Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 1

 

PHẦN THỨ NHẤT

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

DẪN NHẬP

 

Thầy dạy chân lý đức tin chẳng những phải dạy những người đã tiến tới, lại cả những người mới học, như thánh Phao-lô viết trong thư I gửi dân Cô-rin-tô: “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn...”. Vì thế chủ đích của chúng tôi, trong tác phẩm này, là trình bày những điều thuộc Ki-tô giáo một cách thích hợp để giảng dạy những người mới học.

Chúng tôi đã nghiệm thấy rằng, những người bắt đầu học khoa này thường gặp rất nhiều trở ngại khi phải sử dụng những tài liệu của nhiều tác giả khác nhau: một phần vì có nhiều vấn đề, chương mục và lý chứng vô dụng; phần vì những gì người mới học cần phải biết lại không được trình bày theo thứ tự của thánh khoa nhưng theo thứ tự của những tác phẩm được chú giải; hoặc theo theo cơ hội thuận tiện của những vấn đề được tranh luận; sau hết điều gì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thường cũng gây nhàm chán và xáo trộn trong tâm trí học viên.

Để tránh những bất tiện đó và những chuyện tương tự, chúng tôi, cậy vào ơn thiêng trợ lực, cố gắng trình bày thánh khoa cách vắn gọn và khúc triết, theo đề tài cho phép.

 

VẤN ĐỀ I

THÁNH KHOA LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 

Để giới hạn chủ đích của chúng tôi cho chính xác, trước hết phải nghiên cứu chính thánh khoa, xem nó là gì và phổ cập đến đâu. Mười điều phải được tìm hiểu trong vấn đề này.

1. Về sự cần thiết của thánh khoa.

2. Phải chăng thánh khoa là khoa học?

3. Là một hay nhiều khoa học?

4. Là khoa trừu tượng hay thực hành?

5. So sánh thánh khoa với các khoa khác;

6. Phải chăng là khoa thông tuệ?

7. Chủ thể của nó là gì?

8. Phải chăng là khoa lý luận?

9. Khoa này có buộc phải dùng những lối nói ẩn dụ và tượng trưng chăng?

10. Phải chăng trong khoa này Thánh Kinh phải được giải thích theo nhiều ý nghĩa?

 

 

MỤC 1

Ngoài bộ môn Triết, có cần khoa học nào khác chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như ngoài bộ môn Triết, không cần khoa học nào khác.

1. Con người không được cố sức vươn tới những gì vượt quá tầm lý trí, như lời sách Huấn ca: “Đừng dây mình vào những việc quá sức con”. Nhưng những điều vừa tầm lý trí đã được truyền đạt đầy đủ trong những bộ môn triết học. Vì thế, ngoài những bộ môn triết học ra, thêm một khoa học nào khác nữa là thừa.

2. Chỉ có khoa học về hữu thể: vì không chi được nhận biết mà không phải là điều thật, vốn đồng nhất với hữu thể. Nhưng mọi thứ hữu thể, kể cả Thiên Chúa, đều được bàn trong bộ môn triết học: vì thế trong Triết học có phần được mệnh danh là Thần luận, hay là khoa học về Thiên Chúa, như thấy trong cuốn Siêu hình IV. Vì thế, ngoài bộ môn Triết học không cần một khoa học nào nữa.

NHƯNG. Thánh Phao-lô nói: “Toàn thể Thánh Kinh do Thiên Chúa linh hứng đều có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. Mà Thánh Kinh do Thiên Chúa linh hứng không thuộc về bộ môn Triết học, là môn được lý trí nhân loại khám phá. Cho nên, ngoài bộ môn Triết học, còn cần một khoa học khác dựa trên mặc khải của Thiên Chúa.

LUẬN GIẢI. Ngoài bộ môn Triết học, do lý trí nhân loại nghiên cứu, một khoa học khác, phát xuất từ mặc khải của Thiên Chúa, thì cần thiết cho việc cứu độ nhân loại. Trước hết, vì con người được quy hướng về Thiên Chúa như về mục đích vượt quá tầm hiểu biết của lý trí, theo lời ngôn sứ I-sai-a: “ngoài Chúa ra, mắt chưa hề thấy có vị thần nào đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi Ngài”. Vậy mọi người phải quy hướng những hành vi của mình về mục đích, nên phải biết mục đích ấy trước. Vì thế, để được cứu độ, con người cần phải nhờ mặc khải thần linh mà nhận biết những điều vượt quá khả năng của lý trí.

Còn đối với những điều mà lý trí tự nhiên có thể khám phá về Thiên Chúa, con người cũng cần được giáo huấn qua mặc khải thần linh. Vì những chân lý về Thiên Chúa do lý trí khám phá, thì chỉ được một số người nhận biết, sau thời gian lâu dài, và pha trộn nhiều sai lầm. Nhưng toàn thể sự cứu độ của con người, vì nằm ở nơi Thiên Chúa, lại lệ thuộc vào sự nhận biết ấy. Vậy để ơn cứu độ được thành tựu một cách thích hợp và chắc chắn hơn, thì con người cần được giáo huấn bằng mặc khải thần linh.

Vì thế, ngoài những bộ môn Triết học do lý trí nghiên cứu, cần phải có thánh khoa do mặc khải.

GIẢI ĐÁP.

1. Mặc dầu con người không nên lấy lý trí mà khám phá những điều vượt quá tầm nhận thức của mình, tuy nhiên phải lấy đức tin đón nhận những điều Thiên Chúa mặc khải, vì thế sách Huấn ca viết thêm: “Nhiều điều quá tầm hiểu biết của con người đã được tỏ ra cho bạn”, và thánh khoa hệ tại những điều ấy.

2. Nhờ quan điểm hay khía cạnh khác nhau của đối tượng mà khoa học trở thành khác nhau. Chẳng hạn nhà thiên văn cũng đi đến một kết luận như nhà vật lý là: quả đất thì tròn; nhưng nhà thiên văn thì dùng trung hạn toán học, nghĩa là trừu xuất khỏi vật chất; còn nhà vật lý lại sử dụng trung hạn vật chất. Vì thế không có chi cản trở để, cũng một điều, được bộ môn triết học nghiên cứu bằng lý trí tự nhiên, lại được khoa học khác nghiên cứu theo ánh sáng của mặc khải thần linh. Vì thế, thần học là thánh khoa, khác loại với thần luận thuộc bộ môn triết học.

 


 MỤC 2


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt