển động đến nó. Như vậy, đối tượng vật thú thuộc trật tự cảm giác, xét như một cách nào đó nó làm cho thị dục thích nghi và hợp với chính mình, tạo nên tình yêu; khi nó vắng mặt thì nó lôi kéo thị dục lại với mình, tạo nên sự ham muốn; khi nó hiện diện, nó cho thị dục nghỉ ngơi trong nó, tạo nên sự khoái lạc hay vui thú. Như thế người ta thấy được sự ham muốn là một đam mê dị biệt cách loại thuộc với tình yêu cũng như với sự khoái lạc hay vui thú. Còn về việc ước muốn đối tượng vui thú này hoặc đối tượng vui thủ khác, chỉ đem lại giữa các sự ham muốn một tạp đa tính theo số.

GIẢI ĐÁP:

1. Sự tốt vui thú không phải là đối tượng của sự ước muốn theo thể cách tuyệt đối, nhưng chỉ theo tư cách nó vắng mặt; tất cả mọi sự vật như khả giác hữu, chỉ là đối tượng của ký ức theo bản tính của cái quá khứ. Thì ra các điều kiện đặc thù như thế phân loại các đam mê và chính các năng lực của phần cảm giác quan hệ với các đối tượng đặc thù.

2. Sự chỉ định này được thực hiện theo quan hệ nguyên nhân, chứ không theo quan hệ yếu tính: sự ham muốn tại sự không phải là tình yêu, nhưng là hiệu quả của tình yêu. Người ta có thể nói thánh Augustin, sử dụng từ ngữ ham muốn ở đây theo nghĩa rộng để biểu thị sự chuyển động của thị dục đến sự tốt sẽ có. Theo ý nghĩa này sự ham muốn bao gồm tinh yêu và hy vọng.

3. Đam mê đối lập trực tiếp với sự ham muốn đã không được đặt tên; đó là cái đam mê có cũng một quan hệ với sự xấu như sự ham muốn với sự tốt. Mà bởi vì nó có đối tượng là sự xấu vắng mặt như sự sợ, người ta đôi khi biểu thị nó bằng sự sợ, cũng như người ta biểu thị sự ham muốn thay vì hy vọng. Sự tốt hoặc sự xấu ít quan trong được coi là không có gì; do đó mọi sự chuyển động của thị dục đến sự tốt hoặc đến sự xấu tương lai được gọi là hy vọng hoặc sự sợ, cả hai đam mê này có đối tượng là sự tốt hoặc sự xấu có đặc tính khó khăn

 

TIẾT 3

CÓ NHỮNG SỰ HAM MUỐN TỰ NHIÊN

 VÀ NHỮNG SỰ HAM MUỐN KHÔNG TỰ NHIÊN?

VẤN NẠN: Xem ra không có như thế.

1. Sự ham muốn quan hệ với thị dục thú vật, như người ta nói. Mà thị dục tự nhiên phân biệt với thị dục thú vật. Vậy không có ham muốn nào tự nhiên.

2. Tạp đa tính chất thể không tạo nên tạp đa tính loại thuộc, chỉ tạo nên tạp đa tính theo số, mà tạp đa tính theo số ở ngoài sự nghiên cứu của triết học. Mà nếu có các sự ham muốn tự nhiên và các sự ham muốn không tự nhiên, thì chúng chỉ phân biệt nhau do các đối tượng tạp đa của chúng, tức là do sự dị biệt chất thể và theo số mà thôi. Vậy không có sự phân biệt các sự ham muốn tự nhiên với những ham muốn không tự nhiên.

3. Trí năng phân biệt với bản tính, như Triết gia chủ trương (Phys. 5, 2). Vậy nếu trong người ta có sự ham muốn không tự nhiên, thì nó thuộc về trật tự của trí năng. Mà điều này bắt khả, vì sự ham muốn chúng ta đề cập đến ở đây, là đam mê thuộc về giác dục, chứ không thuộc về tâm dục, tức là ý chí.

TRÁI LẠI: Triết gia khẳng định có những sự ham muốn tự nhiên và những sự ham muốn không tự nhiên.

TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói (a.1) sự ham muốn là thị dục về sự tốt vui thú. Mà một sự vật có thể có vui thú theo hai cách. Trước tiên, bởi vì nó hòa hợp với bản tính của thú vật, như ăn, uống, vv . . . Sự ham muốn vui thú này được gọi là tự nhiên. Hoặc sự vật vui thú bởi vì nó thích hợp với thú vật theo sự biết mà thú vật biết về nó; như một sự vật được biết là tốt và được thích nghi: do đó xảy ra việc người ta vui thú ở nó. Sự ham muốn các đối tượng này, được gọi là không tự nhiên và thường gọi là sự tham lam.

Các sự ham muốn thứ nhất, được gọi là tự nhiên, chung cho nhân loại và thú vật: vì với thú vật cũng như với nhân loại, một số sự vật được thích nghi và gây nên vui thú về phương diện tự nhiên. Và tất cả mọi người đồng ý về điểm này: như vậy Triết gia gọi các sự tham dục này là những tham dục chung và tất yếu (Eth. 11, 1). Còn về các sự ham muốn khác, riêng cho nhân loại, vì nhân loại ngoài cái gì bản tính đòi hỏi, còn năng lực biểu tượng cho mình sự vật tốt và thích hợp với mình. Do đó Triết gia cũng nói: “Các sự ham muốn thứ nhất thuộc về vô lý tính và các sự ham muốn thứ nhì có trí năng đi kèm theo" (Rhet. 11, 5). Và bởi vì mọi người không lý luận như nhau, các sự ham muốn sau đã được Triết gia gọi là riêng và được thêm quá nhiều đối với các sự ham muốn tự nhiên.

GIẢI ĐÁP :

1. Chính điều làm đối tượng cho thị dục tự nhiên có thể trở thành đối tượng cho thị dục thú vật khi nó được biết. Do đó đồ ăn, đồ uống, vv. . . mà người ta ước muốn do khuynh hướng của bản tính, có thể làm đối tượng cho sự ham muốn thú vật.

2. Sự phân biệt giữa các sự ham muốn tự nhiên và các sự ham muôn không tự nhiên, không những thuộc chất thể là còn thuộc mô thể theo một thể cách nào đó, trong tư cách nó phát xuất bởi tạp đa tính trong đối tượng động thị đục. Vì đối tượng của thị dục là sự tốt được biết, tạp đa tính của sự biết tham dự vào tạp đa tính của nguyên lý chủ động: như thếm, một sự vật được biết là tốt do sự biết tuyệt đối, từ đó phát xuất các sự ham muốn tự nhiên mà Triết gia gọi là những ham muốn vô lý tính, hoặc nó được biết bởi sự xét đoán, và taọ nên các sự ước muốn không tự nhiên mà bởi lý do này người ta gọi chúng là những sự ham muốn được trí năng đi kèm theo.

3. Trong nhân loại không những có trí năng phổ quát thuộc về phần có trí năng, mà còn có trí năng đặc thù thuộc về phần cảm giác như chúng ta đã đề cập đến ở phần 1 (q. 73, a. 4; 4. 81, a. 3). Hơn nữa, giác dục cũng có thể bị động bởi trí năng phổ quảt sử dụng tưởng tượng đặc thù.

 

TIẾT 4

SỰ HAM MUỐN THÌ VÔ CÙNG?

VẤN NẠN: Xem ra sự ham muốn không vô cùng.

1. Đối tượng của sự ham muốn là sự tốt và sự tốt có bản tính của mục đích. Mà cái gì nói đến cái vô cùng trục xuất mọi giới hạn, như Triết gia khẳng định (Metaph. 11, 2, 9). Vậy sự ham muốn không thể vô cùng.

2. Sự ham muốn quan hệ với sự tốt được thích nghi với chủ thể, bởi vì nó phát xuất bởi tình yêu. Mà cái vô cùng ở ngoài mọi tỷ lệ, không thể được thích nghi với chủ thể.

3. Cải vô cùng không đi qua hết được: người ta sẽ không bao giờ đi tới cuối cùng. Vậy nếu sự ham muốn vô cùng, sự vui thủ chẳng bao giờ thực hiện được.

TRÁI LẠI: Triết gia nói: “Sự ham muốn vô cùng, nhân loại ước muốn đến vô cùng" (Pol. 3, 19).

TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói ở tiết trước, có hai thứ ham muốn tự nhiên, và thứ ham muốn khác không tự nhiên. Sự ham muốn tự nhiên không thể vô cùng cách hiện thể, vì nó quan hệ với cái gì bản tính đòi hỏi. Mà bản tính luôn luôn hướng về cái gì hữu hạn và nhất định. Như vậy người ta chẳng bao giờ thấy nhân loại muốn đồ ăn vô cùng hoặc đồ uống vô cùng. Tuy nhiên, cũng như tiềm thể vô cùng hiện hữu trong bản tính theo thể cách kế tiếp, thì xảy ra sự ham muốn này cũng vô cùng theo thể cách kế tiếp, sau khi ăn rồi, người ta muốn đồ ăn khác hoặc bất cứ cái gì khác mà bản tính cần đến; vì các sự tốt hữu hình này khi xảy đến cho chúng ta, không tồn tại luôn mãi, nhưng biến mất. Do đó, Chúa Giêsu đã nói cùng người nữ Samaria: "Ai uống nước này sẽ còn khát" (Ga 4, 13).

Còn về sự ham muốn không tự nhiên, nó vô cùng cách tuyệt đối. Vì nó phát xuất bởi trí năng như chúng ta đã nói, và điều riêng của trí năng là tiến hành đến vô cùng. Do đó, người nào ham muốn của cải giàu có, có thể ham muốn không những tới một giới hạn nào nhất định mà còn ham muốn sự giàu có cách tuyệt đối như mình có thể được.

Theo Triết gia, người ta có thể chỉ định một lý do khiến sự ham muốn hữu hạn và lý do khác khiến sự ham muốn vô cùng; vì sự ham muốn mục đích thì vô cùng; vì mục đích sức khỏe, thí dụ, được ham muốn vì chính mình: cái gì làm cho sức khỏe tốt hơn được ham muốn thêm nữa và đến vô cùng, cũng vậy, sắc trắng có đặc tính trương rộng con người, càng nhiều sắc trắng, thì sự trương rộng càng lớn. Trái lại, sự ham muốn quan hệ với các phương tiện không vô cùng, người ta ước muốn theo mức độ điều đó thích hợp với mục đích. Vậy những người đặt mục đích trong sự giàu có thì ham muốn nó vô cùng, nhưng những người ước muốn sự giàu có để chu cấp các nhu cầu của đời sống thì chỉ ước muốn nó cách có giới hạn, như Triết nói trong cũng đoạn văn đỏ (Pol. 3, 18). Cũng như vậy đối với sự ham muốn các sự vật khác.

GIẢI ĐÁP:

1. Tất cả cái gì được ham muốn thì được coi là cái gì hữu hạn, hoặc bởi vì nó hữu hạn trong thực tại trong tư cách nó tạo nên đối tượng của một hành vi duy nhất, hoặc bởi vì nó hữu hạn trong tư cách nó được biết. Thì ra nó không thể được đặt tới theo bản tính của cái vô cùng: vì Triết gia nói: “cái vô cùng là cái gì mà người ta lấy đi một phần nào, vẫn còn có thể lấy những phân mới” (Phys. 6. 8).

2. Trí năng, theo một ý nghĩa nào đó, có năng lực vô cùng, trong tư cách nó có thể xem xét một cái gì đến vô cùng, như người thấy cái vô cùng trong sự thêm các số và các đường. Như thể cái vô cùng được xét theo cách nào đó, thì tương xứng với trí năng. Vì đối tượng phổ quát của trí năng thì vô cùng theo một thể cách nào đó, tùy theo nó chứa đựng trong tiềm thể một số vô cùng các cá thể.

3. Cho được có sự vui thú, người ta không cần phải thu được tất cả cái gì người ta ham muốn; bất cứ đối tượng nào, khi người ta thu được, thì đem lại sự vui thú.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt