Triết học tôn giáo

Vấn đề 11. Về sự đơn nhất của Thiên Chúa. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 11

VỀ SỰ ĐƠN NHẤT CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

MỤC 3

Phải chăng Thiên Chúa thì đơn nhất?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không đơn nhất.

1. Trong Thánh Kinh có chép: “thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều”

2. Không thể gán một, nguyên lý của số cho Thiên Chúa, vì không thể gán lượng nào cho Thiên Chúa. Cũng không thể gán một, như có thể chuyển hoán với hữu thể, vì hàm súc sự khuyết phạp, mà mọi khuyết phạp đều là bất toàn, không phù hợp với Thiên Chúa. Cho nên không thể nói Thiên Chúa thì đơn nhất.

NHƯNG. Sách Đệ Nhị Luật chép: “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa Thiên Chúa anh em thì đơn nhất”. 

LUẬN GIẢI. Có thể chứng minh Thiên Chúa là Đấng đơn nhất ba cách. Trước hết vì sự đơn thuần của Người. Hiển nhiên điều làm cho một vật thành đơn độc chính là cái này, bất khả hiệp lập với những vật khác. Điều làm cho Socrate là người thì có thể hiệp lập với nhiều người; nhưng điều làm cho Socrate thành người này thì chỉ có thể lập hữu nơi một người mà thôi. Nếu điều làm cho Socrate là người cũng là điều làm cho Socrate là người này, thì như không thể có nhiều Socrate, cũng không thể có nhiều người. Đây là điều phù hợp với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là chính bản tính của mình, như đã chứng minh trên đây. Vậy như Thiên Chúa và Thiên Chúa này cũng là một, thì không thể có nhiều Thiên Chúa.

Hai là do sự hoàn bị vô hạn của Người. Trên đây đã chứng minh rằng, Thiên Chúa gần thâu nơi mình mọi hoàn bị của hữu thể (vđ.4, m2). Giả dụ có nhiều thiên chúa, thì các ngài phải khác nhau. Cho nên có điều được thấy nơi vị này, lại không thấy nơi vị kia. Và nếu đây là sự khuyết phạp, thì một trong hai vị không phải là hoàn bị đơn thuần; còn nếu đây là sự hoàn bị, thì sẽ vắng bóng nơi một trong hai vị. Cho nên không thể có nhiều Thiên Chúa. Bị thuyết phục bởi chân lý đó, những triết gia cổ thời, vì khẳng định có nguyên lý vô hạn, nên cũng khẳng định là chỉ có một nguyên lý mà thôi.

Ba là, do sự đơn nhất của thế giới. Các vật hiện hữu, vật nọ phục vụ vật kia, tỏ ra chúng được phối trí với nhau. Nhưng những vật khác nhau không phối trí với nhau, nếu không do một điều phối viên duy nhất. Quả thực, nhờ một nguyên lý mà nhiều vật được xếp đặt theo trật tự cách hoàn hảo hơn là nhờ nhiều, vì “một” do tự thể là căn nguyên của một; còn “nhiều” chỉ do ngẫu trừ mới là căn nguyên của một, vì nó là một theo cách nào đó. Vậy, vì cái là đệ nhất thì hoàn bị nhất và do tự thể chứ không do ngẫu trừ, nên điều phối viên đệ nhất xếp đặt vạn vật theo một trật tự duy nhất phải là một mà thôi. Và đây là Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP

1. Chúa được coi là nhiều do sự sai nhầm của những người thờ nhiều thần, vì họ cho các hành tinh và trăng sao là chưa, hoặc mỗi phần địa cầu. Cho nên Thánh Kinh thêm ngay: “nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa...”

2. Ta không gán “một”, như nguyên lý của số cho Thiên Chúa, mà chỉ gán cho những chi hiện hữu trong vật chất. Vì một, như nguyên lý của số là thực tại số học, hiện hữu trong vật chất, nhưng như có trong trí tuệ là đã được trừu xuất khỏi vật chất. Còn một, như được chuyển hoán với hữu thể, là thực tại siêu hình phần nào, tức là hiện hữu mà không lệ thuộc vào vật chất. Dù nơi Thiên Chúa không có thứ khuyết phạp nào, nhưng tại lối nhận biết của chúng ta, Người chỉ được chúng ta nhận biết theo lối khuyết phạp hay giải trừ. Vì thế không chi cản trở để gán cho Thiên Chúa vài lối nói khuyết phạp, như phi vật thể, vô hạn. Cũng một cách ta nói Thiên Chúa thì đơn nhất.

 


 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt