Triết học tôn giáo

Vấn đề 10. Về sự hằng cửu của Thiên Chúa. Mục 5

 

VẤN ĐỀ 10

VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 5

Về sự khác biệt giữa trường cửu và thời gian

 

NGHI VẤN. Hình như trường cửu và thời gian không khác nhau.

1. Thánh Augustino nói: "Thiên Chúa huy động thụ tạo thiêng liêng trong thời gian". Nhưng trường cửu được coi là thước đo những vật thiêng liêng. Cho nên thời gian và trường cửu khôngkhác nhau.

2. Lý tính của thời gian là có trước có sau: còn lý tính của hằng cửu là có toàn thể một trật, như đã nói (m.1). Nhưng trường cửu không phải là hằng cửu; vì sách Huấn ca nói: “khôn ngoan vẫn ở với Người trước trường cửu”. Cho nên trường cửu không phải toàn thể một trật, mà có trước có sau; và như vậy nó là thời gian.

3. Nếu trong trường cửu không có trước có sau, thì nơi các vật trường cửu, hiện tại, quá khứ và tương lai không khác nhau. Vậy cũng như trước đây không thể không có những thụ tạo ấy, thì sau này cũng vậy, chúng không thể không tồn tại. Nhưng đó là điều sai lầm, vì Thiên Chúa có thể biến chúng thành hư vô.

4. Vì sự lâu dài của những vật được đo lường bởi trường cửu thì vô chung, nếu trường cửu là toàn thể một trật thì hẳn có thụ tạo nào đó là vô hạn trong hiện thực: đó là điều không thể có. Cho nên trường cửu không khác với thời gian.

NHƯNG. Boetio nói: “Ngài đã truyền cho thời gian phát xuất từ trường cửu”.

LUẬN GIẢI. Trường cửu thì khác với thời gian và với sự hằng cửu, như trung gian đứng giữa. Nhưng có người cho sự khác biệt ấy hệ tại hằng cửu thì vô thủy vô chung; trường cửu thì hữu thủy nhưng vô chung; còn thời gian thì hữu thủy hữu chung. Nhưng sự khác biệt này là phụ thuộc, như đã nói trên (m.4), vì dẫu những vật được đo lường bằng trường cửu đã luôn luôn có và sẽ luôn luôn có, như một số người chủ trương; hoặc vào lúc nào đó chúng bị tiêu diệt - điều này Thiên Chúa có thể làm được - thì trường cửu vẫn khác với hằng cửu và thời gian. 

Có người cho ba thứ đó khác nhau ở chỗ: hằng cửu thì vô thủy vô chung; thời gian thì hữu thủy hữu chung bằng sự đổi mới và cũ mòn; còn trường cửu thì hữu thủy hữu chung không bằng sự đổi mới và cũ mòn. Nhưng lập trường này mâu thuẫn. Điều đó hiển nhiên nếu sự đổi mới và cũ mòn được qui về chính thước đo: vì “trước” và “sau” của sự lâu dài không thể có một trật, nếu trường cửu có “trước” và “sau”, thì khi phần trước của trường cửu lui đi, thì phần sau mới đến, và như vậy sẽ có sự đổi mới trong chính trường cửu cũng như trong thời gian. Nhưng nếu qui chiếu cho chính những vật được đo lường, thì vẫn có điều bất tiện. Bởi lẽ nếu một vật trong thời gian cũ mòn đi theo dòng thời gian thì đó là do sự hiện hữu của nó hay thay đổi; và do sự thay đổi của vật do lường mà có “trước”, “sau” trong thước đo, như thấy trong cuốn IV Phys. của Aristote. Vậy nếu chính vật trường cửu không cũ mòn cũng không đổi mới thì đó là do hiện hữu của nó không thể thay đổi. Như thế thước đo của nó không có “trước” “sau”.

Do đó, phải nói rằng, vì hằng cửu là thước đo hữu thể thường tồn, nên vật nào xa cách sự thường tồn của hiện hữu chừng nào thì cũng xa cách sự hằng cửu chừng ấy. Nhưng có những vật xa cách sự hiện hữu thường tồn, đến nỗi hiện hữu của chúng hệ tại chính sự thay đổi, hay ít ra lệ thuộc vào sự thay đổi: và những vật này được đo lường bằng thời gian, như trường hợp của sự chuyển động và hiện hữu của những vật hay hư hoại. Có vật ít tách xa sự hiện hữu thường tồn hơn, vì hiện hữu của chúng không hệ tại sự thay đổi, cũng không là chủ thể của sự thay đổi: nhưng có sự thay đổi đi kèm, hoặc trong hiện thể hoặc trong tiềm thể. Như thấy nơi các thiên thể, mà bản thể thì bất biến, nhưng sự bất biến này lại đi đôi với sự chuyển dịch về nơi chốn thấy nơi các thiên thần có hiện hữu bất biến đi đối với bản tính khả biến về sự lựa chọn, về tư tưởng, về cảm tình, và nơi chốn với cách thức riêng. Vì thế những vật này được đo lường bởi trường cửu, là điều ở giữa hằng cửu và thời gian. Hữu thể được đo lường bằng hằng cửu thì không thể thay đổi cũng không có thay đổi kèm theo. Như thế thời gian có “trước” có “sau”; trường cửu nguyên nó không có “trước” không có “sau”, nhưng “trước” “sau” có thể đi kèm theo nó; còn hằng cửu. Lai cũng thấy nơi các thiên thần có hiện hữu bất biến đi đối với bản tính khả biến về sự lựa chọn, về tư tưởng, về cảm tình, và nơi chốn với cách thức riêng. Vì thế những vật này được đo lường bởi trường cửu, là điều ở giữa hằng cửu và thời gian. Hữu thể được đo lường bằng hằng cửu thì không thể thay đổi cũng không có thay đổi kèm theo. Như thế thời gian có “trước” có “sau”; trường cửu nguyên nó không có “trước” không có “sau”, nhưng “trước” “sau” có thể đi kèm theo nó; còn hằng cửu không có “trước” cũng chẳng có “sau”, và tuyệt nhiên không thể chấp nhận “trước” “sau”.

GIẢI ĐÁP

1. Những thụ tạo thiêng liêng, xét về tư tưởng và cảm tình, là những điều hay thay đổi, thì được đo lường bằng thời gian. Cho nên trong sách đó thánh Augustino nói chuyển biến theo thời gian, tức là được đánh động bởi cảm tình. Còn hữu thể tự nhiên của các thụ tạo ấy thì được đo lường bởi trường cửu. Nhưng về thị kiến thanh nhàn, thì các vật ấy thông dự sự hằng cửu.

2. Trường cửu thì có toàn thể một trật, nhưng không phải là hằng cửu, vì “trước” “sau” có thể phụ đính vào.

3. Hữu thể của thiên thần, xét nguyên nó, không có sự phân biệt giữa “trước” và “sau”; chỉ có “trước” “sau” nếu xét theo những thay đổi phụ đính: Nhưng khi chúng ta nói thiên thần hiện có, đã có và sẽ có, thì sự khác biệt hệ tại cách thức ta quan niệm, vì trí khôn hiểu hiện hữu của các thiên thần bằng cách so sánh những quãng thời gian khác nhau. Và khi nói thiên thần hiện có hay đã có thì giả định rằng không thể nói ngược lại, dẫu Thiên Chúa toàn năng có can thiệp. Còn khi nói sẽ có thì chưa giả định gì hết. Vì trong trường hợp này, hiện hữu hay không hiện hữu của thiên thần lệ thuộc vào Thiên Chúa toàn năng, nên xét cách tuyệt đối, Thiên Chúa có thể làm cho thiên thần trong tương lai không còn nữa: nhưng Người không thể làm cho thiên thần không có khi hiện đang có, hay đã không có một khi đã có rồi.

4. Sự lâu dài của trường cửu thì vô hạn, vì không kết thúc với thời gian. Bởi vậy, nếu thụ tạo nào là vô hạn vì không bị giới hạn bởi một vật khác, thì không có gì là mâu thuẫn.

 


 MỤC 6
MỤC 4

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt