TÔN GIÁO KHẢI THỊ[1]
Các tiền đề của Khái niệm về tôn giáo khải thị
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Tôn giáo khải thị” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.
§ 748 Thông qua tôn giáo của nghệ thuật, Tinh thần đã đi từ hình thức của Bản thể tiến lên hình thức của Chủ thể; bởi tôn giáo nghệ thuật tạo ra hình thái của Tinh thần, và như thế, là đặt vào trong hình thái ấy [làm cho thành minh nhiên] việc làm (Tun) hay Tự-ý thức, là cái vốn chỉ tiêu biến đi trong cái Bản thể đáng sợ và trong sự tin cậy [giản đơn vào Bản thể], và [đã] không nhận ra Tự ngã của chính mình. Việc “trở thành người” [Menschwerdung: hiện thân trong hình thức con người. N.D] này của Bản chất thần linh bắt đầu với pho tượng, là cái chỉ có hình thái bên ngoài của Tự ngã, trong khi đời sống bên trong, tức hoạt động của nó, rơi ra bên ngoài pho tượng. | Tuy nhiên, trong [giai đoạn phát triển cao hơn của] việc thờ cúng, cả hai phương diện này đã hợp nhất lại; rồi trong kết quả của tôn giáo nghệ thuật, sự thống nhất này – khi đạt đến sự hoàn tất – đồng thời đã được chuyển hóa sang cái đối cực là Tự ngã. | Còn trong Tinh thần, là nơi có sự hoàn toàn xác tín về chính mình ở trong tính cá biệt của ý thức, mọi [nội dung mang] tính bản chất [thần linh] (alle Wesenheit) đều bị chìm đắm hết. Do đó, mệnh đề diễn tả tâm thức ngây thơ này là: “Tự ngã chính là Bản chất tuyệt đối”. | Cái Bản chất vốn trước đây là Bản thể và trong đó, Tự ngã đã [chỉ] là yếu tố mang tính tùy thể thì nay Bản chất này bị hạ thấp xuống cấp độ của thuộc tính; còn Tinh thần – ở trong Tự-ý thức này, nơi đó không còn có gì xuất hiện một cách đối lập trong hình thức của Bản chất [khách quan] nữa – cũng đã đánh mất [phương diện] ý thức của mình. [không còn có đối tượng đối lập để có thể được gọi là “ý thức”][2]. § 749 [I. Các tiền đề của Khái niệm về tôn giáo khải thị:] Hiển nhiên là: mệnh đề “Tự ngã là Bản chất tuyệt đối” thuộc về Tinh thần hiện thực [thế tục], chứ không phải thuộc về Tinh thần tôn giáo; và cần nhớ hình thái nào của Tinh thần diễn tả mệnh đề này. Hình thái này sẽ chứa đựng tiến trình vận động lẫn tiến trình đảo ngược của mệnh đề ấy: tiến trình đảo ngược lại hạ thấp Tự ngã xuống thành thuộc tính và nâng Bản thể lên thành Chủ thể. Cần phải hiểu rằng mệnh đề đảo ngược không phải nâng Bản thể thành Chủ thể một cách “tự mình” (an sich) hay “cho ta” (für uns); hoặc nói cách khác, không phải là tái lập [đơn giản] cái Bản thể khiến cho ý thức của Tinh thần bị ném trở ngược lại điểm khởi đầu của nó trong hình thức tôn giáo tự nhiên; trái lại, đúng hơn, là bằng phương cách khiến cho sự đảo ngược này được hiện thực hóa “cho” và “bởi” (für und durch) bản thân Tự-ý thức. Bởi lẽ Tự-ý thức tự từ bỏ chính mình một cách có ý thức, nên nó bảo tồn chính mình trong sự xuất nhượng (Entäußerung) này của nó và vẫn là Chủ thể của Bản thể; song, cũng với tư cách là Chủ thể đã tự xuất nhượng, nó đồng thời có ý thức về Bản thể này; hay, nói đúng hơn, bởi thông qua việc tự hy sinh, buông bỏ chính mình như thế, Tự-ý thức tạo ra Bản thể như là Chủ thể, và cái này[3] [Chủ thể này] vẫn là cái Tự ngã riêng của Tự-ý thức. Vậy, nếu lấy cả hai mệnh đề thì: trong mệnh đề thứ nhất về tính bản thể, Chủ thể chỉ tiêu biến đi[4]; còn trong mệnh đề thứ hai, Bản thể chỉ là thuộc tính; và cả hai phía đều có mặt trong mỗi mệnh đề với sự đối lập, không ngang bằng nhau về giá trị, – thì kết quả đạt được bây giờ là: sự hợp nhất (Vereinigung) và sự thâm nhập lẫn nhau (Durchdringung) của cả hai bản tính (Naturen) [Chủ thể và Bản thể], trong đó cả hai – với giá trị như nhau – vừa đều mang tính bản chất, vừa đều đơn thuần là những mô-men (Momente) [phải tiêu biến đi]. | Do đó, bằng cách ấy, Tinh thần vừa là ý thức về chính mình như là về Bản thể khách quan của chính mình, vừa như là Tự-ý thức đơn giản, tự tồn ở trong chính mình[5]. § 750 Tôn giáo của nghệ thuật thuộc về Tinh thần [hoạt động trong lãnh vực] đạo đức [xã hội]; tức Tinh thần mà trước đây ta đã thấy bị chìm đắm và tiêu vong trong tình trạng pháp quyền (Rechtszustande: ám chỉ thời đế quốc La Mã], thể hiện trong mệnh đề: “Tự ngã, xét như Tự ngã, tức pháp nhân trừu tượng, là Bản chất tuyệt đối”. Trong đời sống đạo đức [xã hội], Tự ngã bị hấp thu hoàn toàn vào trong Tinh thần của quốc gia-dân tộc của nó; nó là tính phổ biến đã được lấp đầy nội dung. Thế nhưng, tính cá biệt đơn giản [trừu tượng] lại tự vươn mình lên từ nội dung này; và chính tâm thức ngây thơ của nó đã “tẩy sạch” nó [tính cá nhân] để biến nó thành “pháp nhân”, thành tính phổ biến trừu tượng của pháp quyền. Trong tính phổ biến [trừu tượng] này của pháp quyền, thực tại (Realität) của Tinh thần đạo đức bị mất đi; những “tinh thần” (Geister) của những cá thể quốc gia-dân tộc – đã mất đi mọi nội dung – đều bị tập hợp lại trong Một nhà mồ (Ein Pantheon), không phải trong một nhà mồ của tư duy-hình tượng mà hình thức bất lực của nó để cho mỗi tinh thần cá thể tự do hành động theo ý thích, mà là nhà mồ của tính phổ biến trừu tượng, của tư tưởng thuần túy, là cái tước bỏ phần hồn ra khỏi hình thái hiện thân của chúng (entleibt) và ban phát cho cái Tự ngã vô-tinh thần, cho cái pháp nhân cá lẻ sự tồn tại tự-mình và cho-mình[6]. § 751 Nhưng Tự ngã này – do sự trống rỗng của nó – đã để cho nội dung được tự do [tách rời khỏi nó]; ý thức chỉ là cái Bản chất ở bên trong chính mình mà thôi. | Còn sự hiện hữu của chính nó [của ý thức], [tức] sự được thừa nhận về mặt luật pháp của pháp nhân là sự trừu tượng [trống rỗng], không được lấp đầy về nội dung. | Vì thế, thật ra nó chỉ sở hữu đơn thuần cái tư tưởng về chính mình; hay nói cách khác, theo phương cách như đang hiện hữu “ở đó” [một cách trực tiếp] và biết chính mình như là đối tượng, nó là cái ý thức không-hiện thực. Do đó, ý thức này chỉ là sự độc lập-tự chủ theo kiểu thuyết khắc kỷ, tức sự độc lập tự chủ đơn thuần của tư tưởng; và sự độc lập-tự chủ này – khi trải qua hết quá trình vận động của ý thức hoài nghi, tìm thấy sự thật [tối hậu] của nó ở trong hình thái mà trước đây đã được gọi là “Tự-ý thức bất hạnh”. [Xem lại: §206 và tiếp]. § 752 Tự-ý thức này [đã] biết rõ giá trị hiện thực của pháp nhân trừu tượng có ý nghĩa như thế nào, cũng như [càng] biết rõ giá trị của pháp nhân ấy ở trong tư tưởng thuần túy. Nó biết rằng giá trị hiện thực ấy thật ra là sự mất mát tất cả: bản thân nó là sự mất mát có ý thức về chính mình và là sự xuất nhượng [từ bỏ] cái biết của nó về chính mình. Ta thấy rằng “Ý thức bất hạnh” này hình thành nên cái đối ứng và cái bổ túc cho [mặt ngược lại là] ý thức của hài kịch là loại ý thức hoàn toàn hạnh phúc bên trong chính mình. Mọi bản chất thần linh đều quay trở lại vào trong hình thái ý thức hài kịch; hay nói khác đi, đó là sự xuất nhượng hoàn toàn (vollkommene Entäuße-rung) [sự làm trống rỗng hoàn toàn] của Bản thể. Ngược lại, hình thái ý thức trước [ý thức bất hạnh] là cái đảo ngược, là định mệnh bi đát [bi kịch] của sự xác tín về chính mình vốn muốn tồn tại “tự-mình và cho-mình” [một cách tuyệt đối]. Nó là ý thức về sự mất mát của mọi tính bản chất trong sự xác tín về chính mình này; và về sự mất mát của cả cái biết này về chính mình: sự mất mát của Bản thể lẫn của Tự ngã; đó là sự đau đớn thể hiện trong câu nói tàn nhẫn: “Thượng đế đã chết”[7]. § 753 Như vậy, trong tình trạng pháp quyền, thế giới đạo đức và nền tôn giáo của nó đã bị đắm chìm [tiêu vong] ở trong ý thức hài kịch, và Ý thức bất hạnh chính là cái biết về sự mất mát toàn bộ này. Nó đã đánh mất cả hai: giá trị tự thân (Sebstwert) của nhân cách trực tiếp [như là pháp nhân] lẫn giá trị của nhân cách trung giới [gián tiếp] với tư cách là nhân cách được suy tưởng [như trong thuyết khắc kỷ]. Lòng tin cậy vào những quy luật hằng cửu của những vị thần linh cũng như vào những lời sấm ngôn vốn cho biết phải làm gì trong những trường hợp đặc thù đều câm bặt. Những pho tượng nay chỉ còn là những thây ma đã mất hết linh hồn; những bài tụng ca chỉ còn là những ngôn từ vắng bóng lòng tin. | Những bàn thờ các vị thần linh không còn đồ ăn, thức uống tinh thần, và những trò vui và lễ hội không còn khôi phục lại được cho ý thức niềm vui hợp nhất với Bản chất thần linh nữa. Những tác phẩm của nữ thần thi ca nay thiếu đi sức mạnh của Tinh thần, bởi đã nảy sinh ra cho Tinh thần sự xác tín về chính mình từ sự nghiền nát cả thần linh lẫn con người. Bản thân những tác phẩm ấy bây giờ chỉ còn là “cho ta” [một cách trần trụi] giống như những quả ngon đã hái sẵn từ trên cây xuống mà một định mệnh tốt lành nào đó đã trao tặng chúng cho ta, giống như một thiếu nữ đang mời ta những quả ngọt ấy. | Đời sống hiện thực của những quả ngọt ấy không còn có mặt ở đây nữa: không còn cái cây đã sản sinh ra chúng, không còn đất, không còn chất màu đã nuôi dưỡng và định hình cho chúng, không còn bầu khí hậu đã tạo ra hương vị đặc trưng, cũng chẳng còn bốn mùa thay đổi đã quyết định quá trình sinh trưởng của chúng nữa. Như thế, định mệnh, khi ban cho ta những tác phẩm của nền nghệ thuật ấy, đã không cùng lúc mang lại cho ta cái thế giới sống thật của chúng, không cho ta mùa xuân lẫn mùa hạ của đời sống đạo đức, trong đó chúng đã nở hoa và kết trái, trái lại, chỉ cho ta đơn độc sự hồi tưởng bị phong kín về tất cả hiện thực này. Chính vì thế, hành động của ta khi thưởng thức [những quả ngọt này] không phải là hành vi sùng bái thần linh để qua đó ý thức của ta có thể đạt đến được chân lý trọn vẹn, và tận hưởng chúng: hành động của ta, trái lại, là hành động ngoại tại, chỉ bao gồm công việc phủi sạch những giọt nước mưa hay bụi bặm nơi những quả chín ấy; và, thay chỗ cho những yếu tố bên trong kiến tạo nên hiện thực của đời sống đạo đức, tức hiện thực đã bao bọc, sản sinh và mang lại linh hồn cho những tác phẩm ấy, ta chỉ dựng nên cái khung giàn rất rườm rà gồm những yếu tố chết cứng của sự hiện hữu bên ngoài của chúng: nào là ngôn ngữ, những hoàn cảnh lịch sử v.v.. | Tất cả những gì ta làm không phải là để được thâm nhập vào đời sống thực ở trong chúng, mà chỉ để hình dung chúng bằng biểu tượng [hay hình tượng] (vorstellen) ở trong ta. Thế nhưng, cũng như cô gái đang trao tặng cho ta những trái cây đã hái sẵn là cái gì nhiều hơn bản thân Tự nhiên đã ban tặng chúng trực tiếp ban đầu – tức Tự nhiên đã cung cấp tất cả những điều kiện và yếu tố chi ly như cây cối, không khí, ánh sáng và v.v.. –, bởi, bằng một phương cách cao hơn, nàng đã thâu tóm tất cả những yếu tố ấy lại vào trong ánh mắt tự giác và vào trong cử chỉ trao tặng của nàng, thì cũng thế, Tinh thần của định mệnh đã trao tặng ta những tác phẩm nghệ thuật ấy là cái gì nhiều hơn là bản thân đời sống đạo đức đã được hiện thực hóa của quốc-gia-dân tộc nọ. | Bởi vì, đây là sự “nội tâm hóa” [ở trong ta] (Er-Innerung)[8] về cái Tinh thần trước đây vẫn còn bị phân tán và “ngoại tại hóa” ở trong chúng; – đó là Tinh thần của Định mệnh bi đát [bi kịch] đã tập hợp tất cả những vị thần linh cá lẻ này và tất cả những thuộc tính của Bản thể [thần linh] vào trong Một Nhà mồ duy nhất (Eine Pantheon), vào trong một Tinh thần tự ý thức về chính mình như là TINH THẦN (in den seiner als Geist selbstbewußten Geist)[9]. § 754 Mọi điều kiện cho sự ra đời của nó [Tinh thần tự giác] đã có mặt; và tính toàn thể này của những điều kiện của nó tạo nên sự trở thành (Werden), Khái niệm, hay nói cách khác, tạo nên sự ra đời tự mình [mặc nhiên, về nguyên tắc] của Khái niệm này. Vòng tròn của những [hình thái] sáng tạo nghệ thuật bao hàm trong phạm vi của nó tất cả những hình thức của những sự [tự] xuất nhượng hay ngoại tại hóa (Entäußerungen) của Bản thể tuyệt đối. | Bản thể tuyệt đối [khi thì] ở trong hình thức của tính cá thể như một sự vật; như một đối tượng hiện hữu cho ý thức cảm tính; [khi thì] như là ngôn ngữ thuần túy hay là tiến trình trở thành của hình thái mà sự hiện hữu của nó không đi ra khỏi cái Tự ngã và là một đối tượng đang tiêu biến đi một cách thuần túy; [khi thì] như là sự thống nhất trực tiếp với Tự-ý thức phổ biến trong sự hứng khởi tinh thần của nó, và như là sự thống nhất được trung giới [gián tiếp] với Tự-ý thức trong hành vi của sự thờ cúng; [khi thì] như là tính thân thể đẹp đẽ của Tự ngã; và sau cùng, như là sự hiện hữu được thăng hoa ở trong biểu tượng [tức trong anh hùng ca và bi kịch] và sự bành trướng của hiện hữu này thành một thế giới để rút cục tập hợp lại trong tính phổ biến, và tính phổ biến này đồng thời là sự xác tín thuần túy về chính mình[10]. Những hình thức kể trên và, ở phương diện khác, thế giới của pháp nhân và pháp quyền, tính hoang dã phá hoại của những yếu tố cấu thành nội dung của nó đã được thả lỏng, cũng như cùng với cái nhân cách được kiến tạo bằng tư tưởng [suông] của ý thức khắc kỷ lẫn sự bất an thường xuyên của ý thức hoài nghi; tất cả những điều này cùng tạo nên vòng ngoại vi gồm những hình thái đang tập hợp lại và chen nhau một cách sốt ruột chung quanh chỗ khai hoa nở nhụy (Geburtsstätte) của Tinh thần đang trở thành Tự-ý thức[11]. | Trung tâm điểm của đám đông ấy là sự đau đớn và khao khát của Tự-ý thức bất hạnh, một cơn đau quằn quại thâm nhập vào tất cả mọi hình thái và chúng là cơn đau đẻ chung cho sự chào đời của nó: tính đơn giản của Khái niệm thuần túy bao hàm hết những hình thái nói trên như là những bước phát triển (Momente) của nó[12].
[1] “Tôn giáo được khải thị” (Geoffenbarte) tức là tôn giáo khai mở (Offenbare) ra một cách trọn vẹn. Trong tôn giáo tự nhiên (§§684-698), Tinh thần ở trong môi trường của cái Tự-mình; rồi trong tôn giáo nghệ thuật (§§699-747), Tinh thần ở trong môi trường của cái Cho-mình; và sau cùng, trong tôn giáo khải thị (Ki-tô giáo), Tinh thần là tự-mình và cho-mình. (Xem thêm: Hegel: Các tác phẩm thời trẻ: “Tinh thần của đạo Ki-tô”; và “Triết học về tôn giáo: Tôn giáo tuyệt đối. (Lasson, XIV, phần 3). [2] Tiểu đoạn §748 mở đầu cho tiết tôn giáo khải thị tóm lược lại ý nghĩa của tôn giáo nghệ thuật như là sự chuyển hóa từ Bản thể thành Chủ thể. Qua tôn giáo nghệ thuật, Bản thể đã tiêu biến vào trong Tự ngã và chỉ có Tự ngã mới là hiện thực duy nhất. Sự tiêu biến này là tiền đề cho sự ra đời của tôn giáo khải thị. Việc quay trở lại của mọi tính bản chất vào trong Tự ngã, việc quy giảm mọi cái thần linh vào con người là sự đánh mất ý thức về Tinh thần, và ý thức về (§749) sự mất mát này là một bước tất yếu và cần thiết (notwendig). [3] “dieses”: chúng tôi hiểu “cái này” là “Chủ thể này” (“dieses Subjekt”) như cách hiểu của J.H (“ce sujet”) và của J. B. Baillie (“this subject”), trong khi A.V. Miller lại hiểu là “Bản thể”/(“the substance”). [4] “in dem ersten der Substantialität das Subjekt nur verschwindet”: chúng tôi dịch theo nguyên văn. Các cách dịch khác: Baillie: “trong mệnh đề thứ nhất, Chủ thể đơn thuần tiêu biến đi trong tính Bản thể” (“in the first the subject merely disappears in substantiality”); A. V. Millerø: “trong mệnh đề thứ nhất, tính bản thể của Chủ thể đơn thuần tiêu biến đi” (“In the first, ... the substantiality of the Subject merely vanishes”...) [?]; J.H: ... “trong mệnh đề của tính bản thể thứ nhất, Chủ thể chỉ tiêu biến đi” (“dans celle de la première substantialité le sujet seulement disparait”...). [5] J.H giảng đoạn này như sau: “Cái phải được tạo ra là sự thống nhất biện chứng giữa ý thức về Tinh thần (la conscience de l’esprit) và Tự-ý thức của Tinh thần (sa conscience de soi). Sự xuất nhượng của Tự-ý thức bởi chính mình (par elle-même) mang trở lại cho Tự-ý thức nội dung tinh thần của nó, nhưng vì sự xuất nhượng này là thành quả việc làm của nó, nên đồng thời không đánh mất đi Tự-ý thức của mình ở trong sự xuất nhượng này (như đã xảy ra trong trường hợp của tôn giáo tự nhiên) và lại tìm thấy chính mình ở trong cái Tự ngã của Bản thể của mình. Hai bản tính tự nhiên: bản tính thần linh và bản tính con người vừa đồng thời là hai bản tính được phân biệt (đây là yếu tố của Ý thức), vừa là “unum atque idem” [một] (đây là yếu tố của Tự-ý thức)”. (Bản tiếng Pháp, tập 2, tr. 259, chú thích 3). [6] “Nhà mồ” (Pantheon) [“đền thờ Bách thần”: §727] của tư duy-hình tượng mang lại sự tự tồn cho những “tính cá nhân quốc gia-dân tộc” là Nhà mồ của giai đoạn anh hùng ca (§§727-733), còn Nhà mồ của tính phổ biến trừu tượng là Nhà mồ của giai đoạn pháp quyền (đế quốc La Mã) (§§477-483). (Xem thêm: Hegel: Các bài giảng về triết học lịch sử: phần đế quốc La Mã). [7] Ở đây, Hegel lưu ý đến câu nói gay gắt và khá lạ lẫm trong thần học của Martin Luther (1483-1546) (mặc dù M. Luther ra đời muộn hơn rất nhiều so với thời kỳ lịch sử đang được ám chỉ ở đây): ... “vì đấng Christ vừa là Thượng đế vừa là con người hay một nhân vật, nên nói gì về Ngài như một con người thì ta cũng phải nói như thế về Thượng đế, đó là: đấng Christ đã chết và đấng Christ là Thượng đế, do đó Thượng đế đã chết”... (D. Martin Luthers Werke. Kritische Gesamtausgabe/Tác phẩm (tiếng Đức), tập 50, Weimar 1914, tr. 589). (dẫn theo bản Meiner). Trong tiểu đoạn §752, Hegel nêu hai yếu tố cần phải hợp thành một tổng hợp biện chứng. Một mặt, Ý thức bất hạnh tìm cách đạt đến sự xác tín tuyệt đối, bất khả chuyển dịch về chính mình và đẩy cái Tuyệt đối này ra ở phía “bên kia”, không thể nào vươn đến được. Ngược lại, Ý thức hài kịch cho thấy mọi tính bản thể đều trở về lại trong Tự ngã; đó là sự xuất nhượng của Bản thể. Tính biện chứng ở đây là: về mặt “tự-mình” hay “cho ta”, Ý thức bất hạnh lại là ý thức hạnh phúc nhưng không biết mình hạnh phúc, còn Ý thức hài kịch – là ý thức hạnh phúc – nhưng lại không biết về sự bất hạnh của mình, không biết rằng “Thượng đế đã chết”. Tiếp theo đây, Hegel sẽ phát triển ý thức về sự tiêu biến này của cái thần linh. [8] Ở đây Hegel chơi chữ: “Er-Innerung” (có gạch ngang ở giữa) vừa có nghĩa là sự hồi ức (Erinnerung) vừa có nghĩa là “nội tâm hóa” (Verinnerung), đối lập với “ngoại tại hóa” (Veräußerung). [9] Bước ngoặt biện chứng: Định mệnh – với tư cách là lịch sử của Tinh thần, là sự Hồi ức-nội tâm hóa (Er-innerung) – là hình thức đầu tiên của Chủ thể-tinh thần đích thực; và, với tư cách là cái biết về chính mình, tự nâng mình lên trên cái tồn tại trực tiếp của mình: đây là tiền đề lịch sử cho sự ra đời của tôn giáo khải thị mà bản thân chính là Tinh thần ở trong lịch sử. [10] Hegel tóm lược lại những sự xuất nhượng khác nhau của Bản thể thần linh trong tôn giáo nghệ thuật. [11] Ám chỉ hang Bethlehem, nơi giáng sinh của đấng Christ. [12] Nhân đoạn văn này, R. Kroner (Sđd: “Von Kant bis Hegel”/“Từ Kant đến Hegel”, II, tr. 270, chú thích 1) lưu ý đến ý nghĩa hết sức độc đáo của Hegel về chữ “Khái niệm” (Begriff). Ông trích dẫn thêm câu trong “Khoa học Lô-gíc”: “Khái niệm không gì khác hơn là cái Tôi hay là Tự-ý thức thuần túy” và nhắc đến một cách dịch chữ “Begriff” sang tiếng Anh là “Self-activity”. (Xem: W. Wallace, “Prolegomena to the study of Hegel’s philosophy” (dẫn theo J.H). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC