Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 7

 

VẤN ĐỀ 1

THÁNH KINH LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 7

Phải chăng Thiên Chúa là chủ thể của khoa học này?

 

NGHI VẤN. Hình như chủ thể của khoa này không phải là Thiên Chúa.

1. Theo nhà Hiền triết, khoa học nào cũng giả định sự nhận biết bản chất chủ thể của mình. Nhưng thánh khoa không biết bản chất của Thiên Chúa, vì như thánh Damasceno nói: không thể nói chính xác Thiên Chúa là Đấng nào. Cho nên Thiên Chúa không phải là chủ thể của khoa này.

2. Mọi điều được bàn đến trong một khoa học thì gồm thâu trong chủ thể của nó. Nhưng trong Thánh Kinh, nhiều điều không phải Thiên Chúa mà cũng được bàn tới, như những vật thụ tạo và những hành vi nhân linh. Cho nên Thiên Chúa không phải là chủ thể của khoa này.

NHƯNG. Điều được bàn tới trong khoa nào là chủ thể của khoa học ấy. Mà điều được bàn tới trong thánh khoa là Thiên Chúa: sở dĩ khoa này được gọi là thần học vì bàn về Thiên Chúa. Cho nên Thiên Chúa là chủ thể của khoa này.

LUẬN GIẢI. Thiên Chúa là chủ thể của khoa học này. Quả thực, Chủ thể cũng tương quan với khoa học như đối tượng với những tài năng hay tập quán [1]. Nói đúng ra, đối tượng của một tài năng hay tập quán là lý tính, theo đó tất cả mọi điều đều được quy về tài năng hay tập quán ấy: như con người hay hòn đá là đối tượng của thị giác vì chúng có màu sắc, vì thế màu sắc là đối tượng riêng của thị giác. Trong thánh khoa tất cả đều được bàn dưới lý tính của Thiên Chúa: hoặc vì là chính Thiên Chúa, hay vì có tương quan với Thiên Chúa, như với nguyên khởi và cứu cánh. Cho nên Thiên Chúa đúng là chủ thể của khoa này. Đó cũng là điều hiển nhiên bởi những nguyên lý của khoa này, là những tín khoản, liên hệ đến Thiên Chúa: chủ thể của các nguyên lý và của toàn thể khoa học cũng là một, vì toàn thể khoa học được hàm chứa trong tiềm năng của các nguyên lý.

Một số người, vì chú ý đến những điều được bàn giải trong khoa này, và không chú ý xem những điều ấy được bàn theo lý tính nào, nên đã hạn định chủ thể của nó cách khác nhau: người thì cho là những thực tại hay những dấu chỉ; người khác cho là công cuộc cứu chuộc, hay là Đức Ki-tô toàn vẹn, nghĩa là đầu và các chi thể. Quả khoa này bàn về tất cả những điều đó, nhưng theo tương quan với Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP

1. Dù chúng ta không biết được Thiên Chúa là gì, nhưng trong khoa này, để nói về Thiên Chúa, thay vì đưa ra định nghĩa, chúng ta dùng những công hiệu mà Người đã thực hiện trong lãnh vực tự nhiên hay ân sủng: trong một số bộ môn triết học, công hiệu cũng được dùng thay vì định nghĩa căn nguyên, để nhờ công hiệu mà chứng minh những chân lý liên hệ đến căn nguyên.

2. Tất cả mọi điều được nghiên cứu trong thánh khoa, đều hàm chứa trong Thiên Chúa, không phải như những phần, những loại hay những phụ thể, mà như có tương quan nào đó với Người.

 


 MỤC 8
 MỤC 6

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt