Triết học tôn giáo

Vấn đề 1. Thánh khoa là gì và đề cập những gì? Mục 8

 

VẤN ĐỀ 1

THÁNH KINH LÀ GÌ VÀ ĐỀ CẬP NHỮNG GÌ?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 8

Khoa này có viện lý chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như khoa này không viện lý.

1. Thánh Ambrosio nói: Khi tìm kiếm đức tin hãy gác những lý chứng lại. Nhưng điều chính yếu được tìm kiếm trong khoa này là đức tin, theo lời thánh Gioan: “Những điều này được chép ra để anh em tin...”. Cho nên khoa này không viện lý.

2. Nếu viện lý thì hoặc là căn cứ vào thế giá hay vào lý lẽ. Nếu thánh khoa căn cứ vào thế giá thì hình như không phù hợp với phẩm giá của nó: vì thế giá là lý chứng yếu nhất, như Boetio nói. Nếu căn cứ vào lý lẽ thì cũng không phù hợp với mục đích của nó, vì theo thánh Gregorio: “đức tin không có công khi được lý trí cung cấp chứng cớ”. Cho nên thánh khoa không viện lý.

NHƯNG. Trong thư gửi cho Titô, thánh Tông đồ viết về tư cách giám mục như sau: “phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối”.

LUẬN GIẢI. Cũng như các khoa học khác không viện lý để minh chứng những nguyên lý của mình, nhưng để giãi bày những chân lý khác hàm súc trong các khoa ấy, thì thánh khoa không viện lý để chứng minh các nguyên lý của mình, là những tín khoản, nhưng để căn cứ vào đó mà giãi bày điều khác: như thánh Tông đồ đã căn cứ vào sự phục sinh của Chúa Giêsu để chứng minh sự sống lại của mọi người.

Nhưng nên suy rằng, trong các bộ môn triết học, khoa hạ đẳng không chứng minh các nguyên lý của mình và cũng không tranh luận với kẻ phủ nhận các nguyên lý ấy, mà nhường lại cho khoa cao cấp: khoa tối cao trong các khoa ấy là khoa siêu hình. Khoa này tranh luận với kẻ phủ nhận các nguyên lý của mình, nếu đối phương còn công nhận điều gì; nhược bằng đối phương không công nhận chi hết thì không có thể tranh luận được, nhưng có thể giải đáp những lý lẽ của đương sự. Vậy vì không có khoa nào cao hơn thánh khoa, nên khoa này tranh luận với kẻ phủ nhận những nguyên lý của nó: viện lý nếu đối phương còn công nhận điều nào trong những điều đã được mặc khải, như lấy thế giá của thánh khoa để bài bác những lạc thuyết, và lấy tín khoản này để tranh luận với những kẻ chối khoản kia. Nếu đối phương không tin điều mặc khải nào cả, thì hết đường viện lý để minh chứng cho các tín khoản, chỉ còn cách giải đáp những lý lẽ chống với đức tin, nếu đối phương viện dẫn. Vì đức tin căn cứ trên chân lý không thể sai lầm, lại không thể minh chứng cho điều tương phản với chân lý, nên hiển nhiên những lý chứng viện dẫn chống với đức tin, không phải là những minh chứng, mà là những luận cứ có thể giải đáp.

GIẢI ĐÁP

1. Mặc dù những luận cứ của lý trí tự nhiên không đủ để minh chứng những điều thuộc đức tin; tuy nhiên từ những tín khoản thánh khoa dẫn xuất ra những chân lý khác, như đã nói (trong 1g).

2. Lấy thế giá để viện lý là điều rất phù hợp với khoa này: vì các nguyên lý của nó là do mặc khải, cho nên phải tin vào thế giá của những người lãnh nhận mặc khải. Điều đó không làm thương tổn đến phẩm giá của khoa này: vì dù thế giá căn cứ trên lý trí phàm nhân là lý chứng yếu nhất, nhưng thế giá căn cứ trên mặc khải của Thiên Chúa lại là bảo chứng hiệu nghiệm hơn hết.

Tuy nhiên thánh khoa cũng sử dụng lý lẽ nhân loại: không phải để minh chứng đức tin, vì như thế là cất mất công phúc của đức tin, nhưng để làm sáng tỏ những điều khác được trình bày trong thánh khoa. Cũng như ân sủng không thủ tiêu, một là kiện toàn tính tự nhiên, thì lý trí tự nhiên cũng phải phục vụ đức tin, như khuynh hướng tự nhiên của lòng muốn phải phục vụ đức ái. Vì thế thánh Tông đồ viết: “Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Ki-tô”. Thế nên thánh khoa cũng sử dụng thế giá của các triết gia, những khi họ có thể dùng lý trí tự nhiên mà biết được chân lý, như thánh Phao-lô đã viện dẫn thế giá của Arato khi tuyên bố: “như một số thị sĩ của quí vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”.

Nhưng thánh khoa sử dụng những thế gia trên như những luận cứ ngoại lai và cái nhiên, còn sử dụng thế giá Thánh Kinh như những bảo chứng riêng và thiết yếu. Lại sử dụng thế giá của các tiến sĩ khác trong Giáo Hội như những lý chứng riêng, nhưng cái nhiên, vì đức tin căn cứ trên mặc khải Chúa ban cho các Tông đồ và các ngôn sứ, là những vị chép Thánh Kinh, chứ không trên những mặc khải mà các tiến sĩ khác có thể lãnh nhận. Bởi vậy thánh Augustino viết: “Tôi đã học biết chỉ tôn trọng những sách Thánh Kinh, mệnh danh là những sách quy điển, đến độ tin rằng các tác giả không thể sai lầm khi biên soạn. Còn các sách khác, tôi cũng đọc, nhưng không phải vì tôi cho cho rằng điều các tác giả đã nghĩ và đã chép là chân thật, dù các vị có nổi nang về sự thánh thiện và về đạo lý đến đâu đi nữa".


 MỤC 9
 MỤC 7

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt