Triết học tôn giáo

Tinh thần ở bên trong chính mình: tính ba ngôi

TINH THẦN Ở BÊN TRONG CHÍNH MÌNH: TÍNH BA NGÔI

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự phát triển của Khái niệm trong tôn giáo tuyệt đối” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 769

Mục lục

Sự phát triển của Khái niệm trong tôn giáo tuyệt đối

a) Tinh thần ở bên trong chính mình: tính Ba ngôi

b) Tinh thần trong sự xuất nhượng của mình: Vương quốc của đức Chúa con

c) Tinh thần trong tính toàn vẹn của mình: “Vương quốc của Tinh thần”

 

Như thế, Tinh thần – được hình dung thoạt đầu như là Bản thể trong môi trường [hay chất liệu] của tư duy thuần túy – là cái Bản chất vĩnh cửu, đơn giản, tự đồng nhất một cách trực tiếp; tuy nhiên, không có ý nghĩa trừu tượng này của cái Bản chất, mà có ý nghĩa của Tinh thần tuyệt đối. Nhưng Tinh thần không nằm ở chỗ là một “ý nghĩa”, là cái [bản chất] bên trong mà phải là cái hiện thực (das Wirkliche). Cho nên, Bản chất vĩnh cửu, đơn giản chỉ là “Tinh thần” trong một từ trống rỗng, nếu Bản chất ấy vẫn cứ ở yên nơi cấp độ của biểu tượng và không đi xa hơn thuật ngữ “Bản chất vĩnh cửu, đơn giản”. Song, “Bản chất đơn giản” – bởi nó là sự trừu tượng – nên trong thực tế là cái phủ định nơi chính nó, và đó là tính phủ định của tư duy hay là tính phủ định trong trạng thái “tự-mình” trong cái Bản chất; nghĩa là, sự phân biệt tuyệt đối (der absolute Unterschied) với chính nó, hay là tiến trình thuần túy của việc trở thành “cái khác” của nó. Với tư cách là cái Bản chất, nó chỉ đơn thuần “tự-mình” hay “cho ta”, nhưng bởi lẽ tính thuần túy này [của hình thức] chính là sự trừu tượng hay tính phủ định, nên nó là “cho-chính-mình”, hay là cái Tự ngã, là Khái niệm. Vậy, nó [“Bản chất đơn giản”] là có tính đối tượng khách quan; và vì lẽ sự hình dung bằng biểu tượng lãnh hội và diễn đạt sự tất yếu của Khái niệm vừa nói như thể đó là một “sự cố” [lịch sử], tức cũng là nói rằng cái Bản chất vĩnh cửu tự tạo ra cho mình một cái [tồn tại] khác[1]. Nhưng, trong cái tồn tại-khác này, nó cũng trực tiếp [unmittelbar / ipso facto] quay trở lại vào trong chính mình, bởi sự phân biệt là sự phân biệt tự-mình (an sich), nghĩa là, chỉ trực tiếp phân biệt với chính mình thôi, nên là sự thống nhất đã quay trở lại vào trong chính nó.

 

§ 770

Vậy là có ba yếu tố phân biệt nhau: [thứ nhất là] cái Bản chất; [thứ hai là] cái tồn tại-cho-mình [minh nhiên] – tức là cái tồn tại-khác của cái Bản chất [trước], và cái Bản chất trước tồn tại cho nó; và [thứ ba là] cái tồn tại-cho-mình [theo nghĩa] là Cái biết về chính mình ở trong cái tồn tại-khác ấy[2]. Cái Bản chất [thứ nhất] chỉ nhìn ra chính mình ở trong cái “tồn tại cho-mình” của nó [tức trong cái tồn tại-khác có tính đối tượng khách quan]. | Trong sự xuất nhượng [ngoại tại hóa] này (Entäußerung) của chính mình, nó chỉ ở ngay nơi chính mình (bei sich). | Cái tồn tại-cho-mình [thứ ba] – loại trừ chính mình ra khỏi Bản chất – là cái biết về chính mình của chính cái Bản chất. | Đó chính là “Lời” [das Wort/Logos: ám chỉ “Ngôi lời”. Xem kinh Thánh, Johannes 1.1. N.D], mà một khi đã được nói ra thì làm “xuất nhượng” làm “rỗng” người nói, nhưng lập tức cũng được “nghe ra” (vernommen); và chỉ có tiến trình “nghe ra” chính [Tự ngã của] mình này mới là sự hiện hữu [hiện thực] của “Lời”. Vậy cho nên, những sự phân biệt được tạo ra cũng lập tức được hoá giải khi chúng được tạo ra; và cũng lập tức được tạo ra như khi chúng được hoá giải; và cái Đúng thật [chân lý: das Wahre] lẫn cái Hiện thực (das Wirkliche) chính là tiến trình vận động vòng tròn ở trong chính mình này.

 

§ 771

Tiến trình vận động bên trong chính mình này diễn đạt Bản chất tuyệt đối như là Tinh thần. | Bản chất tuyệt đối, khi không được nắm bắt như là Tinh thần, thì chỉ là sự trống rỗng trừu tượng; cũng như Tinh thần, khi không được nắm bắt như sự vận động này, thì chỉ là một từ trống rỗng. Khi những yếu tố này được nắm bắt trong tính thuần túy của chúng [như là những yếu tố], chúng là những Khái niệm hoạt động không ngừng nghỉ, tức chỉ tồn tại trong chừng mực trở thành cái đối lập nơi chính chúng và [chỉ] tìm thấy sự yên nghỉ trong cái toàn bộ[3]. Thế nhưng, sự hình dung bằng biểu tượng của cộng đồng tôn giáo lại không phải là [loại] tư duy bằng Khái niệm này (dies begreifende Denken) [hay tư duy “tư biện”], trái lại, có nội dung mà không có sự tất yếu của nội dung; và, thay vì hình thức của Khái niệm, nó mang những mối quan hệ tự nhiên [như] giữa Cha và Con[4] vào trong vương quốc của ý thức thuần túy. Vì lẽ ý thức này, ngay bên trong Tư duy, mà lại hành xử bằng phương cách [của cấp độ] hình dung bằng biểu tượng [hình tượng], nên tuy Bản chất tuyệt đối quả có được khai mở [khải thị] ra cho nó, nhưng những yếu tố của Bản chất – do lối tư duy hình tượng tổng hợp [một cách thường nghiệm] này – phần thì bị tách rời nhau khiến chúng không quan hệ được với nhau thông qua chính Khái niệm đích thực của chúng; phần khác, ý thức này “rút lui” khỏi đối tượng thuần túy này của chính nó, chỉ quan hệ một cách ngoại tại với đối tượng này. | Đối tượng được khai mở ra cho nó từ một nguồn suối xa lạ; và trong tư duy này về Tinh thần, nó không nhận ra chính mình, không nhận ra bản tính tự nhiên của Tự-ý thức thuần túy. Trong chừng mực hình thức này của sự hình dung bằng hình tượng và những mối quan hệ được vay mượn từ Tự nhiên nhất thiết phải được vượt qua, nhất là phương cách nắm lấy những yếu tố của tiến trình – tức là bản thân Tinh thần – như những Bản thể hay Chủ thể bất động, bị cô lập thay vì những yếu tố đang quá độ, chuyển hóa –, sự vượt qua này phải được xem như là một sự thúc bách nội tại của Khái niệm, như trước đây chúng ta đã vạch ra nhân bàn về một phương diện khác. [Xem lại §§765-766]. | Nhưng vì sự thúc bách này chỉ là một “bản năng”, nên nó[5] nhìn nhận sai về bản tính của chính mình, vứt bỏ luôn cả nội dung khi vứt bỏ hình thức; và, cũng đồng nghĩa như thế, đã hạ thấp nội dung xuống thành một biểu tượng mang tính lịch sử, thành một món di sản của truyền thống. | Bằng cách ấy, cái còn được giữ lại chỉ là mặt bên ngoài thuần túy của lòng tin, và qua đó, như một cái gì chết cứng, không có cái biết [không thể được nhận thức], trong khi mặt bên trong của lòng tin đã biến mất, bởi mặt bên trong này ắt phải là Khái niệm biết chính mình như là Khái niệm.



[1] Xem: đoạn mở đầu của “Tin mừng theo Thánh Johannes” (Kinh Thánh, Tân ước, Sđd, Tin mừng theo Thánh Gio-an, Lời Tựa, 1: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (...) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (...)

[2] Tức Ba Ngôi: “Ngôi Chúa Cha”, “Ngôi Lời” tạo ra thế giới tự nhiên và Tinh thần hay nguyên tắc của Tự-ý thức.

[3] Xem: quan niệm của Hegel về sự vận động của Khái niệm “trong tính thuần túy” và “yên nghỉ trong cái toàn bộ” của Lô-gíc học: “Đó là Thượng đế như khi Ngài tồn tại trong Bản chất vĩnh cửu của Ngài trước khi có sự sáng tạo ra giới Tự nhiên và một tinh thần hữu tận”. (Khoa học Lô-gíc, Lasson, III, I, Lời Tựa, tr. 31).

[4] Hình tượng “Chúa Cha” và “Chúa Con”.

[5]  “es”: nó (Miller: Tự-ý thức).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt