Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 13

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 13

Phải chăng có thứ nhận biết Thiên Chúa

bằng ân sủng, trổi vượt hơn

thứ nhận biết bằng lý trí tự nhiên?

 

NGHI VẤN. Hình như không có sự nhận biết nào bằng ân sủng, trổi vượt hơn sự nhận biết bằng lý trí tự nhiên.

1. Dionysio nói: Phàm ai ở đời này phối hợp với Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn, thì phối hợp với Người như với điều mà mình hoàn toàn không biết; ông áp dụng điều đó vào Môsê, dù Môsê đã đạt được sự trác tuyệt đặc biệt trong nhận thức bằng ân sủng. Nhưng phối hợp với Thiên Chúa đang khi không biết Người là chi, thì nhận thức bằng lý trí tự nhiên cũng có thể đạt được. Cho nên Thiên Chúa không được chúng ta nhận biết đầy đủ bằng ân sủng hơn bằng lý trí tự nhiên

2. Như ta chỉ nhờ những giác tượng mới có thể nhận biết bằng lý trí tự nhiên những điều thuộc về Thiên Chúa, thì nhận biết bằng ân sủng cũng vậy. Quả thực, Dionysio nói: “ánh sáng thần linh chỉ có thể soi chiếu chúng ta trong tình trạng được bao che bởi đủ thứ màn linh thánh”. Cho nên bằng ân sủng chúng ta không nhận biết Thiên Chúa đầy đủ hơn là bằng lý trí tự nhiên

3. Trí khôn chúng ta phối hợp với Thiên Chúa bằng ơn đức tin. Nhưng xem ra đức tin không phải là nhận thức, vì thánh Gregorio nói: “những điều không nhìn thấy là đối tượng của đức tin, chứ không phải của nhận thức”. Cho nên không có sự nhận biết nào trổi vượt hơn về Thiên Chúa do ân sủng bổ sung cho chúng ta.

NHƯNG. Thánh Tông đồ nói: “Chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thánh Thần”, ấy là về những điều, mà không một ai trong các thủ lãnh thế gian này biết được, nghĩa là không nhà hiền triết nào biết, như lời Chú giải nói.

LUẬN GIẢI. Nhận thức mà chúng ta có về Thiên Chúa bằng ân sủng thì hoàn bị hơn là nhận thức bằng lý trí tự nhiên. Điều này có thể lý giải như sau. Nhận thức mà chúng ta có bằng lý trí tự nhiên đòi hai điều: ấy là giác tượng ta nhận được từ những vật khả cảm, và ánh sáng tự nhiên của trí khôn, nhờ đó từ những giác tượng ta trừu xuất ra những quan niệm. Nhận thức nhân loại được sự mặc khải của ân sủng trợ giúp về cả hai điều đó. Vì ánh sáng tự nhiên của trí khôn được kiện cường bởi ánh sáng ban xuống cách nhưng không. Lại đôi khi những giác tượng được kiến tạo cách thần linh, biểu thị những điều thần linh hoàn bị hơn những giác tượng mà ta nhận được cách tự nhiên từ những vật khả cảm, như thấy trong những thị kiến sứ ngôn. Đôi khi cả những vật khả cảm hoặc tiếng nói được hình thành cách thần linh để biểu thị một điều thần linh, như khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần được nhìn thấy dưới hình chim câu và tiếng Chúa Cha vọng ra: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17).

GIẢI ĐÁP

1. Mặc dầu nhờ mặc khải của ân sủng, ở đời này chúng ta không biết Thiên Chúa là gì, và như vậy chúng ta phối hiệp với Người như với điều ta không biết; nhưng chúng ta biết Người cách đầy đủ hơn vì những công hiệu vừa nhiều vừa cao trọng được giãi bày cho chúng ta; lại vì nhờ mặc khải chúng ta gán cho Người một vài ưu phẩm mà lý trí tự nhiên không thể biết, như một Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Ánh sáng của trí khôn trong con người càng cao cường, thì nhận thức của trí khôn - được thể hiện bởi những những giác tượng, do giác quan theo đường lối thông thường cung cấp, hoặc do Thiên Chúa kiến tạo trong óc tưởng tượng - càng cao trọng hơn. Vì thế nhờ sự phú ban ánh sáng thần linh qua mặc khải, từ những giác tượng ta đạt được nhận thức đầy đủ hơn.

3. Sở dĩ đức tin cũng là một thứ nhận thức, là vì nhờ đức tin, trí khôn được hạn định vào một điều khả tri nào đó. Nhưng sự hạn định vào một điều khả tri không phát xuất từ sự nhìn thấy của người tin, mà từ sự nhìn thấy của Đấng người ấy tin. Vì thế, xét như thiếu sự nhìn thấy, đức tin thua kém nhận thức khoa học: vì khoa học qui định trí khôn về một đối tượng bởi sự nhìn thấy và bởi thấu triệt những nguyên lý thứ yếu.


 VẤN ĐỀ 13
 MỤC 12

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt