Triết học tôn giáo

Vấn đề 9. Về sự bất khả biến của Thiên Chúa. Mục 2

 

VẤN ĐỀ 9

VỀ SỰ BẤT KHẢ BIẾN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.



 

MỤC 2

Phải chăng bất khả biến

là thuộc tính riêng của Thiên Chúa?

 

NGHI VẤN. Hình như bất khả biến không phải là thuộc tính riêng của Thiên Chúa.

1. Nhà Hiền triết nói, nơi bất cứ vật chuyển biến nào đều có chất thể đệ nhất. Nhưng có những bản thể thụ tạo, như thiên thần và linh hồn, không có chất thể, như một số người chủ trương. Cho nên bất khả biến không phải là thuộc tính riêng của Thiên Chúa.

2. Phàm chi chuyển biến đều chuyển biến vì mục đích nào đó: vật đã tới cứu cánh thì không chuyển biến nữa. Nhưng có những thụ tạo đã đạt tới cứu cánh, như các phúc nhân. Cho nên có những thụ tạo bất khả biến.

3. Phàm chi khả biến đều có thể thay đổi. Nhưng những mô thể thì không thể thay đổi. Sách Sáu nguyên lý có nói: "mô thể hệ tại yếu tính đơn thuần và không thể thay đổi". Cho nên bất khả biến không phải là thuộc tính riêng của một mình Thiên Chúa.

NHƯNG. Thánh Augustino nói: "Chỉ một mình Thiên Chúa là bất khả biến; còn những điều Người làm đều khả biến, vì từ hư vô mà có".

LUẬN GIẢI. Chỉ một mình Thiên Chúa là tuyệt đối bất khả biến, còn mọi thụ tạo đều khả biến cách nào đó. Nên biết rằng một vật có thể khả biến hai cách: một là do tiềm năng ở trong vật ấy; hai là do năng lực ở nơi vật khác. Vậy mọi thụ tạo, trước khi hiện hữu, không có khả năng để hiện hữu do năng lực của thụ tạo nào hết, vì không thụ tạo nào là vĩnh hằng; mà do nguyên quyền năng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa có thể ban cho chúng được hiện hữu. Cũng như việc ban cho chúng hiện hữu lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, thì việc bảo tồn chúng trong hiện hữu cũng lệ thuộc vào ý muốn của Người: Người không bảo tồn chúng trong hiện hữu bằng cách nào khác ngoài việc liên lỉ ban hiện hữu cho chúng, vì thế nếu Người rút lại hoạt động của Người, thì mọi vật sẽ trở về hư vô, như thánh Augustino đã chứng minh. Vậy, như do quyền năng của Đấng Tạo Hóa mà vạn vật, trước khi hiện hữu, được đưa ra hiện hữu, thì cũng do quyền năng của Người mà vạn vật, sau khi đã hiện hữu, hết hiện hữu. Như thế do năng lực nơi vật khác, nghĩa là nơi Thiên Chúa, mà các vật là khả biến, nghĩa là có thể do chính Người đưa từ hư vô ra hiện hữu, thì cũng có thể từ hiện hữu trở về hư vô.

Còn nếu nói vật nào khả biến do tiềm năng có nơi chính vật ấy, thì mọi thụ tạo cũng đều khả biến. Trong thụ tạo có hai tiềm năng, là chủ động và thụ động. Gọi là tiềm năng thụ động, khi nhờ nó mà các vật đạt được sự hoàn thiện của mình trong hiện hữu hay trong việc theo đuổi mục đích. Nếu bàn đến sự khả biến theo tiềm năng thụ động để hiện hữu, thì sự khả biến không liên lụy đến mọi vật thụ tạo, mà chỉ liên lụy đến những vật trong đó tiềm năng để hiện hữu có thể dung hợp với tiềm năng không hiện hữu. Do đó, nơi những vật thể hạ cấp có sự khả biến cả về hữu thể bản thể, vì chất thể của chúng có thể tồn tại mà thiếu mô thể bản thể; cả về hữu thể phụ thể, nếu là thứ phụ thể mà chủ thể có thể thiếu: như chủ thể người, có thể không trắng; vì thế có thể đổi từ màu trắng sang màu khác. Nhưng nếu bàn về thứ phụ thể, dẫn xuất bởi nguyên lý cốt yếu của chủ thể, thì chủ thể không thể thiếu được; cho nên chủ thể không thể thay đổi về phụ thể ấy, như tuyết không thể trở thành đen. Nơi các thiên thể, chất thể không thể thiếu mô thể, vì mô thể kiện toàn trọn vẹn tiềm năng của chất thể; vì thế các vật ấy không thể thay đổi theo bản thể, nhưng chỉ thay đổi theo nơi chốn mà thôi, vì chủ thể vẫn có thể toàn vẹn khi vắng bóng ở nơi này hay nơi nọ. Còn các bản thể vô hình, dẫu chúng tương quan với hiện hữu như tiềm thể với hiện thể, nhưng vì là chính những mô thể lập hữu nên tình trạng mất hiện thể này là không thích hợp: vì hiện hữu đi theo mô thể, và không chi bị hủy hoại nếu không vì mất mô thể. Cho nên trong mô thể không có tiềm năng để không hiện hữu, thành thử những bản thể đó thì bất khả biến và không thay đổi về hiện hữu. Đó là điều Dionysio đã nói: “những bản thể thụ tạo có lý trí thì được miễn khỏi việc sinh sản và thay đổi, cũng như những thụ tạo vô hình và vô vật chất”. Nhưng nơi các vật này còn có hai thứ thay đổi: Một là ở trong tiềm năng đối với mục đích: như vậy nơi các vật ấy có sự thay đổi để chọn điều ác thay vì điều thiện, như thánh Damasceno nói. Hai là theo nơi chốn, vì theo khả năng hữu hạn, các vật ấy có thể đạt tới nơi mà trước chưa đạt tới: điều đó không thể nói về Thiên Chúa, Đấng làm đầy mọi nơi do sự vô hạn của mình, như đã nói (vđ.8 m.2)

Như thế trong mọi thụ tạo đều có tiềm năng để thay đổi: hoặc theo bản thể, như những vật thể hay hư hoại; hoặc theo nơi chốn mà thôi, như các thiên thể; hoặc theo tương quan với mục đích và theo sự áp dụng năng lực vào các vật khác nhau, như các thiên thần. Nói chung, mọi thụ tạo đều khả biến theo quyền năng của Tạo Hoá, vì do quyền năng của Người mà các vật được hiện hữu hay không. Vậy vì Thiên Chúa không thể thay đổi theo bất cứ cách nào trên đây, nên tính bất khả biến tuyệt đối là thuộc tính riêng của Người.

GIẢI ĐÁP

1. Nghi vấn ấy liên quan đến những điều khả biến về bản thể hay phụ thể: các triết gia bàn về thứ chuyển biến ay.

2. Các thiên thần lành, ngoài sự bất khả biến về hữu thể, phù hợp với các thiên thần ấy theo bản tính, lại còn bất khả biến về sự lựa chọn do quyền năng của Thiên Chúa: tuy nhiên các thiên thần còn khả biến theo nơi chốn.

3. Mô thể được kể là bất khả biến, vì không thể là chủ thể nhận sự thay đổi. Nhưng các mô thể được coi là thay đổi vì lẽ chủ thể thay đổi theo sự kế tiếp của chúng. Cho nên chúng là thế nào thì cũng thay đổi như thế: thực vậy chúng không được gọi là hữu thể như thể là chủ thể của hiện hữu, nhưng vì nhờ chúng mà có cái gì đó hiện hữu.

 


 MỤC 1
 VẤN ĐỀ 10

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt