Triết học tôn giáo

Vấn đề 10. Về sự hằng cửu của Thiên Chúa. Mục 6

 

VẤN ĐỀ 10

VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 6

Phải chăng chỉ có một trường cửu?

 

NGHI VẤN. Hình như không phải chỉ có một trường cửu. 

1. Trong ngụy thư Esdras, có nói: “Sự uy nghi và quyền năng của các vật trường cửu đều ở nơi Ngài, Lạy Chúa”.

2. Các giống loại khác nhau phải có những thước đo khác nhau. Nhưng trong các vật trường cửu, có thứ là vật thể, như các thiên thể; có thứ là những bản thể thiêng liêng, như thiên thần. Cho nên không phải chỉ có một trường cửu mà thôi.

3. Vì trường cửu là tên gọi của sự lâu dài, cho nên phàm chi chỉ có một trường cửu thì cũng chỉ có một sự lâu dài. Nhưng không phải chỉ có một thứ lâu dài cho mọi vật trường cửu: vì trong các vật ấy, vật này bắt đầu hiện hữu sau vật kia, như thấy rõ nơi các linh hồn con người. Cho nên không phải chỉ có một trường cửu.

4. Hình như những chi không lệ thuộc nhau thì không có cùng một thước đo lâu dài. Sở dĩ chỉ có một thời gian cho các vật lệ thuộc thời gian, vì hình như, chuyển động thứ nhất, được đo lường trước tiên bởi thời gian, mà một cách nào đó, chuyển động ấy lại là căn nguyên của mọi chuyển động. Nhưng những vật trường cửu không lệ thuộc nhau: thiên thần nọ không phải là căn nguyên của thiên thần kia. Cho nên không phải chỉ có một trường cửu mà thôi.

NHƯNG. Trường cửu thì đơn thuần hơn thời gian, và gần gũi sự hằng cửu hơn. Mà chỉ có một thời gian. Cho nên việc có một trường cửu lại càng hữu lý hơn.

LUẬN GIẢI. Về vấn đề này có hai ý kiến: một số người cho là chỉ có một trường cửu; số khác cho là có nhiều. Để biết ý kiến nào đúng hơn, ta phải cứu xét theo căn nguyên sinh ra sự thuần nhất của thời gian: vì chúng ta phải nhờ những vật hữu hình để biết những vật thiêng liêng.

Sở dĩ có người cho rằng chỉ có một thời gian cho những vật tạm thời là vì chỉ có một con số cho những vật được đếm: vì thời gian là số, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng điều đó chưa đủ: vì thời gian không phải là con số như trừu xuất khỏi những vật được đếm, nhưng như hiện hữu nơi vật được đếm; chẳng vậy không phải là số liên tục: vì sự liên tục của mười thước vải không hệ tại con số mà hệ tại vật được đo bằng số. Con số hiện hữu trong vật được đếm thì không như nhau, nhưng khác nhau nơi các vật khác nhau.

Có người cho rằng căn nguyên phát sinh sự thuần nhất của thời gian hệ tại tính thuần nhất của sự hằng cửu, là nguyên lý của mọi sự lâu dài. Và như vậy, nếu xét theo nguyên lý thì mọi sự lâu dài đều là một: còn nếu xét theo sự khác nhau của những vật được lưu tồn, do ảnh hưởng của căn nguyên đệ nhất, thì có nhiều thứ lâu dài. Người khác nữa lại cho rằng căn nguyên phát sinh sự thuần nhất của thời gian một phần là do chất thể đệ nhất, là chủ thể thứ nhất của sự chuyển động được đo lường bởi thời gian. Nhưng trong các ý kiến ấy, không ý kiến nào là thỏa đáng. Vì những vật thuần nhất về nguyên lý và chủ thể, nhất là nguyên lý và chủ thể xa, thì không phải là thuần nhất cách tuyệt đối, nhưng theo khía cạnh nào đó thôi.

Vì thế, lý do phát sinh sự thuần nhất của thời gian là sự thuần nhất của chuyển động đầu tiên, vì cực kỳ đơn thuần, nên là thước do mọi chuyển động khác, như nhà Hiền triết đã nói. Như thế, trong tương quan với chuyển động ấy, thời gian chẳng những là thước đo đối với vật được đo lường, nhưng còn là phụ thể so với chủ thể, nhờ chủ thể đó mà được thuần nhất. Trái lại, trong tương quan với các chuyển động khác thì thời gian chỉ như thước đo đối với vật được đo lường. Cho nên dù các chuyển động kia tăng thêm thì thời gian vẫn không bội tăng: vì nhiều vật có thể được đo lường bởi một thước đo tách rời.

Một khi giả định như thế, cũng nên biết rằng, có hai ý kiến khác nhau về các bản thể thiêng liêng. Có người, như Origen nói rằng mọi vật, hay ít là nhiều vật, phát xuất từ Thiên Chúa một cách gần như bằng nhau. Nhưng người khác thì cho rằng các thiên thần phát xuất từ Thiên Chúa theo cấp bậc và phẩm trật, Có lẽ đây là ý kiến của Dionysio khi ông cho rằng, các bản thể thiêng liêng, ngay trong một phẩm thiên thần, cũng có thượng cấp, trung cấp, hạ cấp. Như thế theo ý kiến thứ nhất, phải nói rằng có nhiều trường cửu, tương ứng với những vật trường cửu thứ nhất và bằng nhau. Còn theo ý kiến thứ hai, phải nói rằng chỉ có một trường cửu mà thôi, vì trường cửu nào cũng được đo lường bởi cái đơn thuần nhất và thứ nhất trong loại, như nhà Hiền triết đã nói, cho nên hiện hữu của mọi vật trường cửu phải được đo lường bởi hiện hữu của vật trường cửu thứ nhất, thứ trường cửu càng có trước ngần nào thì càng đơn thuần ngần ấy. Vì ý kiến thứ hai có phần đúng hơn, như sẽ trình bày dưới đây (vđ.47, m.2; vđ.50, m.4) nên hiện giờ chúng tôi cho rằng chỉ có một trường cửu.

GIẢI ĐÁP

1. Trường cửu đôi khi được hiểu như thế kỷ, là kỳ gian của vật nào đó; vì thế mới nói nhiều trường cửu, như nhiều thế kỷ.

2. Dẫu thiên thể và thiên thần khác nhau về bản tính, nhưng giống nhau ở chỗ có hiện hữu bất biến, thành thử được đo lường bằng trường cửu.

3. Cả những vật tạm bợ dù không cùng bắt đầu một trật, nhưng đều có chung một thời gian, vì chuyển động thứ nhất được do lường bằng thời gian. Cũng vậy, do vật trường cửu thứ nhất mà mọi vật trường cửu cũng chỉ có một trường cửu, dù chúng không cùng bắt đầu có một trật.

4. Để nhiều vật được đo lường bởi một vật nào đó, thì không cần vật này là căn nguyên của các vật kia, mà chỉ cần là vật đơn thuần nhất.

 


 VẤN ĐỀ 11
 MỤC 5

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt