Triết học tôn giáo

Tôn giáo [trong hình thức] nghệ thuật

 

TÔN GIÁO [TRONG HÌNH THỨC] NGHỆ THUẬT

1 2 3 4

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.  | Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 699

Tinh thần đã nâng hình thái – trong đó nó là đối tượng cho ý thức của nó – lên thành hình thức của bản thân ý thức; và Tinh thần tạo ra một hình thái như thế cho chính mình. Người-thợ-tác-tạo đã từ bỏ [loại] lao động làm công việc “tổng hợp”, tức từ bỏ việc pha trộn những hình thức dị tính của tư tưởng và của tự nhiên lại với nhau. | Một khi hình thái đã đạt tới được hình thức của hoạt động tự giác, Người-thợ ấy đã trở thành Người lao động tinh thần.

§ 700

Nếu ta hỏi rằng, trong loại tôn giáo nghệ thuật này, Tinh thần hiện thực nào có ý thức về Bản chất [Hữu thể] tuyệt đối của nó, câu trả lời rõ ràng đó chính là Tinh thần [của thế giới] đạo đức hay Tinh thần đúng thật [Tinh thần khách quan] (sittlicher/wahrer Geist: Xem lại: Chương VI). Tinh thần này không đơn thuần là Bản thể phổ biến của mọi cá nhân, trái lại, khi nói rằng bản thể này có hình thái của ý thức như là một sự kiện khách quan cho ý thức hiện thực, thì cũng có nghĩa là Bản thể – đã cá thể hóa – được những cá nhân trong Bản thể ấy nhận biết như là bản chất và thành quả của chính họ. Với họ, Bản thể này không còn là Thần Ánh sáng (das Lichtwesen) mà trong tính nhất thể ấy, sự tồn tại-cho-mình của Tự-ý thức chỉ được chứa đựng một cách đơn thuần phủ định, đơn thuần nhất thời và trực quan Hữu thể ấy như là ông CHỦ của [thế giới] hiện thực của mình. [ám chỉ đạo thờ Lửa của Ba tư và Ai cập cổ đại. N.D]. | Nó không còn là sự cấu xé, hủy hoại không ngừng giữa những cộng đồng dân tộc thù ghét lẫn nhau [đạo thờ động vật], cũng không còn là sự áp bức, bắt những cộng đồng ấy phục tùng những “đẳng cấp” (Kasten), tức những hình thức mà, gộp chung lại, có vẻ tạo nên sự tổ chức của một toàn bộ hoàn chỉnh, song, nơi đó, thiếu vắng sự tự do phổ biến của những cá nhân có liên quan. [ám chỉ các tôn giáo nguyên thủy và xã hội Ấn độ cổ đại]. Trái lại, đúng hơn, Tinh thần [hiện thực] này là quốc gia-dân tộc tự do, trong đó những tập tục (Sitte) tạo nên Bản thể chung của tất cả; và hiện thực lẫn sự hiện hữu của Bản thể chung ấy được mọi người và mỗi người nhận biết như là ý chí và việc làm của chính mình. [ám chỉ tôn giáo và tổ chức của các “thành quốc” Hy Lạp cổ đại][1].

§ 701

Tuy nhiên, tôn giáo của Tinh thần đạo đức [đời sống xã hội cổ Hy Lạp] là việc nâng Tinh thần này lên trên [thế giới] hiện thực của nó và là sự quay trở về của Tinh thần này từ tính chân lý [tính khách quan] vào trong cái biết thuần túy về chính mình[2]. Vì lẽ quốc gia-dân tộc được cấu tạo theo trật tự đạo đức sống trong sự thống nhất trực tiếp với Bản thể của nó và còn thiếu nguyên tắc của tính cá biệt thuần túy của Tự-ý thức, nên tôn giáo của nó chỉ xuất hiện trong hình thức hoàn chỉnh một khi có sự cắt đứt [hay thoát ly] khỏi sự tự tồn an toàn, ổn định (Bestehen) [của bản thể đạo đức]. Bởi vì hiện thực của bản thể đạo đức, một phần, dựa trên tính bất biến thụ động, trái ngược lại với tiến trình vận động tuyệt đối của Tự-ý thức; và do đó, là dựa trên sự kiện rằng: Tự-ý thức này chưa rời bỏ đời sống yên bình của tập tục, với sự tin cậy vững chắc vào sự yên bình ấy để đi vào trong chính mình (in sich gegangen: tập trung vào trong chính mình). | Phần khác, hiện thực này dựa trên sự tổ chức của nó thành một đa thể phức tạp của những nghĩa vụ và quyền hạn, cũng như thành sự phân chia ra làm nhiều “lãnh vực” (Massen) của các “giai tầng” khác nhau, trong đó mỗi lãnh vực có phương cách hoạt động đặc thù và cùng phối hợp để tạo nên cái toàn bộ; do đó là dựa trên sự kiện rằng: mỗi cá nhân vừa lòng với sự giới hạn của sự hiện hữu của mình và chưa nắm bắt được ý tưởng không có giới hạn về cái Tự ngã tự do của chính mình[3]. Nhưng, sự tin cậy (Vertrauen) trực tiếp và yên bình ấy vào bản thể của đời sống đạo đức [xã hội] chuyển hóa trở lại thành sự tin cậy (Vertrauen) vào chính mình và sự xác tín (Gewissheit) về chính mình[4]; và tính đa thể của những nghĩa vụ và quyền hạn cũng như hoạt động đặc thù bị giới hạn [nhằm thực hiện chúng] cũng trải qua cùng một tiến trình vận động biện chứng ở trong môi trường của đời sống đạo đức giống như tính đa thể của “những sự vật” cùng với những “thuộc tính” khác nhau của chúng: một tiến trình vận động chỉ tìm thấy sự yên nghỉ và ổn định vững chắc ở trong tính đơn giản của Tinh thần xác tín về chính mình.

Do đó, sự hoàn tất trọn vẹn của trật tự đạo đức [xã hội] thành Tự-ý thức tự do, và định mệnh (Schicksal) của thế giới đạo đức chính là tính cá nhân đã đi vào trong chính mình; đó là tình hình khi Tinh thần đạo đức bị tuyệt đối xem nhẹ: Tinh thần ấy đã phân rã, giải thể ở trong chính mình mọi sự phân biệt đã được thiết lập vững chắc tạo nên sự tự tồn ổn định của nó trước đây cùng những “lãnh vực” (Massen) trong thế giới được tổ chức một cách hữu cơ của nó; và, hoàn toàn xác tín về chính mình, nó đã đạt đến sự hoan hỷ vô hạn và sự hưởng thụ tự do nhất về chính mình. Sự xác tín đơn giản này của Tinh thần bên trong chính mình có ý nghĩa nước đôi (zweideutig): vừa là sự tự tồn im lìm, yên ổn và là chân lý đúng thật vững chắc; vừa là sự bất an, bất ổn định tuyệt đối và sự tiêu vong của trật tự đạo đức (Sittlichkeit). Tuy nhiên, Tinh thần [thực ra đã] chuyển hóa hẳn sang tình trạng sau[5], vì lẽ chân lý đúng thật của Tinh thần đạo đức thoạt đầu vẫn mới là cái bản chất mang tính bản thể này (dies substantielle Wesen) và là lòng tin cậy vào nó [Tự ngã hoàn toàn phó thác chính mình vào bản thể đạo đức], nơi đó Tự ngã không nhận biết chính mình như là cá nhân tự do; cho nên, bản thể đạo đức này sẽ tiêu vong[6] ở trong tính chủ thể nội tại, ở trong cái Tự ngã đã trở thành tự do [trong sự giải phóng của Tự ngã ra khỏi “bản thể đạo đức”]. Bây giờ, khi sự tin cậy đã đổ vỡ; khi bản thể [đạo đức] của quốc gia-dân tộc đã rạn nứt, thì Tinh thần – vốn đã là cái môi trường trung giới nối kết các đối cực không ổn định[7] – từ nay xuất hiện ra như là một đối cực: đối cực của Tự-ý thức nắm bắt chính mình như là cái bản chất [tối hậu]. Tự-ý thức ấy là Tinh thần xác tín bên trong chính mình, than khóc về sự mất mát thế giới của mình; và bây giờ, – ra khỏi sự thuần túy của Tự ngã –, sáng tạo ra chính bản chất của mình, [vì] đã nâng mình lên trên [thế giới] hiện thực.

§ 702

Nghệ thuật [với hình thức] tuyệt đối ra đời trong một thời đại có đặc điểm như thế. | Ở giai đoạn trước đó [xem §§691-698], nó là loại hình lao động bản năng. | Lao động này – bị chìm đắm trong sự hiện hữu – xuất phát để rồi lại thâm nhập sâu vào hiện hữu [chất liệu] [chỉ biết nhào nặn chất liệu có sẵn]; không có được Bản thể của mình ở trong trật tự đạo đức tự do; và do đó, xét về mặt Tự ngã đang lao động, cũng không có được sự hoạt động tự do mang tính tinh thần[8].

Ở giai đoạn về sau [xem: Mục C: Tôn giáo khải thị], Tinh thần sẽ vượt ra khỏi nghệ thuật để đạt tới sự hình dung cao hơn, tức không chỉ đơn thuần thể hiện Bản thể được sản sinh ra từ Tự ngã mà là chính bản thân Tự ngã này như là đối tượng trong sự hình dung. | Ở cấp độ cao hơn này, Tinh thần không đơn thuần tìm cách tự tạo ra chính mình phát xuất từ Khái niệm của mình mà có bản thân Khái niệm của mình làm hình thái của mình, khiến cho Khái niệm và tác phẩm nghệ thuật được tạo ra nhận biết lẫn nhau như cùng là một[9].

§ 703

Vậy, vì lẽ Bản thể đạo đức đã rút lui khỏi sự hiện hữu bên ngoài (Dasein) để trở vào lại trong Tự-ý thức thuần túy của mình, nên đó là phương diện của Khái niệm, hay của sự hoạt động nhờ đó Tinh thần tạo ra chính mình như là đối tượng. Phương diện ấy là hình thức thuần túy, bởi cá nhân – trong việc vâng lời và phục vụ về mặt đạo đức [xã hội] – đã nỗ lực vứt bỏ mọi sự hiện hữu vô-ý thức và mọi sự quy định cứng đờ giống như bản thân Bản thể đạo đức cũng đã trở thành cái bản chất trôi chảy [bất phân biệt] này. Hình thức này là đêm tối [của Tự-ý thức] trong đó Bản thể [đạo đức] đã bị phản bội [mượn hình ảnh “Juda bán Chúa”. N.D] và đã biến chính mình thành Chủ thể. | Ra khỏi đêm tối này của sự xác tín thuần túy về chính mình, Tinh thần đạo đức lại trỗi dậy trong một hình thái [mới] được giải phóng khỏi Tự nhiên và khỏi sự hiện hữu trực tiếp của Tinh thần.

§ 704

Sự hiện hữu (Existenz) [cụ thể] của Khái niệm thuần túy – trong đó Tinh thần đã trốn thoát khỏi hình thái mang tính thể xác của mình – là một Cá Nhân được Tinh thần lựa chọn như là chiếc vại để chứa đựng hết nỗi khổ đau của mình. Tinh thần hiện diện nơi cá nhân này với tư cách là cái Phổ biến của cá nhân ấy và là quyền năng đối với cá nhân, từ đó cá nhân phải gánh chịu bạo lực, – và với tư cách là “khát vọng” [hay “động lực nội tâm”] (Pathos) của cá nhân, làm cho cá nhân khi hiến dâng chính mình cho yếu tố ấy thì Tự-ý thức của cá nhân đánh mất sự tự do của mình. Thế nhưng, quyền năng có tính khẳng định, tích cực vốn thuộc về tính phổ biến ấy lại bị khuất phục bởi Tự ngã thuần túy của cá nhân, với tư cách là quyền năng phủ định. Hoạt động thuần túy này – có ý thức về sức mạnh không thể bị mất đi của mình – đấu tranh quyết liệt với cái bản chất không có hình thái. Một khi trở thành kẻ làm chủ trận địa, hoạt động phủ định này đã biến yếu tố của “khát vọng” (Pathos)[10] thành chất liệu của chính mình và mang lại nội dung cho chính mình; và sự thống nhất này xuất hiện ra như tác phẩm (Werk): Tinh thần phổ biến được cá thể hóa và được hình dung [một cách có ý thức] (individualisiert und vorgestellt)[11].

 

 


[1] Xem lại: “Tinh thần đúng thật, trật tự đạo đức” (§444 và tiếp).

[2] Thành quốc cổ Hy Lạp là “sự nghiệp” và là “linh hồn” của những cá nhân thành viên. Sự thống nhất an bình và hòa hợp này là một sự thống nhất trực tiếp và vì thế, nhất định phải đổ vỡ. Hegel sẽ cho thấy rằng [tôn giáo] nghệ thuật chính là hành vi có ý thức về thế giới đạo đức này và một khi “có ý thức” [“cái biết thuần túy về chính mình”/ “đi vào trong chính mình”] tức là đã báo hiệu sự suy tàn và tiêu vong của thế giới ấy.

[3] Tôn giáo nghệ thuật có mục đích vươn tới tư tưởng về cái “Tự ngã tự do” của con người trong tính phổ biến của nó. Nhưng tư tưởng này chỉ có thể có được là nhờ sự tiến hóa của ý thức để đi ra khỏi tính trực tiếp của thế giới đạo đức (cổ đại). Có thể nói nghệ thuật vừa là cao điểm của thế giới đạo đức, vừa là dấu hiệu cho sự suy vong của thế giới này.

[4] Chính “sự xác tín [tuyệt đối] về chính mình” này của con người, – đối lập lại với tất cả những gì mang tính bản thể – sẽ kết liễu tiến trình biện chứng của nghệ thuật. Có thể nghĩ đến vai trò của Socrate và của Hài kịch cổ đại (xem: §743 và tiếp).

[5] tức tình trạng tiêu vong của trật tự đạo đức (cổ đại).

[6]  “zu Grund geht”: lòng tin cậy đẹp đẽ và tính bản thể đạo đức suy tàn và tiêu vong khi Tự ngã tự giải phóng và thoát ly khỏi sự tự tồn.

[7] Các đối cực này là Bản thể (đạo đức) và Tự ngã cá biệt. Tinh thần vốn đã là cái hạn từ trung giới cho các đối cực ấy, nay tự giải thể ở trong một đối cực, tức trong cái Tự ngã cá biệt đã đánh mất bản chất và được nghệ thuật tái tạo lại. (“Than khóc về sự mất mát thế giới của mình”: có nghĩa là thoạt đầu, nghệ thuật là sự “hồi ức”, là “việc nội tâm hóa” (Er-innerung) hình thái trước đây).

[8] Nhắc lại giai đoạn nghệ thuật trước đây với tư cách là “Người thợ tác tạo”. Bây giờ, thế giới Hy Lạp thể hiện giai đoạn “nghệ thuật tuyệt đối”, vì sau đó, theo Hegel, nghệ thuật đã bị vượt qua và không còn biểu hiện Tinh thần-tuyệt đối một cách đích thực nữa. Sau tôn giáo nghệ thuật với đỉnh cao là bi kịch cổ đại sẽ là tôn giáo khải thị với bản thân bi kịch của chính con người (Jêsus/Kitô). (Từ đây, chúng tôi dùng chữ “đức Jesus” để chỉ đức Jesus lịch sử, và dùng chữ “đấng Christ” để chỉ đức Jêsu-Kitô trong chú thích, mặc dù bản thân Hegel không bao giờ dùng hai từ này mà chỉ dùng cách nói ám chỉ).

[9] Chính đấng Christ và cuộc đời của đấng Christ sẽ thay thế cho tác phẩm nghệ thuật.

[10] Pathos: phân biệt với “đam mê” theo nghĩa hiện đại. Xem: Mỹ học, I, tr.291.

[11]  “vorgestellt”: có hai nghĩa: “được hình dung thành biểu tượng hay hình tượng”, “được giới thiệu hay trưng bày ra cho ta”, ở đây nên hiểu theo cả hai ý nghĩa.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt