Triết học tôn giáo

Vấn đề 11. Về sự đơn nhất của Thiên Chúa. Mục 2

 

VẤN ĐỀ 11

VỀ SỰ ĐƠN NHẤT CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 2

“Một” và “nhiều” có tương phản nhau chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như “một” và “nhiều” không tương phản nhau. 

1. Điều đối lập nhau không làm thuộc từ cho nhau. Nhưng cách nào đó, mọi đa phức là “một”, như đã thấy trên đây. Cho nên “một” và đa phức không đối lập nhau.

2. Không chỉ được cấu thành bởi điều đối lập với mình. Nhưng “một” cấu thành đa phức. Cho nên “một” và đa phức không đối lập nhau.

3. Tương phản là tương quan một đối một. Nhưng tương phản với “nhiều”là “ít”. Cho nên “một” không tương phản với “nhiều” nữa.

4. Nếu “một” đối lập với đa phức, thì đối lập như điều không bị phân với điều bị phân chia; và nhiên hậu như khuyết phạp đối lập với sở hữu. Nhưng hình như đó là điều không thích hợp, vì như vậy “một” sẽ có sau “đa phức”, và phải nhờ “đa phức” mà được định nghĩa: nhưng “đa phức” phải nhờ “một” mà được định nghĩa. Như vậy câu định nghĩa sẽ trở thành lẩn quẩn, là điều không phù hợp. Cho nên “một” với “nhiều” không đối lập nhau.

NHƯNG. Lý tính của những vật nào đối lập nhau thì những vật ấy cũng đối lập nhau. Vậy lý tính của “một” hệ tại không thể phân chia; còn lý tính của đa phức hàm súc sự phân chia. Cho nên “một” và “nhiều” thì đối lập nhau.

LUẬN GIẢI. “Một” thì đối lập với “nhiều”, nhưng theo cách khác nhau. Vì “một” như khởi điểm của số thì đối lập với “đa phức” là số, như thước đo đối với vật được đo lường: quả thực “một” có lý tính của thước đo thứ nhất, còn số là đa phức được đo lường bởi “một”, như đã thấy. Còn “một” xét như chuyển hoán với hữu thể thì đối lập với “đa phức” theo lối khuyết phạp, như điều không bị phân chia với điều bị phân chia.

GIẢI ĐÁP

1. Không khuyết phạp nào hoàn toàn tiêu hủy hữu thể, vì khuyết phạp là thiếu hụt nào đó nơi chủ thể, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng mọi khuyết phạp đều cất mất hiện hữu nào đó. Vì thế nơi hữu thể, do tính phổ quát của nó mà sự khuyết phạp xây dựng trên hữu thể; nhưng điều đó không thể hiện nơi những khuyết phạp về mô thể đặc thù, như mô thể của thị giác hay của màu trắng, hoặc những điều tương tự như thế. Và những điều nói về hữu thể cũng đúng với những điều, có thể chuyển hoán với hữu thể, như “một” và điều thiện: như thiếu điều thiện thì phải căn cứ trên điều thiện nào đó, cũng như thiếu sự đơn nhất thì phải căn cứ trên “một” nào đó. Bởi vậy đa phức là “một” nào đó, và ác là điều thiện nào đó, và phi hữu thể là hữu thể nào đó. Nhưng những điều đối lập không làm thuộc từ cho nhau: vì một đàng là hiện hữu cách đơn thuần, còn đàng kia là hiện hữu theo khía cạnh nào đó thôi. Quả thực điều là hữu thể theo khía cạnh nào đó, như trong tiềm thể, lại không phải là hữu thể, nếu xét cách đơn thuần, nghĩa là trong hiện thể; hoặc điều là hữu thể xét cách đơn thuần trong phạm vi bản thể, là phi hữu thể theo khía cạnh nào đó, nghĩa là trong phạm vi phụ thể. Cũng vậy, điều thiện theo khía cạnh nào đó thì xét đơn thuần là điều ác, và ngược lại. Sau hết điều xét đơn thuần là một, lại là “nhiều” theo khía cạnh nào đó, và ngược lại.

2. Có hai thứ toàn thể: một là đồng tính, tổ hợp bởi những phần như nhau; hai là dị tính, tổ hợp bởi những phần khác nhau. Trong mọi toàn thể đồng tính, toàn thể thành nên bởi những phần có một mô thể, như mỗi phần nước đều là nước: điều liên tục cũng được cấu thành bởi những phần của nó như thế. Nhưng trong mỗi toàn thể dị tính, mỗi phần không có mô thể của toàn thể: không có phần nào của ngôi nhà là ngôi nhà, cũng không có phần nào của con người là người. Cái đa phức là một toàn thể nào đó. Vì mỗi phần không có mô thể của đa phức, nên đa phức tổ hợp bởi những đơn vị, như ngôi nhà bởi những phần không phải là nhà; không phải vì là những đơn vị tổ hợp nên đa phức theo lý tính của điều không bị phân chia, như thể đối lập với đa phức; nhưng theo đặc tính là thực thể, cũng như chính những phần của nhà làm nên ngôi nhà vì lẽ là những vật thể nào đó, chứ không phải vì là những cái không phải là nhà.

3. Có thể hiểu “nhiều” hai cách: Một là tuyệt đối: và như vậy thì đối lập với “một”. Hai là theo như dư thừa đôi chút: và như vậy đối lập với ít. Cho nên theo cách thứ nhất hai đã là nhiều; còn cách thứ hai thì không. 

4. “Một” đối lập cách khuyết phạp với “nhiều”, vì lý tính của “nhiều” là được chia ra. Vì thế phân chia phải có trước đơn nhất, không phải cách đơn thuần, nhưng do cách nhận thức của chúng ta đòi hỏi. Thực vậy, chúng ta nhờ những điều phức hợp mà nhận biết những điều đơn thuần: vì thế ta định nghĩa điểm là một hình không có nhiều phần, hay là chỗ khởi đầu của đường. Nhưng, theo cả cách thức nhận biết, đa phức đến sau “một”, vì chúng ta không cho những vật đã được chia ra là “nhiều”, nếu chúng ta không cho mỗi vật ấy một đơn nhất tính. Vì thế trong câu định nghĩa của đa phức có “một” tham gia; còn trong câu định nghĩa của “một” không có đa phức. Trái lại, ta hiểu sự phân chia như sự phủ nhận hữu thể. Thành thử, trước hết ta có quan niệm về hữu thể, thứ đến quan niệm về sự phân chia. thứ ba về “một”, thứ bốn về đa phức.


 MỤC 3
 MỤC 1

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt