Triết học tinh thần

Tổng luận thần học: Sự ghét

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

VỀ ĐAM MÊ (Câu hỏi 22-48)

22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48
                                                     

 

CÂU HỎI 29

SỰ GHÉT (6 Tiết )


THOMAS AQUINO (1225-1274)

Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch

 


Thomas Aquino. “Câu hỏi 29: Sự ghét”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do bạn Đình Ninh đánh máy. || Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum164.htm


 

Nghiên cứu sự ghét, chúng ta bàn đến:

1. Sự xấu là nguyên nhân và là đối tượng của sự ghét không?

2. Sự ghét được tạo nên bởi tình yêu không?

3. Sự ghét mạnh hơn tình yêu không?

4. Người ta có thể tự ghét mình không?

5. Người ta có thể ghét thật không?

6. Người có thể ghét cái gì cách phổ quát không?

 

TIẾT 1

SỰ XẤU LÀ NGUYÊN NHÂN 

VÀ LÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA SỰ GHÉT KHÔNG?

VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy.

1. Tất cả những cái gì hiện hữu, trong tư cách nó hiện hữu, thì tốt. Vậy nếu đối tượng của sự ghét là sự xấu, không có sự vật nào có thể bị ghét; mà chỉ có sự khuyết điểm này sự khuyết điểm kia của sự vật bị ghét. Mà điều này rõ ràng sai lầm.

2. Ghét sự xấu thì đáng khen ngợi theo lời ghi chép: “Nhờ đạo tâm thượng tế Onias, lề luật được mọi người nhiệt liệt tuân cử, vì ai ai cũng ghét các sự xấu"(2 Mcb 3, 1). Vậy duy sự xấu là đối tượng của sự ghét, thì do đó mà sự ghét đáng khen ngợi. Điều này rõ ràng sai lầm.

3. Cũng một sự vật không thể đồng thời tốt và xấu. Ma cũng một sự vật có thể đáng ghét đối với những người này và dễ mến đối với người kia. Vậy sự ghét, có đối tượng là sự xấu và sự tốt.

TRÁI LẠI: Sự ghét là tương phản hữu của tình yêu. Mà đối tượng của tình yêu là sự tốt, như chúng ta đã thấy (q. 26, a. 1; q. 27, a. 1). Vậy đối tượng của sự ghét là sự xấu.

TRẢ LỜI: Thị dục tự nhiên phát sinh do một sự biết nào đó, mặc dầu sự biết này không ở trong chủ thể. Do đó, người ta có thể đồng hóa khuynh hướng của nó với thị dục thú vật đi theo sự biết thuộc về chủ thể, như chúng ta đã nói (q .26, 4. 1). Mà ở trong thị dục tự nhiên điều này rõ ràng: như mọi vật tự nhiên hòa hợp với cái gì thích hợp với mình, tức là có tình yêu tự nhiên, thì đối với cái gì đối lập và phá hủy chung, chúng biểu lộ một sự bất hòa tự nhiên, tức là sự ghét tự nhiên. Như vậy, trong thị dục thú vật hoặc trong trí năng, tình yêu là một thứ hòa hợp của thị dục với cái gì được biết là thích hợp với nó; trái lại, sự ghét, là một thứ bất hòa của thị dục đối với cái gì được biết là đối lập và có hại. Mà tất cả những cái gì thích hợp trong tư cách như thế, có bản tính của sự tốt; cũng vậy những cái gì đối lập trong tư cách như thế, có bản tính của sự xấu. Vì đó, như sự tốt là đối tượng của tình yêu, sự xấu là đối tượng của sự ghét.

GIẢI ĐÁP:

1. Hữu thể, xét như là hữu thể, không biểu lộ cái gì tương phản, nhưng biểu lộ cái gì hòa hợp, vì mọi vật đều hòa hợp trong hữu thể: nhưng hữu thể xét như là hữu thể này, hoặc hữu thể kia nhất định, thì có tương phản tính với hữu thể khác nhất định. Về phương diện này, một vật đáng ghét, đối với vật khác, và xấu, không phải tại sự. nhưng trong quan hệ với vật khác này.

2. Cũng như một sự vật có thể được coi là tốt đang khi nó không tốt. cũng vậy người ta có thể phán đoán xấu một cái gì không phải là sự xấu thật sự. Do đó, đôi khi xảy ra sự ghét sự xấu và sự yêu sự tốt không phải là những sự tốt.

3. Cùng một sự vật duy nhất có thể dễ mến hoặc đáng chết đối với những vật khác nhau tùy theo thị dục tự nhiên do sự kiện nó thích hợp với bản tính của vật này và đối lập với bản tính của vật kia: thí dụ, sự nóng thích hợp với lửa, và sự đối lập với nước. Trong lĩnh vực thị dục thú vật, nguyên nhân của tạp đa tính này là cũng một thực tại được biết bởi vật này theo bản tính của sự tốt, và bởi vật kia theo bản tính của sự xấu.

 

TIẾT 2

SỰ GHÉT ĐƯỢC TẠO NÊN BỞI TÌNH YÊU KHÔNG ?

VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy.

1. Triết gia nói: “Các sự vật phân biệt nhau bằng sự đối lập một cách tự nhiên, đồng hiện hữu” (Praed. 10, 3). Mà tình yêu và sự ghét là những tương phản hữu, phân biệt nhau bằng sự đối lập. Vậy chúng đồng hiện hữu theo bản tính. Vậy tình yêu không phải là nguyên nhân của sự ghét.

2. Một tương phản hữu không làm nguyên nhân của tương phản hữu khác. Mà tình yêu và sự ghét là tương phản hữu. Vậy tình yêu không phải là nguyên nhân của sự ghét.

3. Cái gì theo sau không phải là nguyên nhân của cái đi trước. Mà sự ghét đi trước tình yêu. Vì nó bao hàm việc người ta đi ra xa khỏi sự xấu và tình yêu bao hàm việc người ta đến gần với sự tốt.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô khẳng định mọi cảm xúc được tạo nên bởi tình yêu. Vậy sự ghét cũng thế, vì nó là sự cảm xúc của linh hồn.

TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói ở tiết trước, tình yêu cốt tại sự thích hợp nào đó của kẻ yêu và kẻ được yêu, và sự ghét cốt tại sự đối lập hay sự bất hòa nào đó. Mà trong mọi sự vật, người ta phải xem xét cái gì thích hợp trước cái gì không thích hợp và đối lập, vì một sự vật đối lập với sự vật khác, đó bởi vì nó có bản tính phá hủy hay ngăn trở cái gì hòa hợp. Tất nhiên do đó mà tình yêu đi trước sự ghét và tất nhiên không cái gì có thể làm đối tượng cho sự ghét ngoại trừ việc nó tương phản với cái thích hợp mà người ta yêu. Đó chính như vậy mà mọi sự ghét được tình yêu tạo nên.

GIẢI ĐÁP:

1. Trong các sự vật phân biệt nhau bằng cách đối lập nhau, có những sự vật đồng hiện hữu cách tự nhiên trong thực tại và ở trong trí năng, như hai loại thú vật hoặc hai loại màu sắc. Có những sự vật khác đống hiện hữu theo trí năng, nhưng thật sự sự vật này đi trước sự vật khác và làm nguyên nhân cho nó như người ta thấy, trong các loại số, các hình và các sự chuyển động. Sau hết có những sự vật không đồng hiện hữu trong thực tại cũng không trong trí năng, như bản thể và tùy thể; thì ra bản thể thật sự là nguyên nhân của tùy thể và sự hữu được nói về bản thể trước, rồi sau đó mới được nói về tùy thế, vì người ta quy sự hữu về cho tùy thế chỉ ở trong tư cách nó hiện hữu trong bản thế . Mà tình yêu và sự ghét, theo bản tính, hiện hữu chung với nhau đối với trí năng, chứ không trong thực tại. Vậy không cái gì ngăn trở việc tình yêu làm nguyên nhân của sự ghét .

2. Tình yêu và sự ghét tương phản nhau, khi chúng quan hệ với cũng một đối tượng. Nhưng khi chúng nó có những đối tượng tương phản, chúng không tương phản nhau, chúng hỗ quan sinh sản lẫn nhau: yêu một sự vật và ghét tương phản hữu của sự vật này thuộc về cũng một nguyên lý. Như vậy tình yêu một sự vật tạo nên sự ghét tương phản hữu của sự vật này .

3. Trong trật tự thi hành, việc đi ra xa khỏi một điểm xảy ra trước sự tới điểm khác. Còn trong trật tự ý hướng, có cái ngược lai: nếu người ta ra xa khỏi một điểm, đó chính bởi vì người ta muốn tới điểm khác. Mà các sự chuyển động của thị dục thuộc về trật tự ý hướng đúng hơn thuộc về trật tự thi hành. Bởi vì tình yêu và sự ghét là hai chuyển động của thị dục; vậy tình yêu chiếm chỗ thứ nhất.

 

TIẾT 3

SỰ GHÉT MẠNH HƠN TÌNH YÊU KHÔNG ?

VẤN NẠN: Có thể có như vậy.

1. Thánh Augustinô viết: “Không có ai mà không tránh xa sự đau khổ hơn tìm kiếm sự vui thú” (Lib. 83 Quaest .q . 36, 40). Mà tránh xa sự đau khổ thuộc về sự ghét, trong khi sự tìm kiếm vui thú thuộc về tình yêu. Vậy sự ghét mạnh hơn tình yêu.

2. Cái yếu nhất thua cái mạnh nhất. Mà tình yêu thua sự ghét, khi tình yêu trở thành sự ghét.

3. Các tình cảm của linh hồn nhờ các hiệu quả của mình mà làm cho người ta biết mình. Mà nhân loại để cả ý chí vào việc đẩy lui điều mình ghét hơn vào việc tìm kiếm điều mình yêu, ngay các thú vật cũng kiêng ăn điều mình ưa thích vì sợ đòn, như thánh Augustinô nói (Lib .83 Quaest . q. 36, 40). Vậy sự ghét mạnh hơn tình yêu.

TRÁI LAI: Sự tốt theo Denys, mạnh hơn sự xấu, vì sự xấu, chỉ hành động vì sự tốt (De Div. Nam. - 4, 20). Mà sự ghét và tình yêu khác nhau tùy theo sự tốt và sự xấu khác nhau. Vậy tình yêu mạnh hơn sự ghét.

TRẢ LỜI: Một điều bất khả là hiệu quả mạnh hơn nguyên nhân của mình. Mà mọi sự ghét phát xuất bởi tình yêu nào đó như bởi nguyên nhân của mình, như chúng ta vừa nói. Vậy sự ghét không mạnh hơn tình yêu một cách thuần túy và đơn giản. Nhưng phải đi xa hơn và nói tình yêu cách tuyệt đối, thì mạnh hơn sự ghét. Thì ra động từ chuyển động đến mục đích một cách mạnh mẽ hơn là đến với phương tiện được sắp đặt đến mục đích này. Mà sự đi ra xa khỏi sự xấu được sắp đặt để đạt được sự tốt như được sắp đặt đến mục đích. Do đó, nói cách thuản túy và đơn giản, sự chuyển động của linh hồn đến sự tốt thì mạnh hơn đối với sự xấu.

Tuy nhiên, xem ra sự ghét đôi khi mạnh hơn tình yêu vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì sự ghét khả giác hơn tình yêu. Sự biết của các giác quan cốt tại sự thay đổi, khi sự thay đổi này đã được sản xuất, sự cảm giác kém hơn trong khi đang thay đổi. Do đó mà sự nóng của bệnh sốt liên tục mặc dầu nóng hơn, vẫn không khả giác như sự nóng của sốt rét cách nhật, bởi vì nó đã tới một thứ tình trạng tự nhiên. Chính vì đó mà tình yêu làm cho mình được cảm thấy hơn trong khi người được yêu vắng mặt, theo sự nhận xét của thánh Augustinô: “tình yêu ít cảm giác hơn khi sự khuyết phạp làm cho nó không được biết” (Dc Trin. 10,12). Cũng một lý do này, giải thích sự bất hòa với đối tượng của sự ghét khêu gợi một tình cảm sống động hơn sự hòa hợp với cái mà người ta yêu.

Thứ đến, sự ghet xem ra mạnh hơn tình yêu bởi vì người ta không so sánh sự ghét với tình yêu tương ứng với nó. Vì tạp đa tính các tình yêu theo độ lớn và yếu kém tương ứng với tạp đa tính của các sự tốt; và các tình yêu tạp đa có sự đối lập của các sự ghét cân xứng. Do đó mà sự ghét hỗ quan với tình yêu lớn hơn, thì động nhiều hơn tình yêu kém hơn.

GIẢI ĐÁP:

1. Điều vừa nói ở đây giải đáp vấn nạn 1. Tình yêu sự vui thú kém hơn tình yêu bảo tồn chúng ta, mà sự tránh các đau khổ tương ứng với tình yêu bảo tồn này. Do đó người ta tránh sự đau khổ hơn là yếu sự vui thú 1.

2. Không bao giờ sự ghét thắng tình yêu mà không có tình yêu lớn hơn tương ứng với sự ghét này. Như vậy người ta yêu mình hơn là yêu bạn hữu mình; vì người ta yêu chính mình, họ có thể ghét ngay bạn hữu mình, nếu bạn hữu đối lập với họ.

3. Nếu người ta chú tâm hăng hái hơn để đẩy lùi cái gì làm nghịch ý, đó là bởi vì sự ghét khả giác hơn.

 

TIẾT 4

NGƯỜI TA CÓ THỂ GHÉT CHÍNH MÌNH KHÔNG?

VẪN NẠN: Xem ra người ta có thể ghét chính mình.

1. Có lời ghi chép: “Kẻ yêu thích sự gian ác, ghét linh hồn minh" (Tv 10, 6). Mà lắm người yêu thích sự gian ác. Vậy nhiều kẻ ghét chính mình.

2. Chúng ta ghét kẻ mà chúng ta muốn và làm điều xấu cho. Mà người ta có thể muốn và làm điều xấu cho chính mình; thí dụ, những người tự tử. Vậy có những người ghét chính.

3. Theo Boece: “Tính hà tiện làm cho người ta đáng ghét ". (De Consol. 2. 5). Do đó, người ta có thể suy luận mọi người đều ghét kẻ hà tiện. Mà một số người hà tiện; vậy họ ghét chính mình.

TRẢI LẠI: Thánh Phao-lô viết: “Chẳng ai ghét xác thịt mình bao giờ” (Ep 5, 29).

TRẢ LỜI: Một điều bất khả là có ai ghét chính mình, nếu chúng ta xem xét vấn đề này tại sự. Vì mọi hữu thể đều tự nhiên ước muốn sự tốt của mình và không một ai có thể muốn cho mình một sự vật nào trừ phí theo bản tính của sự tốt; vì Denys nói: “Sự xấu ở phía bên kia sự muốn. Mà yêu mến người nào, là muốn cho họ sự tốt, như chúng ta đã thấy" (q. 26, a. 4). Vậy mỗi người yêu mình cách tất yếu và không thể ghét chính mình, đó là nói cách nguyên thường.

Tuy nhiên, theo cách ngẫu trừ, người ta có thể ghét chính mình. Và điều này xảy ra theo hai cách. Trước tiên do sự tốt người ta muốn cho chính mình. Vì đôi khi người ta ước mơ một sự vật được cho là tốt về phương diện nào đó, nhưng thật sự sự vật này xấu cách thuần túy và đơn giản, và như thế, bằng cách ngẫu trừ người ta muốn sự xấu cho mình và như vậy người ta tự làm hại chính mình. Thứ đến, đo chính mình là kẻ mà mình muốn sự tốt cho, vì mọi hữu thể là cái gì chủ yếu có trong mình: người ta nói thành phố làm điều vua làm, dường như vua là chính thành phố toàn vẹn. Mà rõ ràng nhân loại nhất là điều mình là tinh thần. Mà xảy ra một số người tưởng nghĩ mình nhất là điều mình chỉ là bản tính hữu hình và khả giác. Họ yêu mến mình tùy theo điều họ ý niệm mình là, còn họ ghét điều là thật sự, bởi vì họ muốn những cái gì trái ngược với lý trí. Theo hai cách này, người yêu thích sự gian ác không những ghét linh hồn mình mà còn ghét chính mình.

GIẢI ĐÁP:

1. Những điều vừa trình bày giải đáp xong vấn nạn 1.

2. Không một ai muốn cho mình hay làm cho mình sự xấu trừ phi họ ý niệm sự xấu trong bản tính của sự tốt. Vì ngay những người tự tử vẫn coi sự chết là sự tốt trong tư cách nó chấm dứt sự khốn nạn hay sự đau khổ.

3. Người hà tiện ghét một cái gì ở trong họ xét như cái đó là một tùy thể đối với họ, nhưng không vì đó mà họ ghét chính mình, như vậy bệnh nhân ghét bệnh hoạn của mình vì tình yêu họ có cho chính mình. Người ta cũng có thể trả lời tính hà tiện làm cho đáng ghét đối với các kẻ khác, chứ không đối với chính mình. Hơn nữa, tính hà tiện có nguyên nhân là tình yêu mất trật tự về mình khiến tìm kiếm của cải trần gian cách quá đáng.

 

TIẾT 5

NGƯỜI TA CÓ THỂ GHÉT SỰ THẬT KHÔNG ?

VẤN NẠN: Xem ra điều này bất khả.

1. Sự tốt, sự hữu và sự thật chỉ là một sự vật, và không ai ghét sự tốt.

2. Tất cả mọi người một cách tự nhiên ước muốn hiểu biết, như Triết gia nhận xét. Mà sự hiểu biết có đối tượng là sự thật. Vậy sự thật một cách tự nhiên được ước muốn và yêu mến. Mà cái gì tự nhiên không biến mất. Do đó, không ai ghét sự thật.

3. Triết gia cũng viết: “Nhân loại yêu mến những người thật" (Rhet 4, 27). Mà sở dĩ có như thế là bởi có sự thật. Vậy nhân loại một cách tự nhiên yêu mến sự thật và không thể ghét sự thật.

TRÁI LẠI: Thánh Phao-lô viết: “Bởi vì tôi đã trình bày sự thật với anh em, tôi đã trở nên thù địch của anh em chăng?" (Gl 4, 16).

TRẢ LỜI: Sự tốt, sự thật và sự hữu chỉ là cũng một thực tại, nhưng chúng phân biệt nhau về phương diện trí năng. Vì sự tốt có bản tính của sự vật đáng ước muốn: điều này không có trong sự hữu hoặc trong sự thật, vì sự tốt là cái gì được mọi vật ước muốn. Do đó, sự tốt trong bản tính của mình không thể làm đối tượng cho sự ghét cách tổng quát và cách đặc thù. Còn về phần sự hữu và sự thật, người ta nhất định không thể ghét chúng nó cách tổng quát, vì sự bất hòa là nguyên nhân của sự ghét, trong khi sự hòa hợp là nguyên nhân của tình yêu, đàng khác, sự hữu và sự thật chung cho tất cả mọi sự vật. Tuy nhiên, trong đặc thù, không cái gì ngăn trở việc người ta ghét sự hữu này hay sự thật kia xét như chúng xem ra là tương phản hoặc thù địch: sự tương phản và sự thù địch không đối lập với ý niệm của sự tốt.

Mà sự thật đặc thù có ba cách tương phản hoặc đối lập với sự tốt mà người ta yêu mến. Trước hết, tùy theo sự thật ở trong chính các sự vật như ở trong nguyên nhân của mình và nguồn gốc của mình. Trong trường hợp này, người ta ghét sự thật trong tư cách họ muốn sự thật không phải là sự thật. Đàng khác, có sự đối lập tùy theo sự thật ở trong trí năng nhân loại, ở đó sự thật ngăn trở con người theo đuổi điều họ yêu. Đó là trường hợp của những người không muốn hiểu biết sự thật của đức tin để phạm tội cho thong thả và nói với Thiên Chúa trong sách Gióp: “Chúng tôi chẳng thèm đạo giáo của Ngài đâu" (G 24). Cuối cùng. sự thật đặc thù là đối tượng của sự ghét trong tư cách là đối tượng, tùy theo nó ở trong trí năng kẻ khác. Thí du, kẻ muốn tội lỗi mình không bị ai hay biết, ghét việc người ta biết sự thật về tội lỗi này. Chính theo ý nghĩa này mà thánh Augustinô: “Nhân loại: yêu thích sự sáng của sự thật, nhưng ghét những sự quở trách của nó (Conf . 10, 23).

GIẢI ĐÁP

1. Những điều vừa trình bày giải đáp xong vấn nạn 1

2. Hiểu biết sự thật là điều dễ mến tại sự. Do đó, thánh Augustinô nói: “Nhân loại yêu thích sự sáng của sự thật". Nhưng theo cách ngẫu trừ, sự hiểu biết của sự thật có thể trở thành đối tượng của sự ghét theo mức độ nó ngăn trở việc theo được điều người ta ước muốn.

3. Nếu người ta yêu thích những người thành thật, đó là bởi vì hiểu biết sự thật là điều dễ mến tại sự và bởi vì những người thành thật biểu lộ sự thật.

 

TIẾT 6

NGƯỜI TA CÓ THỂ GHÉT SỰ VẬT NÀO

CÁCH PHỔ QUÁT KHÔNG ?

VẤN NẠN: Xem ra điều này bất khả.

1. Sự ghét là đam mê của giác dục và giác dục bị động bởi sự biết khả giác. Mà giác quan không thể biết phổ quát hữu. Vậy sự ghét không thể quan hệ với đối tượng phổ quát.

2. Sự ghét được tạo nên bởi sự bất hòa nào đó, và sự bất hòa đối lập với cộng đồng tính. Mà cộng đồng tính thuộc về phổ quát tính. Vậy sự ghét không thể không quan hệ với đối tượng nào cách phổ quát.

3. Đối tượng của sự ghét là sự xấu. Mà Triết gia nói: “sự xấu ở trong các sự vật, chứ không ở trong trí năng” (Metaph 5, 4). Bởi vì phổ quát hữu chỉ hiện hữu trong trí năng và trí năng rút gỡ nó ra khỏi đặc thù hữu bằng cách trừu xuất; vậy xem ra sự ghét không thể nâng mình lên tới đối tượng phổ quát.

TRÁI LẠI: Triết gia viết: “Sự giận dữ luôn luôn có đối tượng, là đặc thù hữu; còn sự ghét cũng quan hệ tới sự hữu cách tổng quát: Vì mỗi người ghét những kẻ ăn trộm và những kẻ hay nói vu” (Rhet. 4, 31).

TRẢ LỜI: Người ta có thể nói về phổ quát hữu theo hai thể cách, tùy theo người ta nhắm đặc tính của nó về phổ quát tính hoặc người ta nhắm bản tính mà người ta chỉ đặc tính này về đó; vì sự xem xét con người phổ quát thì khác với sự xem xét con người trong tư cách là con người. Nếu người ta hiểu phố quát hữu theo ý nghĩa thứ nhất, không có năng lực nào trong phần cảm giác hoặc năng lực tri thức hoặc năng lực thị dục, có thể đạt tới phổ quát hữu, vì phổ quát hữu chỉ được đạt tới bởi sự trừu xuất khỏi chất thể cá thể và mọi năng lực cảm giác có gốc rễ ở đó.

Tuy nhiên, năng lực cảm giác tri thức hoặc thị dục có thể quan hệ với đối tượng được biết cách phổ quát. Như vậy, chúng ta nói phổ quát hữu của thị giác là màu sắc cách tổng quát, không phải thị giác đạt tới màu sắc ở phương diện phổ quát, nhưng bởi vì, nếu màu sắc có thể được biết bởi thị giác, không xét như màu sắc này, màu sắc kia, nhưng xét như màu sắc cách thuần túy và đơn giản.

Như thế, sự ghét, ngay sự ghét thuộc về phần cảm giác, có thế quan hệ với sự vật nào cách phổ quát, bởi vì một vật nhất định thì do bản tính chung của mình có thể đối lập với thú vật, như chó sói đối lập với con chiên, không phải là chó sói này, chó sói kia; vậy con chiên ghét chó sói cách tống quát. Còn sự giận dữ không phải luôn luôn phát xuất bởi sự việc đặc thù. vì nó giả định một hành vi đã làm thương tổn, và các hành vi là những sự việc đặc thù. Điều này khiến Triết gia nói: “Sự giận dữ luôn luôn có đối tượng là sự vật đặc thù, trong khi sự ghét có thể quan hệ với cái gì cách tổng quát” (Rhet. 4, 31).

Về sự giận dữ ở trong phần có trí năng, bởi vì nó đi theo sự tri thức phổ quát của trí năng, nó có thể đạt được phổ quát hữu theo cả hai ý nghĩa của từ ngữ.

GIẢI ĐÁP:

1. Giác quan không biết phổ quát hữu xét như là phổ quát hữu. nhưng nó biết một số sự vật mà sự trừu xuất đã gán cho phổ quát tính.

2. Cái gì chung cho tất cả mọi người không thể là lý do cho sự ghét. Mà không cái gì ngăn trở việc một sự vật chung cho nhiều người và bất hòa với những người khác mà đối với họ sự vật này trở thành đối tượng của sự ghét.

3. Vấn nạn này được rút lấy bởi phổ quát hữu theo bản tính về phổ quát hữu của nó; chúng tôi đồng ý trong trường hợp này phổ quát hữu không thuộc về sự tri thức cảm giác, cũng không thuộc về giác dục.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt