Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 6

 

VẤN ĐỀ 1

THÁNH KINH LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 


MỤC 6

Phải chăng thánh khoa là khoa thông tuệ?

 

NGHI VẤN. Hình như thánh khoa không phải là khoa thông tuệ.

1. Khoa học nào mượn những nguyên lý ngoại lai thì không đáng gọi là khoa thông tuệ, vì nhiệm vụ của người thông thái là hạ lệnh chứ không phải tuân lệnh. Nhưng như đã nói, thánh khoa mượn những nguyên lý ngoại lai. Cho nên thánh khoa không phải là khoa thông tuệ.

2. Nhiệm vụ của khoa thông tuệ là chứng minh các nguyên lý của các khoa học khác, vì thế được nhà Hiền triết gọi là khoa học đệ nhất. Nhưng thánh khoa không minh chứng nguyên lý của các khoa học khác. Cho nên không phải là khoa thông tuệ.

3. Vả lại thánh khoa được chinh phục bằng học hỏi. Còn thông tuệ thì được thiên phú: vì thế được kể vào bẩy ơn Chúa Thánh Thần, như thấy trong sách ngôn sứ I-sai-a. Cho nên thánh khoa không phải là khoa thông tuệ.

NHƯNG. Ở phần dầu lề luật, sách Đệ Nhị Luật đã ghi: “Đây là sự thông tuệ và minh trí trước mặt các dân tộc”

LUẬN GIẢI. Thánh khoa là khoa thông tuệ nhất trong mọi khoa thông tuệ của loài người, và thông tuệ tuyệt đối chứ không phải trong một vài lãnh vực. Vì nhiệm vụ của người thộng thái là truyền khiến và phán đoán, mà phán đoán về những điều hạ đẳng được thành tựu nhờ nại đến nguyên nhân cao hơn; người nghiên cứu nguyên nhân cao nhất về mỗi loại được gọi là người thông thái trong lãnh vực ấy. Như trong kiến trúc, thì người phối trí kiễu mẫu ngôi nhà thì được gọi là nhà thông thái hay kiến trúc sư, đối với những nghề phụ như cưa gỗ và đẽo đá; vì thế thánh Phao-lô đã nói: “như kiến trúc sư thông thái tôi đặt nền móng”. Vả lại, trong lãnh vực của tất cả cuộc nhân sinh, người khôn ngoan cũng được coi là thông thái vì quy hướng mọi hành vi nhân linh đến mục đích đúng đắn. Vì thế sách Châm ngôn nói: “Đối với con người, thông thái cũng đồng nghĩa với khôn ngoan”. Vì thế người nghiên cứu nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối của toàn thể vũ trụ, là Thiên Chúa, thì được gọi là người thông tuệ cách trác tuyệt, thế nên khoa học về những điều thần linh được gọi là khoa thông tuệ, như thánh Augustino đã nói. Vậy thánh khoa bàn về Thiên Chúa như nguyên nhân tối cao, không những của những điều mà ta có thể biết qua vật thụ tạo (như kiến thức của các triết gia, theo như thánh Tông đồ quả quyết: những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ); lại về cả những điều mà chỉ một mình Thiên Chúa biết được, hoặc thông cho hữu thể khác bằng mặc khải. Cho nên thánh khoa được gọi cách thích đáng nhất là khoa thông tuệ.

GIẢI ĐÁP.

1. Thánh khoa không vay mượn những nguyên lý của mình bởi khoa nhân văn nào cả, mà bởi tri thức của Thiên Chúa, như bởi khoa thông tuệ tối cao, nhờ đó mọi nhận thức của chúng ta được xếp đặt.

2. Nguyên lý của các khoa học khác hoặc là những nguyên lý tự hiển minh, và không thể chứng minh; hoặc được chứng minh bởi khoa học khác bằng suy luận. Nhưng sự nhận biết của thánh khoa là do mặc khải chứ không do suy luận tự nhiên. Cho nên thánh khoa không có nhiệm vụ chứng minh những nguyên lý của các khoa khác, mà chỉ thẩm định về những nguyên lý ấy: thành thử khoa này phi bác tất cả những chi tương phản với chân lý của nó như sai lầm; vì thế thánh Tông đồ viết: “Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa”.

3. Vì phán đoán thuộc về người thông thái theo hai cách, nên có hai thứ thông tuệ. Cách thứ nhất là phán đoán theo khuynh hướng: như khi ai có nhân đức, thì phán đoán đúng về những điều phải làm phù hợp với nhân đức, vì có khuynh hướng về những điều ấy; vì thế nhà Hiền triết nói người đức hạnh là mực thước và khuôn mẫu những hành vi nhân linh. Cách thứ hai là theo tri thức: như người thành thạo về luân lý học có thể phán đoán về những hành vi nhân đức, dù người ấy không có nhân đức. Cho nên kiểu phán đoán thứ nhất về những việc thần linh thì thuộc về sự thông tuệ, là ơn của Chúa Thánh Thần, theo lời thánh Tông đồ: “Con người thiêng liêng thì xét đoán được mọi sự...”; và ông Dionysio nói: Hierotheus là nhà thông thái chẳng những vì hiểu biết, mà còn vì cảm nghiệm điều thần linh. Cách phán đoán thứ hai thuộc về thánh khoa, tức là nhờ học hỏi mà chinh phục được, dù những nguyên lý của nó là do mặc khải mà có.

 


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt